Những "thần tượng" không phải là tấm gương!
Phải nói rằng, sự phát triển của công nghiệp giải trí (showbiz) ở Việt Nam trong các năm qua đã góp phần đào tạo, giới thiệu một số nghệ sĩ mới, triển vọng. Nhưng thực tế lại đang đặt ra câu hỏi: Một số người có thật sự là "thần tượng của giới trẻ" hay không, khi họ xuất hiện trên mạng xã hội với phát ngôn, hành động rất ít tính văn hóa, hoặc vô tình (cố tình?) lôi kéo một số người trẻ tuổi vào các cuộc tranh luận vô bổ, xấu xí, dị hợm,...? Cách đây ít ngày, bộ phim tiểu sử của một "người đẹp" bỗng dưng trở thành chủ đề được cộng đồng mạng khá quan tâm. Điều ngạc nhiên là hầu hết tranh luận không xuất phát từ chất lượng nội dung, nghệ thuật của bộ phim mà chỉ xoáy sâu vào góc khuất đời tư vốn nhiều scandal, cùng các tin đồn không mấy hay ho của cô gái trẻ và người quản lý. Ngạc nhiên hơn là trên facebook lại xuất hiện một số thông tin "bếp núc" đậm màu sắc "vỉa hè" với thứ ngôn từ thô tục, xuất phát từ một số người vốn có chút tiếng tăm trong lĩnh vực giải trí.
Mâu thuẫn giữa "những người nổi tiếng" lên đến đỉnh điểm khi ông bầu của người đẹp lên tiếng đe dọa "đối phương" qua phát ngôn không thể hình dung đó là ngôn từ của một người làm nghệ thuật: "hôm nay xin phép cho mình chửi con chim lợn la liếm này. Không hiểu sao chuyện gì của nhà mình nó cũng nhảy vào được, lúc thì nó cắn, nó liếm, nó ngửi và nó sủa ... Anh cảnh cáo từ giờ trở đi một lần nữa mà bịa chuyện, đặt điều anh và Venus trong các câu chuyện mua vui thì đừng nói anh hiền nhé nhà báo dởm"!
Đây không phải là lần đầu tiên, trên facebook cá nhân của "ông trùm người mẫu" xuất hiện những câu chữ xấu xí, nhục mạ kẻ khác. Còn nhớ, anh ta cùng cô người mẫu từng có vô số phát ngôn chanh chua, đá thúng đụng nia về một số diễn viên, nghệ sĩ cho tới chính gia đình mình. Chưa hết, thi thoảng, anh ta lại ngợi ca "gà nòi" của mình lên tới tận mây xanh, với những so sánh ngông cuồng, tự mãn. Một nam ca sĩ thành danh khác, mỗi khi anh ta bức xúc, căng thẳng, bực bội thì chuyện chửi tục trên facebook đã trở thành thứ "ngôn từ tự nhiên". Bắt đầu sự nghiệp từ năm 1995, thế nhưng hầu như chỉ sau scandal tình ái, xúc phạm nghệ sĩ đàn anh, vi phạm luật giao thông, sử dụng nắm đấm giải quyết mâu thuẫn cá nhân, văng tục mỗi khi đuối lý thì anh ta mới được nhiều người biết đến qua một số kênh thông tin đại chúng. Dẫu vậy, phát ngôn thiếu kiềm chế của mấy ngôi sao này vẫn chưa thấm vào đâu so với một vài bạn trẻ tự nhận là rapper (ráp-pờ), đại diện cộng đồng rap underground (nhạc phi thương mại) ở Việt Nam. Coi Diss track (ca khúc có nội dung xúc phạm, sỉ nhục người khác) là đỉnh cao của nhạc rap, là phương tiện giao tiếp thông thường của các "rapper thế giới ngầm", nhiều người trong số họ rất thoải mái mạ lỵ người khác dưới danh nghĩa "sáng tạo nghệ thuật"!
Câu chuyện khác cũng trở thành chủ đề "nóng" trên nhiều facebook cá nhân gần đây là sự kiện một diễn viên hài nam phạm tội tại Mỹ. Trên facebook của một số "ngôi sao" la liệt những lời bình luận, như: "quả này tiêu rồi", "tù Mỹ rất nhiều anh Mỹ đen to con vạm vỡ, cùng sở thích quấy rối, nhưng trong đó thì vai đảo ngược", "haha facebook anh đang sốt để F5 (làm mới trang) luôn",... Giới showbiz cũng là một bộ phận xã hội, có người tốt, kẻ xấu, một nghệ sĩ phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam là điều không mong muốn, nhưng cũng không phải là hiện tượng đến mức nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu không hề quen biết diễn viên hài này lại phải đưa ra lời lẽ nặng nề, đem hành vi phạm pháp ra làm trò tiêu khiển. Hiện, xem trang cá nhân của nhiều người được coi là "ngôi sao trong showbiz", có cảm giác công việc chính của họ là bàn tán, phán xét, chê bai, nói xấu người khác, hoặc quảng cáo, giới thiệu bản thân cùng một số mặt hàng, sản phẩm đã chọn họ làm đại diện. Trong đó, kỳ cục nhất có lẽ là người thiết kế thời trang vốn nổi tiếng ngoa ngoắt lại dính nghi án vừa ăn cắp, vừa la làng khi lỡ "nổ" quá đà về mấy bộ trang phục của mình. Gần đây, anh lại tiếp tục ồn ào trên facebook với tuyên bố: "Tui sắp nổi cơn điên đó!!!! Cứ cẩn thận, khôn ngoan thì im đi nha, ngu ngu nói thêm nữa là tan tành mây khói, Showbiz dậy sóng đó!!!". Không biết, phát ngôn này có phải để anh ta tạo tiếng vang cho bộ sưu tập sắp tới sau những scandal "ăn cắp" vừa qua?
Có thể nói, thái độ thiếu chuyên nghiệp giữa các "ngôi sao", phát ngôn thiếu cân nhắc, sinh hoạt thiếu hòa đồng, bất lịch sự, thường xuyên nói xấu, ám chỉ việc làm, quá khứ của đồng nghiệp,... đã góp phần tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng. Và sự kiện "thánh Cô Cô bóc", còn gọi là "tập đoàn thánh bóc", chuyên khai thác, thêm thắt, bịa đặt, bôi xấu danh dự đời tư các "ngôi sao" trong làng giải trí gần một năm về trước gây hoang mang dư luận dường như lại không làm nhiều "người nổi tiếng" tỉnh ngộ. Xét đến cùng nếu thiếu tỉnh táo, họ sẽ vừa là nạn nhân nhưng cũng vô tình trở thành đồng phạm của kẻ bịa đặt. Nếu hành xử, phát ngôn tế nhị, hợp lẽ trong cuộc sống hằng ngày cũng như trên không gian mạng xã hội, có lẽ chuyện lùm xùm của các "ngôi sao" đã không xảy ra với mật độ dày đến như vậy.
Không thể phủ nhận sự hình thành, phát triển của công nghiệp giải trí đã góp phần làm phong phú nghệ thuật Việt Nam, vì từ đó xuất hiện một số nghệ sĩ được hâm mộ, một số chủ thể sáng tạo nghệ thuật bước đầu tỏ ra có tài năng; nhưng cũng phải nhấn mạnh công nghiệp giải trí cũng là nguyên nhân nảy sinh một số biểu hiện thiếu văn hóa trong sinh hoạt xã hội. Có thể cắt nghĩa từ một số nguyên nhân: Độ tuổi của người mới tham gia công nghiệp giải trí ngày một rút ngắn, trong khi đó một số cuộc thi, chương trình giải trí lại được các nhà đài mua bản quyền từ nước ngoài về Việt Nam thực hiện ngày càng phong phú. Như vậy cơ hội trở thành ngôi sao khá dễ dàng, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt đã khiến một số người phải "ép chín tài năng", "trưởng thành sớm" trong phong cách biểu diễn, tìm mọi cách để lôi kéo sự chú ý của khán giả trong khi lại bỏ bê sự học hành, rèn luyện đạo đức. Có thể nói, vốn liếng tự học của một số "ngôi sao" hết sức hạn chế. Không phải ngẫu nhiên một số tờ báo, trang tin điện tử lại công bố bảng điểm học tập, khả năng giao tiếp tiếng nước ngoài của một số "ngôi sao"! Ít chú ý học hành nhưng lại sớm coi mình là nghệ sĩ, một số "ngôi sao" coi ăn chơi, hưởng thụ, di chuyển bằng phương tiện sang trọng, trang phục, ví cầm tay phải là đồ "xịn" nhập ngoại, sống trong các căn hộ, biệt thự đắt tiền,... là hình ảnh họ muốn phô bày trước người hâm mộ. Nếu không phô bày bằng cách đó thì một số người lại lấy scandal làm tiêu điểm thu hút sự chú ý của người hâm mộ, cho nên thi thoảng gây "sốc" bằng phát ngôn thiếu cẩn trọng, nếu không nói bừa bãi. Từ những hạn chế không được điều chỉnh đó, mà có người đi đến chỗ ảo tưởng, tự thấy mình như "trung tâm, cái rốn của vũ trụ", để đòi hỏi đặc quyền như cặp đôi diễn viên nọ bức xúc vì ban tổ chức mời ra khỏi hàng ghế do không có giấy mời; nữ ca sĩ kia buồn vì không được bộ phận an ninh sân bay ưu tiên; nam ca sĩ gặp "buổi chiều tồi tệ" vì cảnh sát trật tự thẳng tay xử lý hành chính khi anh vi phạm giao thông; nữ người mẫu say rượu, văng tục, chống đối người thi hành công vụ,... Chưa kể hiện tượng dùng mọi chiêu trò để làm người nổi tiếng mà gần đây nhất là "hot boy xăm trổ", ca sĩ vô danh Lil Shady (Lin Sa-đi) có trang facebook với hơn ba triệu người theo dõi và mức giá mỗi đường link quảng cáo thông tin nhảm nhí là sáu triệu đồng!
Như các công việc xã hội khác, công nghiệp giải trí hình thành và phát triển nhằm phục vụ nhu cầu thư giãn, giải trí của bộ phận công chúng. Xét đến cùng thì "ngôi sao, thần tượng, người nổi tiếng" chỉ là người có chút tài năng, làm công ăn lương như mọi nghề nghiệp xã hội khác. Khổ luyện trên sàn tập, trình diễn trên sân khấu lớn, phải di chuyển liên tục,... là điều đáng quý, cần thiết với nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng thành công của mọi cá nhân thường lại phải trải qua khó khăn, thăng trầm, đòi hỏi luôn nỗ lực làm mới mình. Sớm mang trong mình lối sống ích kỷ, tự cao tự đại, chạy theo cái tôi cực đoan,... dường như một số người tự thấy mình đứng cao hơn mọi người, phán xét mọi vấn đề xã hội trong khi tri thức hạn chế, thiếu trải nghiệm cuộc sống. Khi bị trách móc, họ biện hộ bằng lý lẽ đại loại: "sống theo bản năng", "thật thà có sao nói vậy", "bị gài", "bị mắc bẫy"... Là người mới bước vào nghề biểu diễn còn có thể đưa ra lời xin lỗi ngây ngô như vậy, nhưng với "ngôi sao giải trí" đã bước qua tuổi trưởng thành thì khó chấp nhận. Rốt cuộc không sớm thì muộn, nghệ sĩ sẽ chỉ nhận lấy sự chê cười mà thôi.
Nhưng đáng tiếc, bất chấp các hình ảnh, hành động, phát ngôn xấu xí của họ, các "ngôi sao" như vậy vẫn xuất hiện trên hệ thống truyền thông, được mặc định như là "thần tượng" trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng; được xem là đại diện giới trẻ, được gọi là "ông hoàng, bà chúa, có quyền lực trong showbiz". Dường như để thu hút công chúng và tăng lợi nhuận, một số địa chỉ lại "ăn theo sự nổi tiếng" của một số "ngôi sao" mời cả ca sĩ tai tiếng vốn có "tiền án đạo nhạc", ca sĩ chạy show hơn là tham gia hoạt động vì lợi ích cộng đồng, thậm chí mời cả người mẫu mà tên tuổi gắn với "lộ hàng", giải thưởng tự phong, phẫu thuật thẩm mỹ, "chém gió" trên mạng,...? Công nghiệp giải trí là lĩnh vực năng động có vai trò, tác động nhất định tới nghệ thuật đại chúng, nhưng mấy năm qua, nhắc tới showbiz lại chỉ thấy nổi lên một số mặt trái, scandal vô bổ, ít văn hóa với những "nghệ sĩ, ngôi sao" ít tài nhiều tật. Hình ảnh méo mó, cuộc sống giàu sang của người "nổi tiếng" truyền tải trên một số tờ báo, trang điện tử hoàn toàn có thể tác động, và gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức chung của giới trẻ. Khi khởi nghiệp, làm giàu chính đáng đang trở thành một nhu cầu lành mạnh của thế hệ trẻ, thì việc quảng bá một số "thần tượng" như vậy có thể khiến có bạn trẻ ôm mộng hão huyền, tìm mọi cách để trở thành "thần tượng", idol, siêu mẫu... có phải là việc nên khuyến khích, cổ vũ?
MINH ANH
http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/29704302-nhung-than-tuong-khong-phai-la-tam-guong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét