Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Tổng thống Obama phát biểu tại TTHNQG 24/05/2016


Tổng thống Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ngày 24/05/2016
Trong bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ, Tổng thống Obama "vận dụng" cả thơ Lý Thường Kiệt, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh Công Sơn... Ông nhấn mạnh: “Chúng ta là 2 nước độc lập và dù lớn hay nhỏ cũng đều có chủ quyền của mình, phải được tôn trọng tuyệt đối. Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ”.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ".

12h43’, Tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu cũng bằng câu nói tiếng Việt: “Cảm ơn các bạn. Thank you very much. Thank you Vietnam” - ông Obama vẫy tay chào khi kết thúc bài phát biểu của mình và lui về bên cánh gà cạnh bục phát biểu.


12h34’, Tổng thống Mỹ một lần nữa khẳng định, chính bản thân người Việt Nam là người quyết định vận mệnh và tương lai, con đường của mình. Ông Obama đề nghị chia sẻ các ý tưởng, tiếp cận gần nhau, nhất là qua internet. Facebook đã thành công từ ý tưởng như vậy. Ý tưởng cần được đưa ra thảo luận và chia sẻ.

Từ đó, người đứng đầu nước Mỹ đề cập, tự do báo chí, ngôn luận cần được đảm bảo để hệ thống được hoạt động. Từ đó người dân sẽ lựa chọn được người đại diện, lãnh đạo xứng đáng nhất với niềm tin gửi gắm.

Ông Obama đề cập, quyền bình đẳng sẽ mang lại nền tảng cho sự thịnh vượng cho người dân. Việc nâng cao hơn nữa những quyền tự do của người dân là thực hiện khẩu hiệu xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

“Tôi sắp rời nhiệm sở. Trong suốt 8 năm qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về bộ máy chính quyền Mỹ và chúng tôi cũng đang tìm mọi cách để cải thiện hệ thống chính trị của mình” – ông Obama nói.

Video Tổng thống Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ".

12h27’, chuyển sang nội dung về TPP, ông Obama nhấn mạnh về những yêu cầu cao hơn đối với người lao động, môi trường làm việc. TPP sẽ giúp thúc đẩy hợp tác vùng, giải quyết bất bình đẳng kinh tế, khiến người lao động có lương cao hơn, tổ chức được nghiệp đoàn, thúc đẩy chống tham nhũng hơn bất kỳ hiệp định nào khác. Đây là cơ hội cho Việt Nam cũng như các nước thành viên khác, tất cả phải tuân thủ quy định đã thỏa thuận. Theo ông Obama đây là một cơ hội cho tương lai.

Về hợp tác quốc phòng, phía Mỹ sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của Hải quân Việt Nam. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí công bố hôm qua cũng là cách để Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, xóa bỏ hoàn toàn mọi rào cản giữa quan hệ giữa hai nước.

“Chúng ta là 2 nước độc lập và dù lớn hay nhỏ cũng đều có chủ quyền của mình, phải được tôn trọng tuyệt đối. Nước lớn không thể “ăn hiếp” nước nhỏ” – ông Obama nhấn mạnh. Biển Đông không phải là nơi Mỹ có tranh chấp nhưng vấn đề này rõ ràng là cần giải quyết trong hòa bình. Mỹ sẽ tiếp tục cử máy bay, tàu biển tới nơi mà luật pháp quốc tế cho phép.

Về giải quyết khác biệt giữa 2 Chính phủ, nhất là về nhân quyền, ông Obama chia sẻ, quá trình trải qua việc này với nước Mỹ cũng khó khăn, ngày nào bản thân ông cũng nhận được những lời phê bình khi thực hiện chưa trọn vẹn việc này.

Tổng thống Mỹ khẳng định Mỹ không muốn và không có quan điểm áp đặt lên bất cứ nước nào. Giá trị Mỹ thể hiện ở chỗ hướng tới những giá trị nhân quyền cao nhất, quyền tự do, quyền lập hội và đây cũng là những nội dung đã được khẳng định trong Hiến pháp Việt Nam.


12h16', Tổng thống Mỹ nói đến những năm tháng chiến tranh với con số 3 triệu người lính Việt Nam đã hi sinh cũng như hàng trăm ngàn binh lính Mỹ đã tử vong trên mảnh đất này. "Chúng ta cần phải ghi nhận những người đã ngã xuống” - ông Obama nói.

"Việt Nam thời gian qua đã thu được nhiều thành công to lớn và thế giới đã ghi nhận. Việt Nam cũng đang tham gia những hiệp định toàn cầu. Chúng ta đã nhìn thấy nhiều cao ốc ở Hà Nội, TPHCM, những khu đô thị mới thịnh vượng. Hàng chục triệu người Việt Nam đã kết hợp với nhau trên Facebook, instagram mà không chỉ là những bức ảnh sefile” – Tổng thống Mỹ cười tươi nói đến việc nhiều người dân đã đề nghị chụp ảnh cùng ông hôm qua.

Nhắc đến những mục tiêu thiên niên kỷ Việt Nam đã đạt được trong xóa đói giảm nghèo, chăm sóc trẻ em, tiếp cận nước sạch, Tổng thống Obama tiếp tục đề cập những hậu quả chiến tranh đang để lại trên mảnh đất này. “Chúng ta không thể tiếp tục nhìn những trẻ em bị thương tật, cụt chân, mất tay vì bom mìn để lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ việc xử lý dioxin ở Đà Nẵng, ở Biên Hòa” – Tổng thống nhắc lại những nỗ lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của cựu binh John Terry đã giúp mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ từ thế cựu thù trở thành bạn, thành đối tác hợp tác toàn diện. Rất nhiều người Mỹ đã đến thăm Việt Nam, dạo chơi phố cổ Hà Nội, Hội An…

"Bài học của chúng ta trong chiến tranh, trong quá khứ cũng là bài học của cả nhân loại. Những chân giá trị của hòa bình đã được chỉ ra. Chúng ta cũng thấy một điều có tính nguyên lý là độc lập, không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí lên Việt Nam và số phận của Việt Nam là do người dân Việt Nam quyết định. Tôi không còn nhiều thời gian trong nhiệm kỳ của mình và tôi sẽ nỗ lực dành những thời gian còn lại thúc đẩy mối quan hệ Việt – Mỹ", ông Obama cam kết.

Ông vạch ra nhiều hướng hợp tác, trong đó có hợp tác kinh tế, đặc biệt là giáo dục. Nói tới môi trường giáo dục, ông Obama khẳng định, đó là ưu thế nổi bật của Mỹ mà như ông nói hôm qua, Đội Hòa bình sẽ tới Việt Nam để dạy tiếng Anh và như thế nghĩa là những người trước đây mang chiến tranh tới giờ sẽ trở lại với tri thức và giáo dục. Ông vui mừng thông báo trong mùa thu năm nay, đại học Fullbright sẽ mở tại TPHCM – một đại học phi lợi nhuận chất lượng cao hướng đến hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, kể cả lĩnh vực nghiên cứu toán học như giáo sư Ngô Bảo Châu tới văn học truyền thống Việt Nam.

12h10', Tổng thống Mỹ Barack Obama bước vào khán đài. Ông bắt đầu bài phát biểu bằng lời chào thân thiện: "Xin chào Việt Nam".

"Xin chào Việt Nam"
"Xin chào Việt Nam"

"Xin chào Việt Nam, rất cảm ơn các bạn. Trước Chính phủ và nhân dân Việt Nam, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn vì đã được chào đón nồng nhiệt. Tôi rất vui vì có mặt tại đây hôm nay. Trong chuyến thăm này, chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện. Sự thân thiện đã chạm tới trái tim của tôi. Nhiều người vẫy tay chào thân thiện và tôi rất vui về điều đó. Hôm qua tôi tới thăm phố cổ và ăn một số món ăn, như bún chả. Tôi đã uống bia Hà Nội. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy và khi quay lại chắc tôi sẽ biết cách đi đường như thế nào" - ông Obama hài hước nói.

"Tôi lớn lên ở Hawai, không biết tới cuộc chiến ở Việt Nam. Khi đó, nhiều người Việt Nam cũng như 2 con gái của tôi, không biết được thế nào là chiến tranh. Tôi trân trọng quá khứ lịch sử hào hùng của Việt Nam với văn minh lúa nước, những cánh đồng hàng ngàn năm tuổi, với văn minh trống đồng. Hà Nội cũng đã tồn tại bên dòng sông Hồng hàng nghìn năm" - Ông Obama nhắc lại lời "sấm truyền" trong bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt về việc chủ quyền của Việt Nam với mảnh đất này: “Rành rành định mệnh tại sách trời”. Từ đó, Tổng thống Mỹ nói tới Bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ đã đề cập tới những nguyên lý cơ bản trong tuyên ngôn nhân quyền của Mỹ.

11h50', đoàn xe hộ tống Tổng thống Mỹ từ đường Phạm Hùng rẽ vào Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí trong khi chờ Tổng thống Obama phát biểu, ông Nguyễn Phương Hùng, một Việt Kiều sống tại Mỹ trong 41 năm qua, bày tỏ sự lạc quan lớn ở quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai. Ông Hùng cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama lần này sẽ tạo đà đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ. “Việc phát biểu trước người dân Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia hôm nay không phải thể hiện quan điểm của cá nhân ông Obama mà là của chính quyền Mỹ. Những gì mà ông Obama nói ở Việt Nam thì nước Mỹ sẽ thực hiện”.

11h45', hội trường có sức chứa hàng nghìn người đã đông kín. Đông đảo báo giới cũng đã sẵn sàng để đưa tin về sự kiện.



11h20', trong khi chờ Tổng thống Obama xuất hiện, những bản nhạc truyền thống của Việt Nam vang lên, hàng nghìn người đang dần ổn định chỗ ngồi, trong số này có rất đông các bạn trẻ là sinh viên.

Bạn Bùi Huyền, một sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Đại học Quốc gia đang háo hức chờ Tổng thống Obama, chia sẻ: “Em mới chỉ được nhìn thấy Tổng thống Obama trên tivi và báo chí, lần này được gặp ở Hà Nội, em vui lắm. Em được biết có thông tin về chuyến thăm Việt Nam của bác ấy từ cuối năm ngoái và hy vọng sẽ có dịp được gặp. Tổng thống Obama khác nhiều so với em tưởng tượng, ngoài vẻ nghiêm trang của một chính trị là sự thân thiện, gần gũi đến không ngờ, như việc đi ăn bún chả ở Hà Nội tối qua chẳng hạn”

Các bạn trẻ nghiêm trang trong nghi lễ chào cờ, háo hức chờ đón nghe bài phát biểu của Tổng thống Mỹ.

11h, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO) Vũ Xuân Hồng bước lên khán đài, phát biểu chào mừng: “Đây là một sự kiện quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. 21 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, hai nước có bước tiến mạnh mẽ, trở thành đối tác hợp tác toàn diện từ năm 2013. Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ và những ngày này Việt Nam chào đón Tổng thống Obama. Hợp tác Hoa kỳ là yếu tố quan trọng trong hợp tác châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nhà phân tích cho rằng khó tin được quan hệ của hai nước cựu thù lại phát triển mạnh mẽ như vậy”.

Ông Vũ Xuân Hồng phát biểu chào mừng trước khi bài phát biểu của Tổng thống Obama chính thức bắt đầu.

"Hợp tác ngoại giao nhân dân ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi về chính trị cho lãnh đạo hai nước hợp tác giải quyết các vấn đề về hậu quả chiến tranh. Quốc hội hai nước trong thời gian tới dựa trên lợi ích của hai nước, chia sẻ lợi ích chung, đóng góp vào hòa bình ổn định của khu vực. Chỉ hơn một tháng sau khi nước nhà giành độc lập năm 1945. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Hội Việt-Mỹ. Tháng 2/1946, trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ, Hồ Chủ tịch đã bày tỏ mong muốn thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam chứng tỏ sự phát triển của quan hệ hai nước" - ông Hồng phát biểu.

Toàn cảnh hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước thời điểm Tổng thống Obama xuất hiện.

10h58', sau nghi lễ chào cờ, cử hành quốc ca Việt - Mỹ, chương trình tiếp tục với một video ngắn nói về chuyến đi xe đạp đường dài của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius từ Hà Nội vào Huế trong tháng 1/2016 vừa qua.

Video tiếp theo là về hoạt động của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ (YSEALI) tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Theo nội dung video vừa phát, công chúng có thể chia sẻ ý kiến, cảm nhận về bài phát biểu của Tổng thống Obama hay đăng ảnh của Tổng thống tại sự kiện này trên Facebook của Đại sứ Mỹ tại Việt NamTed Osius theo đường link https://www.facebook.com/usambassador.vietnam.

Lễ chào cờ bắt đầu sớm hơn dự kiến.
Ca sĩ Mỹ Linh hát quốc ca Việt Nam.

Tổng thống Obama phát biểu tại cuộc họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, sáng ngày 23/5 (Ảnh: Hải Minh)

Hôm nay 24/5, theo lịch trình, Tổng thống Obama sẽ có buổi gặp gỡ với thành viên của các tổ chức dân sự, sau đó có bài phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Mở đầu sự kiện, ca sĩ Mỹ Linh sẽ hát quốc ca Việt Nam và một ca sĩ Mỹ sẽ hát quốc ca Mỹ. Thành phần tham dự gồm Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), môt số vị Bộ trưởng, đại diện các cơ quan ban ngành Việt Nam có chương trình hợp tác với phía Mỹ, các đại sứ nước ngoài tại Việt Nam, đông đảo sinh viên các trường đại học Hà Nội.

Kết thúc bài phát biểu, ông Obama sẽ có cuộc tiếp xúc ngắn với Chủ tịch VUFO, ông Vũ Xuân Hồng.

Phương Thảo - Nam Hằng - Quý Đoàn
Dân Trí


1 nhận xét:

  1. Chỗ trống còn nhiều mà không cho nhiều người tham dự.
    Thành phần tham dự cũng kiếm thành phần biết tiếng Anh đi, để nghe trực tiếp luôn. Obama vừa nói, có người dịch đọc lên nghe chối cả tai.

    Trả lờiXóa