Dự án tỉ đô trên sông Hồng: Chủ đầu tư hưởng lợi, đẩy hại cho đất nước!
Sau khi "siêu dự án" đường thủy Xuyên Á dọc sông Hồng được trình Chính phủ, hầu hết ý kiến các chuyên gia, người dân lên tiếng phản đối vì: Sông Hồng không có tiềm năng thủy điện như Sông Đà; việc nạo vét sông, xây đập ảnh hưởng đến hạ lưu và dòng chảy của vựa lúa lớn thứ 2 là Đồng bằng sông Hồng…
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến dư luận đưa ra cái nhìn tích cực về dự án như: Cần bình tĩnh xem lại chủ trương đầu tư và mục đích xã hội hóa các công trình xây dựng cơ bản. Để giúp công chúng có cái nhìn đa chiều, Phóng viên báo Dân Trí đã tiếp cận nguồn văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua, trao đổi với một số chuyên gia kinh tế, điện lực để làm rõ vấn đề này.Dự án đầy hoài nghi về hiệu quả!?
Trong báo cáo góp ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Xây Dựng, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ - những địa phương chịu tác động trực tiếp đều đồng ý đề xuất gửi Chính phủ xem xét chủ trương của Chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong số đó, Bộ Tài Chính đưa ra nhiều lý do cần xem xét lại chủ trương đầu tư cũng như đề xuất của dự án. Bộ Tài Chính cho rằng, Chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính để thực hiện dự án, đồng thời cơ quan này nêu ra các con số làm rất nhiều người ngỡ ngàng.
Bộ Tài Chính chỉ rõ: Theo hồ sơ siêu dự án Sông Hồng sẽ có số vốn là 24.500 tỷ đồng, cơ cấu vốn dự án (30/70 - 30% vốn chủ đầu tư, 70% vốn đi vay), điều đó có nghĩa số vốn chủ đầu tư phải có là hơn 7.350 tỷ đồng, đây là số vốn lớn.
Tuy nhiên, Bộ Tài Chính trích dẫn: Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 25/5/2015 vốn điều lệ của Công ty TNHH Xuân Thiện là 1.200 tỷ đồng. Như vậy, với số vốn 30% dự án, chắc chắn vốn chủ đầu tư không thể tự chủ, phải mời thêm liên danh. Chính vì vậy, Bộ Tài Chính khẳng định: Nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Đồng thời, Bộ này đề nghị chủ đầu tư bổ sung phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nào (trong đó có cả ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài) để đảm bảo đủ khả năng tài chính nếu dự án được thực hiện.
Trong đề xuất dự án, chủ đầu tư nêu rõ dự án này sẽ mở ra tuyến vận tải thủy thông suốt giữa miền núi và đồng bằng, phục vụ phát triển và kết nối các tỉnh; thúc đẩy phát triển các cảng, bến thủy, xưởng sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy; tạo việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách...
Cũng theo báo cáo của Chủ đầu tư, dự án nằm trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, có 31 xã nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do các công trình đập dâng nước, âu tàu và thủy điện thuộc hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Các khu vực Phú Thọ chịu mức độ ảnh hưởng không đáng kể.
Dự án sẽ phải di dời 120 hộ dân, tác động đến khoảng 600 nhân khẩu sẽ bị di dời do nằm trong phạm vi xây dựng công trình dự án. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 120ha, trong đó đất nông nghiệp là 96ha.
Hút cát, cải tạo luồng sông… hệ quả chúng ta không lường được!
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, báo cáo này quá sơ lược và chưa đánh giá đến tác động môi sinh, liên vùng và đời sống của hàng triệu hộ dân, nông dân dưới Đồng bằng Sông Hồng, nơi chịu tác động gián tiếp nếu việc chặn dòng xây nhà máy thủy điện và các đập nước đến hệ thống thủy văn, đê kè dưới hạ lưu.
Về tác động của các đập thủy điện, âu tàu và việc nạo vét luồng sông, Bộ Xây dựng đặt ra nhiều nghi ngại bởi, theo bản đồ dự kiến xây dựng công trình đầu mối, một số đập nằm rất gần các cây cầu hiện có trên sông. Do đó, cần đánh giá lại tác động địa chấn của các đập này đối với các cây cầu bởi trữ lượng nước trên các đập rất lớn.
Đối với hiện trạng luồng tàu sông Hồng đoạn qua Việt Trì - Lào Cai, điều kiện tự nhiên chỉ có thể tổ chức vận tải đi lại khoảng 3 tháng trong năm. Vào mùa khô, mùa lũ không thể vận tải được do mực nnước thấp hoặc lưu tốc dòng chảy lớn, khó khăn cho phương tiện đi lại.
Do là dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thủy, tận dụng phát điện, chủ đầu tư dự án đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ giá bán điện, hỗ trợ thuế đất.
Chủ đầu tư đề xuất ưu đãi cho dự án như; hỗ trợ giá bán điện đặc thù cho công trình, đồng thời có lộ trình tăng giá bán điện để hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí, duy tu, bảo dưỡng công trình. Theo đó, 5 năm đầu tiên, giá điện của các nhà máy này sẽ là 1.900 đồng/KWh, các năm tiếp theo giá bán điện tối thiểu là 2.970 - 3.560 đồng/KWh.
Phản biện về đề xuất này, Bộ Tài Chính cho rằng, tổng mức đầu tư khoảng 24.500 tỷ đồng, trong đó 70% là vay lãi mới chỉ mang tính sơ bộ để làm định hướng, vốn dự án còn phụ thuộc vào việc xác định công nghệ, phương án bồi thường, chi phí vốn vay, lãi vay và thời gian vay vốn. Tại sao chủ đầu tư khẳng định 25 năm sẽ hoàn vốn trong khi chưa giải trình rõ về các dữ liệu khẳng định sự hiệu quả của dự án.
Về phương án hỗ trợ giá điện, theo yêu cầu của chủ đầu tư, giá bán điện giai đoạn 2021 - 2026 là 1.900 đồng/kWh và tăng dần theo những năm tiếp theo. Tuy nhiên, Bộ Tài Chính khẳng định, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VII, từ năm 2020 - 2030 cơ cấu nguồn điện thay đổi theo hướng: Nguồn thủy điện giảm dần, các nguồn điện than và điện tái tạo tăng lên, đồng thời chỉ ưu tiên vận hành nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc. Đồng nghĩa với các ưu đãi không dành cho thủy điện và vấn đề cạnh tranh giá gay gắt, thủy điện khó có thể cạnh tranh chứ chưa nói đến hiệu quả.
Mặt khác, Bộ Tài Chính cũng khẳng định: đề xuất hỗ trợ bán điện đặc thù cho công trình và bù giá trong 5 năm đầu 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.300 đồng/KWh và các năm tiếp theo tối thiểu 2.970 - 3.560 đồng/kWh. Theo chủ trương của Chính phủ, giá bán điện trong thời gian tới sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường cạnh, ưu tiên huy động nguồn điện giá rẻ, từ giá thấp đến cao. Vì vậy, việc đề xuất cơ chế hỗ trợ giá bán điện đặc thù của dự án cần được xem lại.
Bộ Tài Chính khẳng định: Nếu được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư cần rà soát tổng mức đầu tư dự án, tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án, trong đó lưu ý bổ sung nguồn thu của dự án từ việc đầu tư khai thác cảng và nguồn thu tận thu khai thác tài nguyên trong vùng phạm vi của dự án.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khi xem xét dự án này, Chính phủ cần làm rõ khối lượng hàng hóa vận chuyển qua đường thủy từ Lào Cai – Yên Bái, Lào Cai – Phú Thọ là bao nhiêu và có cần phải nạo vét hay không?
“Câu hỏi đặt ra là tại sao phải cải tạo dòng sông, nạo vét dòng sông khi mà hiệu quả chuyên chở đường thủy sông Hồng chưa được chứng minh là “quá tải”, “bí bách”. Có cần phải nạo vét sông, xây dựng âu tàu không? Khi mà lưu lượng tàu bè qua lại chủ yếu là chuyên chở hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu cải tạo dòng sông này, hàng hóa Việt Nam sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có lợi hay chỉ thuận tiện cho hàng hóa Trung Quốc về Việt Nam, đặc biệt là hàng lậu”, ông Ngãi nói.
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Viết Ngãi cũng cho rằng, chưa nói đến vấn đề môi trường và thảm họa có thể xảy ra, việc không rõ lý do cải tạo dòng sông là dấu hỏi cho sự “lấp lửng”: cải tạo đồng nghĩa với hút cát trên dòng sông Hồng, "cát tặc" ở đây chứ đâu. "Một khi lòng sông bị thay đổi mực nước, độ sâu sẽ thay đổi dòng và cường độ dòng chảy, tác động là vỡ đê, sạt lở đất, xói lở… Chúng ta chưa thể lường được. Chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi từ khai thác cát còn cái hại cho đất nước. Chúng ta đã có những kinh nghiệm xương máu ở các hệ thống sông Nhuệ, sông Chảy vẫn còn đó", ông Ngãi bày tỏ quan điểm.
Nguyễn Tuyền
Nguồn: Dân trí
http://petrotimes.vn/du-an-ti-do-tren-song-hong-chu-dau-tu-huong-loi-day-hai-cho-dat-nuoc-417121.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét