Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018

Đóa hồng hy vọng của tử tù Việt Nam

Đóa hồng hy vọng của tử tù Việt Nam
Đài Á Châu Tự Do (RFA) ghi nhận, trong số những người quan tâm đến công lý tại Việt Nam, ngày càng có nhiều tiếng nói được cất lên để kêu gọi Chính phủ hãy hành động khẩn cấp vì mạng sống của ba thanh niên Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, vì theo họ, như lời nhận xét của ông Thọ Nguyễn rằng “Những bông hoa với con giống sống động và có hồn thì chỉ có những người lương thiện mới có đủ kiên nhẫn và tình yêu cuộc sống để làm như vậy”.

Những cành hoa hồng và thư kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh.
Đài RFA ghi nhận 3 trường hợp tử tù tại Việt Nam chờ ngày thi hành án suốt hơn một thập niên kêu oan một cách vô vọng. Gia đình cả ba người cho rằng thân nhân của họ đang chết dần mòn trong nhà giam Việt Nam.

Sống không bằng chết

Những cành hoa hồng bằng chỉ màu được lần lượt gửi ra từ nhà giam suốt 13 năm qua, chứa đựng một nỗi khát khao sự sống vô biên của tử tù thanh niên Lê Văn Mạnh.

Anh Lê Văn Mạnh, 36 tuổi, ở Thanh Hóa bị tuyên án tử hình với cáo buộc hiếp dâm và sát hại một bé gái trẻ vị thành niên tại quê nhà, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân hồi năm 2005. Theo hồ sơ bản án sơ thẩm, vật chứng để buộc tội Lê Văn Mạnh là chiếc quần đùi rách được nghi phạm thay ra, vứt bỏ gần hiện trường khi đi mò xác nạn nhân và lá thư thú tội là thủ phạm gửi về cho gia đình sau khi bị bắt giam.

Bà Nguyễn Thị Việt, thân mẫu của anh Lê Văn Mạnh nói với RFA rằng chính quyền địa phương, vào ngày 20/04/2005, đến nhà đọc lệnh triệu tập anh Mạnh để phục vụ cho công tác điều tra, nhưng anh Mạnh bị bắt luôn và sau đó bị tuyên án tử hình. Bà Việt cho biết, khi trong xóm loan tin bé gái vị thành niên bị mất tích, cả bố và hai anh em của anh Mạnh cùng ra sông Cầu Chày để mò tìm xem bé gái này có bị đuối nước hay không. Việc lặn mò kéo dài cả đêm và sang đến hết ngày hôm sau. Mãi đến chiều tối thì có người phát hiện xác của nạn nhân ở bên kia bờ sông. Bà Việt nhớ lại:

“Sông nước cạn mà lội được, chuyền dây để đưa con bé sang bờ bên đây. Trong khi đi mò thì người ta trêu thằng Mạnh vì mò cả đêm không còn quần áo mặc, cuối cùng mặc cái quần đùi rách mặc đi. Đêm sau, các thanh niên mới nói rằng ‘Mạnh ơi, mi vất cái quần đùi đó được rồi’. Thế là thằng Mạnh đứng tụt quần đùi ra vứt luôn lên bụi tre, gần chỗ mới chuyển con bé sang và mặc quần dài luôn. Bao nhiêu người thấy. Vậy mà, khi công an về nhặt được cái quần thì bảo là vật chứng.”

Trong suốt hơn 10 năm qua, ba gia đình tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, chúng tôi đã bán hết ruộng vườn, cầm cố nhà cửa. Trong quá trình đi kêu oan khánh kiệt hết tài sản, không còn gì. Bây giờ những sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi rất cơ cực

-Ông Nguyễn Trường Chinh
Từ năm 2005 đến năm 2008, Lê Văn Mạnh đã trải qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm. Tại các phiên tòa, anh Mạnh đều phản cung, tố cáo đã bị điều tra viên và các bạn cùng phòng đánh bắt nhận tội, mặc dù anh có bằng chứng ngoại phạm, không có mặt lúc xảy ra án mạng. Anh Lê Văn Mạnh đã viết rất nhiều thư kêu oan, trong đó anh còn vẽ lại hình ảnh mình bị cùm hàng ngày suốt những năm tù đày cay nghiệt chờ bị xử tử. Trong một lá thư gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam, anh Mạnh viết:

“Đã nhiều đêm tôi phải sống trong sự chán nản vô cùng và tự mình tìm đến cái chết như các anh Cường, anh Biên. Các anh cũng chịu án tử hình như tôi, nhưng đã không chịu được sự thống khổ trong môi trường biệt giam này mà đã treo cổ tự tử. Nhưng mỗi lần tôi muốn tự tử thì tiếng trẻ thơ của hai đứa con tôi lại vang lên trong đầu ‘Bố ơi, bố đừng bỏ chúng con!’”.

Sau 10 năm tử tù Lê Văn Mạnh bị biệt giam trong tù, gia đình của anh được thông báo nếu muốn nhận xác thân nhân về an táng thì phải làm đơn gửi đến Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trước ngày 26/10/2015. Nhưng phút chót, lệnh hành quyết đối với tử tù Lê Văn Mạnh được tạm hoãn.

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan đến diễn tiến hồ sơ vụ án của tử tù Lê Văn Mạnh, Luật sư Lê Văn Luân, một trong sáu luật sư ở Việt Nam đã từng viết đơn đề nghị hoãn thi hành án đối với anh Mạnh cho biết không có cập nhật gì mới:

“Kiến nghị để thứ nhất là họ tạm hoãn thi hành án, thứ hai sau đó là ra giám đốc thẩm. Đương nhiên trong thời hạn 3 năm sau thì có hiệu lực. Tuy nhiên, việc giám đốc thẩm để kêu oan, xét lại vụ án thì không tính đến thời hạn. Chỉ cần tạm hoãn thi hành án đã là một thành công rồi. Sau đó còn xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án thì cơ quan tố tụng sẽ có quyết định cuối cùng.”

Hành trình kêu oan

Tủ tù Nguyễn Văn Chưởng làm các con thú kêu oan bằng túi nilon phế thải. Courtesy: Facebook Chuyện của Thịnh
Tương tự hoàn cảnh được tạm hoãn trước giờ thi hành án như tử tù Lê Văn Mạnh, còn hai tử tù thanh niên khác là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Nguyễn Văn Chưởng (sinh năm 1983) bị kết án tử trong vụ giết Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh ở Hải Phòng hồi năm 2007, mà anh Chưởng bị kết luận là kẻ cầm đầu. Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) bị tuyên tử hình vì tòa cho rằng anh Hải là hung thủ gây ra cái chết của hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở Long An, vào tháng Giêng năm 2008. Cả hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đều được tạm hoãn thi hành án tử hình hồi năm 2014.

Đồng hành với ba tử tù thanh niên, gia đình của họ đã khăn gói đi kêu oan cho con mình. Những lá đơn kêu oan được gửi đến các cấp, từ địa phương đến trung ương. Người cha với mái đầu bạc trắng, người mẹ với ánh mắt mỏi mòn, đứa con thơ bé bỏng không nụ cười trên môi trở thành những dân oan, cơm nấm gạo đùm, lê la cầu cứu trước trụ sở cơ quan công quyền ở thủ đô Hà Nội với nỗi thống khổ tột cùng không biết bao giờ thân nhân được minh oan. Ông Nguyễn Trường Chinh, thân phụ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng chia sẻ:

“Trong suốt hơn 10 năm qua, ba gia đình tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, chúng tôi đã bán hết ruộng vườn, cầm cố nhà cửa. Trong quá trình đi kêu oan khánh kiệt hết tài sản, không còn gì. Bây giờ những sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi rất cơ cực.”

Hành trình kêu oan cho con của ba gia đình còn gặp nhiều trở ngại như bị công an, an ninh bắt. Bà Nguyễn Thị Loan, thân mẫu của tử tù Hồ Duy Hải bị làm khó dễ khi bà làm thủ tục xuất cảnh đi Thái Lan để tìm công lý cho con mình ở cơ quan của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế. Sau bao năm cạn kiệt sức của lẫn sức người, giờ đây hành trang kêu oan của ba gia đình chỉ còn với niềm hy vọng tột cùng qua những cành hồng và con thú, được làm từ cọng chỉ và các túi nilon phế thải do bạn tù góp nhặt cho, mà tâm tư của các tử tù gửi trọn vào trong đó.

Tôi muốn nói đến việc có được bằng chứng hoặc có được những kết luận của cơ quan điều tra là hoàn toàn dựa trên tra tấn và ép cung. Người ta không chỉ ép cung người nghi can mà còn ép cung cả nhân chứng. Như vậy, các bản án đó cực kỳ là phi lý. Cho nên tôi thấy rằng việc hủy bỏ các bản án này là điều cần thiết và phải làm ngay

-Ông Thọ Nguyễn
Một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã trưng bày những vật phẩm này như là một thông điệp chuyển tải đến cộng động hãy đừng quên họ, những tử tù thanh niên đang mong mỏi từng giây phút được giải oan, được trở về xã hội để thực hiện những hoài bão và làm tròn bổn phận của mình với gia đình và đất nước. Ông Thọ Nguyễn, hiện đang cư ngụ tại Đức, đã rất xúc động khi bắt gặp các kỷ vật kêu oan của ba tử tù Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Từ đó, ông tìm hiểu nhiều hơn về ba vụ án này và ông kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng kêu oan cho họ. Ông Thọ Nguyễn nêu lên ý kiến cá nhân:

“Tôi muốn nói đến việc có được bằng chứng hoặc có được những kết luận của cơ quan điều tra là hoàn toàn dựa trên tra tấn và ép cung. Người ta không chỉ ép cung người nghi can mà còn ép cung cả nhân chứng. Như vậy, các bản án đó cực kỳ là phi lý. Cho nên tôi thấy rằng việc hủy bỏ các bản án này là điều cần thiết và phải làm ngay. Vì sao? Vì những thanh niên này đã bị giam quá lâu mà người ta đã mất hết tuổi trẻ của người ta rồi. Nếu còn chậm ngày nào thì còn hại cuộc đời của người ta ngày đó và lòng tin của người dân đối với chế độ và sự công bằng của pháp luật sẽ mất đi ngày đó.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, trong số những người quan tâm đến công lý tại Việt Nam, ngày càng có nhiều tiếng nói được cất lên để kêu gọi Chính phủ hãy hành động khẩn cấp vì mạng sống của ba thanh niên Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, vì theo họ, như lời nhận xét của ông Thọ Nguyễn rằng “Những bông hoa với con giống sống động và có hồn thì chỉ có những người lương thiện mới có đủ kiên nhẫn và tình yêu cuộc sống để làm như vậy”.

Hòa Ái
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét