Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Bình luận về 'trách nhiệm của công dân' về thuế xăng dầu

Bình luận về 'trách nhiệm của công dân' về thuế xăng dầu
17 tháng 5 2017 - "Nếu có giải trình đúng về việc tăng thuế môi trường và việc thật sự dùng nó cho các hoạt động bảo vệ môi trường thì người dân sẽ chấp nhận," ông Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chính sách & Công nghệ từ Hà Nội bình luận với BBC về đề xuất tăng thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
Bản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM - Giới luật sư ở Hà Nội đang kêu gọi một triệu người ký vào kiến nghị phản đối tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng

Tuy nhiên, ông Đinh Tuấn Minh đặt câu hỏi về chất lượng tiêu chuẩn xăng dầu ở Việt Nam, và về việc sử dụng nguồn thuế bảo vệ môi trường này.

"Xăng tại Việt Nam hiện đang có chuẩn thấp hơn tại các nước và gây ô nhiễm môi trường, liệu khi tăng thuế thì có tăng chuẩn xăng hay không?

Cần đổi 'tư duy lo sợ hội nhập và tận thu thuế'

"Lâu nay cơ quan nhà nước chưa minh bạch đủ mức để người dân có đánh giá khách quan về chính sách cũng như phát ngôn liên quan đến vấn đề môi trường," ông Minh nói thêm.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ được báo Dân Trí dẫn lời: "Công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho ngân sách. Khi thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. Đây là trách nhiệm của công dân với đất nước."

Tranh cãi VN ký 'hớ' thuế xăng dầu
VN lần thứ 13 tăng giá xăng dầu trong năm

Ông Ruệ tuyên bố ông ủng hộ việc tăng thuế này, được xác định là 'thuế bảo vệ môi trường', cho mục đích 'bảo đảm nguồn thu ngân sách'.

"Chúng tôi rất ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên làm sao cho chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước," ông được Dân Trí trích lời.

'Vuốt đuôi chính sách'

Cùng ngày, chuyên gia Nguyễn Việt Khoa nói với BBC từ TP. Hồ Chí Minh: "Tôi cho rằng phát biểu của ông Ruệ không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các hội viên là các công ty xăng dầu cũng như không đại diện cho quyền lợi người tiêu dùng. Với vị trí của người đứng đầu hiệp hội, đáng ra ông phải đứng ra để phản biện chính sách, phân tích những điều bất hợp lý nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng, gánh nặng càng đổ lên mọi người dân."

"Việc nói theo chính sách, không hề có phản biện, phân tích mà còn như chất xúc tác làm cho các chính sách được thông qua nhanh chóng hơn, được ví như là "vuốt đuôi chính sách".

"Đây là một hiện tượng khá phổ biến hiện nay, theo quy định của Hiến pháp thì để ban hành một chính sách phải lấy ý kiến đối tượng bị tác động, mà hiệp hội là nơi cần tham khảo và có ý kiến để thể hiện sự đồng thuận từ người dân."

"Tuy vậy, thực trạng hiện nay là nhiều quan chức được giao nhiệm vụ đứng đầu các hiệp hội rất e ngại phản biện chính sách vì trước hết họ đã quen với việc là những người ra chính sách, hơn nữa họ phải nói và thực hiện theo đường lối chủ trương chính sách mà họ là thành viên."

"Để các hiệp hội đại diện thật sự của quyền lợi của hội viên thì người đứng đầu hiệp hội phải được lựa chọn từ những người có uy tín, có chính kiến và càng không nên bố trí các quan chức về hưu tham gia hiệp hội."
Hiện giới luật sư ở Hà Nội đang kêu gọi một triệu người ký vào kiến nghị phản đối tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.

"Chúng tôi - những công dân Việt Nam ký tên dưới đây được biết Bộ Tài Chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít lên 8.000 đồng/lít, và Chính phủ đã thông qua đề xuất này, hiện trình lên Quốc Hội để xem xét thông qua.

"Căn cứ vào khoản 1 Điều 28 Hiến pháp 2013: "Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước", chúng tôi phản đối đề xuất này và kiến nghị Quốc hội bác bỏ đề xuất tăng thuế này," bản kiến nghị viết.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Thương mại nói ông "không đồng tình việc tăng thuế để bù đắp giảm thuế nhập khẩu như một biện pháp lâu dài để đảm bảo nguồn thu ngân sách".

"Giảm thuế cũng là để các doanh nghiệp khác tham gia thị trường, tức tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, ổn định hơn, doanh nghiệp đầu tư vào nhiều hơn. Có như vậy mới là tạo nguồn thu ổn định, bền vững và Nhà nước thu nhiều hơn," báo này dẫn lời ông Tuyển.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39934449

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét