Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Việc làm, thất nghiệp và thị trường

Việc làm, thất nghiệp và thị trường
Muốn tạo ra hàng triệu thứ có tên là “việc làm” thực chất rất dễ (vì vậy khái niệm thất nghiệp không tồn tại ở chế độ cộng sản như Liên Xô trước đây), đặc biệt khi kinh tế tập trung kế hoạch hóa của nhà nước làm điều này. Nhưng hậu quả là năng suất của mỗi công việc sẽ cực thấp và đất nước về lâu, về dài sẽ tụt hậu. Vì vậy, trách nhiệm của chính phủ không phải ở việc tạo ra bao nhiêu việc làm. Bất cứ chính trị gia nào hô hào tôi lên sẽ tạo ra việc làm (một cách trực tiếp) là lừa đảo. Trách nhiệm của chính phủ làm đảo bảo môi trường tốt nhất, năng động để có việc làm với năng suất cao là môi trường tự do kinh tế.
Bài này chúng ta sẽ không nói về các khái niệm, lý do đã từng nói nhiều lần và rất phức tạp. Ví dụ, khái niệm “thất nghiệp” là gì thực ra không đơn giản. Một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ đưa ra 6 cách định nghĩa khác nhau, chưa kể cách thống kê còn thêm bớt, xóa sửa nhằm mục đích làm đẹp các con số chỉ số thất nghiệp. Vì vậy, con số chính thức chỉ có tính chất tham khảo, nói láo cho vui. Các tổ hợp tài chính đều những chỉ số riêng của họ với một nguyên tắc cơ bản “tin chính quyền là…bán nhà”.

Để thuận lợi, chúng ta tạm định nghĩa “việc làm” là một sự quy đổi của thời gian nhàn rỗi để làm một việc gì đó kiếm được thu nhập (hay bất cứ lợi ích nào) nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân người đó. Người thất nghiệp là người không có được việc làm theo định nghĩa việc làm nói trên.

Muốn giảm tỉ lệ thất nghiệp, thì phải tạo ra nhiều “việc làm”. Đó là lý luận dễ hiểu và đơn giản. Nhưng nếu nghĩ kĩ thì sẽ chẳng đơn giản, lý do với từ “việc làm”, chúng ta cần xem xét cụ thể là làm cái gì và tạo ra thu nhập thế nào? Nói một cách đơn giản, nếu một việc làm tốn thời gian cả ngày mà không đủ nuôi sống bản thân người đó (chứ chưa nói đến gia đình) thì đó có được xem là việc làm?

Kinh tế gia lẫy lừng Milton Friedman từng hỏi một quan chức Tàu cộng, tại sao lại cho công nhân cuốc đất bằng xẻng mà không bằng máy ủi?

Quan chức Tàu trả lời vì ông ta muốn tạo ra việc làm (hiển nhiên nếu dùng máy ủi thì sẽ cắt giảm hàng trăm công nhân). Vậy tại sao nếu mấy anh muốn tạo ra việc làm thì không dùng muỗng đào đất?

Vấn đề ở đây, bản chất của việc làm không phải vì nó tên là “việc làm” mà ở năng suất thực sự của nó (hay nôm na là của cải vật chất mà công việc đó tạo ra). Đó mới chính là cái quan trọng.

Nếu muốn tạo ra hàng triệu thứ có tên là “việc làm” thực chất rất dễ (vì vậy khái niệm thất nghiệp không tồn tại ở chế độ cộng sản như Liên Xô trước đây), đặc biệt khi kinh tế tập trung kế hoạch hóa của nhà nước làm điều này. Nhưng hậu quả là năng suất của mỗi công việc sẽ cực thấp và đất nước về lâu, về dài sẽ tụt hậu.

Vì vậy, trách nhiệm của chính phủ không phải ở việc tạo ra bao nhiêu việc làm. Bất cứ chính trị gia nào hô hào tôi lên sẽ tạo ra việc làm (một cách trực tiếp) là lừa đảo. Trách nhiệm của chính phủ làm đảo bảo môi trường tốt nhất, năng động để có việc làm với năng suất cao là môi trường tự do kinh tế.

Ở môi trường đó, các doanh nghiệp cũng chẳng có nghĩa vụ hay trách nhiệm phải tạo ra việc làm. Họ cho bạn làm việc vì nguyên nhân đơn giản, do lợi ích riêng của họ. Lợi ích của họ ở đây là khi thị trường (xã hội, người dân) có nhu cầu về một sản phẩm, của cải vật chất nào đó, thì doanh nghiệp có thể kiếm lời từ việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu đó. Vì mục đích kiếm lời nên họ mới thuê người làm và qua đó tạo ra việc làm. Adam Smith gọi điều này là “bàn tay vô hình”, chính sự tư lợi của giới chủ doanh nghiệp đã dẫn đến nhiều người được hưởng lợi, trước tiên là người dân-người tiêu dùng, kế đến là giới làm công ăn lương.

Từ đây, cũng dễ hiểu một điều, nguyên nhân mất việc không phải ở việc giới chủ độc ác, muốn thay con người bằng máy móc mà nằm ở lẽ, nhu cầu đòi hỏi của thị trường thay đổi. Các doanh nghiệp phải theo kịp nhu cầu đó nếu không họ sẽ bị đào thải. Nói cho dễ hiểu, chẳng hạn nhu cầu của người dân-người tiêu dùng, đòi hỏi một cái smartphone phải càng ngày càng rẻ. Chính nhu cầu đó dẫn đến bài toán sống còn cho các doanh nghiệp, phải sản xuất smartphone với chi phí thấp nhất. Mà muốn sản xuất thấp nhất thì phải cải thiện năng suất bằng nhiều cách như đổi mới phương pháp sản xuất, kĩ thuật hóa cao hơn và hay đưa sản xuất đến nơi rẻ nhất, qua đó trực tiếp cắt giảm công ăn việc làm của những người có năng suất thấp, hay đòi lương cao, không theo kịp đòi hỏi của thị trường.

Vậy kĩ thuật và khoa học thay đổi thì thất nghiệp càng ngày càng nhiều? Sai! 

Vì cái mất không bằng cái được! Trở ngược lại vấn đề, khi người ta tiêu ít tiền hơn cho cái smartphone thì số tiền dư ra sẽ được dùng vào việc khác, có nghĩa phải xuất hiện những doanh nghiệp mới đáp ứng nhu cầu phụng sự cho việc khác này. Nghĩa là, có ngành sản xuất mới xuất hiện và hiển nhiên, thêm việc làm mới với năng suất cao hơn.

Quá trình tạo ra việc làm là một quá trình vận động liên tục và quá trình đó càng ngày càng nhanh. Nhanh quá thì nhiều người sẽ theo không kịp, nhiều người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề của xã hội, họ cảm thấy cuộc sống ngăn mọi đường sống của họ, trong khi những ngành sản xuất mới xuất hiện thì lại thiếu nhân lực trầm trọng (vì đòi hỏi nhiều kiến thức hơn, thứ đồng biến với năng suất trong ngành nghề đó). Rõ ràng, chúng ta cần thông cảm với những con người đó, nhưng không phải ở việc xã hội cần bước chậm hơn để đợi họ mà ở chuyện giúp họ nâng cao kĩ năng và kiến thức để thích ứng với mô hình sản xuất mới. Đó lại là bài toán giáo dục rõ ràng. Nhưng khi nhìn lại nền giáo dục đầy tham nhũng, bao cấp, kém tự do, kém thực tiễn (không chỉ ở Việt Nam mà là toàn cầu) thì chuyện thừa thầy, thiếu thợ còn lâu mới được cải thiện.

Thịnh Phạm @ Viet Conservative
http://cafekubua.com/2016/12/05/viec-lam-nghiep-va-thi-truong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét