Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

“Hãy để HAGL và các ngân hàng tự giải quyết với nhau”

Đoạn này hay: "TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Sẽ là bất hợp lý, không chấp nhận được và thật buồn cười nếu như HAGL chưa trình phương án trả nợ để các ngân hàng xem xét, trước khi có phương án tái cơ cấu nợ ngân hàng". Khi đang vào cầu nhờ những phi vụ kinh doanh rất đáng ngờ (phá hoại rừng, bóc lột nông dân nghèo), Bầu Đức đã tuyên bố rất tự tin với báo giới rằng chậm nhất đến năm 2014, ông sẽ trở thành tỷ phú thế giới. Có tiền, vung ra tiêu xài đủ thứ, từ máy bay đến học viện bóng đá. Giờ khó khăn thì kêu xin Nhà nước lấy tiền thuế của dân để giúp. Thậm chí không thèm trình phương án cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, Bầu đã được NHNN và các NH quốc doanh sốt sắng giúp đỡ. Liệu HAGL của riêng Bầu thì có được ưu ái thế không ? Hay đây là tài sản chung của một nhóm quan chức ? Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước chấp thuận 'cứu' bầu Đức
TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Hãy để Hoàng Anh Gia Lai và các ngân hàng tự giải quyết với nhau”
NGUYỄN THOAN 19/05/2016 BizLIVE - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét thông qua đề xuất của các ngân hàng về phương án tái cơ cấu nợ cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang đặt ra nhiều nghi ngại. Liệu NHNN có quá vội vàng?
Chuyên gia Tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
Tái cơ cấu nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng trên thế giới
Bình luận về động thái này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng cho rằng, điều này thực ra không có gì kì lạ. Là người đã có kinh nghiệm điều hành hoạt động ngân hàng nhiều năm ở nước ngoài, ông khẳng định đây là hoạt động bình thường của các ngân hàng trên thế giới

Ông Hiếu cho biết: “Tái cơ cấu nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng khi người đi vay gặp khó khăn về trả nợ, thanh khoản.” Theo đó, tái cơ cấu nợ là nhóm giải pháp của ngân hàng nhằm giúp cho doanh nghiệp phục hồi và trả nợ. Nhóm giải pháp này có thể bao gồm việc thay đổi kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi suất, tái cơ cấu lãi suất, xem xét tiếp tục cho vay để doanh nghiệp đầu tư tái sản xuất, sinh lời.

Ông Hiếu nhận định, riêng trong trường hợp HAGL, vì đây là một doanh nghiệp lớn, số vay nợ ngân hàng cũng rất nhiều, nên NHNN không thể ngồi yên cũng là điều dễ hiểu.

Ông đánh giá, NHNN đã có bước đi rất khẩn trương để xử lý vấn đề của HAGL. Đây là động thái dễ hiểu và rất kịp thời. Tuy nhiên, trong trường hợp này NHNN chỉ nên đưa phương án hướng dẫn các NHTM tái cơ cấu nợ, chứ không nên áp đặt. “Hãy để HAGL và các NHTM tự giải quyết, thỏa thuận với nhau”, ông khuyến nghị.

Câu chuyện con gà và quả trứng

Một vấn đề khác được đặt ra là liệu có phải HAGL quá được ưu ái khi bản thân doanh nghiệp này còn chưa có phương án trả nợ, cơ quan quản lý đã trình phương án xin tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp?

Khi được hỏi về vấn đề này TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Sẽ là bất hợp lý, không chấp nhận được và thật buồn cười nếu như HAGL chưa trình phương án trả nợ để các ngân hàng xem xét, trước khi có phương án tái cơ cấu nợ ngân hàng.

Ông Hiếu so sánh: Việc này giống như câu chuyện con gà và quả trứng. Quả trứng thì phải có trước sau đó mới nở ra con gà, chứ không thể ngược lại. Và quả trứng ở đây chính là HAGL.

Điều này có nghĩa là HAGL phải có một phương án trả nợ trình các ngân hàng trước, sau đó các ngân hàng mới xét xem phương án đó có hợp lý hay không, tiếp đến mới bàn tới chuyện có tái cơ cấu nợ hay không.

Ông Hiếu cho biết, phương án mà HAGL đưa ra cũng sẽ phải được ngân hàng xem xét ở nhiều góc độ liên quan, ví dụ như tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, và mối quan hệ với các ngân hàng khác.

“Việc này nên có một Hội đồng chủ nợ để bàn bạc, xét xem phương án trả nợ của HAGL như thế nào, có khả thi không, phù hợp không”, ông hiến kế.

Ông Hiếu nhấn mạnh thêm, nếu phương án tái cơ cấu nợ ngân hàng có trước khi có phương án trả nợ của HAGL trình lên, thì đây là việc làm ngược, trái với nguyên tắc hoạt động tín dụng lành mạnh.

Trong thời gian này, phương án tái cơ cấu nợ ngân hàng với HAGL được đánh giá là không chỉ "cứu" HAGL, mà chính các ngân hàng cũng đang tự cứu mình. “Nuôi nợ để thu hồi nợ” vẫn sẽ là phương án các ngân hàng chọn lựa nhằm tìm kiếm sự thuận lợi trong thu hồi các khoản nợ cũ. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh lại rằng, nếu HAGL chưa “giơ chân giò”, các NH đã vội “thò chai rượu”, có thể sẽ chuốc thêm rủi ro cho chính mình!

NGUYỄN THOAN
http://bizlive.vn/kinh-doanh/ts-nguyen-tri-hieu-hay-de-hoang-anh-gia-lai-va-cac-ngan-hang-tu-giai-quyet-voi-nhau-1726692.html

1 nhận xét:

  1. Các ngân hàng đã bị HAGL bắt chẹt vì số vay nợ của họ vượt quá nhiều lần giá trị tài sản cầm cố. Mặt khác khi không có phương án tái cấu trúc lại doanh nghiệp thì HAGL không trả lời được câu hỏi lamg thế nào để trả nợ.

    Trả lờiXóa