Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

(5) Nội dung chương I của cuốn sách KT vĩ mô

KINH TẾ VĨ MÔ: LÝ THUYẾT, THỰC TIỄN VÀ DỰ BÁO MỘT SỐ CHỈ TIÊU VÀ CÂN ĐỐI LỚN
6) Mở cửa và hội nhập
Nếu như trước năm 1970, đa số các nước phát triển theo xu thế hướng nội thì từ những năm đầu những năm 1970 đến giữa những năm 1995 người ta đã chứng kiến một sự bùng nổ của thương mại quốc tế. Chưa hết, tiếp ngay sau đó là làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế tràn ngập toàn thế giới, không chỉ về thương mại mà cả về đầu tư, lao động và chính sách kinh tế... Ngày nay, hầu hết các nước đều có quan hệ kinh tế, thương mại rộng rãi với các nước khác. Trao đổi thương mại trước đây chủ yếu là các hoạt động xuất và nhập khẩu hàng hóa. Hiện nay trao đổi các cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá đã chiếm vai trò rất quan trọng. Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở nên vô cùng sâu sắc và toàn diện; điển hình là trường hợp các nước Cộng đồng kinh tế châu Âu; ở đó đã có sự thống nhất tiền tệ (dùng chung đồng Euro), tự do lưu thông vốn và lao động, và thống nhất về nhiều chính sách kinh tế.
Ở Đông Nam Á, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015; đây được xem là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện đầu tiên của các nền kinh tế trong khu vực này. Với việc thành lập AEC, từ năm 2016, ASEAN đã chính thức trở thành một khối thống nhất về sản xuất, thương mại và đầu tư, trong đó hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề được lưu chuyển hoàn toàn tự do. AEC đồng thời cũng là một thị trường chung rất lớn có quy mô dân số (626 triệu người) đứng thứ 4, có GDP (2.700 tỷ USD theo tỷ giá thị trường hay 7.000 tỷ USD theo tỷ giá PPP) đứng thứ 7 trên thế giới và trong suốt 4 thập kỷ qua liên tục là một trong số rất ít khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục và nhanh nhất thế giới. Đặc biệt AEC có lực lượng lao động đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ) đồng thời lực lượng lao động này tương đối trẻ nên năng lực hoạt động khá cao. Do đó, hội nhập AEC chắc chắn là một cơ hội rất lớn giúp Việt Nam và nhiều nước kém phát triển khác như Lào, Campuchia và Myanmar đẩy nhanh quá trình phát triển, sớm bắt kịp các nước có trình độ phát triển cao hơn trong AEC.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng như vậy, sự phát triển và những biến động về tình hình kinh tế của mỗi quốc gia sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các nước khác. Trong số những ảnh hưởng này, đặc biệt phải kể đến những phản ứng rất nhanh và hầu như ngay lập tức của các thị trường tài chính của mỗi nước.
Theo truyền thống, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP là một trong những chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất để đo lường mức độ mở cửa của một nền kinh tế, đồng thời cũng được sử dụng để đo lường sự nhạy cảm của mỗi nền kinh tế trước các biến động của môi trường quốc tế. Thực tế cho thấy các nền kinh tế nhỏ do bị ràng buộc phải nhập khẩu nhiều loại hàng hóa bản thân không thể sản xuất được nên buộc phải xuất khẩu nhiều hơn, và do đó có độ mở cửa cao hơn so với các nước lớn.
Bảng 1.7: Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trên GDP của một số nước ASEAN (%)
1990
1995
2000
2005
2010
2013
Brunei
61,8
59,7
67,4
70,2
81,4
76,2
Cambodia
2,4
31,2
49,9
64,1
54,1
...
Indonesia
25,3
26,3
41,0
34,1
24,6
23,7
Lao PDR
...
...
...
...
...
...
Malaysia
74,5
94,1
119,8
112,9
93,3
82,9
Myanmar
1,9
0,8
0,5
0,2
0,1
...
Philippines 
27,5
36,4
51,4
46,1
34,8
27,9
Singapore
177,2
181,2
189,2
226,1
199,3
190,5
Thailand
33,1
41,6
64,8
68,6
66,6
...
Viet Nam
26,4
32,8
55,0
63,7
72,0
83,9

Bảng 1.7 trên đây so sánh độ mở cửa của Việt Nam và các nước ASEAN. Có thể thấy các nước nhỏ như Singapore, Brunei hay Malaysia có độ mở cửa rất cao và khá cao; ngược lại những nước đông dân như Indonesia, Philippines hay Thái Lan có độ mở cửa thấp hơn nhiều. Việt Nam là trường hợp rất đặc biệt vì là nước lớn nhưng độ mở cửa lại rất cao và tăng lên rất nhanh trong hơn 2 thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế Việt Nam phát triển đơn điệu, chỉ dựa vào một số sản phẩm chính, không sản xuất được đa số các hàng hóa trung gian, do đó đã phải liên tục gia tăng nhập khẩu, dẫn tới phải tăng nhanh xuất khẩu để cân đối. Phát triển dựa 84% vào nước ngoài là một xu hướng phát triển không lành mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét