3 sự “quá ngưỡng” tại phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng
21/01/2018 VOV.VN - Có 3 sự "quá ngưỡng" khiến phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm đi vào lịch sử tố tụng với đầy đủ sắc thái "hỉ, nộ, ái, ố".
Bị cáo Đinh La Thăng
Thứ nhất là lời nói "quá ngưỡng”. Với quá khứ oanh liệt, những người yêu mến ông Thăng không khỏi bất bình khi nhìn thấy "nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị" bị còng tay hầu tòa, họ chưa quen với cảm giác ông Thăng đang mang thân phận bị cáo, khó chấp nhận bị cáo Thăng phải được bình đẳng với các bị cáo khác trước pháp luật. Trong khi đó, vây quanh ông Thăng là những luật sư tài giỏi mà không phải bị cáo nào cũng có thể thuê được.Rồi ông Thăng thể hiện khí chất: dám làm dám chiu, dám nhận tội thay cho cấp dưới trước Tòa. Vì thế cảm xúc bị dồn nén của những người yêu mến ông Thăng đã vỡ òa, không ít người xúc động gọi ông Thăng là bậc quân tử.
Trên mạng xã hội, bên cạnh những người coi ông Thăng là tội đồ, đòi nghiêm trị thì lại có những người cho rằng ông Thăng bị oan, có hẳn một facebook cần 10 triệu like cho ông Thăng trắng án.
Tôi tin những người câu like cho ông Thăng trắng án là chỉ để thể hiện lòng yêu mến của họ đối với ông Thăng mà thôi, chứ họ thừa biết Tòa xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nên có tới cả 10 triệu like thì cũng chẳng ích gì.
Bày tỏ lòng yêu mến của mình với người mình yêu mến dù dưới hình thức gì cũng là nét đáng yêu của cuộc sống; càng đáng trân trọng hơn khi công khai bảo vệ một bậc "chính nhân quân tử". Tuy nhiên, cuối cùng, khi được nói những lời để Tòa đi vào nghị án, tiếc thay ông Đinh La Thăng lại có những lời "quá ngưỡng" bậc "chính nhân quân tử".
Ngoài việc kể lể hoàn cảnh gia đình, ông Thăng còn nghẹn ngào xin được làm "ma tự do", xin đừng để ông phải "làm ma trong tù". Người quân tử ngẩng mặt dưới trời xanh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trong khi khung hình phạt tội "cố ý làm trái" của ông Thăng, kể cả vụ đại án tham nhũng sẽ xử tiếp theo, không có mức án tử hình.
Thứ hai, là lời nói "quá ngưỡng" thông thường của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Hồi ở Hậu Giang ông Thanh quen việc tiêu xài tiền tỷ trước đó, nên ông cũng đã có những hành vi không phù hợp với hoàn cảnh của mình. Với vị trí Phó Chủ tịch một tỉnh nghèo, lại là một Phó chủ tịch lách qui trình cán bộ luân chuyển của Trung ương, đáng lẽ ông Thanh phải khiêm nhường, ẩn thân, thì ngược lại, ông vẫn cứ sang chảnh xài xe lexus tư nhân gắn biển số xe công.
Kết cục của hành vi "quá ngưỡng" bình thường sang kỳ quặc này đã "động thổ" cho con đường dẫn ông Thanh đến phiên tòa hôm nay. Tại phiên tòa, ông Thanh tiếp tục "quá ngưỡng" khi kêu xin Tổng Bí thư hãy coi ông như con cháu trong nhà - một việc không nên và không thể nói đối với một bị cáo từng là cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh ở chốn pháp đình. Chưa dừng lại ở đó, ông Thanh còn tiếp tục "quá ngưỡng" khi xin Tòa trước khi thụ án hãy cho ông sang thăm vợ con ở bên nước Đức là nơi ông đã từng trốn sang hòng thoát tội, gây bao phiền lụy cho đất nước.
Thứ ba, là việc luật sư nói chuyển cho Tòa những lá thư của một vài người dân xin "đi tù thay" cho ông Thăng. Những lá thư, nếu đúng sự thật, thì đó là tình cảm đáng trân trọng của người dân dành cho thần tượng Đinh La Thăng của họ. Họ chấp nhận "đi tù thay" cho ông Thăng dù chưa biết Tòa sẽ phán xử ông Thăng bao nhiêu năm tù. Tuy nhiên, dù có trân trọng tình cảm thể hiện trong lá thư bao nhiêu đi chăng nữa thì ai cũng biết rằng những lá thư đó quyết không phải là bằng chứng pháp lý có ý nghĩa trong việc giúp Tòa lượng hình, định tội. Tình cảm "đi tù thay" của người viết thư dù có chân thành đến bao nhiêu thì pháp luật cũng không thể nào đáp ứng.
Luật sư bên cạnh việc bảo vệ thân chủ, còn có trách nhiệm bảo vệ pháp chế của đất nước, giúp Hội đồng xét xử ra được bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc chuyển những là thư xin "đi tù thay" của luật sư cho Tòa án suy cho cùng chỉ mang ý nghĩa thể hiện luật sư đã làm hết sức mình vì thân chủ mà thôi.
Hãy thể hiện trách nhiệm công dân giúp Tòa thực thi công lý theo đúng nguyên tắc "độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật". Đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là lợi ích của tất cả mọi người, của con cháu chúng ta.
Ngày mai Tòa sẽ tuyên án. Một bản án công minh, có tính răn đe, giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa từ phiên tòa hình sự không vành móng ngựa đầu tiên này sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta./.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và dấu ấn cải cách tư pháp
VOV.VN - Không thể phủ nhận, qua 10 ngày xét xử đã cho thấy, tính dân chủ, bình đẳng của phiên tòa cả về hình thức và nội dung.
Đoàn Quanghttp://vov.vn/blog/3-su-qua-nguong-tai-phien-toa-xet-xu-ong-dinh-la-thang-721517.vov
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét