Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Ông Nguyễn Sự nói gì về "Ký ức Hội An"?

Không hiểu sao một bài thế này đưa lên rồi lại bị hạ xuống ? Ủng hộ quan điểm của nhà văn Nguyên Ngọc và bác Nguyễn Sự. Phát triển kinh tế chỉ là biện pháp; mục tiêu chính phải là phát triển văn hóa, xã hội.
Ông Nguyễn Sự nói gì về "Ký ức Hội An"?
07/04/2018 (NLĐO) - Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) cho rằng không nên nhân danh bất cứ thứ gì để làm sai lệch lịch sử của một vùng đất. 
Cái thiếu sót chính của nhà sản xuất chương trình là không tham khảo ý kiến của người Hội An vì không ai hiểu Hội An bằng chính họ. Ông Sự tin rằng nếu các nhà sản xuất tỉnh táo lắng nghe và điều chỉnh cho phù hợp thì vở diễn sẽ tốt hơn và được đón nhận. Nếu chương trình này thành công sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa và du lịch một cách đúng nghĩa cho vùng đất Hội An, đó cũng là một đóng góp làm cho nghệ thuật tại Hội An thêm phong phú và đa dạng. 

Cảnh rước dâu trong Ký ức Hội An
Liên quan đến chương trình "Ký ức Hội An" được ra mắt và trình diễn tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) từ ngày 18-3 đến nay, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, trước đó ông có nhận được 2 vé mời nhưng vì bận việc nên không đi xem. Sau này, khi nghe nhiều ý kiến khen chê nên ông đã mua vé xem cho biết.

Chưa phải là Hội An

Theo ông Sự, "Ký ức Hội An" là chương trình nghệ thuật có địa chỉ hẳn hoi, cụ thể là nói về Hội An. Nghĩa là nói những sự kiện lịch sử, văn hóa đã từng diễn ra trên đất Hội An. Tuy nghệ thuật bao giờ cũng có sự biến tấu, hư cấu và mang tính ước lệ rất cao nhưng khi muốn tái hiện về một phần lịch sử của Hội An, nói về "gia phả" Hội An thì phải cẩn trọng, phải tôn trọng tính chân xác. 

Ông Sự bày tỏ một số ý kiến đối với nội dung, phân cảnh... Ví dụ, trong vở diễn có cảnh một người Chăm đi cưới một cô gái ở Hội An, có lính hầu đi theo thì người ta ngầm nghĩ đó là đám cưới của Huyền Trân Công Chúa với Quốc vương Chiêm Thành Chế Mân. Tuy nhiên, sự kiện đó không diễn ra ở Hội An, trong lịch sử không hề nói vấn đề đó. Còn nói đó là đám cưới của Công chúa Ngọc Hoa với thương nhân người Nhật lại càng không chính xác vì tất cả những người đàn ông đi rước dâu đều mang hình ảnh, văn hóa của dân tộc Chăm chứ không phải người Nhật. "Tôi không hiểu ý đồ của nhà sản xuất như thế nào nhưng có thể khẳng định hình ảnh lễ cưới đó diễn ra chỗ nào chứ không có trong sự kiện lịch sử của Hội An. Nếu nói là tái hiện một phần lịch sử Hội An thì tính chân xác về sự kiện phải đúng" – ông Sự bày tỏ.

Theo ông Sự, một số phân cảnh trong vở diễn mang ý đồ tái hiện lại một phần cuộc sống người Hội An nhưng nó chưa đúng và không sát, như việc sử dụng khung dệt lụa để thể hiện Hội An hình thành từ con đường tơ lụa, dệt nên những thứ huyền thoại và tốt đẹp nhưng phần này lặp đi lặp lại và kéo dài, dẫn đến sự nhàm chán. Hình ảnh các ghe thuyền chở đầy trái cây buôn bán trên sông nước thì giống như một cái chợ nước nổi nào đó ở miền tây Nam Bộ chứ không phải ở Hội An. Vì, "Hội An bán gấm bán điều, Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hành" đã in sâu vào tiềm thức không chỉ của người dân Hội An mà của cả Quảng Nam.


Ông Nguyễn Sự cho rằng những sự kiện lịch sử cần phải chân xác

Đồng quan điểm với nhiều người, ông Sự cho rằng yếu tố văn hóa Hoa, Nhật hay Ấn Độ, Bồ Đào Nha… tái hiện trên sân khấu là điều bình thường vì văn hóa Hội An là văn hóa đa quốc gia, là quá trình hội nhập. Hiện nay, trải qua bao nhiêu đời người Hoa vẫn còn khoảng 3.000 người ở Hội An. Kiến trúc của Hội An "rất Việt" nhưng trong đó cũng mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Nhật, người Hoa, người Pháp. Theo ông Sự, một sản phẩm nghệ thuật ra đời ở Hội An trước hết phải là một sản phẩm mang tính văn hóa rồi mới nghĩ đến vấn đề kinh tế. "Anh phải giải quyết bài toán văn hóa, đặc biệt nghệ thuật mang hơi hướng của lịch sử thì càng phải ứng xử với nó hết sức lịch sử và hết sức văn hóa. Rồi từ đó anh rủ rê người ta, giới thiệu để người ta hiểu Hội An rồi mới nghĩ đến chuyện lấy tiền. Hiểu Hội An một cách rất chân thực, có thể chưa đầy đủ nhưng phải chân thực, không thể hiểu Hội An một cách sai lệch được. Đừng nhân danh bất cứ gì, đừng nhân danh làm du lịch, cuốn hút du khách để làm sai lệch lịch sử. Thiếu tính chân xác thì bản thân nó sẽ làm hỏng ngay, nó không chỉ hỏng về mặt kinh tế mà hỏng về mặt văn hóa" – ông Sự nhấn mạnh.

Đừng để thành tả pí lù

Khẳng định du lịch Hội An bắt đầu từ văn hóa. "Một sô diễn mang tính phục vụ cho du lịch nhất thời thì thôi, đừng nói đó là "Ký ức Hội An", hãy dùng một từ khác đi. Anh đã nói là "Ký ức Hội An" thì anh cần tái hiện lại các giá trị văn hóa, lịch sử Hội An vì nó có địa chỉ đàng hoàng, đó là: Hội An. Trong nghệ thuật, anh có quyền hư cấu, biến tấu thậm chí tính ước lệ rất cao nhưng các sự kiện mà nó không diễn ra, chưa từng có ở Hội An thì đừng nên đưa vào; sự kiện có ở Hội An thì phải được phản ánh một cách chân xác, chân xác chứ không phải bê nguyên xi. Anh đừng lấy lý do làm du lịch mà bỏ đi tính chân xác của sự kiện của lịch sử, đó là sự ngụy biện. Làm du lịch tạo ra một sản phẩm không có văn hóa như vậy là hỏng, là vớ vẩn, nó sẽ trở thành một thứ tả pí lù. "Ký ức Hội An" thì phải là ký ức của vùng đất và con người Hội An chứ đừng nói chung chung" – ông Sự nêu quan điểm.


Một cảnh trong vở diễn Ký ức Hội An

Theo ông Sự, một chương trình nghệ thuật có chuẩn bị tốt đến mấy vẫn có những "hạt sạn", có sự gấp gãy. Đặc biệt chương trình nghệ thuật mang yếu tố lịch sử thì độ vênh càng lớn. Cái thiếu sót chính của nhà sản xuất chương trình là không tham khảo ý kiến của người Hội An vì không ai hiểu Hội An bằng chính họ. Ông Sự tin rằng nếu các nhà sản xuất tỉnh táo lắng nghe và điều chỉnh cho phù hợp thì vở diễn sẽ tốt hơn và được đón nhận. Nếu chương trình này thành công sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa và du lịch một cách đúng nghĩa cho vùng đất Hội An, đó cũng là một đóng góp làm cho nghệ thuật tại Hội An thêm phong phú và đa dạng.

Ông lấy ví dụ, ban đầu, khi Hội An xây dựng sản phẩm du lịch "Đêm phố cổ" đã bị người dân, dư luận "ném đá" rất nhiều. "Mình phải cố gắng lắng nghe và điều chỉnh. Chính sự điều chỉnh mà trải qua gần 20 năm, "Đêm Hội An" trở thành một sản phẩm văn hóa sau nó mới trở thành một sản phẩm du lịch. Nay nó vẫn đang tồn tại, sống được với người dân Hội An và sống được với cộng đồng du lịch thế giới. Điều tôi muốn nói là cái gì xuất phát từ văn hóa thì nó sẽ tồn tại và thành công. Sô diễn này cũng vậy, hãy đặt mục tiêu văn hóa cho đúng nghĩa của nó thì chắc chắn sẽ thành công" – ông Sự nhắn nhủ.

Góp ý của ông Nguyễn Sự rất đáng quan tâm
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, chương trình nghệ thuật thực cảnh mang tên "Ký ức Hội An" được giới thiệu có quy mô lớn nhất Việt Nam với không gian biểu diễn trải rộng 25.000 m², hơn 500 diễn viên tham gia, quy tụ đội ngũ cố vấn bao gồm những chuyên gia uy tín hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử như GS – KTS Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách phần âm nhạc; trang phục được cố vấn bởi họa sĩ nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ; giảng viên Thanh Hằng của trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội phụ trách biên đạo múa…

Dù thế, sau khi chương trình ra mắt vào đêm 18-3 đã vấp phải ý kiến trái chiều. Nhiều người nhận xét chương trình không mang hơi thở của Hội An mà mang hơi thở của... Trung Hoa cổ đại. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay những góp ý của ông Nguyễn Sự và nhiều người khác là rất đáng để quan tâm. Thông qua những ý kiến đó, nhà sản xuất sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Trần Thường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét