Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

ẤN TƯỢNG VIỆT NAM QUA CHUYỆN ĐỜI ĐẠI SỨ

ẤN TƯỢNG VIỆT NAM QUA CHUYỆN ĐỜI ĐẠI SỨ
Trò chuyện với Đại sứ Vũ Hắc Bồng qua những mốc  quan trọng của đời ngoại giao
 Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện
Đại sứ Vũ Hắc Bồng ở tuổi 90 nhưng trò chuyện cùng ông sẽ thấy một trí tuệ sắc bén, sự bình tĩnh của người cán bộ ngoại giao như đang còn làm việc chứ không phải người cao tuổi nghỉ hưu ít thông tin. (Trộm ngắm thấy  ông da ngăm, rất  giống cựu Ngoại trưởng  Mỹ Colin Powell).
Kết quả hình ảnh cho Đại sứ Vũ Hắc Bồng
1.  CÂU CHUYỆN VIỆT NAM
Phóng viênXin ông tóm tắt ngắn những mốc chính cuộc đời ngoại giao….
Đại sứ Vũ Hắc Bồng :
*Là bộ đội từ miền Bắc. Năm 1955 vào đời ngoại giao xung công từ Ban Chỉ huy Quân sự tại Phụng Hiệp Cần Thơ, tư cách là chuyên viên.  Lúc đó là đấu tranh ngoại giao giữa ta và Pháp, chưa có Quốc tế. Đấu tranh và hợp tác để thi hành Hiệp định Geneve.

*Mốc 2 là tham gia Phái đoàn Khu phi Quân sự-Ủy viên đoàn đại biểu Quân sự Việt nam tại Ban Liên hiệp khu phi Quân sự giữa ta và Pháp năm 1956-57, tại  Vĩ tuyến 17. Giai đoạn này đấu tranh tay đôi nhưng bắt đầu có đa phương, có Quốc tế giám sát. Tính chất thời kỳ này là phối hợp ngoại giao và bảo vệ lực lượng cách mạng miền Nam bên kia Khu phi Quân sự. Đối ngoại phục vụ đối nội.
*Mốc 3 ra đi theo Quyết định đại sứ cuối cùng Bác Hồ ký tháng 5-1969 tại nhiều nước châu Phi và Mỹ Latin. Trong đời ngoại giao gặp nhiều cuộc đảo chính, ác liệt nhất trong đó có Chile. Là đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Chile và cũng là cuối cùng gián đoạn quan hệ ngoại giao sau đó 20 năm. Được tặng Huy chương của Chile.
*Mốc 4 là từ năm 1982 cho đến lúc nghỉ hưu 20 năm sau là Giám đốc Sở ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, trải qua giai đoạn Đổi mới mở cửa bang giao Quốc tế, phát triển kinh tế của Thành phố.
Phóng viênNăm 1968 ông đang làm gì ở đâu ạ ?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng:  Khi Mậu Thân diễn ra thì tôi đang là Vụ phó vụ miền Nam Bộ Ngoại giao (sau đổi thành Vụ 2), tại Hà Nội, theo dõi cuộc đấu tranh  ở miền Nam. Tôi không làm nhiệm vụ theo dõi chiến trường, mà theo dõi phản ứng quốc tế với phong trào miền Nam, cho nên cũng phải theo tình hình rất chặt Kết hợp ngoại giao với quân sự, phục vụ đấu tranh thống nhất đất nước . Gắn bó nhiều với ban Thống nhất của Chính phủ, có giao ban thường xuyên. Phải công bố với ngoại giao và báo chí nước ngoài về chiến thắng Mậu thân. Họp báo rất nhiều tại 71 Trần hung Đạo- trụ sở công khai của phái đoàn QĐNDVN bên cạnh UB Quốc tế. Tham gia đối thoại với phóng viên nước ngoài về tình hình  miền Nam.
Phóng viênLà người “đưa tình hình chiến trường ra thế giới “ thông qua ngoại giao và ngôn luận quốc tế” chắc ông phải tìm hiểu rất kỹ chiến thắng Mậu Thân ?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Đúng vậy. Ngoài diễn biến sát sao từng ngày, tôi còn phải biết rất nhiều câu chuyện cụ thể. vì giới nhà báo tò mò luôn muốn biết tất cả - kể cả câu chuyện bên lề. Thí dụ diễn biến trận đánh Sứ quán Mỹ, hay như tấm hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết anh Bảy Lốp ngay trên đường phố Sài Gòn, tôi phải tìm hiểu lấy tin từ miền Nam - lúc đó xa xôi, đâu nhiều phương tiện như bây giờ. Mình là ruột thịt,phải biết anh Bảy Lốp là ai, ở đâu, làm gì….
Phóng viênÔng thấy quốc tế lúc đó đánh giá về chiến thắng Mậu Thân như thế nào?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Nếu giở lại báo chí họ xuất bản ngày ấy thì thấy rất rõ. Khi tôi sang Ghi Nê năm 1969 thì rất ngạc nhiên thấy ấn tượng Mậu Thân với châu Phi. Tôi gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Tư tưởng Behanzin, ông nói say sưa: Chúng tôi và bạn bè châu Phi (Ghi Nê thuộc địa Pháp có lãnh tụ là Sékou Touré, tự hào như nước thay mặt châu Phi), coi tấn côngnổi dậy Mậu Thân của Việt Nam như một trái bom nguyên tử. (Mình nghe cũng…gớm ).
Ông ấy giải thích: Ai coi là gì thì tùy, với chúng tôi, đó là quả bom nguyên tử. Vì sao? Vì cuộc chiến đấu của Việt Nam cả thế giới theo dõi, thấy anh dũng nhưng tia sáng thắng lợi chưa có. Lo sợ, vì Mỹ đổ quân ào ạt vào, 38 rồi 68 ngàn rồi nửa triệu. Bộ máy truyền thông Mỹ dữ tợn. màu ảm đạm. Thế giới khâm phục thì có, nhưng có màu ảm đạm và lo lắng. Nặng nề. Thế mà đùng cái, hơn 40 thị trấn, thành phố bị tấn công. Thế giới đặt câu hỏi: Ở đâu ra lực lượng ấy, đánh cả Sứ quán, đài phát thanh, Dinh Tổng thống, sân bay, Bộ Tổng tham mưu……Chúng tôi trước khi khâm phục là bàng hoàng và ngạc nhiên.
Đến tháng 3 Tổng thống Johnson không ứng cử. Cho chúng tôi đáp số đầu tiên: Lực lượng Mỹ ở Việt Nam có vấn đề lớn.(Họ theo dõi cũng…gớm).
Phóng viênĐó là cảm tưởng của quốc gia thuộc địa. Còn các nước khác ạ?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Cảm tưởng chung là khâm phục. Nhưng anh nghèo tất nhiên nhìn khác anh nhà giàu. Họ quý trọng. Nghèo khổ thuộc địa, nó thấm. Tôi có giải thích và cung cấp thêm thông tin. Ở trong cuộc mới thấm thía về tác động chính trị lớn lắm. Tại sao Johnson không ứng cử, tại sao thay Wesmoreland, thay  tướng, lung lay thượng tầng…
Phóng viênNhưng  thưa ông, Mậu Thân được nhìn nhận là đỉnh cao nhất của chiến tranh Cách mạng, làm phá sản “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, chấm dứt ném bom, vào đàm phán, bước ngoặt quyết định cuộc kháng chiến… Bên cạnh đó, cũng có ý kiến tranh cãi, rút kinh nghiệm để tổn thất quá lớn, chậm chuyển hướng khi yếu tố bất ngờ không còn?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Ngay trong cuộc nói chuyện với ông Bộ trưởng Ghi nê tôi nói trên, ông ấy cũng hỏi: “Có điều tôi không hiểu được: Chắc chắn thiệt hại không ít.” Họ cũng nhạy bén. Ông ấy là Tiến sỹ Sorbonne mà. Lúc đó có tin tức về Đợt 2 thiệt hại nặng. Sau này, trong các văn kiện Đảng cũng có nhận định một số khuyết điểm.
(Nói đến đây, ông Bồng giở sổ ghi chép cá nhân ra đọc ) Đây này, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết đăng trên Tiền Phong Chủ nhật số 19 …. "tết Mậu Thân là bất ngờ, là sáng tạo, nhưng đề ra Tổng khởi nghĩa là không phù hợp và thực tế đã không diễn ra như vậy. Kéo dài tấn công vào thành thị khi không còn yếu tố bất ngờ, chậm chuyển về củng cố mở rộng giữ vững vùng giải phóng làm chủ nông thôn do đó gây nhiều khó khăn tổn thất nặng nề…”
Phóng viênDạo ấy, họp báo ông có gặp các câu hỏi “hắc búa“ của nhà báo nước ngoài không?
 Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Nhiều lắm. Như: quan tâm nhiều vấn đề viện trợ của Liên xô. Và nhiều cái họ không hiểu nổi, thí dụ làm sao đưa xe tăng 48 tấn vào Nam được. Rồi hỏi về đường ống dẫn dầu dài mấy ngàn km không dám biết, nhưng bị đứt, gãy nát do bom đạn thì làm sao sửa…
Phóng viênToàn bí mật quân sự chiến tranh, nhiều chuyện khó, ông trả lời thế nào ạ?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Nói sao được. Nhưng có cách nói khác, nói mà không nói, cho họ cảm nhận tinh thần anh dũng sáng tạo Việt Nam thôi. Tôi bảo, có những cái chúng tôi đang làm, phải 10-15 năm sau các ông sẽ thấy chứ nói ra bất lợi cho cuộc chiến. Nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti (người sau này  viết về Phạm Xuân Ẩn ) lúc đó bắt tay tôi, nói vui “Cũng như bí mật ngủ với vợ, đời nào nói nhỉ“ “Đấy, vậy sao còn hỏi làm gì ?” “Nghề tụi tôi là móc tối đa mà. Hỏi cứ hỏi. Không được là chuyện khác“.
Có lần, một nhà báo Philippine hỏi khá tò mò, tôi nhớ mãi anh ta. Hỏi thế này:Nước Nhật có đội quân máy bay Kamikaze- cảm tử, cất cánh là vứt bỏ bánh xe, không trở về đậu xuống. Đi đâm vào tàu chiến. Chúng tôi chỉ hiểu đó là cuồng tín fanatique-tử vì đạo. Việt Nam có chiến sỹ phá bom từ trường, lấp lỗ châu mai, cực kỳ can đảm. Nhưng tôi gọi đó là cuồng tín, ông chịu không ?
Tôi tâm sự: Ông đánh giá chuyện người Nhật thế nào là việc của ông. Nhật có cách giáo dục và cách làm của họ. Với chúng tôi chỉ có 2 cái này: Một là thái độ không khoan nhượng với kẻ thù, vì chính kẻ thù đã nuôi dưỡng nên lòng thù hận này. Ông biết những chuyện Mỹ Lai, chuyện ném bom, chất hóa học rồi. Thứ hai là Cụ Hồ nói câu tượng trưng cho lòng yêu nước và quyết tâm của con người Việt Nam: Để giành độc lập, thì dù có đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải làm. Độc lập của Philippine không quý à? Cũng sẽ có những anh hùng chứ. Việt Nam có 2 yếu tố đó, xả thân vì nước.
Tôi cứ chờ xem anh ta phản ứng gì, nhưng anh  im lặng.
2.  ẤN TƯỢNG VIỆT NAM.
Phóng viên: Ông đã tiếp từ Tổng thống đến quan chức cao cấp nhiều quốc gia. Sau này có bao giờ gặp lại ai có chuyện đáng nhớ không ?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Nhiều lắm không nhớ hết. Nhưng có 2 cuộc gặp với 2 phụ nữ Chile họ biết tôi làm Đại sứ ở đó chứng kiến Tân phát xít đảo chính giết Tổng thống Allende. Lúc đó họ mới ngoài 20, nay sau 40 năm còn sang Việt Nam và tìm tôi. Họ kể chuyện bị tù đày, bỏ trốn suốt đời đến nỗi không lấy được chồng. “Tôi ấn tượng ông người Việt Nam đầu tiên tôi gặp, điềm đạm chí tình với bè bạn quốc tế. Tôi ấn tượng Việt Nam. Có tới 400 phi công Mỹ đến bắn phá bị bắt nhốt. Lạ. Thế giới làm gì có.” Bà tặng tôi lá cờ Chile có đủ chữ ký mọi người trong gia đình.
Phóng viên: Đời làm ngoại giao, đón nhận nhiều biểu hiện khác nhau từ bạn bè quốc tế, ông có thể nói gì về ấn tượng và vị thế Việt Nam ?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Thời kỳ Kháng chiến, thời kỳ Cụ Hồ có thể nói hai chữ Vẻ vang và Tài tình (đối xử quốc tế, nhất là với Liên xô và Trung Quốc ). Khi tiến khi lùi. Tư tưởng đoàn kết. Việt Nam kiên cường trong đấu tranh thì rõ rồi. Việt Nam hết sức nhẫn nại trong nhiều biến cố lịch sử. Có những lần rút lui không tưởng tượng được (Đảng Lao động giải tán, rút bí mật ). Ngàn cân sợi tóc, quyết tâm ghê gớm.
Thế giới đầy biến động. Việt Nam có uy tín. Giai đoạn vẻ vang về chính trị, ngoại giao. Nếu không là chết, còn đổ máu nữa.
Phóng viênCòn thời hòa bình?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Giai đoạn hòa bình thì tôi chấm điểm Đổi mới 86. Phục hồi lại niềm tin trong ngoài nước, thoát khỏi sai lầm trì trệ, cho thấy CNXH không xơ cứng. 86 mở làn sóng mới.
Từ 86 đến nay, phải thẳng thắn nói có những cái nối tiếp và phát triển của 86 nhưng xuất hiện những trì trệ mới. Có những lạc hậu đang lún sâu. Trì trệ lạc hậu đáng nói nhất là không đào tạo xây dựng được con người, không vun xới tư tưởng của Cụ Hồ là trồng người. Đó là cái dở nhất. Mấy chục năm không xây dựng tính nhân văn, lối sống văn minh cho cán bộ, cho  lớp trẻ. Con người như thế cứ lao vào thị trường, kinh tế.  Cơ chế chính sách lạc hậu, thay đổi luôn. Nhiều chuyện ấu trĩ lạ lùng. cấp Bộ còn mắc nói chi cấp phường. Nhiều cái tìm một giải pháp không nổi. Không nói được đúng, sai.
Tiêu cực và tích cực đan xen, cái tích cực không rõ nét thắng nổi tiêu cực. Đòi hỏi Đổi mới lần 2. Chống tham nhũng  có nhiều  đại án đựơc lôi ra. Còn trung án, tiểu án đầy tràn lan, người ta thấy nó như ruồi muỗi. Xã hội lo lắng
Phóng viênCòn chuyện lớn thế giới, ông vẫn theo dõi chứ ạ?
Đại sứ Vũ Hắc Bồng: Vấn đề loanh quanh mấy nước lớn, tuy không làm mưa làm gió như trước đây, nhưng luôn tồn tạisự đọ sức tranh chấp quyền lực, dù khi căng khi nhặt. Nhưng khó xảy ra cuộc chiến lớn, vì nếu chiến tranh lớn sẽ không anh nào thắng anh nào thua. Tiếp nữa, tôi theo dõi cách chơi luật chơi với các nước lớn của một số quốc gia Một số nước có cách giữ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vì thế giới nay có rất nhiều dạng.
Việt Nam có chính sách cân bằng, không ngả hẳn về bên nào. Những anh nhỏ phải thế. Nhưng có một điều, phải tài nghệ và nghệ thuật. Liều lượng, sử dụng phương châm giữa đấu tranh và hợp tác, mức nào là vừa. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Làm quá giới hạn thì đúng trở nên cực đoan; mà sai thì đi đến hủy diệt, tiêu luôn. Bây giờ, “Tất cả, là giới hạn “.
Phóng viên: Xin cảm ơn câu chuyện hay và tâm sự rất đời thường  của ông - vị Đại sứ  dù bao nhiêu tuổi vẫn không xa rời thời cuộc.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (Thực hiện ).
NTNH gửi cho viet-studies ngày 12-1-18
http://www.viet-studies.net/kinhte/NTNgocHai_VuHacBong.html

Sự nghiệp

Vũ Hắc Bồng sinh ngày 01 tháng 10 năm 1927 tại Nghệ An, tên thật là Đậu Đình Phức[3]. Ông từng giữ chức vụ Tỉnh đội trưởng Hải Dương trước khi vào chiến trường Nam Bộ năm 1950[4].

Tham gia quân đội[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1945 đến 1946, ông hoạt động Việt Minh ở Vinh và vào bộ đội làm huấn luyện quân sự cho Bộ tổng tham mưu Quốc phòng.
Từ năm 1947 đến 1948 ông được cử về làm tỉnh đội trưởng Hải Dương chiến đấu ở vùng địch hậu và đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng. Năm 1949 ông vào đoàn quân Nam tiến làm phó ban tác huấn kiêm trưởng ban dân quân Bộ tư lệnh Miền Đông Nam bộ.

Hoạt động trong ngành ngoại giao[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1954, ông Bồng được phiên chế tại Ban Thi hành Hiệp định đình chiến Nam Bộ làm việc với phái đoàn quân sự Pháp trong thời hạn 300 ngày thực hiện tập kết. Sau khi tập kết ra Bắc, ông Vũ Hắc Bồng tiếp tục làm việc ở phái đoàn liên lạc quân sự Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp nghị Genève.
Năm 1954, ông được phụ trách công việc ở ban quản lý Hiệp định Genève. Năm 1962, ông được phong hàm Trung tá. Tháng 5 năm 1969, ông là một trong những đại sứ cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm đại sứ nước Cộng hòa Guinée[5](kiêm nhiệm Mali và Mauritanie). Ông đại sứ tại đây cho đến năm 1972[6].
Năm 1973, ông làm đại sứ Việt Nam tại Chile[6]. Từ năm 1976 đến 1981, ông làm đại sứ tại Angola (kiêm nhiệm Seychelles, Ghana, Ghi-nê Xích Đạo)[7]. Trong thời gian 12 năm đại sứ Vũ Hắc Bồng làm việc ở Guinée, Chile và Angola thì cả ba nước đều có đảo chính, vì vậy ông thường được gọi đùa là "Đại sứ đảo chính"[8].
Từ năm 1982 đến 2002, ông làm giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM và cố vấn cho Bộ Ngoại giao đến khi nghỉ hưu năm 2006[2]. Trên cương vị này, ông đã tham gia đón tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro và Tổng thống Pháp François Mitterrand, tham gia chương trình giải quyết nhân đạo, hợp pháp cho nhiều người Việt Nam đoàn tụ thành công tốt đẹp...[7],

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Vợ của ông là bà Phạm Thị Cúc, thư ký đánh máy của quân báo Nam bộ. Sau này bà lấy bằng kỹ sư điện tử Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông bà quen nhau ở Chiến khu Dương Minh Châu và làm đám cưới ở Chiến khu 1. Bà Cúc về hưu, với hơn 50 năm tuổi Đảng. Ông bà có hai con trai và một con gái[9].

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

  • "Ông có thể hài lòng nhìn lại một sự nghiệp với nhiều thành công lớn, một cuộc đời nghề nghiệp đã mang lại cho ông lòng kính trọng của mọi người..."_ Niels Sundvik, Tổng Lãnh sự Thụy Điển tại Việt Nam[4].
  • "Ở ông, các phẩm chất tốt đẹp nhất của "sĩ phu Bắc Hà" hòa quyện nhuần nhuyễn với chất "anh Hai Sài Gòn" nên ông có khả năng tiếp xúc rất đặc biệt với mọi người. Lại có khiếu hài hước sâu sắc nên người đối thoại với ông luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái._Vũ Chí Công, Đại sứ Việt Nam tại Cuba[8].
  • "... chính phủ Chile ghi nhận sự đóng góp của ông Vũ Hắc Bồng trong cương vị Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Chile trong những năm 1972, 1973. Năm nay, Chile và Việt Nam kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và đây là dịp thích hợp để nhìn nhận những đóng góp của Đại sứ Vũ Hắc Bồng trong việc phát triển tình hữu nghị hai dân tộc, vốn được củng cố và tăng cường qua thử thách và thời gian..."_Jorge Canelas, Thứ trưởng Bộ Thương mại Chile, Đại sứ Chile tại Việt Nam[12].
  • "Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ông giám đốc đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm để thăm anh em. Cái dáng chạy xe lết lết một chân lúc lên xe, xuống xe kiểu người Bắc ngày trước. Dù làm giám đốc sở và có tiêu chuẩn đi xe nhưng ông Bồng khi không có việc vẫn thường tự đạp xe đi về nhà chứ ít khi nhờ xe cơ quan"_ bà Lê Thị Lan Hương, chánh văn phòng Sở Ngoại vụ. Tp HCM[2].
  • "Trong suốt hơn 20 năm kể từ 1982-2006, ông là nhà ngoại giao đứng đầu cơ quan ngoại vụ của TP.HCM trong thời kỳ khó khăn nhất sau giải phóng. Trên cương vị là nhà ngoại giao, ông luôn xuất sắc ở khả năng xử lý tình huống, làm chủ tình hình. Trong giới ngoại giao, ông được coi là một tượng đài. Giới ngoại giao nước ngoài trong thời gian dài khi tới TP.HCM đều muốn được gặp "Mr. Bồng"..._ Trích từ Báo Tuổi Trẻ[8].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét