Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

(3) Nội dung chương I của cuốn sách KT vĩ mô

KINH TẾ VĨ MÔ: LÝ THUYẾT, THỰC TIỄN VÀ DỰ BÁO MỘT SỐ CHỈ TIÊU VÀ CÂN ĐỐI LỚN
3) Các nhân tố sản xuất và phân phối thu nhập
Thu nhập quốc gia được sinh ra từ kết hợp giữa lao động và tài sản cố định (hay vốn cố định, hoặc gọi tắt là vốn). Lao động và vốn là những nhân tố sản xuất chính. Doanh nghiệp vay vốn và thuê lao động để sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ; bù lại doanh nghiệp sẽ trả thu nhập cho hai khoản vay và thuê này. Phân phối tổng thu nhập cho hai nhân tố sản xuất này trước tiên là vấn đề chính trị, sau đó mới là vấn đề kinh tế.
Đồ thị 1.4: Phần của lao động trong GDP và giá các cổ phiếu 1960-1990
Nguồn: OECD, ILO và IMF, dẫn lại trong Burda M. và Wyplosz (1994). Có thể xem đồ thị so sánh hai chỉ tiêu này ở các nước Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch cho giai đoạn 55 năm 1951-2006 trong Burda M. và Wyplosz (2009) "Macroéconomie – une perspective européenne", tại : https://books.google.fr/books?id=7XEpAwAAQBAJ&pg=PA7&source=gbs_selected_pages&cad=2#v=onepage&q&f=false

Thực tế là người lao động đều mong muốn dành phần lớn tổng thu nhập quốc gia này để trả lương. Ngược lại, nhà đầu tư lại muốn được chia nhiều hơn trong tổng thu nhập quốc gia. Để đo lường phần thu nhập trả cho tiền lương, người ta thường dùng tỷ lệ thu nhập của dân cư so với tổng thu nhập quốc gia. Ngược lại, để đo lường phần thu nhập trả cho vốn, người ta thường dùng chỉ số trên thị trường chứng khoán. Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp là đối tượng được đánh giá, phân tích, được mua đi bán lại… căn cứ vào khả năng sinh lợi của chúng.
Chỉ số chứng khoán phản ánh giá trị sinh lợi trung bình của các doanh nghiệp. Quan hệ giữa chỉ số chứng khoán và tỷ lệ thu nhập của dân cư so với tổng thu nhập quốc gia là âm, tức ngược chiều nhau; nghĩa là phần thu nhập quốc gia dành để trả lương cao thì sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm xuống, dẫn tới chỉ số chứng khoán sụt giảm. Chúng ta sẽ xem xét trong chương IV (cầu của khu vực tư nhân) những áp lực làm giảm giá chứng khoán sẽ ảnh hưởng thế nào tới tích lũy vốn sản xuất và từ đó ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng kinh tế ra sao.
Đồ thị 1.4 minh họa quan hệ giữa phần thu nhập quốc gia dành để trả lương và giá cổ phiếu của khu vực công nghiệp chế biến tại 4 nước công nghiệp phát triển trong 3 thập kỷ 1960-1990. Rõ ràng chúng ta thấy có một quan hệ ngược khá mạnh giữa hai chỉ tiêu này, đồng thời dao động của chúng cũng khá mạnh trong mỗi giai đoạn phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét