Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Thật hay đùa: Dấu ấn Việt Nam trên đất Pháp

Nhiều đoạn trong bài này tôi tin "chăm phần chăm" là bịa. Ví dụ: "Theo bà Jeanniene Rubin, cách đây 45 năm, khi nhận được lời mời của chính quyền thành phố - “có thể đến để phục vụ cơm nước cho phái đoàn đàm phán Việt Nam sau giờ làm việc được không” - bà đã không ngần ngại mà nhận lời ngay, vì cảm thấy “thực sự vinh dự” và “được tin tưởng giao nhiệm vụ”.". Đúng là giọng điệu chỉ có duy nhất ở các nước cộng sản, thậm chí chỉ có ở VN. Không bà Tây nào nghĩ được các cụm từ “thực sự vinh dự” và “được tin tưởng giao nhiệm vụ” như tác giả gán vào mồm bà. Xem ảnh càng thấy buồn; chẳng biết đi đâu cho hết thì giờ kế hoạch trên đất Pháp nên đành đến thăm mấy ông bạn cộng sản Pháp ở một thành phố tin hin bé bằng 1 phường ở VN (diện tích 5,43km2 và dân số hơn 43 nghìn người). Từ Tổng bí thư, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội... tới hàng loạt Bộ trưởng vây quanh mấy ông bà cán bộ phường... Thăm cấp nhà nước, nhưng "Tổng Bí thư hy vọng, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Pháp, trong đó có hợp tác giữa thành phố Choisy - le - Roi với quận Đống Đa sẽ có những bước phát triển mới".
Dấu ấn Việt Nam trên đất Pháp
28/03/2018
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã đến thăm thành phố Choisy - le - Roi và gặp gỡ một số bạn bè Pháp tại đây. Trong không gian ấm cúng của Tòa Thị chính thành phố, những ký ức gắn liền với sự kiện 45 năm trước - đàm phán ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, đã được nhắc nhớ với tình cảm chân thành và sự yêu mến đặc biệt dành cho Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại Quảng 
trường

Hiệp định Paris, thành phố Choisy-le-Roi - Ảnh: Trí Dũng
“Nhiệm vụ của tôi là chuẩn bị những bữa ăn thật ngon cho đoàn…”
Nằm bên bờ sông Seine, phía Đông Nam ngoại ô Paris, Choisy - le - Roi cách trung tâm Paris hơn 10 cây số, thuộc tỉnh Val-de-Marne, Vùng hành chính Ile-de-France. Đây được mệnh danh là “thành phố cộng sản” từ đầu thế kỷ XX và Thị trưởng của thành phố là đảng viên cộng sản.

Trong quan hệ với Việt Nam, Choisy - le - Roi được gọi là “thành phố của tình hữu nghị và đoàn kết”, gắn bó với Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, từ tháng 5.1968 đến tháng 3.1973, đây là nơi diễn ra các cuộc đàm phán Hiệp định Paris giữa Việt Nam và Mỹ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong thời gian 5 năm này, chính quyền, các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và người dân thành phố đã dành những tình cảm quý mến, sự giúp đỡ tận tình cả về tinh thần và vật chất cũng như nơi lưu trú cho đoàn đàm phán của ta.


Hiện nay, tại thành phố có diện tích 5,43km2 và dân số hơn 43 nghìn người này còn lưu giữ nhiều kỷ niệm, di tích lịch sử gắn bó với Việt Nam. Đó là Tòa nhà trường đào tạo cán bộ của Đảng Cộng sản Pháp mang tên Maurice Thorez - nguyên Tổng Bí thư của Đảng, nơi Hội đồng Thị chính Thành phố đã dành riêng cho Phái đoàn Việt Nam ở miễn phí trong 5 năm tham gia đàm phán Hiệp định Paris. Ngôi nhà này được người dân Pháp yêu mến gọi là “Nhà Việt Nam”. Cũng trong những năm tháng lịch sử ấy, các bạn Pháp còn dành cho phái đoàn Việt Nam sự hỗ trợ về hậu cần, giữ gìn trật tự, cố vấn về nghi thức ngoại giao... Đó còn là căn nhà số 11 phố Darthe - nơi diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa Henry Kissinger và đồng chí Lê Đức Thọ, bên cạnh các cuộc họp công khai ở Trung tâm Hội nghị quốc tế tại phố Kleber...

Với những dấu ấn và sự gắn bó đặc biệt như vậy, trong phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, Choisy - le - Roi là thành phố của hòa bình, rất thân thuộc và có nhiều ý nghĩa với nhân dân Việt Nam, “như thể một phần đất nước Việt Nam” khi hai bên cùng kỷ niệm 45 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Vui mừng gặp gỡ những người bạn, người đồng chí vô cùng thân thiết với Việt Nam - những nhân chứng sống gắn liền với sự kiện 45 năm về trước, Tổng Bí thư chia sẻ sự bồi hồi, xúc động, đồng thời khẳng định, “các bạn chính là những tấm gương tiêu biểu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp tại thành phố Choisy - le - Roi này”.

Đã có nhiều câu chuyện được viết, nhiều mối liên hệ được hình thành gắn liền với thời điểm lịch sử khi Hiệp định Paris được ký kết. Cuộc đàm phán Hiệp định Paris từ năm 1968 đến 1973 gắn liền với cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của Việt Nam, với cuộc đấu tranh vì hòa bình và chính nghĩa của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ngày nay, nó đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của nhiều người Việt Nam cũng như người dân thành phố Choisy - le - Roi xinh đẹp và yên bình.

Trong không khí đầm ấm, thân mật của cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Đảng ta, bà Jeanniene Rubin, nhân viên cấp dưỡng và ông Max Staat, người lái xe của 45 năm trước đã xúc động ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên trong thời gian làm việc cho phái đoàn Việt Nam.

Theo bà Jeanniene Rubin, cách đây 45 năm, khi nhận được lời mời của chính quyền thành phố - “có thể đến để phục vụ cơm nước cho phái đoàn đàm phán Việt Nam sau giờ làm việc được không” - bà đã không ngần ngại mà nhận lời ngay, vì cảm thấy “thực sự vinh dự” và “được tin tưởng giao nhiệm vụ”. Ngay sau đó, cứ 18 giờ hàng ngày, bà gửi 2 con nhỏ cho mẹ trông nom giúp, và đến chuẩn bị bữa tối cho các thành viên phái đoàn Việt Nam. “Những bữa ăn lúc đó rất đơn giản và đạm bạc, không có gì cầu kỳ, chủ yếu là các món châu Á và Việt Nam”, bà Jeanniene Rubin cho biết. Và mặc dù khi đó không được thông tin gì nhiều, cũng không biết rõ ai giữ trọng trách gì, nhưng bà hiểu rằng, phái đoàn Việt Nam đến đàm phán về những điều vô cùng quan trọng và bí mật, cho nên, nhiệm vụ của bà là “chuẩn bị những bữa cơm thật ngon cho đoàn”... Nhớ lại ký ức của những ngày tháng “được làm công việc yêu thích”, “được phục vụ và giúp đỡ phái đoàn đàm phán của Việt Nam trong khả năng có thể nhất của mình”, bà Jeanniene Rubin nói rằng, “ngày nay, nếu có ai yêu cầu làm công việc như cách đây 45 năm, thì tôi vẫn luôn sẵn sàng”.

Cứ thế, qua câu chuyện bình dị của những người bạn Pháp, có thể cảm nhận một cách rất sống động về tình cảm, sự yêu mến cũng như tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhiệt thành, vô tư của những người bạn và nhân dân tiến bộ Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. 45 năm đã trôi qua kể từ sự kiện lịch sử đó, nhưng niềm tự hào của những người bạn Pháp được đóng góp một phần nhỏ bé cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam không những còn nguyên vẹn mà ngày càng được nhân lên gấp bội.

Việc ký kết Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi của quá trình đàm phán lâu dài, là kết quả tất yếu của những chiến thắng của quân và dân Việt Nam trên chiến trường đầy gian khổ, ác liệt. Đồng thời, đây cũng là thắng lợi của các phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, ủng hộ Việt Nam của nhân dân Pháp và thế giới mà người dân Choisy - le - Roi đã có đóng góp không nhỏ. Nhấn mạnh ý nghĩa này, thay mặt nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi đến người dân thành phố Choisy - le - Roi và nhân dân Pháp lời cảm ơn chân thành nhất. “Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của chính quyền cùng nhân dân thành phố Choisy - le - Roi trong việc lưu giữ các địa điểm, di tích lịch sử gắn liền với quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định Paris”, Tổng Bí thư xúc động.

45 năm đã trôi qua. Cảnh quan có nhiều thay đổi, con người cũng già đi. Choisy - le - Roi cùng những người đồng chí, người bạn Pháp thân thiết của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng như khẳng định của Tổng Bí thư, “lịch sử mãi mãi là lịch sử, ký ức được lưu giữ sẽ mãi mãi là dấu ấn trường tồn của mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Pháp”.

Viết tiếp câu chuyện lịch sử…

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Choisy - le - Roi luôn duy trì tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó với Việt Nam. Thành phố cũng đã kết nghĩa với quận Đống Đa, Hà Nội từ năm 1973, hỗ trợ quận Đống Đa tái thiết sau chiến tranh như tài trợ xây dựng trường học, trạm xá cho quận. Những năm gần đây, Choisy - le - Roi và quận Đống Đa còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục và trao đổi đoàn, như tổ chức cho học sinh trường Nam Thành Công sang thực tập tiếng Pháp tại các gia đình ở Choisy - le - Roi và học sinh Choisy - le - Roi tới Hà Nội giao lưu với học sinh trường Nam Thành Công.

Năm 2013, trong khuôn khổ tuần lễ kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris, tại Choisy - le - Roi đã khánh thành “Quảng trường Hiệp định Paris” và cột “Biểu tượng vì Hòa bình” với sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình. Quảng trường Hiệp định Paris được đặt tại con phố mang tên cựu Thị trưởng Thành phố Louis Luc, người đã dành những tình cảm và sự ủng hộ đặc biệt cho phái đoàn Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra đàm phán. Quảng trường được nối với Khu đô thị mới xây dựng của thành phố, và ở đó có một ngõ nhỏ mang tên “Đống Đa”… Tới đây, tại quảng trường này sẽ được triển khai một dự án mới mang tên “Ngôi nhà Việt” - lưu giữ và lan tỏa văn hóa Việt Nam tại thành phố Choisy - le - Roi nói riêng và trên đất Pháp nói chung.

Thông qua chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư hy vọng, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Pháp, trong đó có hợp tác giữa thành phố Choisy - le - Roi với quận Đống Đa sẽ có những bước phát triển mới. Các chi hội của Hội hữu nghị Pháp - Việt tại Choisy - le - Roi sẽ có nhiều ý tưởng mới thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Người dân Choisy - le - Roi, với tình cảm hữu nghị và yêu quý dành cho Việt Nam, sẽ có nhiều cách khác nhau để ủng hộ và hợp tác với Việt Nam. “Đó là cách mà câu chuyện lịch sử về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Pháp được làm nên và viết tiếp trong tương lai”, Tổng Bí thư khẳng định.


Ghi chép của Thanh Tâm
(Từ Thủ đô Paris)
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=403743

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét