KINH TẾ VĨ MÔ: LÝ THUYẾT, THỰC TIỄN VÀ DỰ BÁO MỘT SỐ CHỈ TIÊU VÀ CÂN ĐỐI LỚN
2) Dao động của các hoạt động kinh tế và thất nghiệp
Dao động là một
thuật ngữ kinh tế được dùng để chỉ chênh lệch giữa các hoạt động kinh tế và xu
hướng phát triển dài hạn của chúng. Một trong những hiện tượng chính gắn liền với
dao động của các hoạt động kinh tế là thất nghiệp. Thất nghiệp là khi người lao
động cố gắng tìm việc làm nhưng không sao tìm được. Thất nghiệp cũng có thể xảy
ra ngay cả trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao. Thực tế cho thấy trên
thế giới không ở đâu không có hiện tượng thất nghiệp. Chúng ta sẽ dành một
chương để nghiên cứu vấn đề thất nghiệp vốn được coi là một trong vài trọng bệnh
của các nền kinh tế hiện đại.
Thất nghiệp thường
được đo bằng số lao động đang tìm việc làm so với tổng số người có khả năng lao
động, hiện đang tham gia lao động hoặc mong muốn được tham gia lao động, tức là
bao gồm tất cả những người đang làm việc và những người đang tìm việc làm. Như
vậy, so với dân số, lực lượng lao động không bao gồm trẻ em chưa đến tuổi lao động
và người già đã đến tuổi nghỉ hưu, và cũng không bao gồm những người trong độ
tuổi lao động nhưng không có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Lực lượng lao động này
cũng được gọi là cầu lao động hay cầu việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp
là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp và lực lượng lao động.
Chúng ta thấy
trong đồ thị 1.2 tương quan giữa tăng trưởng kinh tế (GDP) và tỷ lệ thất nghiệp
trong nền kinh tế Việt Nam. Hệ số tương quan là một phương pháp thống kê để đo
mức độ quan hệ giữa hai biến này. Các dấu âm của nó chỉ ra rằng thất nghiệp sẽ
tăng lên trong các giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng thấp và giảm xuống trong
các giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng cao. Tương quan này ở Việt Nam là âm, và
điều này cũng tương tự như ở nhiều nước châu Âu (xem bảng 1.2).
Đồ thị 1.2:
Tương quan giữa tỷ lệ tăng trưởng GDP
và tỷ lệ thất
nghiệp của Việt Nam (%)
Nguồn số liệu: Tổng
cục Thống kê.
Arthur Okun là
nhà kinh tế Mỹ, năm 1962 ông đã chứng minh được tính đúng đắn của quan hệ ngược
giữa tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp đối với nền kinh tế Mỹ, được gọi
là luật Okun. Sau đó Okun và nhiều nhà kinh tế khác cũng đã chỉ ra mối quan hệ
ngược giữa tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước. Mặc dù quan hệ
này thay đổi theo thời gian và không gian nhưng luật vẫn rất có ý nghĩa và được
xem là một trong những công cụ quan trọng của kinh tế vĩ mô.
Bảng 1.3: Hệ số
tương quan giữa tăng trưởng GDP và thất nghiệp
Nước
|
Luật
Okun
|
Các
nước ASEAN 1990-2014
|
|
Cambodia
|
-0,97
|
Indonesia
|
-0,50
|
Myanmar
|
-0,66
|
Malaysia
|
-0,69
|
Philippines
|
-0,50
|
Singapore
|
-0,44
|
Thailand
|
-0,04
|
Viet
Nam
|
-0,51
|
Các
nước châu Âu 1961-1990
|
|
Đức
|
-0,78
|
Italia
|
-0,45
|
Anh
|
-0,52
|
Thụy
Điển
|
-0,37
|
Nguồn: Số của
các nước ASEAN: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu của ADB ; số của
các nước châu Âu: Burda M. và Wyplosz C. (1994)
Về nguyên tắc gọi
quan hệ này là luật thì không chính xác vì đã là luật thì hệ số tương quan giữa
hai hiện tượng này phải bằng 1. Đây là ví dụ đầu tiên để chúng ta hiểu luật
kinh tế khác với luật tự nhiên. Luật kinh tế phản ánh quan hệ giữa các hiện tượng
kinh tế trong khi quan hệ này không chặt chẽ như quan hệ giữa các hiện tượng tự
nhiên. Mặt khác, luật kinh tế không thể hiện chính xác thực tiễn kinh tế mà chỉ
thể hiện gần đúng thực tiễn kinh tế rút ra từ các phân tích lý thuyết và nghiên
cứu thực nghiệm với số quan sát hữu hạn.
Số liệu trong bảng
1.2 cũng cho thấy luật Okun đã xảy ra tại nhiều nước ASEAN trong khoảng 25 năm
vừa qua, như ở Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myamar và Việt Nam… Tuy nhiên
đáng ngạc nhiên là luật này lại không xảy ra trong trường hợp Thái Lan.
Đồ thị
1.3 : Luật Okun, trường hợp nước Pháp (1990-2008)
Nguồn: “Pourquoi le taux de chômage augmente t-il lorsque la croissance
est inférieure à 2%?" ; http://www.captaineconomics.fr/-pourquoi-le-taux-de-chomage-augmente-lorsque-la-croissance-est-inferieure-a-2. Trục tung là tiến triển của tỷ lệ thất nghiệp; trục
hoành là tiến triển của chênh lệch giữa tăng trưởng GDP thực tế và tăng trưởng GDP
tiềm năng.
Đồ thị 1.3 thể hiện luật Okun trong trường hợp nước
Pháp. Ở đây, các tác giả đã cải tiến luật Okun bằng cách hồi quy tỷ lệ thất
nghiệp với chênh lệch giữa tăng trưởng GDP thực tế và tăng trưởng GDP tiềm
năng, để thấy khi nền kinh tế tăng trưởng nóng (tăng trưởng GDP thực tế cao hơn
tăng trưởng GDP tiềm năng) thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm như thế nào và ngược lại
khi nền kinh tế tăng trưởng lạnh (tăng trưởng GDP thực tế thấp hơn tăng trưởng
GDP tiềm năng) thì tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng như thế nào.
Hệ số hồi quy cho thời kỳ 1990-2008 là -0,3669 chỉ ra
rằng khi tăng trưởng thực tế cao hơn một điểm so với tăng trưởng tiềm năng, thì
tỷ lệ thất nghiệp trung bình sẽ giảm được 0,3669%. Lưu ý quan sát điểm nằm ở vị
trí cao nhất bên trái đồ thị tương ứng với năm 2009, năm nền kinh tế Pháp suy
thoái rất mạnh (GDP giảm 2,6%). Chênh lệch giữa tăng trưởng GDP thực tế và tăng
trưởng GDP tiềm năng năm này lên tới 4,6 điểm. Theo luật Okun, tỷ lệ thất nghiệp
sẽ tăng thêm 4,6 * 0,3669 = 1,7%. Nếu chúng ta nhìn vào số liệu thực tế của IMF
và INSEE (Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp, cơ quan có vai trò như Tổng
cục thống kê ở Việt Nam), sẽ thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp là 7,8% năm 2008 và
9,5% năm 2009, tức là tăng lên đúng 1,7% như dự đoán của luật Okun... Thực tế
cho thấy luật Okun là một công cụ rất có giá trị để dự báo tỷ lệ thất nghiệp.
Thậm chí ở Pháp, luật này đã được quy định trong Luật Tài chính là phương pháp
chính thức được sử dụng để dự báo tình trạng thất nghiệp (và do đó sẽ dự báo tổng
số chi ngân sách chính phủ hỗ trợ cho những người thất nghiệp).
Ngày nay thất nghiệp đang là một hiện tượng cực kỳ lo
ngại ở hầu hết các quốc gia. Việc một bộ phận người lao động không được sử dụng
trong hoạt động kinh tế không chỉ làm giảm kết quả phát triển sản xuất mà cũng
làm mất thu nhập. Ngay cả khi có các hệ thống an sinh xã hội tốt nhất, cho phép
can thiệp có hiệu quả bảo vệ người thất nghiệp, thì vẫn không tránh khỏi tình
trạng người thất nghiệp mất niềm tin vào xã hội. Và quan trọng hơn, thời gian
thất nghiệp càng dài thì kiến thức, kỹ năng, sức khỏe… của người lao động càng
giảm; do đó đến khi huy động được họ tham gia vào guồng máy kinh tế thì chất lượng
lao động sẽ giảm sút. Ở nhiều nước, chi phí điều trị tâm sinh lý và tái hòa nhập
người thất nghiệp cũng rất lớn. Tất cả đều là gánh nặng cho cả người thất nghiệp
và toàn xã hội. Vì thực tế này mà ở các nước công nghiệp phát triển, mục tiêu
việc làm luôn luôn quan trọng hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Mặt tích cực của thất
nghiệp là làm giảm tiền lương của người đang lao động, tăng lợi nhuận cho các doanh
nghiệp, từ đó kích thích các doanh nghiệp bỏ thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Kết quả là nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra. Có nhiều cơ chế bù trừ đi từ thất
nghiệp đến tạo thêm công ăn việc làm, trong đó tiền lương là nhân tố trung gian
hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét