Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Cá biển, đất và dân nghèo

“Trời ơi, mấy ông này rất kỳ lạ, cá bị cả tháng rồi mà không cho người ta biết rõ nguyên nhân là gì, mà vẫn biểu người dân ăn cá, tắm biển. Tui thì không ăn nhiều ngày nay rồi, ai nói gì thì nói, tui nói nhà tui không ăn, có thèm cũng không ăn, lỡ cháu tui sau này có chuyện gì hối không kịp”.
Cá biển, đất và dân nghèo
Nhưng cái ly càphê “Hoài cổ” của Đà Nẵng nó rất… quen thuộc vì nó y như cà phê hoá chất vỉa hè Sài Gòn, đắng và không có mùi cà phê. “Không cần ăn cá, uống cà phê độc cũng chết!”, thầm nghĩ.

Cá biển vẫn tiếp tục chết. Ảnh: AFP
Đoàn tàu SE22 đến Đà Nẵng đúng 6 giờ.
Tôi khoác balô trên vai và nhanh chóng tìm vào một quán bún gần ga vỉa hè thông thoáng.
Tôi gọi tô bún cá quen thuộc miền Trung, khác với Nha Trang, bún cá vỉa hè ở đây có cả măng.

Ăn cũng đậm đà, chả cá ăn theo thói quen, ăn xong mới hỏi: “Dì ơi, cá này có nhiễm độc không ạ?”, hỏi xong mới biết mình ngu, vì khả năng bị ăn chửi là rất cao.

Nhưng may thay bà bán đang bận múc cho khách tô khác, hay bị lãng tai sao đó nên không nói gì.

Thôi, thì mình cũng đã ngu vì ăn cá ở vùng biển mới vài ngày trước xác cá trôi dạt, nổi lềnh bềnh, và mới hôm qua đây, các quan chức của Đà Nẵng ra biển tắm, ăn hải sản từa lưa mà chưa đọc một phân tích khoa học nào thật sự đáng được bảo chứng để xác nhận vùng biển này chưa nhiễm độc.

Mới 6h30, chú Ba xe ôm rất kiên nhẫn đi theo để chở về khách sạn nên rủ chú vô càphê, hỏi chú: “Đà Nẵng chỗ nào càphê lâu đời mà ngon ạ?”, chú nói có chỗ gần đây thôi, và chở mình đến một quán cà phê ngay trước cửa ga, đằng trước quán có mấy chiếc xe cổ xưa trang trí, nên quán đặt tên là “Hoài cổ”, bà chủ quán bưng ra một ly cà phê đen, một khay đá có đúng một viên tròn, một cái muỗng và hũ đường.

Xin thêm đá, theo thói quen của dân Sài Gòn, uống ly cà phê phải “dềnh” đá mới được.

Nhưng cái ly càphê “Hoài cổ” của Đà Nẵng nó rất… quen thuộc vì nó y như cà phê hoá chất vỉa hè Sài Gòn, đắng và không có mùi cà phê. “Không cần ăn cá, uống cà phê độc cũng chết!”, thầm nghĩ.

Nhân tiện, hỏi chuyện cá, ông nói liền: “Trời ơi, mấy ông này rất kỳ lạ, cá bị cả tháng rồi mà không cho người ta biết rõ nguyên nhân là gì, mà vẫn biểu người dân ăn cá, tắm biển. Tui thì không ăn nhiều ngày nay rồi, ai nói gì thì nói, tui nói nhà tui không ăn, có thèm cũng không ăn, lỡ cháu tui sau này có chuyện gì hối không kịp”.

Tôi hỏi thêm chợ cá mấy bữa nay sao, thì chú Ba kể nhiều người khóc ròng vì không ai dám mua cá, rốt cục thì người bán cá cũng không lấy cá về bán. Nghe nói lãnh đạo ăn, tắm biển gì đó nên bữa nay người ta bán lại.

Dạo trên bãi biển Mỹ Khê vắng người chiều ngày 3/5, tôi ngồi xuống ghế đá và gọi điện thoại hỏi thăm mấy dì bán cá ở chợ ngày đầu tiên sau mười ngày ngưng bán cá, lượng tiêu thụ thế nào, các dì đều bán hết từ trưa, nhưng sợ nhất là người ta trả lại cá nếu thấy có hiện tượng gì khác thường.

Dì Chanh nói dì bán mấy chục ký cá, cá ngừ là bán nhanh nhất vì ai cũng thèm. Duy có một người đem trả lại con cá vì thấy nó… mềm quá, cá tươi nó cứng.

Dì vẫn phải nhận và trả tiền lại vì mười ngày qua, cái cảm giác không bán được cá khiến dì rất sợ.

Nhưng hỏi dì có sợ là cá này vẫn có thể nhiễm độc tố nếu chưa rõ thông tin kiểm nghiệm hay không thì dì nói, sợ thì sao chớ, làm nghề bán cá mà không có cá bán thì cũng chết mà!

Dọc biển Mỹ Khê đi thẳng miết là tới Sơn Trà, tôi ghé chùa Linh Ứng, khách du lịch vẫn còn, chủ yếu là Trung Quốc.

Tôi vào chánh điện, sau khi vái Đức Phật, tôi ngồi xuống một chút thầm khấn trong lòng cho ngư dân thoát khỏi bị “tàu lạ” đâm và đất nước tôi thanh bình.

Một cô ngồi cầm cọc tiền đang lạy, rồi cô cũng quỳ xuống khấn vái, rồi đứng lên để xấp tiền lẻ lên bàn thờ Phật, tôi đoán cô ta là người xứ khác, vì thói quen để tiền lẻ khắp nơi rồi khấn thần linh để xin tiền to, tiền chẵn gần như là tập tính mê tín của những người miền ngoài, sau này đã gây nên những cơn khủng hoảng về văn hoá Việt rất kinh hoàng.

Tôi chợt nhớ lời của chú Ba xe ôm sáng nay, đại ý là nếu thâm canh trên ruộng “Đức” (phúc đức) thì của cải không bao giờ cạn, nhưng nếu chỉ biết đầu tư vào đất đai, tiền của mà bất chấp tất cả làm việc thất đức thì càng ngày sẽ càng nghèo hèn.

Dĩ nhiên chú nói hay hơn nhiều, vì không kịp ghi lại nên tường thuật thô thiển.

Rồi tôi nhớ lại lịch sử Việt thiếu gì những kẻ bán nước vì lòng tham quyền lực đến sẵn sàng huỷ diệt một dân tộc, đã bao nhiêu con người đánh đổi mạng sống vì một lòng nghĩ đến sự trường tồn của đất nước.

Có lẽ sẽ đến lúc đất Việt chỉ còn là chốn hoang vu và người Việt thì trở nên teo tóp với một thân phận buồn.

Tôi thấy mình nhỏ bé, dĩ nhiên. Nhưng tôi thấy mình còn tệ hơn sự nhỏ bé của mình.

Hội An và ông quan giữ đất

Đến Hội An, chúng tôi gặp nhà văn Nguyên Ngọc trong căn phòng làm việc đầu trường. Chúng tôi nói thêm một chuyện khác, đó là chuyện đất đai.

Ông Ngọc gọi cho ông Sự, nguyên bí thư Hội An, chỉ 10 phút sau, ông Sự đến và kể cho chúng tôi nghe chuyện “giữ đất, giữ làng” cũng cam go chẳng khác gì thời chiến.

Nhưng ông Sự làm “quan lớn” của vùng Hội An này, chấp nhận “ngược dòng” chính sách (GS Chu Hảo nói đùa là cứ chính sách nào ra, thì ông ấy làm ngược lại là hợp lòng dân) để bằng mọi cách giữ lại giềng mối cho cộng đồng làng bắt đầu từ việc giữ đất.

Ông hiểu rằng có đầu tư (tiền) thì sẽ có phát triển, nhưng không thể bằng mọi giá để trả cho sự phát triển ấy mà làm cách nào để trả cái giá thấp nhất, mà quan trọng nhất, cũng vẫn là giữ đất, giữ lại những không gian sống cho cộng đồng.

Ông Sự kể lại câu chuyện ông đã giữ lại những khoảng không gian sống cho dân mà ông phải ra lệnh: các anh chị đừng bao giờ nghĩ là sẽ xây cái gì ở đó mà phải nghĩ rằng sẽ không bao giờ xây cái gì ở đó cả, vì đó là trái tim, là lá phổi của chính chúng ta, không ai tự chặn đường thở của mình bằng những dự án vô hồn vô cảm kia.

Lịch sử người Việt là muôn đời giữ đất, từ những tấc đất bị ngoại xâm đến những tấc đất vì “nội xâm”.

Dường như ám ảnh về mất đất đã khiến cho ông bà tổ tiên để lại câu truyền đời “tấc đất tấc vàng” mà người Việt ngày nay không phải ai cũng hiểu thấu nó cho đến khi bị đẩy ra khỏi mảnh đất của mình bằng đủ mọi cách, họ vẫn… ngơ ngác.

Ngân Hà
Thế Giới Tiếp Thị
http://tiepthithegioi.vn/loi-song/van-hoa/ca-bien-dat-va-dan-ngheo/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét