Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

(6) Nội dung chương I của cuốn sách KT vĩ mô

KINH TẾ VĨ MÔ: LÝ THUYẾT, THỰC TIỄN VÀ DỰ BÁO MỘT SỐ CHỈ TIÊU VÀ CÂN ĐỐI LỚN
II. KHOA HỌC KINH TẾ VĨ MÔ
1) Sự hình thành của kinh tế học vĩ mô
Trong thực tế đời sống hàng ngày, chúng ta thường tự hỏi:
- Tăng trưởng kinh tế là gì ? Từ đâu sinh ra tăng trưởng kinh tế ? Con người có thể tác động vào quá trình tăng trưởng kinh tế không ?
- Tại sao các hoạt động kinh tế có tính chu kỳ; tại sao tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thường dao động quanh xu hướng chung của nó ?
- Tại sao thất nghiệp không mang tính chu kỳ trong khi lạm phát lại có tính chu kỳ ?
- Và vô số câu hỏi tương tự khác.
Những câu hỏi này trước đây không được đặt ra. Trong lịch sử kinh tế hàng nghìn năm, người ta cho rằng thị trường hoàn toàn có khả năng tự điều chỉnh để các hoạt động kinh tế diễn ra một cách tối ưu; do đó không có bất cứ lý do gì phải nghiên cứu hành vi và cơ chế hoạt động của nền kinh tế. Điển hình cho quan điểm này là trường phái “laissez – faire”, tức là để mặc nền kinh tế tự xoay sở. Một trường phái khác cũng cùng quan điểm là “interventionism” ; trường phái này không chấp nhận sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Nếu cần và chỉ trong những trường hợp đặc biệt, nhà nước có thể hỗ trợ một thị trường hay một hoạt động kinh tế cụ thể nào đó bằng các khoản trợ cấp từ ngân sách hoặc bằng chính sách bảo hộ trước các đối thủ cạnh tranh từ ngoài nước.

Tuy nhiên tình hình đã thay đổi kể từ khi khoa học kinh tế ra đời. Các nhà kinh tế nhận thấy khi không có sự can thiệp của nhà nước, hiện tượng chu kỳ kinh tế đã diễn ra khắp nơi. Về thời gian, có những chu kỳ cứ 1-2 năm lại lặp lại một lần, nhưng cũng có những chu kỳ kéo dài tới 50-60 năm như chu kỳ Kondratieff. Chu kỳ kinh tế đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho các nền kinh tế.
Có nhiều nguyên nhân gây ra các chu kỳ kinh tế, ví dụ như bùng nổ các phát minh sáng chế và cải tiến công nghệ, các vụ mùa thu hoạch bội thu hoặc thất bát, sai lầm của giới chủ khi dự báo về hành vi tương lai của người tiêu dùng… Nguồn gốc của lạm phát được quy cho sự tăng lên quá nhanh của phương tiện thanh toán, trước tiên là khai thác được nhiều vàng, sau đó là in thêm tiền giấy để cân đối với lượng vàng mới bổ sung. Nhiều nguyên nhân trực quan như vậy vẫn đúng trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Mọi chuyện đã thay đổi trong cuộc đại suy thoái kinh tế những năm 1930. Cuộc đại suy thoái đã đẩy hàng chục triệu người lao động vào tình trạng thất nghiệp và nghèo đói, làm cho người ta không còn có thể đổ tội cho các nguyên nhân khách quan được nữa. Cuộc đại suy thoái đã gợi ý cho nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes viết tác phẩm nổi tiếng « Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ », xuất bản năm 1936. Đây có thể nói là điểm xuất phát thực sự của khoa học kinh tế vĩ mô. Trong tác phẩm này, Keynes đã lần đầu tiên đề cao vai trò của tổng cầu trong các biến động kinh tế vĩ mô. Sau đó các nhà kinh tế thuộc trường phái Keynes đã thuyết phục các nhà chính trị, các nhà lãnh đạo quốc gia thực hiện chính sách quản lý tổng cầu nhằm hạn chế, tiến tới loại bỏ các chu kỳ kinh tế, đặc biệt là không để xảy ra những thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài như trong những năm 1930.
Trong tài liệu này, chúng ta sẽ nghiên cứu, đánh giá kết quả cụ thể của một số chính sách quản lý tổng cầu mà Keynes và những người theo ông chủ trương. Điều này không dễ dàng; có những trường hợp chính sách quản lý tổng cầu phát huy tác dụng tích cực, nhưng cũng có những trường hợp chúng lại gây ra hậu quả tiêu cực. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đều thừa nhận, nhờ áp dụng chính sách quản lý tổng cầu, mật độ và độ lớn của các chu kỳ kinh tế đã giảm hẳn kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 (sau năm 1945). Đặc biệt từ đó đến nay nền kinh tế thế giới đã trưởng thành toàn diện, nếu so với trước đã thực sự trở thành người khổng lồ so với chú tý hon, nhưng chưa từng xảy ra một cuộc đại suy thoái lớn như trong những năm 1930. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2011 vừa qua tuy lớn nhưng quy mô và hậu quả vẫn kém xa cuộc đại suy thoái những năm 1930. Ngoài ra, nếu như trước đây, các thế hệ cụ kỵ chúng ta luôn lo sợ về các cuộc suy thoái kinh tế (tăng trưởng âm) thì ngay nay nỗi lo này dường như đã chấm dứt, thay thế bằng nỗi lo về các thời kỳ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Một thay đổi khác so với trước khi khoa học kinh tế vĩ mô ra đời liên quan tới mặt bằng giá. Trước năm 1940, tiến triển của giá khi tăng, khi giảm. Ngoại trừ những năm chiến tranh, người ta không thấy xu hướng tăng giá. Ở nhiều nước công nghiệp phát triển, mặt bằng giá từ năm 1870 đến 1940 (50-70 năm) hầu như không đổi. Tuy nhiên tình hình đã khác kể từ thời điểm 1940. Mặt bằng giá hầu như liên tục tăng lên qua các năm.
Trên đây chỉ là hai ví dụ minh họa về những thay đổi sâu sắc kể từ khi hình thành khoa học kinh tế vĩ mô. Đối với nhiều nhà kinh tế, kinh tế vĩ mô đã góp phần quyết định để tăng trưởng kinh tế trở nên ổn định, nhưng nó lại gây ra hậu quả lạm phát.
2) Kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô
Về lô gíc, kinh tế vĩ mô không có gì khác hơn là tổng của vô số thị trường đơn lẻ (cung – cầu) trong đó mỗi thị trường đều hành xử theo các nguyên lý của kinh tế vi mô. Kinh tế vi mô nghiên cứu sự hình thành giá của các hàng hóa và dịch vụ cụ thể và sự vận hành của các thị trường trên đó quá trình sản xuất và trao đổi các hàng hóa và dịch vụ cụ thể diễn ra.
Tại sao phải phân chia kinh tế học thành kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô ? Bởi vì những nguyên lý của kinh tế vi mô tạo thành nền tảng cho hành vi của các cá nhân đơn lẻ. Ngược lại, hành vi của các tập thể lại sinh ra từ những quyết định các cá nhân trong khi chính bản thân mỗi cá nhân không nhận thức được đầy đủ về hành vi của các cá nhân khác. Keynes đã nhấn mạnh đến sự thiếu phối hợp như vậy, và có thể minh họa như sau:
Một người tiêu dùng muốn mua một chiếc ô tô nhưng anh ta không đủ số tiền cần thiết. Một người sản xuất ô tô có thể thuê anh ta làm việc để có đủ tiền lương mua ô tô. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích, người sản xuất phải bán ô tô với giá đủ trang trải các chi phí trong đó có tiền lương. Do đó, để nhận anh ta vào làm việc, người sản xuất sẽ cam kết những điều kiện làm việc cho anh ta tương tự như rất nhiều người lao động khác trong nhà máy, thậm chí tương tự như rất nhiều người lao động khác trong một số lĩnh vực liên quan. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Về nguyên tắc, sự phối hợp này được thực hiện qua giá cả và trên các thị trường. Nếu như không có sự phối hợp và đồng thuận, nhiều người tiêu dùng muốn có thu nhập để mua hàng hóa và dịch vụ đồng thời sẵn sàng làm việc để có thu nhập có thể sẽ không tìm được việc làm, do đó sẽ không có thu nhập. Khi đó chúng ta sẽ đối diện với tình trạng suy thoái (giảm bán hàng) kèm theo thất nghiệp (số việc làm không đáp ứng nhu cầu). Mặc dù cơ chế kinh tế thị trường có thể điều chỉnh dần kiểu mất cân bằng này nhưng thời gian cần thiết để tự động điều chỉnh sẽ quá dài và hậu quả xã hội sẽ quá lớn.
Nói một cách chính xác, kinh tế vĩ mô được đặt ra để xử lý trường hợp giá cả và thị trường, tại mỗi thời điểm, không thể thỏa mãn được tập hợp những đòi hỏi phối hợp của một nền kinh tế hiện đại. Kinh tế vi mô cũng đang tiến tới tiếp cận này nên khoảng cách giữa kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô  đang ngày càng được thu hẹp. Thực ra, chính các nguyên lý của kinh tế vi mô hợp thành cơ sở của kinh tế vĩ mô hiện đại.
3) Kinh tế vĩ mô và chính sách kinh tế
Những nhà kinh tế học vĩ mô đầu tiên cho rằng Nhà nước vừa có khả năng, vừa có nhiệm vụ bù lấp, sửa chữa những khiếm khuyết của thị trường. Tuy nhiên kinh nghiệm của nhiều thập kỷ vừa qua cho thấy Nhà nước cũng rất yếu kém. Vì vậy các nhà kinh tế vĩ mô hiện đại đã và đang tiếp tục bị phân hóa. Một nhóm nhấn mạnh những khiếm khuyết của thị trường (do đó rất cần vai trò quản lý, dẫn dắt của Nhà nước) trong khi một nhóm khác lại lo lắng về những can thiệp sai lầm của giới lãnh đạo.
Trong thực tiễn, hầu như mọi người dân cũng như các nhà kinh tế đều quy cho Nhà nước trách nhiệm bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nền kinh tế. Thêm nữa, trong các cuộc bầu cử, một trong những câu hỏi đầu tiên để đánh giá các nhà chính trị và Nhà nước là về tình hình kinh tế. Thực tiễn cũng cho thấy phần lớn các Nhà nước vừa ngăn chặn được thất nghiệp, vừa giữ ổn định được mặt bằng giá, sẽ được cử tri đánh giá cao và được tái cử.
Vì những lý do trên, kinh tế vĩ mô còn được gọi là cuộc cách mạng Keynes vì nó khác hẳn với học thuyết kinh tế tự do trong quá khứ và gắn liền với vai trò quan trọng của các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách ngắn hạn.
4) Kinh tế cầu và kinh tế cung
Dưới dạng tổng hợp nhất, kinh tế vĩ mô phân chia các hiện tượng kinh tế thành hai loại : Loại gắn liền với cầu hàng hóa và dịch vụ và loại liên quan tới cung hàng hóa và dịch vụ.
Kinh tế cầu nghiên cứu các quyết định chi tiêu của các tác nhân kinh tế. Khái niệm tác nhân kinh tế được dùng để chỉ những nhóm người có quyền quyết định khác nhau: Các hộ gia đình, các doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước. Nguyên lý chỉ đạo của các chính sách quản lý cầu gộp của Nhà nước là bổ sung hay hạn chế các hoạt động của các tác nhân kinh tế tư nhân (các hộ gia đình và các doanh nghiệp) nhằm giảm thiểu, thậm chí loại trừ các biến động của cầu. Điều này có nghĩa là Nhà nước phải thực hiện các chính sách để giảm bớt tốc độ tăng trưởng của cầu trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao và nâng tốc độ tăng trưởng của cầu trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế thấp.
Hai công cụ truyền thống và quan trọng nhất để kiểm soát tổng cầu là chính sách ngân sách và chính sách tiền tệ. Chính sách ngân sách sử dụng chi và thu ngân sách để tác động tới tổng tiêu dùng quốc gia. Chính sách tiền tệ có vai trò định hướng lãi suất, tỷ giá và tác động tới các thị trường tài chính và tới các mối liên hệ của chúng với nền kinh tế thực.
Kinh tế cung nghiên cứu tiềm năng sản xuất của nền kinh tế. Tổng cung của toàn nền kinh tế là hàm số của số giờ mà người lao động đã làm việc, của năng suất lao động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Các chính sách cung phản ảnh mong muốn của các nhà lãnh đạo tăng năng lực và hiệu quả của toàn hệ thống kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét