Toàn văn bài phát biểu (không bị cắt bỏ) của tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Toàn văn bài phát biểu (không bị cắt bỏ) của tổng thống Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Nhiều bản dịch về bài phát biểu của tổng thống Obama tại tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình vào sáng 24.5 vừa qua đã bị cắt xén, nhất là những bản dịch được đăng trên báo chính thống của nhà nước. Các đoạn cắt xén là những đoạn ông Obama đề cập đến vấn đề nhân quyền. Bản dịch đầy đủ này của cự tù nhân lương tâm Phaolô Trần MInh Nhật được đăng trên tinmungchonguoingheo.com, xin được giới thiệu đến các bạn.
Xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho chúng tôi sự chào đón nồng nhiệt và hiếu khách trong chuyến thăm này. Xin cảm ơn các bạn có mặt ở đây ngày hôm nay, những người Việt Nam đến từ khắp đất nước, trong đó có những người trẻ đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hi vọng của người dân Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi. Nhiều người vẫy tay chào tôi bên đường, làm tôi cảm thấy được tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Hôm qua tôi đến thăm phố cổ nổi tiếng của Hà Nội và được ăn bún chả rất ngon, uống bia Hà Nội. Đường phố thật đông đúc, tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy trong đời mình. Tôi chưa thử qua đường, nhưng có lẽ sau này có dịp trở lại Việt Nam, các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào.
Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi là tổng thống đầu tiên – cũng như các bạn – trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
Khi lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc đó tôi 13 tuổi. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Việt Nam là ở Hawaii, nơi tôi lớn lên. Tôi đã gặp một số người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người còn trẻ hơn tôi. Nhiều người trẻ Việt Nam, cũng như hai con gái tôi, khi sinh ra chỉ biết đến hòa bình và tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Khi đến đây tôi ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng chúng ta hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và phẩm giá con người để chúng ta có thể thăng tiến lẫn nhau.
Tôi cũng trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam. Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cấy trên mảnh đất này. Chúng ta đã có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam và Văn Miếu là khẳng định về tri thức của Việt Nam. Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp, nhưng tinh thần bất khuất của người Việt Nam cũng giống như cây tre như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời.
Hôm nay chúng ta cũng nhớ tới lịch sử dài hơn giữa người Việt và người Mỹ mà chúng ta có thể bỏ quên. 200 năm trước, khi Đấng Lập Quốc Thomas Jerferson của chúng tôi nói những người Mỹ đi tìm kiếm giống lúa gạo cho nông trại của mình và người nói đến Việt Nam, nơi nổi danh với giống gạo trắng, ngon, năng suất rất cao. Tiếp đó, những con thuyền đã đến Việt Nam buôn bán. Trong thế chiến II, người Mỹ đã tới hỗ trợ người Việt kháng chiến chống lại sự xâm chiếm.
Khi những phi công Mỹ bị bắn rơi, người Việt Nam đã giúp đỡ họ. Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, đám đông đã tập trung trên những con đường của thành phố này và Hồ Chí Minh đã trích Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và Tạo Hóa đã ban cho họ thụ hưởng các quyền bất khả xâm phạm trong đó có quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Vào một thời điểm khác, việc theo đuổi những lý tưởng chung và lịch sử chung trong việc đánh đuổi thực dân đáng nhẽ ra đã đưa chúng ta xích lại gần nhau. Tuy nhiên thay vào đó Chiến Tranh Lạnh và nỗi lo sợ với chủ nghĩa cộng sản đã đẩy chúng ta đến một cuộc xung đột và sự phức tạp xuyên suốt lịch sử nhân loại làm chúng ta lần nữa đã nhận thức được sự thật đau đớn hơn rằng: chiến tranh dù cho với ý định nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta.
Trong các nghĩa trang quân đội gần đây hay trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam, dân thường và binh sĩ ở cả hai phía, đã mất đi. Trên Bức Tường Tưởng Niệm Chiến Tranh ở Washington, người ta có thể chạm vào tên của 58.315 binh sĩ vĩnh viễn không trở về ở cả hai nước nơi các cựu binh và gia quyến của bên thất trận vẫn còn đau đớn vì bạn bè và người thân yêu của họ đã mất mạng. Chúng tôi những người ở Mỹ học được rằng ngay cả khi chúng ta bất đồng về cuộc chiến, chúng ta vẫn phải luôn tôn trọng những người đã ngã xuống vì đất nước, và chào đón họ trở về với niềm kính trọng mà họ xứng đáng được có. Chúng ta người Mỹ – Việt có thể tham gia với nhau ở đây và thừa nhận nỗi đau và hi sinh của cả hai phía.
Trong hai thập nhiên gần đây Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn và ngày hôm nay thế giới có thể nhìn thấy những bước tiến mạnh trong cải cách kinh tế trong các thỏa thuận thương mại bao gồm cả với Hoa Kỳ. Các bạn đã hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Bán hàng hóa trên toàn thế giới. Có nhiều hơn các nhà đầu tư bên ngoài đang đến và có trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á. Việt Nam đã tiến tới quốc gia có thu nhập trung bình. Chúng tôi nhìn thấy sự tiến bộ của các bạn qua các tòa nhà chọc trời và sự nhộn nhịp ở hai thành phố lớn với các trung tâm thương mại lớn.
Đây là sự tiến bộ phi thường các bạn đạt được chỉ trong thời gian ngắn. Và Việt Nam đã thay đổi, đồng nghĩa mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng thay đổi. Chúng ta học được nhiều bài học tốt hơn qua đối thoại chân thành. Cả hai phía sẵn sàng thay đổi. bằng cách này cuộc chiến đã chia rẽ chúng ta lại trở thành nguồn chữa lành. Nó cho phép chúng ta chịu trách nhiệm tìm kiếm người mất tích và cuối cùng đưa họ về nước, cho phép chúng tôi giúp đỡ gỡ bỏ những bãi mìn còn chưa nổ. Trẻ con không thể nào bị mất chân bởi những bãi mìn này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trẻ em khuyết tật và cũng giúp loại bỏ chất độc màu da cam. Vì thế Việt Nam có thể thu lợi nhiều hơn từ đất đai mình. Chúng tôi tự hào vì những công việc chúng ta đã phối hợp với nhau tại Đà Nẵng và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ở sân bay Biên Hòa. Chúng ta cũng không quên rằng quá trình hòa giải của hai nước chúng ta được thúc đẩy bởi các cựu binh đã từng đối mặt với nhau và nay quay lại với nhau. Thượng nghị sĩ John McCain, tù binh trong chiến tranh, đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng “Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù, nên làm bạn”.
Nhiều người Mỹ – Việt đã nỗ lực hàn gắn những vết thương và xây dựng thời đại mới cho hai nước. Có những người như trung úy Hải quân giờ là ngoại trưởng John Kerry, nay đang có mặt ở đây. Đại diện tất cả tôi xin cảm ơn ngoại trưởng vì những cống hiến tuyệt vời. Chính bởi những người cựu chiến binh đã cho chúng ta thấy con đường đi và người dân đã cảm thấy rất phấn khích để tiếp tục mưu cầu hòa bình. Chúng ta trở nên gần gũi nhau hơn, thương mại tự do ngày càng tăng lên, các sinh viên, học giả cùng nghiên cứu với nhau.
Chúng tôi đã đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng đón nhiều khách du lịch Mỹ hơn bao giờ hêt, khắp nơi trên 36 phố phường cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế. Người Việt và người Mỹ đều có thể ngâm nga bài hát của Văn Cao “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người”. Với vai trò là tổng thống, tôi muốn tiếp tục những sự tiến bộ này của quan hệ hai nước và với quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta ngày càng gần gũi hơn, chúng ta đang ngày càng hợp tác.
Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là chúng ta xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Trong một cách nào đó, lịch sử của chúng tôi đã bắt đầu với tổng thống Thomas Jerferson. Hơn hai trăm năm giờ đây đã dần viên mãn. Chúng ta đã mất rất nhiều năm để nỗ lực hàn gắn quan hệ. Chúng tôi muốn nói một điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng được trước đây: ngày hôm nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau. Tôi tin tưởng rằng những kinh nghiệm của chúng ta sẽ là những bài học cho cả thế giới. Trong một thời điểm mà có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không giải quyết được thì giờ đây quan hệ của chúng ta đã cho thấy có thể tạo ra sự thay đổi, nếu chúng ta thay đổi tấm lòng. Một tương lai tốt đẹp hơn là điều khả thi nếu chúng ta không còn là tù nhân của quá khứ. Chúng ta đã minh chứng rằng hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Với sự tiến bộ, phẩm giá con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh hay xung đột. Đây là điều mà hai nước đã chỉ ra cho thế giới thấy.
Quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt ý chí hay quyết định vận mệnh của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định.
Mỹ rất quan tâm đến sự thành công của Việt Nam, nhưng mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam chỉ mới là giai đoạn khởi đầu.Tôi không còn nhiều thời gian nữa trong nhiệm kỳ của mình nhưng tôi mong muốn mình có thể đóng góp nhiều hơn cho quan hệ hai nước. Trước tiên, chúng ta cần hợp tác nhiều hơn để tạo ra và đem lại những cơ hội thịnh vượng thực sự cho người dân hai nước. Tôi hiểu những giá trị mới của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21. Dòng vốn đầu tư và thương mại sẽ đổ về các nước có nền pháp quyền và có hành lang pháp lý đúng đắn bởi vì không ai muốn hối lộ để bắt đầu công việc kinh doanh, bởi không ai muốn đến trường hay buôn bán nếu họ không biết họ sẽ bị đối xử như thế nào. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia nơi con người có quyền tự do suy nghĩ và trao đổi ý tưởng, và sáng tạo. Do vậy, phát triển thự sự không chỉ là khai thác kẻ khác nhưng cần đầu tư vào nguồn lực giá trị nhất là con người. Đó là những kỹ năng đào tạo và đầu tư vào những con người có tài năng, thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là những thế mạnh mà Mỹ có thể hợp tác với Việt Nam.
Ngày hôm qua như tôi đã thông báo, lực lượng gìn giữ hòa bình (Peace Corps) sẽ đến Việt Nam tập trung chủ yếu vào việc đào tạo tiếng Anh. Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây để dạy dỗ và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước.
Các công ty công nghệ hàng đầu, đại học danh tiếng Mỹ đã đến Việt Nam để hợp tác, đào tạo về khoa học công nghệ, toán học, y tế…vì khi chúng tôi muốn chào đón nhiều công dân, thanh niên Việt Nam sang Mỹ thì chúng tôi cũng muốn thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng nền giáo dục đẳng cấp toàn cầu ngay tại Việt Nam.
Do vậy, tôi rất vui mừng thông báo với các bạn, mùa thu năm nay đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động tại TPHCM. Đại học này phi lợi nhuận, chất lượng cao sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam cho người nghèo. Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh tới lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu…
Chúng tôi mong muốn sẽ kết nối những doanh nghiệp trẻ Việt – Mỹ. Nếu có thể tiếp cận với công nghệ, kỹ năng mà người Việt cần thì sẽ không có gì là trở ngại với các bạn. Chúng tôi mong muốn khuyến khích cả phụ nữ Việt Nam, những người có tài năng để đảm bảo về bình đẳng giới ở Việt Nam. Từ thời đại Hai Bà Trưng đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, tự cường và giúp cho đất nước Viêt Nam tiến lên phía trước. Và bằng chứng hiển nhiên là tôi nói điều này nơi nào trên thế giới tôi đến. Gia đình, cộng đồng và quốc gia sẽ cường thịnh hơn khi phụ nữ được bình đẳng cơ hội để thành công trong trường học, công sở và trong bộ máy chính phủ. Điều này luôn đúng ở bất kỳ đâu và kể cả ở Việt Nam.
Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, bởi vì hiệp ước thương mại này sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng ra thế giới và giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. TPP sẽ đòi hỏi phải cải cách để bảo vệ người lao động và nền pháp quyền trong nền kinh tế tri thức. Hoa Kỳ đã sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với những cam kết đã kí. Trong tư cách là tổng thống Hợp Chúng Quốc, tôi hết sức ủng hộ hiệp định thương mại này vì giúp các bạn có thể mua những hàng hóa chất lượng cao từ Hoa Kỳ. Hơn nữa, tôi ủng hộ TPP vì nó liên quan đến lợi ích chiến lược. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam không phải phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất và thụ hưởng lợi ích từ nhiều phía bao gồm cả Hoa Kỳ.
TPP cũng sẽ giúp tăng cường hợp tác vùng, giúp các bạn giải quyết các vấn đề bình đẳng kinh tế, thúc đẩy nhân quyền, giúp cho người lao động có lương cao và điều kiện lao động an toàn hơn. Trong thời gian gần nhất người lao động có thể tổ chức nghiệp đoàn độc lập, chống lao động cưỡng bức và lạm dụng lao động trẻ con. TPP thúc đẩy bảo vệ môi trường và nhất là góp phần nâng tiêu chuẩn chống tham nhũng trong các thỏa thuận thương mại. Đây là tương lai, hy vọng mà TPP mang lại cho chúng ta. Tất cả các quốc gia thành viên, Mỹ hay Việt Nam phải cam kết thực hiện các quy định mà TPP đặt ra.
Tất cả chúng ta phải nỗ lực vì sự thịnh vượng kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Điều này mang lại mục tiêu thứ hai mà chúng ta có thể hợp tác với nhau trong chương trình đào tạo an ninh chung. Trong chuyến thăm này của tôi hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin, tiếp tục công tác đào tạo, cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, năng lực bảo vệ hàng hải cũng như cứu trợ nhân đạo trong thiên tai. Hôm qua, tôi đã tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ cam kết bình thường hóa toàn bộ quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam.
Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, không chỉ Việt Nam một trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta xây dựng thông lệ chung tất cả quốc gia đều là quốc gia có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ. Các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ hơn, việc giải quyết các tranh chấp cần tiến hành hòa bình. Các thể chế như ASEAN và Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á cần được củng cố. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng và ủng hộ.
Các biện pháp hòa bình và liên kết vùng như ASEAN cần được tiếp tục củng cố như niềm tin của tôi, niềm tin của Hoa Kỳ. Đây là điều chúng tôi tuyên bố khi đến thăm Lào đầu năm nay.
Ở Biển Đông, chúng tôi không phải là một bên tranh chấp, nhưng chúng tôi khẳng định và đề cao quyền tự do hàng hải và hàng không; tự do thương mại không bị ngăn trở; giải quyết các tranh chấp thông qua pháp lý và luật pháp quốc tế. Nước Mỹ sẽ đưa tàu và máy bay di chuyển ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và ủng hộ quyền của các nước khác hành động như vậy.
Cho dù mối quan hệ hợp tác của chúng ta có gần gũi như thế nào, một trong các điểm quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng ta là giải quyết sự khác biệt giữa các chính quyền về nhân quyền.
Tôi nói điều này bởi không có quốc gia nào hoàn hảo. Sau 2 thế kỷ lập nước, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc, như cắt giảm ngân sách cho chính trị, sự gia tăng bất bình đẳng về kinh tế, phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp, bất bình đẳng thu nhập giữa nam và nữ. Tất nhiên chúng tôi vẫn nhận được sự phê bình. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được phê bình, tôi thề là tôi và chính phủ bị chỉ trích mỗi ngày. Nhưng những lời chỉ trích cằn nhằn đó mở ra các tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo và cho phép mọi người có tiếng nói. Những phê bình này giúp chúng tôi phát triển lớn mạnh hơn, thịnh vượng và công bằng hơn. Việc mọi người có quyền đưa ra lời phê phán thì chính là điều giúp xã hội tiến bộ hơn.
Như tôi đã nói trước, Hoa Kỳ không muốn áp đặt mô hình chính quyền của mình cho Việt Nam. Chúng tôi tin rằng giá trị Hoa Kỳ mà tôi nói là giá trị phổ quát của nhân loại được Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát đề cập và chúng được nêu trong Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp đó khẳng định mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tụ tập, tự do lập hội và tự do biểu tình. Đây là những điều đã được quy định trong hiến pháp Việt Nam.
Tôi xin chia sẻ một số điểm theo quan điểm về vấn đề này. chúng ta đang cố áp dụng những nguyên tắc bảo đảm rằng các giới chức chính quyền phải thực sự thấm nhuần những ý tưởng này. Trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa cam kết cải thiện luật pháp cho phù hợp với hiến pháp mới của mình và các chuẩn mực luật pháp quốc tế, và gần đây đã thông qua luật mà chính quyền hạn chế thông tin. Và như tôi nói Việt Nam đã cam kết cải cách kinh tế và lao động theo quy định của TPP. Đây là những bước tiến tích cực và tương lai của Việt Nam sẽ được người dân Việt Nam quyết định. Mọi quốc gia phải lược hóa lộ trình của mình.
Hai nước của chúng ta có sự khác biệt về truyền thông, hệ thống chính trị và văn hóa. Nhưng như một người bạn của Việt Nam tôi xin được nêu ra lý tưởng của mình khi tin rằng tại sao Việt Nam lại thành công hơn khi các quyền phổ quát được tôn trọng. Khi có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do chia sẻ ý tưởng, và tiếp cận internet và các mạng xã hội mà không bị giới hạn, thì đó là nguyên liệu cần để thúc đẩy sáng tạo mà nền kinh tế cần có để phát triển. Đó là cách mà facebook bắt đầu. Đó là cách các công ty lớn đã phát triển khi ai đó có ý tưởng khác nhau được đưa ra chia sẻ. Khi có quyền tự do báo chí, các nhà báo và blogger có thể chiếu sáng vào những bất công và vi phạm. Đó là cách bắt các công chức phải chịu trách nhiệm và xây dựng niềm tin chung rằng hệ thống làm việc có hiệu quả. Khi các ứng viên được chạy đua tranh cử và các cuộc bầu cử diễn ra tự do thì cử tri có quyền lựa chọn lãnh đạo cho mình trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Điều đó làm cho đất nước ổn định hơn bởi người dân biết tiếng nói của mình có giá trị và sự thay đổi ôn hòa là khả thi. Và họ có thể đưa người lãnh đạo mới vào hệ thống. khi có tự do tôn giáo, không chỉ cho phép người dân diễn tả tình yêu thương và lòng trắc ẩn vốn là trung tâm điểm của mọi tôn giáo nhưng còn cho phép các nhóm tôn giáo phục vụ cộng đồng mình qua các trường học, bệnh viện, chăm sóc người nghèo, người yếu đuối.
Khi có tự do tụ tập, khi công dân có quyền tự do lập hội trong một xã hội dân sự, thì chính quyền có thể dễ dàng xử lý vấn đề của mình hơn và mà đôi khi tự nó không thể giải quyết.
Đó là quan điểm của tôi khi thực hiện các quyền này thì không phải là một sự đe dọa cho sự ổn định nhưng thực sự thúc đẩy sự ổn định và là nền tảng để tiến bộ.
Sau cùng, nó là khao khát có được những quyền đó vốn được tạo cảm hứng từ những con người khắp nơi trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam nhằm ném đi chủ nghĩa thực dân. Tôi tin rằng việc thực hiện những quyền này là cách để độc lập đầy đủ nhất mà rất nhiều người mong ước, bao gồm cả ở đây, nơi một đất nước tuyên bố mình là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Việt Nam sẽ làm khác hơn so với Hoa Kỳ. Và chúng ta phải làm khác đi so với các quốc gia khác trên toàn thế giới. Nhưng đó là nguyên tắc căn bản mà tôi nghĩ là chúng ta phải cố đạt và cải thiện.
Khi tôi nói những điều này như một người sắp rời nhiệm sở, người được hưởng lợi từ quá trình làm việc 8 năm thể hiện qua cách mà hệ thống chúng tôi làm việc và tương tác với các quốc gia trên toàn thế giới muốn cải thiện hệ thống của mình.
Cuối cùng tôi nghĩ rằng đối tác của chúng ta có thể đáp ứng các thách thức toàn cầu mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Nếu chúng ta bảo đảm sự lành mạnh cho người dân và vẻ đẹp của hành tinh này, thì sự phát triển sẽ bền vững.
Về thách thức toàn cầu, Việt Nam cần bảo vệ các nơi như Vịnh Hạ Long, Sơn Đòng vì tương lai con cháu chúng ta. Nước biển tăng sẽ làm ảnh hưởng đến các vùng ven biển và như một đối tác với Việt Nam chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần hoàn thành đầy đủ cam kết Paris. Ta cần giúp người nông dân và các làng mạc, cũng như người dân chống lại ảnh hưởng vùng ngập mặn như đồng bằng sông Cửu Long – nơi cung cấp thực phẩm lớn cho thế giới và nuôi sống thế hệ tương lai. Chúng ta cũng phải giúp đỡ cho các nước để xây dựng năng lực về nhiều vấn đề như cải thiện y tế, chống lại các đại dịch ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Mỹ vui mừng khi đã giúp đỡ Việt Nam tham gia hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đặc biệt hai nước trước đây tham gia chiến trận, nhưng giờ cùng hợp tác bảo vệ hòa bình. Việt Nam và Mỹ cần nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường đối thoại song phương. Một sự hợp tác giúp định hình môi trường quốc tế theo cách tích cực. Những gì tôi nói hôm nay không xảy ra qua một đêm hay là không thể thay thế. Vẫn luôn có những cản trở và sự tụt hậu trên hành trình. Sẽ có những khi ta hiểu lầm. Sự hợp tác này cần nỗ lực bền bỉ và đối thoại thực chất từ cả hai phía nhằm liên tục thay đổi.
Nhìn vào lịch sử, thách thức mà chúng ta vượt qua, tôi lạc quan vào tương lai của quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin tôi là nhờ nền tảng dựa trên tình hữu nghị và cảm hứng chung của người dân. Tôi nghĩ về những người Mỹ hay Việt Nam đã vượt đại dương bao la, có người được đoàn tụ với gia đình sau hàng thập kỷ và hay như Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc “nối vòng tay lớn” để mở tấm lòng của mình ra để nhận ra nhân tính chung nơi mỗi người.
Tôi nghĩ rằng bất kỳ người Mỹ gốc Việt thành công nào, dù là bác sĩ, nhà báo, thẩm phán, giới chức công vụ. Một trong số họ, người được sinh ra ở đây, viết thư cho tôi “tạ ơn Chúa, tôi được sống “giấc mơ Mỹ”. Tôi tự hào là một người Mỹ, nhưng tôi cũng rất tự hào là một người Việt Nam”. Và ngày hôm nay ông ấy trở về đây để “cải thiện cuộc sống của người Việt Nam”. Tôi nghĩ về một thế hệ người Việt mới, rất nhiều người trẻ đang ở đây, những người sẵn sàng để lại dấu ấn trên toàn thế giới, và tôi muốn nói với người trẻ đang lắng nghe đây: tài năng, động lực, ước mơ của bạn, trong những thứ đó, Việt Nam có mọi thứ cần để tiến tới. Tương lai nằm trong tay các bạn. Đây là thời điểm của bạn. Và nếu bạn theo đuổi tương lai mình muốn, tôi muốn bạn biết rằng Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn.
Sau này, khi các bạn trẻ cùng học tập, cùng phối hợp sáng tạo và kinh doanh với nhau, hãy nhớ tôi ủng hộ sự an toàn, thăng tiến nhân quyền và bảo vệ hành tinh này cùng với nhau. Tôi muốn các bạn nghĩ lại thời điểm này hi vọng vào tầm nhìn mà tôi đưa ra hôm nay. Hay nếu tôi có thể nói cách khác như các bạn biết rõ về Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nói: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Paul Minh Nhật,
GNsP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét