Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Thắng lợi nhỏ bé của chiến dịch chống tham nhũng...

Vụ Đinh La Thăng, thắng lợi nhỏ bé của chiến dịch chống tham nhũng
Điểm lại những gì đã làm cho tới nay trong chiến dịch chống tham nhũng của tổng bí thư đảng cộng sản, giáo sư Vũ Tường cho rằng: “Tôi nghĩ đó là một thành công rất là bé nhỏ, vì vụ này có từ năm 2011 rồi, mà cho đến bây giờ mới được một mình ông Thăng và một vài người nữa như ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, tôi thấy chưa có cái gì là nghiêm trọng cả. Tất cả đều trốn thoát pháp luật và hạ cánh an toàn. Thành ra là tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ.

Ủy viên Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng (trái) đến tham dự lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. 
Đương kim ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ chính trị, chỉ sau vài ngày đầu của hội nghị ban chấp hành trung ương đảng lần thứ năm, khóa 12, diễn ra từ ngày 5 tháng 5 năm 2017.

Ông Thăng được cho là có nhiều sai phạm khi ông phụ trách Tổng công ty dầu khí Việt Nam, làm thất thoát rất nhiều tiền của. Nhiều nhân vật dưới quyền ông Thăng đã bị truy tố tội tham nhũng trước đó.

Đây được cho là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng được đương kim Tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng hô hào từ khi ông lên nắm chức vụ này.

Công cuộc chống tham nhũng của đảng cộng sản và ông Tổng bí thư có hiệu quả ra sao?

Chậm chạp trong quản lý và chống tham nhũng

Ngay trước khi hội nghị trung ương đảng lần thứ năm nhóm họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công cố cho báo chí quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả của phiên họp đầu tiên, theo báo chí Việt Nam, ông Thăng bị 90% các ủy viên trung ương đồng ý không cho ông giữ vị trí ủy viên Bộ chính trị.

Báo mạng Vietnamnet ngày 8 tháng 5 trích lời một nguyên ủy viên trung ương đảng là trung tướng Nguyễn Quốc Thước ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng là đã qui tụ được ý chí toàn đảng toàn dân trong công cuộc chống tham nhũng, và theo ông thì với tỉ lệ 90% sự nhất trí trong đảng về chống tham nhũng rất cao.

Tuy nhiên, cũng theo Vietnamnet, ông Thước có nói rằng vụ việc ở Tổng công ty Dầu khí đã được đưa ra hơn nửa năm, điều đó chứng tỏ có sự yếu kém của các cơ quan đảng và chính phủ.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam là giáo sư Vũ Tường, dạy khoa chính trị tại đại học Oregon Hoa Kỳ nói rằng vụ bê bối ở Tổng công ty Dầu khí Việt Nam còn có nguồn gốc lâu hơn nữa, từ năm 2011, thế nhưng người phụ trách nó là ông Đinh La Thăng lại được thăng tiến vào Bộ chính trị, và sau đại hội lần thứ 12 của đảng lại còn được giữ trọng trách Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư Tường nói rằng:

“Điều đó là điều cho thấy đảng Cộng sản mất rất lâu và rất là không có hiệu quả trong việc điều hành nền kinh tế và chống lại tham nhũng.”

Thắng lợi nhỏ bé

Ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư vào năm 2011, một năm sau ông Nguyễn Phú Trọng đã tái lập Ban Nội chính Trung ương với nhiệm vụ chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất cầm quyền của đất nước. Người đầu tiên đứng đầu ban này là ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó đứng đầu thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng như là một người dám nghĩ dám làm.

000_Hkg10250109-400.jpg
Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu: ông Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của ĐCSVN ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Tuy nhiên ông Nguyễn Bá Thanh lại là người bị tai tiếng về tham nhũng đất đai tại thành phố Đà Nẵng trong các dự án mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố này, theo tố cáo của ông Đỗ Xuân Hiền, nguyên Trưởng Ban Kinh tế thành phố Đà Nẵng với đài RFA hồi năm 2009.

Ông Nguyễn Bá Thanh đột ngột qua đời vào năm 2015.

Trước đó vào năm 2012, trong một hội nghị trung ương đảng, người ta nói rằng bộ chính trị dưới quyền chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng chính phủ. Lý do là ông Dũng phải chịu trách nhiệm về những vụ tham nhũng lớn của các tổng công ty nhà nước, hoạt động yếu kém của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên các ủy viên trung ương đảng đã bác bỏ.

Thông tin này chưa bao giờ được chính thức công bố, nhưng sau đó, ông Trương Tấn Sang nói với báo chí rằng Trung ương đảng đã không kỷ luật được một đồng chí ủy viên Bộ chính trị. Và người ta đoán rằng đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ - Giáo sư Vũ Tường 

Ông Nguyễn Tấn Dũng là người chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có Tập đoàn dầu khí.

Vào năm 2016, sau đại hội đảng lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hưu. Nhưng trong Bộ chính trị và chính phủ còn nhiều nhân vật quan trọng do ông Dũng bổ nhiệm và cất nhắc như các ông Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải.

Ngay sau đại hội 12 đầu năm 2016, đảng cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành một việc chưa có tiền lệ là cách chức một người đã về hưu là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, được bổ nhiệm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và là cấp trên trực tiếp của Tập đoàn Dầu khí.

Trong cùng thời gian, đảng Cộng sản cũng bắt đầu điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, cấp dưới của ông Đinh La Thăng ở Tập đoàn Dầu khí. Ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, và bị chính phủ Việt Nam truy nã về tội tham nhũng.

Điểm lại những gì đã làm cho tới nay trong chiến dịch chống tham nhũng của tổng bí thư đảng cộng sản, giáo sư Vũ Tường cho rằng:

“Tôi nghĩ đó là một thành công rất là bé nhỏ, vì vụ này có từ năm 2011 rồi, mà cho đến bây giờ mới được một mình ông Thăng và một vài người nữa như ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, tôi thấy chưa có cái gì là nghiêm trọng cả. Tất cả đều trốn thoát pháp luật và hạ cánh an toàn. Thành ra là tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ.”

Trong diễn văn khai mạc hội nghị Trung ương đảng lần thứ năm, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến bốn vấn đề cần phải phân tích: chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân và chỉnh đốn đảng. Trong đó hai lần ông đề cập đến tham nhũng ở mục doanh nghiệp nhà nước và chỉnh đốn đảng.

Trong tất cả các văn bản liên quan đến việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, không thấy đề cập đến chuyện tham nhũng, và người ta cũng chưa nói đến vị trí đương kim ủy viên Trung ương đảng của ông, cơ quan thực sự có cấu trúc như một quốc hội, có quyền quyết định nhiều chính sách của quốc gia.

Kính Hòa
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét