TS Lê Hồng Sơn: Lý nào đánh thuế tài sản bất minh?
(Diễn đàn trí thức) - Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi đang được trình lên Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, trong đó có đề xuất đánh thuế 45% với tài sản bất minh. Một khi đã ấn định mức thuế 45% cho khối tài sản bất minh thì có nghĩa là 55% còn lại được hợp thức hóa... Đối với người dân bình thường, thì khi cơ quan Tư pháp muốn tước đoạt tài sản của họ thì phải chứng minh được tính bất hợp pháp của những tài sản đó. Ngược lại, đối với những người có chức, có quyền, những quan chức trong bộ máy nhà nước thì trách nhiệm chứng minh tài sản của mình có nguồn gốc hợp pháp thì trước hết đó phải là trách nhiệm của chính người đó. Một khi anh không chứng minh được những tài sản mà mình có được có nguồn gốc hợp pháp thì nhà nước và xã hội có quyền tước đoạt tài sản bất minh đó của anh. Đây là nguyên tắc rất cơ bản để xác lập cơ chế phòng, chống tham nhũng.
Phủ chúa ở Thanh Hóa
Tôi không hiểu vì sao?, lý lẽ gì để người ta đề xuất ra dự kiến đánh thuế 45% với tài sản bất minh, tài sản không chứng minh được nguồn gốc của quan chức trong Dự án Luật phòng, chống tham nhũng mà Chính phủ đã trình sang Thường vụ Quốc hội?.Bởi vì sao? Ai cũng biết, việc đánh thuế, căn cứ vào thu nhập và tài sản hợp pháp của đương sự. Một khi đã không chứng minh được tính hợp pháp của khối tài sản này thì rõ ràng không thể có cơ sở để xác định mức thuế.
Mặt khác, ai cũng hiểu, một khi đã ấn định mức thuế 45% cho khối tài sản này thì có nghĩa là 55% còn lại được hợp thức hóa, được công nhận, được coi như là tài sản hợp pháp của đương sự.
Tôi cứ băn khoăn mãi không hiểu dựa vào căn cứ nào, lý lẽ nào để người ta ấn định ra thứ thuế này, mức thuế này cho tài sản bất minh của quan chức?. Phải chăng, như nhiều người nói, đây chính là sự "ngụy biện của cánh ta"?
Về quan điểm cho rằng, vấn đề này cần phải "dựa vào quy trình tố tụng" để xử lý. Tức là đưa ra Tòa án để phán quyết thì tôi không phản đối nhưng lại băn khoăn ở một vấn đề rất lớn đó là, Tòa án phán quyết dựa trên nguyên tắc nào? Phải chăng là dựa trên nguyên tắc, cơ quan nhà nước phải chứng minh tính bất hợp pháp của khối tài sản này? Còn đương sự thì không buộc phải chứng minh, không buộc phải đưa ra căn cứ, lý lẽ để chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản bất minh mà họ có được?. Đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng.
Trước đây, tôi đã nhiều lần nói rằng, người dân bình thường, người không có vị trí, vai vế nào trong bộ máy nhà nước thì khi cơ quan Tư pháp muốn tước đoạt tài sản của họ thì phải chứng minh được tính bất hợp pháp của những tài sản đó. Nói nôm na là tài sản do phạm pháp mà có. Hành vi phạm pháp phải được cơ quan nhà nước chứng minh một cách đầy đủ, hợp pháp, hợp lý thì mới có cơ sở để tước đoạt tài sản của người dân bình thường trong xã hội.
Ngược lại, là quan chức, người có chức, có quyền, có đủ quyền lực để tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của xã hội, của nhà nước về cho mình, thì việc áp dụng nguyên tắc này là không phù hợp.
Đối với những người có chức, có quyền, những quan chức trong bộ máy nhà nước thì trách nhiệm chứng minh tài sản của mình có nguồn gốc hợp pháp thì trước hết đó phải là trách nhiệm của chính người đó. Một khi anh không chứng minh được những tài sản mà mình có được có nguồn gốc hợp pháp thì nhà nước và xã hội có quyền tước đoạt tài sản bất minh đó của anh. Đây là nguyên tắc rất cơ bản để xác lập cơ chế phòng, chống tham nhũng.
Cũng giống như nhà nước không buộc người dân bình thường phải kê khai tài sản của mình và chứng minh tính hợp pháp của những tài sản đó. Còn quan chức nhà nước thì phải có trách nhiệm kê khai tài sản và chứng minh tính hợp pháp đối với tài sản mà họ có.
Nếu có sự lẫn lộn, không rõ ràng ở đây thì rõ ràng nguyên tắc phòng, chống tham nhũng trở lên vô nghĩa, không có giá trị thực tiễn. Trong những năm 80 của Thế kỷ trước, đã có thời điểm chúng ta áp dụng nguyên tắc mà tôi vừa nêu một cách sai lầm, đó là Nhà nước buộc người dân chứng minh khối tài sản mình có được là tài sản hợp pháp. Còn nếu không chứng minh được đó là tài sản hợp pháp thì đó là tài sản bất minh và bị Nhà nước tịch thu (trích Chủ trương đánh tài sản bất minh....)
Ngày nay, có khá nhiều người nhắc đến thời kỳ đánh tài sản bất minh đối với người dân trong xã hội như một kỷ niệm buồn, một sự sai lầm mà hiện nay không thể để lặp lại. Đối với người dân trong xã hội, Nhà nước muốn tước đoạt quyền sở hữu tài sản của họ thì Nhà nước phải chứng minh được tính "bất hợp pháp" và phải qua con đường tư pháp, qua Tòa án.
Đấy là nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Không thể khác được. Nếu nhìn nhận từ góc độ của quan chức, người có chức, có quyền trong bộ máy Nhà nước, nếu áp dụng nguyên tắc này thì rõ ràng có vấn đề không ổn. Rất cần phải xác định nguyên tắc ngược lại đó là, chính đương sự, người có chức, có quyền phải chứng minh tài sản của mình có nguồn gốc hợp pháp hay không?. Nếu không chứng minh được thì đó là "tài sản bất minh" của quan chức. Nhiều nước đã áp dụng cơ chế tịch thu.
Còn ở Việt Nam hiện nay thì rất lúng túng, bởi vì người ta nhầm lẫn một cách cơ bản giữa tài sản của công dân và tài sản của quan chức. Công dân bình thường trong xã hội không có nghĩa vụ phải chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản của mình có được, còn quan chức thì phải áp dụng nguyên tắc ngược lại. Có như vậy thì chống tham nhũng mới mang lại kết quả thiết thực.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói tới một vấn đề khác đó là, khi xử lý vấn đề tham nhũng, cơ quan có thẩm quyền trong điều tra, xét xử thường hay buộc người đã khai ra hành vi đưa hối lộ và chỉ đích danh người đã nhận hối lộ là phải có căn cứ để chứng minh việc đưa và nhận hối lộ. Câu hỏi thường được cơ quan có thẩm quyền đưa ra là: "anh đưa hối lộ có ai chứng kiến không và có giấy tờ biên nhận không?".
Trời ạ, chỉ có đứa trẻ con thì mới đặt câu hỏi như thế. Ai đời đưa hối lộ lại đòi hỏi phải có người chứng kiến và phải có giấy tờ biên nhận? Dư luận có quyền nghi ngờ đây chẳng qua chỉ là câu hỏi để bắt bí người tố cáo, người đưa hối lộ và đồng thời để bao che, để giải thoát trách nhiệm cho kẻ đã nhận hối lộ. Nếu áp dụng nguyên tắc bình thường là phải có người chứng kiến, có giấy tờ biên nhận thì rõ ràng đây là một việc áp dụng nguyên tắc sai lầm, hoàn toàn không phù hợp với thực tế đưa và nhận hối lộ trong xã hội ta.
Đánh thuế tài sản bất minh: Hổng ở đâu?
Quay trở lại vấn đề tài sản bất minh, tôi xin nhắc lại, việc đưa ra cơ chế đánh thuế 45% đối với tài sản bất minh của quan chức là một dự định, một chủ trương hoàn toàn sai lầm, không thể chấp nhận được như trên tôi đã phân tích. Đồng thời cũng phải xem lại nguyên tắc xác định và xử lý đối với tài sản bất minh của quan chức thì mới đưa cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Trước đây tôi cũng đã nói tới vấn đề "quyền bí mật đời tư" khi buộc quan chức kê khai tài sản, buộc những người thân thích của quan chức như bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con của những quan chức này phải kê khai tài sản. Tại sao một quan chức lại áp dụng những nguyên tắc phổ biến, đời thường trong việc bảo vệ bí mật đời tư mà không áp dụng một cơ chế khác phù hợp với vị trí, vai trò của họ cũng như trách nhiệm của những người thân thích khi có người trong gia đình họ làm quan chức?.
Ví dụ, đưa nguyên tắc "bí mật đời tư" để không buộc những người thân thích, ruột thịt của quan chức, của người có chức, có quyền phải kê khai tài sản cũng là một tư duy, cách nghĩ ngụy biện, không thể chấp nhận được. Đây cũng là một kẽ hở mà công luận và nhiều người đã chỉ ra trong phòng, chống tham nhũng, để lọt người, lọt tội, làm cho cơ quan Nhà nước không có cơ sở, điều kiện để thu hồi tài sản mà kẻ tham nhũng đã chuyển cho bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con cái như một thủ đoạn để tẩu tán tài sản do tham nhũng mà có.
TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp LTS:- Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi đang được trình lên Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, trong đó có đề xuất đánh thuế 45% với tài sản bất minh. ,TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho rằng đây là một dự định sai lầm, không thể chấp nhận được. Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin đăng tải nguyên văn bài phân tích của ông về vấn đề này.
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ts-le-hong-son-ly-nao-danh-thue-tai-san-bat-minh-3355221/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét