Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Một nhà văn lì lợm nhưng xuất sắc nhất đương đại

Một nhà văn lì lợm
Khai Q Nguyen - Trò chuyện với Nguyễn Bình Phương, ngôi sao ẩn dật của văn chương Việt Nam đương đại. Bên ngoài Việt Nam, gần như không ai biết đến Nguyễn Bình Phương; anh chỉ có một cuốn sách (Thoạt kỳ thủy) được dịch sang tiếng Pháp với số lượng in khiêm tốn là 2000 bản. Dù vậy, ở trong nước, anh được coi là một trong những nhân vật xuất sắc nhất của văn học Việt Nam đương đại, cùng với Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp.
Photograph: Nic Shonfeld
Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội nơi Nguyễn Bình Phương làm việc là căn biệt thự cũ ở số 4 Lý Nam Đế, trong khu phố cổ, đắm chìm trong không khí hoài cổ toát ra từ những căn nhà mang kiến trúc Pháp thời thuộc địa và cái sôi động của một Hà Nội mới năng động. Chúng tôi gặp nhau trong phòng làm việc của anh trên tầng hai của tòa nhà, nhìn ra mảnh vườn trước nơi hoa đại đang nở. Anh chào tôi, và, mặt rạng rỡ ngây thơ, khoe với tôi rằng anh mới viết xong một cuốn tiểu thuyết. Tôi là người biên tập sách của anh ở Nhà xuất bản Trẻ, và chúng tôi khá thân thiết với nhau qua nhiều lần tiếp xúc.
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 ở Thái Nguyên. Anh học xong phổ thông năm 1985, sau đó đi bộ đội bốn năm. Năm 1989 anh theo học trường Viết văn Nguyễn Du. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Bình Phương công tác tại đoàn kịch quân đội, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, sau đó làm biên tập viên rồi tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Bình Phương trải dài ba thập kỷ. Một số tiểu luận và truyện ngắn thời kỳ đầu của anh, đăng trên tờ Văn nghệ Trẻ, đã khiến anh trở thành người nổi tiếng trong giới văn chương và cũng gây ra nhiều tranh cãi. Từ những năm 1990, anh viết nhiều tiểu thuyết được giới phê bình đánh giá cao, trong đó có Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Người đi vắng (1999), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thuỷ (2005), và mới đây nhất là Mình và họ (2014)

Cho đến nay, Nguyễn Bình Phương đã có 8 tiểu thuyết và khoảng 6-7 tập thơ được in. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh, Mình và họ, được giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội. Một số nhà phê bình cho rằng anh là một trong số không nhiều nhà văn Việt Nam sáng tạo cấu trúc tiểu thuyết.

Nguyễn Bình Phương là nhà văn chọn lối sống trầm lặng, anh không mấy khi xuất hiện ở các cuộc tụ họp nhậu nhẹt của giới văn chương, cũng như không họp báo hay ra mắt, ký tặng sách rầm rộ và cũng ít trả lời phỏng vấn cánh truyền thông. Vì thế, tôi càng thấy mình may mắn có dịp được chuyện trò với anh thế này.

Anh đến với văn chương như thế nào?

Tôi đến với văn chương ngẫu hứng lắm. Hồi trẻ thì tôi vẽ, vẽ cũng tốt. Vào bộ đội thì tôi vẽ tranh cổ động. Cũng có năng khiếu hội họa, chứ thực ra hồi đi học thì tôi dốt văn lắm, toàn điểm thấp môn văn (cười). Trong quân ngũ thì cũng có những thời gian buồn, lẩn mẩn thì xoay sang viết lách. Vậy là thành nhà văn thôi. Ngẫu nhiên thôi chứ hồi bé là không có dính dáng gì đến văn học cả. Tôi thích đọc văn học thôi chứ không viết. Khi đi lính, có hôm mấy anh em cùng nhau ngồi đọc báo văn nghệ, đọc xong thì tôi có nói với một số bạn: “thơ thế này thì em cũng viết được.” Mấy người động viên viết. Rồi kỳ cạch viết, gửi đi và được in, dần dần lấn sang văn chương.

Và từ đó anh quyết định theo học trường Nguyễn Du?

Tôi viết, được in và cũng được mọi người đánh giá là có triển vọng. Sau đó trường Nguyễn Du chiêu sinh thì tôi đi học. Học xong trường Nguyễn Du thì chính thức theo nghiệp văn bút, chỉ có viết thôi, không theo họa nữa.

Tác phẩm đầu tay của anh ra đời trong hoàn cảnh nào? Tâm trạng của anh khi đó ra sao?

Tôi nhớ tác phẩm đầu tiên của tôi được in là ở báo Văn nghệ, một bài thơ. Dạo ấy in được ở báo Văn nghệ là oách chiến, mà người chọn in là nhà thơ Trần Ninh Hồ. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ in trên báo Văn nghệ và thấy mình viết cũng hay, thế là lao vào viết và gửi tiếp. Sau đó thì nhà thơ Nguyễn Đức Mậu chọn in bài của tôi ở Văn nghệ quân đội. Hai cú huých ấy làm tôi phấn chấn bước vào con đường văn chương.

Với anh, một bài thơ là…?

Thơ thuần tuý là cuộc chuyện trò, một cuộc chuyện trò ngang bằng với tất cả. Mọi đẳng cấp xã hội bị gạt bỏ khi đứng trước thơ, nếu có sự chênh lệch thì chỉ có sự chênh lệch của những giá trị được đón nhận. Mà giá trị ấy phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu nội tại của người đón nhận. Vì thế, tôi nghĩ có những lúc một người học nhận được ở thơ nhiều giá trị hơn một người có bằng cấp học vị cao, thậm chí đôi khi những kẻ thua trận lại tìm thấy ở thơ sức mạnh mà những người thắng trận không dám mơ tới.

Thơ là chính nhà thơ với sự nhân rộng lên trong một khoảnh khắc hứng khởi. Khi hứng khởi tan biến thì thơ lặn mất hút đi, ở nơi nào đó trong sự thăm thẳm khôn cùng của chính nhà thơ ấy. Thơ rộng lớn bởi sự chia nhỏ của từng cá nhân như thế. Và như thế, mãi mãi không có sự cố định, không có mẫu số chung cho thơ. Trong một tiểu luận tôi có viết: “Có thể kết luận này dẫn tới những phản ứng, nhưng tôi vẫn cho rằng nhà thơ là kẻ làm phân rã thế giới, xin hiểu chữ phân rã ở mức độ trìu mến nhất. Nói cách khác, thơ nới rộng khoảng cách giữa các thế giới quan, hơn nữa nó nới rộng kích thước của một con người và không ai đảm bảo chắc chắn rằng sự nới rộng này còn giữ được tính thống nhất chặt chẽ. Con người có thể bị phân chia khỏi chính mình thông qua khoảng cách của các cảm giác. Sự phân chia không có giới hạn, thậm chí càng chia nhỏ thế giới, thơ càng tồn tại lâu bền, bởi xét cho cùng thơ chính là những khoảnh khắc không lặp lại”.

Vừa viết văn vừa làm thơ, hai mảng này có liên hệ với nhau thế nào trong văn chương của anh?

Nhiều người cũng hỏi giống như anh, người ta băn khoăn giữa thơ và văn của tôi. Nghĩa là về tư duy văn và tư duy thơ. Có người phân biệt rất rạch ròi hai phạm trù này. Nhưng tôi thì không. Cuối cùng, tất cả đều là sáng tạo. Tôi cho rằng văn xuôi và thơ, ấy là thể loại, còn lại là nhu cầu của người viết. Ví dụ ở chỗ này ta thấy cần diễn đạt nó bằng thơ, còn có những chỗ cần diễn đạt bằng văn xuôi. Nó không khó như nhiều người vẫn tưởng. Nhiều người hỏi tôi có lúng túng không, thì tôi trả lời rằng không. Có những lúc cần diễn đạt bằng thơ. Thơ là những tia chớp của cảm xúc. Văn xuôi thì cần suy nghĩ nhiều hơn, phải đau đáu…

Anh viết như thế nào?

Khi viết tiểu thuyết, tôi không có đề cương. Thực ra con đường sáng tạo tiểu thuyết cũng khó hiểu lắm. Nhiều khi tôi cứ suy nghĩ vài năm mà cũng chưa định hình được, rồi một lúc nào đó ngồi vào, và viết. Một hôm nào đó đẹp trời, quyết tâm lên cao thì ngồi vào máy tính, và gõ. Lúc ấy là bắt đầu. Nhưng bắt đầu cũng chẳng quan trọng lắm, bởi vì khởi đầu một cuốn tiểu thuyết thường là vu vơ. Có thể 5-10 trang đầu không dùng được. Nhưng cứ gõ, cứ viết, đến một lúc nào đó ý tưởng mới thành hình dần.

Thơ cũng vậy, khi làm thơ, tôi không ghi ý, ghi tứ. Mà đó là những cảm giác của tôi. Thơ của tôi là cảm quan về thế giới, nhưng không phải thơ triết lý. Tôi rất thuộc thơ của tôi, từ những bài đầu tiên tôi viết mấy chục năm trước cho đến giờ. Vì sao? Bởi vì tôi làm thơ trong đầu, chứ không viết ra giấy và sửa. Tôi thường nghĩ đi nghĩ lại bài thơ, có khi 1-2 ngày, cũng có khi chỉ 1-2 tiếng, nhưng không viết ra. Sau đó viết lại, cái gì còn thì còn. Lúc gõ ra thì tôi chỉnh sửa rất kỹ, xoay đi xoay lại. Còn tiểu thuyết thì hơi khác một chút, đôi khi nó cứ lùng bùng trong đầu, lúc viết ra nó mới thành hình.

Làm sao để phát triển cốt truyện và nhân vật?

Lúc viết thì chỉ có trực giác thôi. Có khi ban đầu tôi định cho một nhân vật chết, nhưng sau đó, theo diễn biến câu chuyện, thì tính hợp lý không cho phép. Tôi không quyết định được ngay từ đầu số phận của nhân vật. Mà khi vào trong cuộc, sau đó là cả một quá trình, hàng loạt sự kiện đi theo, tôi mới biết được. Trường hợp ấy thì nhân vật lôi nhà văn đi. Những nhà văn viết bằng lý tính, họ vạch đề cương và có thể quyết định số phận nhân vật được. Nhưng tôi thì không, cuộc đời nhân vật sẽ quyết định chứ tôi không quyết định. Nếu có hiệu chỉnh gì thì chỉ là một chút về sau này thôi.

Anh sửa tác phẩm như thế nào?

Tôi sửa lâu hơn viết. Nhiều bạn bè đồng nghiệp như anh Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà đều nhận xét tôi viết rất kỹ. Có những cuốn sách tôi chỉ viết trong một năm thôi, nhưng sửa đến 3 năm, xoay đi lật lại. Có những cuốn nếu đem so bản thảo đầu tiên với bản thảo cuối cùng thì nó khác nhau một trời một vực. Tôi nghĩ với văn xuôi, và với thơ cũng thế, sửa quan trọng lắm, còn ở mức cảm xúc thì tôi cho là giống nhau, nhưng sự lì lợm, tỉnh táo để sửa thì khác nhau. Cơn điên thì ai cũng giống nhau, nhưng ngồi lì mà sửa thì mới thể hiện ra chuyên nghiệp, sâu sắc hay không.

Anh có đặt mục tiêu và lộ trình viết không?

Không. Nhà văn chuyên nghiệp là phải có lộ trình, có kế hoạch viết và định mức trong ngày. Theo tôi như vậy rất tốt, nhưng tôi không làm thế được. Tôi viết theo ngẫu hứng. Có hôm viết được nhiều, có hôm viết được ít. Nhưng một cuốn tiểu thuyết mà khi tôi đã bắt được nhịp rồi, thì tôi có thể ngồi vào viết từ sáng đến tối. Hôm sau nếu vướng việc thì lại phải bỏ. Trung bình thì cứ 3-4 năm tôi lại ra một cuốn sách. Đấy cũng có thể là một định mức lớn. (Cười)

Anh viết trên giấy hay trên máy vi tính?

Hồi xưa, mấy cuốn đầu, tôi viết trên giấy. Khi ấy vi tính chưa có. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi viết trên máy vi tính là Trí nhớ suy tàn, một cuốn khá mỏng. Hồi đó còn nghèo lắm, mua được cái máy vi tính cũ, thế là viết. Hồi đó là khoảng năm 1998-1999. Thực ra tôi thấy chuyển từ viết trên giấy sang viết vi tính không khó khăn lắm. Viết vi tính có cái thuận lợi: tôi sửa, xóa dễ, nó bắt tôi phải tập trung, không như viết tay. Viết tay tôi có thể gạch một chữ, sau đó không thích tôi có thể lấy lại được, nhưng viết vi tính xóa một cái là mất, nó tạo cho tôi một cảm giác thận trọng khi vứt đi cái gì đó. Viết vi tính chỉ có một cái bất lợi ấy là tôi chỉ viết được trên máy để bàn, như vậy thì không thể đi lang thang xách laptop đi viết được. Hơi gò bó, nhưng chính nó lại tạo ra thuận lợi là khi tôi viết tiểu thuyết thì tôi cần một không gian quen thuộc, được định vị cố định. Đôi khi tôi phải ngửi thấy mùi của căn phòng, nhìn thấy những đồ dùng quen thuộc, chỗ ngồi quen thuộc thì mới viết được.

Anh thường viết vào thời gian nào trong ngày? Ở đâu?

Hồi xưa, khi còn viết tay, và chưa có vợ, tôi viết ở nhà. Khi ấy tôi ở một mình một phòng, ngày tôi đi làm ở cơ quan, tối về tôi viết. Nhưng khi có gia đình và chuyển sang viết vi tính, tôi chủ yếu viết ban ngày, mà bởi vì là công chức, nên tôi viết trong giờ làm việc, sau khi đã giải quyết công việc xong. Nói đùa như bây giờ thì là “ăn cắp thời gian của Nhà nước.” (Cười) Về nhà thì tôi không viết nữa. Đặc biệt là khi đã có con, thì mình phải chơi với chúng. Ngoài ra, tôi cũng cố tạo cho mình hai không gian, một là không gian làm việc ở cơ quan, khi về nhà thì vứt hết công việc đi, chỉ còn lại con người sống với gia đình thôi. Như vậy đỡ mệt. Chứ khi ta mang suy nghĩ công việc về nhà, thì hai không gian ấy hòa làm một, sống rất mệt. Nhưng hiện nay, về căn bản tôi duy trì được hai trạng thái, một là con người công chức-nhà văn làm việc cật lực, hai là khi về đến nhà thì là người đàn ông của gia đình với những tình cảm gia đình.

Hai con người ấy khác nhau thế nào?

Hai con người ấy bổ sung cho nhau. Con người của công việc mà viết văn thì ưu tư hơn, mệt nhọc và đầy dằn vặt. Nhưng về gia đình thì lại là con người sống theo thăng trầm của không khí gia đình. Đối với tôi thì cuộc sống gia đình là thư giãn, bởi vì tôi không phải là người đem đời sống gia đình ra để viết. Thế nên tôi ít suy nghĩ về đời sống gia đình.

Những cuốn viết ở ngôi thứ nhất, nhân vật có phải là anh không?

Không phải đâu. Đấy chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, một điểm nhìn thôi. Chứ nhà văn viết cái gì thì cũng có anh ta trong đó, nhưng không phải tất cả là của anh ta, nếu thế thì nó trở thành tự truyện, và độc thoại. Nhà văn khác người khác ở khả năng phân thân: khả năng phân thân càng nhiều thì, theo tôi, nhà văn đó càng là nhà văn lớn. Bởi vì khi đó anh có thể đứng ở nhân vật này, khi thì đứng ở nhân vật kia, các nhân vật tách bạch nhau. Còn nếu anh không phân thân nổi thì tất cả đều là một, cách nói của nhân vật nào cũng đều là của anh cả. Nhà văn phải có khả năng tách ra, khách quan với nhân vật. Cho nên không phải cứ viết ở ngôi thứ nhất thì đó là tác giả. Kafka viết ở ngôi thứ nhất nhưng không có nghĩa là ông ấy là con bọ mà đó là điểm nhìn nghệ thuật.

Tác giả nước ngoài nào anh yêu thích? Có ai trong số đó ảnh hưởng tới suy nghĩ và văn phong của anh không?

Tôi chỉ thích tác phẩm thôi. Nhiều tác phẩm mà tôi thích chứ. Gần đây thì có Faulkner chẳng hạn. Ông ấy thì cổ điển rồi. Marquez cũng đọc nhiều. Thú thực mỗi ông tôi thích một tí, ông này thích ở điểm này, ông kia thích ở điểm kia. Nhưng có một vài cuốn sách mình thiện cảm thực sự, như cuốn Con lừa và tôi của Ramón Jiménez. Dù không phải là ảnh hưởng, nhưng sự vang vọng của nó cũng tác động đến tôi, thậm chí đến bây giờ.

Nhưng ảnh hưởng của một nhà văn khó lắm. Nếu anh chịu ảnh hưởng của một nhà văn thì cũng rất tốt, nhưng không dễ, theo tôi là vậy. Người ta hay nói nhà văn này ảnh hưởng nhà văn nọ nhà văn kia, nhưng điều đó không dễ một tí nào, vì mỗi nhà văn có một cái tạng. Và cuối cùng nghệ thuật đỉnh cao là gì? Là duy nhất. Ví dụ, nếu ai viết huyền ảo một tí mà nói là ảnh hưởng Marquez thì không phải đâu. Cũng như Kafka, ông ấy có cái chất như thế, không phải dễ mà ảnh hưởng được. Người ta có thể học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật. Và cái đó thì cần phải học, vì sao? Bởi vì Việt Nam về căn bản không hề có lịch sử bề dày về kỹ thuật tiểu thuyết. Chúng ta chỉ có kỹ thuật thơ thôi. Văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết, đối với người Việt là thể loại mới.

Với tôi, độc giả có 3 loại. Một loại đọc truyện thôi. Loại thứ hai, cao hơn một tí, thì đọc văn, lúc đó câu chuyện không quá quan trọng nữa. Văn hay, kết hợp với câu chuyện nữa thì người ta đọc. Loại thứ ba chính là các nhà văn, độc giả là những nhà văn, thì họ đọc kỹ thuật của nhau. Câu chuyện đối với họ không quan trọng nữa. Chuyện thì đầy nhóc. Về tổng thể thì loài người chỉ có vài ba cốt truyện. Tình yêu thì cứ như Romeo và Juliet, yêu nhau không lấy được nhau. Nhưng tại sao người ta vẫn viết mãi về tình yêu? Bởi vì kỹ thuật viết khác nhau, cảm nhận khác nhau.

Đối với tôi, tác giả vĩ đại thì phải vượt qua được tính thời thượng. Những tác giả thực sự lì lợm không cần quan tâm nhiều hay ít độc giả. Viết, chỉ có viết. Thì tôi thấy những tác giả ấy thực sự đáng sợ.

Tác giả lì lợm là những ai?

Tác giả lì lợm nhiều chứ. Như Kafka là thực sự lì lợm, viết xong còn đòi đốt đi. Cái nhu cầu nội tại của ông ấy thực khủng khiếp, viết ra được thôi, không cần để người khác đọc, thậm chí còn xui bạn khi ông ấy chết thì phải đốt hết bản thảo. Tất nhiên mỗi người một quan điểm. Tác phẩm văn học thì phải có người thưởng thức. Cũng đúng. Nhưng có những loại không cần gì cả, chỉ cần thể hiện ra thôi, thì ghê hơn.

Còn tác giả Việt Nam?

Việt Nam thì có Vũ Trọng Phụng. Nhưng văn của Vũ Trọng Phụng thì tôi không thích. Tôi thích văn của Nam Cao. Với mỗi ông, cái thích của mình không trọn vẹn. Nam Cao cũng có cái nhược điểm là rên rỉ về cái đói nhiều quá, loanh quanh ở đó. Tất nhiên dân tộc mình ở thời điểm đó thì đói, nhưng văn học, theo tôi hình dung, thì nó phải vượt lên cả cái đói. Nam Cao lại chỉ dừng lại ở cái đói, đói đi đói lại, rên rỉ. Nhưng văn của ông ấy thì hay, nhân vật hay, câu chuyện hay. Giá như ông vượt lên cái đói của dân tộc để vươn tới một cái gì đó. Vũ Trọng Phụng có nhân vật hay, phóng sự hay, Số đỏ cũng là kiệt tác, nhưng văn thì tôi không thích.

Có những cuốn sách khi nhắc ra thì độc giả không biết nhiều lắm, nhưng mà nó đã ghi vào trong đầu mình. Hồi học cấp 3, vô tình tôi nhặt được một cuốn sách trong nhà xí, là cuốn tiểu thuyết Nắng của Nguyễn Thế Phương (tác giả của Đi bước nữa). Cuốn đó mất mấy trang đầu. Tôi ngồi đọc và thấy rất hay, thế là lấy về. Rinh một cuốn tiểu thuyết từ nhà xí về. (Cười) Sau này, lâu lắm rồi, tôi ngồi nói chuyện với anh Bảo Ninh, nhắc đến cuốn đó, thì anh Bảo Ninh cũng rất thích.

Cuốn Những đứa trẻ chết già có nhiều yếu tố kỳ ảo, hoang đường. Nguồn cảm hứng nào khơi gợi anh tới những yếu tố đó?

Phải nói ngay rằng cuốn này thì một số nhà phê bình xếp nó vào văn học huyền ảo. Cũng có người nói rằng nó là thành công trong việc giới thiệu văn học huyền ảo của Marquez vào Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ yếu tố huyền ảo không phải là đặc sản của Mỹ Latinh. Dân tộc nào cũng có cái huyền ảo. Tính ma quái, tính ảo diệu, người Việt mình có chứ. Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, … Chính những truyền thuyết là quái đản, là huyền ảo chứ đâu. Dân tộc nào cũng có. Văn học khởi thủy theo tôi là huyền ảo. Không khí, đời sống tâm linh của Những đứa trẻ chết già không phải của Mỹ Latinh. Những cái miếu, con Nghê là của phương đông, đời sống ấy đã có cả nghìn năm chứ không phải đợi đến 30 năm trước mới du nhập văn học Mỹ Latinh. Huyền ảo là một cách gọi, nhưng những chi tiết hoang đường là sản phẩm của dân tộc.

Tại sao anh lại chọn con Nghê?

Nó là một con vật thiêng. Và đôi khi một lúc nào đó nhà văn thấy thích con vật đó, ta muốn nó sống dậy, thì ta viết nó thôi. Tôi thấy con Nghê đá cứ đứng bất động và tôi nghĩ một lúc nào đó thử cho nó chạy nhảy, múa may. Quyền của nhà văn là cho mọi thứ có thể sống mà. Dụng ý đôi khi đến từ những cái vớ vẩn như thế. Nhà văn, gọi một cách ngạo mạn, thì đôi khi anh ta giống như một Chúa trời nhỏ. Đó là không gian của ông mà, thì ông dựng lên thôi. Rồng cũng vậy. Và đấy chính là hoang đường.

Trong tác phẩm của anh, Thái Nguyên là bối cảnh trở đi trở lại nhiều lần, vùng đất này và quãng thời gian hồi trẻ anh ở đây có ảnh hưởng như thế nào đối với anh?

Thực ra mỗi nhà văn có một vùng đất. Cũng có người sinh ra, lớn lên và mất đi chỉ ở một vùng đất thôi. Nhưng cũng có người di chuyển. Tôi cũng là loại có thể đi lang thang. Nhưng vùng đất ở Linh Nham, Võ Nhai, Linh Sơn có ấn tượng với tôi bởi trong giai đoạn ấy, tuổi thơ của tôi ghi dấu ở đấy, về sau này tôi dồn tất cả thế giới về cùng đất ấy. Đó vừa là vùng đất ám ảnh, vừa là vùng đất lý tưởng của tôi. Tôi bám lấy nó, bởi vì với tôi, nó thiêng liêng, lạ kỳ. Chứ tôi sống ở Thủ đô này, cũng có thể viết về đô thị, nhưng mà không thích. Mỗi người có một vùng đất. Đối với tôi thì đó là vùng Linh Sơn, Linh Nham, Võ Nhai, Đồng Hỷ. Theo tôi đấy cũng là một cái may vì mình còn có được một vùng đất ám ảnh mình, mình còn yêu quý nó. Sợ nhất là nhà văn không có quê, không phải quê theo nghĩa văn bản lý lịch, mà là quê trong tâm tưởng.

Trong số các tác phẩm của mình, cá nhân anh thích tác phẩm nào nhất?

Mỗi cuốn có một cái hay của nó. Thường thường các nhà văn sẽ trả lời như thế. (Cười) Ít nhà văn dám nói tôi rất chán cuốn này, và rất thích cuốn kia. Nhưng trong các cuốn tiểu thuyết mà tôi có thể ngồi đọc lại một mình thì chính là cuốn Ngồi, nhưng trớ trêu là cuốn đó lại bị đánh giá thấp nhất. Thậm chí bạn bè tôi có những người chê cuốn Ngồi rất nhiều, người ta bảo Ngồi là một bước thụt lùi. Cuốn Xe lên xe xuống thì rất nhiều người thích, cho rằng nó là đỉnh cao trong giai đoạn này của tôi. Có thể là vì trong tiểu thuyết Ngồi, con người cá nhân của tôi được thể hiện nhiều nhất. Thậm chí có lúc nhân vật chính là tác giả. Nó có phảng phất không khí của tự truyện. Cuốn đó không phải ngôi thứ nhất, nhưng tác giả ở trong tác phẩm nhiều nhất. Và tôi thích nhất, tôi đọc đi đọc lại. (Cười)

Tại sao cuốn Xe lên xe xuống lại được xuất bản ở hải ngoại trước?

Bản thảo cuốn đó tôi gửi ở trong nước trước, đi đến 16 nhà xuất bản thì đều bị từ chối, từ to đến nhỏ. Tôi cũng gửi cho bạn bè đọc. Rồi người ta chuyển sang bên kia. Có nhà xuất bản của người Việt, Diễn đàn thế kỷ, họ in. Đó là bản in đầu tiên, nhưng với tôi bản công khai chính thức vẫn là bản in cách đây khoảng hơn hai năm.

Cuốn sách này được xuất bản ở Việt Nam với tên Mình và họ, hai bản này có khác biệt nhiều không ạ?

Không, không khác biệt lắm. Nhà xuất bản Trẻ chỉ cắt một câu thôi.

Sách của tôi đôi khi có một số phận cũng hơi long đong. Ví dụ cuốn Thoạt kỳ thủy, 9 năm sau mới được in. Khi sách ra thì dư luận đánh giá cũng rất ghê, cũng là một sự kiện. Nếu tiến lên trước 9 hay 11 năm thì sẽ khác. Nhưng do hoàn cảnh của đất nước, khó với nhà xuất bản. Sách của tôi cũng khó in. (Cười)

Tác phẩm mới của anh là về cái gì?

Tiểu thuyết của tôi thì rất khó tóm tắt cốt truyện. Truyện này xoay quanh mối quan hệ gia đình thôi, các nhân vật chỉ loanh quanh trong gia đình, trong bán kính vài cây số, không có di chuyển. Nhân vật của tôi là một người tính không bình thường lắm, tâm sự với một con chó, kể chuyện cho con chó, những chuyện đang xảy ra với con chó, để thấy nó cũng cô đơn, chẳng biết ai tâm sự ngoài con chó con con. Và nhân vật ấy đôi lúc cũng cũng giống như một ông thánh nào đó, những lúc nó nhập vào cái miếu, nhưng lúc bình thường thì nó là một thằng dở hơi, không làm gì ác, bị mọi người khinh rẻ. Thực ra chính tôi tóm tắt cuốn truyện cũng thấy khó lắm. Cuốn đó cũng có yếu tố ma quái, hoang đường, nhưng tôi giấu kỹ hơn những cuốn trước. Cách viết và cách nhìn nhận khác. Với mỗi cuốn tôi đều cố gắng viết cho nó rời xa nhau.

Anh cảm thấy như thế nào với tư cách nhà văn trong bối cảnh chính trị – xã hội này?

Ý anh là gì?

Anh có tự kiểm duyệt không?

Không, riêng tôi thì không. Tôi có một quan điểm rất rõ ràng là: khi viết thì không có gì trên đầu hết. Tôi chưa bao giờ tự kiểm duyệt. Với tôi, khi viết thì phải viết hết, in hay không là một việc khác. Chính vì thế mà có những cuốn như Xe lên xe xuống, đi đến 16 nhà xuất bản. Hoặc Thoạt kỳ thủy, mất đến 9-11 năm mới được in. Là bởi vì khi viết tôi không tự kiểm duyệt. Tôi nghĩ thế nào tôi viết thế đấy, viết đến hết thì thôi. Chính vì thế nên mới có những cuốn in khó, nhưng tất nhiên không phải cuốn nào cũng in khó. Có những cuốn ra là in ngay: Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Người đi vắng. Còn có những cuốn thì trầy vảy ra, chốt lại là bởi vì tôi viết thẳng.

Theo tôi, viết quan trọng hơn in. In thì không in lúc này thì in mai kia. In thì dễ ấy mà, viết mới khó. Một tác phẩm có giá trị thì chậm in 1 năm, 10 năm cũng không quan trọng gì. 10 năm đối với một tác phẩm văn học cũng có thể là dài, nhưng ngẫm ra, nếu nó thực sự có giá trị thì 10 năm cũng chẳng quan trọng lắm. 10 năm cũng có thể là ngắn nếu tác phẩm ấy có giá trị thực sự, còn nếu là tác phẩm xoàng thì 1 năm tuổi đời có khi cũng là quá dài. Tôi không nói về sách của tôi, vì như thế thì ngạo mạn quá. Nhưng về mặt lý thuyết thì như thế. Ví dụ, 10 năm đối với Chiến tranh và hòa bình chẳng là gì, 10 năm với Faust của Goethe cũng chẳng là gì. Thậm chí 100 năm. 100 năm với Truyện Kiều là gì?

Anh có suy nghĩ gì về văn chương Việt Nam đương đại, đặc biệt là của các tác giả trẻ?

Văn học bây giờ rất phong phú, có nhiều xu hướng, nhiều cách viết. Cũng là một trong những thời điểm khá tự do trong sáng tác. Dữ tợn như Nỗi buồn chiến tranh vẫn ra. Một nhà văn cũng dữ tợn, viết trực diện về đời sống như Nguyễn Huy Thiệp vẫn được in. Không khí sáng tác cũng không phải là gò bó lắm. Tôi cho rằng các nhà văn đã viết hết mình rồi. Vấn đề là nhà văn có tài không. Cái tài vượt lên mọi thể chế chính trị. Ngay cả thể chế chính trị cũng chỉ có thể tác động đến luồng chung thôi, chứ không tác động được đến những nhà văn lớn. Người ta sẽ tìm ra cách để thể hiện tư tưởng. Bằng chứng là Nỗi buồn chiến tranh vẫn ra, Nguyễn Huy Thiệp vẫn lên được đấy chứ. Thiệp là tay rất là xương với chính quyền Việt Nam. Thậm chí ông ấy tát cả vào mặt văn hóa truyền thống nhưng vẫn in được. Tất nhiên, nhiều ông muốn viết thẳng, nhưng sợ không viết được. Nhà văn tài thực sự thì họ vượt qua được. Thú thực, có rất nhiều nhà văn giỏi, nhưng nhà văn có tài thực sự, có thể đứng lên như một ngọn cờ, có sức cuốn hút văn học thì rất hiếm.

Đời sống văn học nói chung cũng sôi động, nhưng không có kiệt tác. Ngày xưa, các luồng tư tưởng không được nhiều đâu, mà vẫn có những người giỏi ấy. Nam Cao, Vũ Trọng Phụng không thể đọc nhiều bằng một anh nhà văn xoàng bây giờ. Nhà văn bây giờ có tri thức, vì được đọc, được tiếp cận đủ với các đỉnh cao của thế giới, không như ngày xưa, văn học dịch còn ít. Bây giờ các tác phẩm lớn của thế giới đã được dịch nhiều, Việt Nam đã gần như theo kịp đời sống văn học đương đại thế giới rồi. Tại sao bây giờ đọc nhiều hơn mà không lên được? Vì không có tài thôi. Cũng đáng buồn, nhưng không thể vội. Văn xuất hiện cũng như sóng ấy mà.

https://mekongreview.com/mot-nha-van-li-lom/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét