Có thể một số số liệu trong bài này không chính xác; bạn đọc nên cẩn thận phân tích trước khi sử dụng.
Bài toán ngân sách và tài chính của chính thể Việt Nam là quá phức tạp, nhưng lại rất dễ giải: hoặc là in tiền, in thật nhiều tiền để trám vào những vực thẳm đã bị nạn chi tiêu vô tội vạ, lãng phí và tham nhũng bào nát; hoặc vay mượn nước ngoài... Thể chế chính trị Việt Nam hình như đã qua thời vàng son vay mượn chỉ nhận không cho. Những tín hiệu mới nhất vào đầu năm 2016 từ các chủ nợ lớn nhất đều thiếu hẳn tính lạc quan... Tháng 12/2015, đại diện của Ngân hàng thế giới (WB) bất ngờ tuyên bố: WB ngưng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam. Còn bây giờ, không những không có khoản cho vay mới, IMF còn khuyến cáo: “Việt Nam cần một cuộc cải cách thứ hai”. Có thể hiểu: nếu không cải cách và không cải cách một cách thực chất, sẽ không có tiền.
Bội chi phi mã: Việt Nam cần một cuộc cải cách thứ hai
Sẽ là vấn đề khá cũ nếu chỉ xét về kết quả nhân sự Đại hội XII đảng Cộng sản Việt Nam, vì mọi chuyện hầu như đã an bài. Nhưng kinh tế quyết định chính trị - những nhà lý thuyết học Mácxít như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấm nhuần điều này hơn bất cứ ai.
Từ thời Đổi Mới 1986 đến nay, chưa bao giờ chân đứng kinh tế và cả thể chế chính trị Việt Nam rơi vào tình thế bấp bênh như hiện nay. Kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII đang phải đối mặt với thực thể quá trần trụi ấy.
Bội chi ‘vẫn nằm trong giới hạn’: Giấu đầu lòi đuôi
Ngay trước kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, một “tin vui” đã xảy đến với bộ mặt chính trị quốc gia: Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 vọt lên 6,1%/GDP.
Tỷ lệ này chỉ thấp hơn đôi chút mức bội chi ngân sách 6,3%/GDP của năm 2013.
Điều đáng nói là trước Đại hội XII, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn cam kết sẽ giữ mức bội chi năm 2015 chỉ khoảng 5%, tức không vượt quá giới hạn nguy hiểm. Song đến bây giờ, sự thật đã quá phũ phàng. Tình trạng thê thảm của ngân sách càng được hun đúc bởi chiến dịch dùng tiền ngân sách xây tượng đài và trụ sở hành chính từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng vào năm 2015, bất kể “ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng” như một trần thuật khốn khổ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên vào đầu năm 2016, cũng chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại bao che cho chính phủ khi cho rằng tỷ lệ bội chi ngân sách 6,1%/GDP dù cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội song “vẫn nằm trong giới hạn mà Quốc hội đã thông qua”.
Lý giải về việc tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2015 cao hơn so với Quốc hội phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, do quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm so với số đã báo cáo Quốc hội là 291,1 nghìn tỷ đồng, còn trên thực tế con số bội chi vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt là 256 nghìn tỷ đồng (bao gồm 226 nghìn tỷ đồng đã và 30 nghìn tỷ đồng tăng thêm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được Quốc hội thông qua).
Thế nhưng nghịch lý rất lớn trong giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nếu như quy mô GDP năm 2015 thực tế giảm thì làm sao tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2015 vẫn được chính phủ báo cáo là trên 6,5% - một con số rất cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái năm thứ 8 liên tục kể từ năm 2008, còn số doanh nghiệp phá sản và phải ngừng hoạt động đã tăng liên tục trong 3 năm.
Rất có thể báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm nên công tích giấu đầu lòi đuôi: rốt cuộc các cơ quan Việt Nam đã không thể che giấu được sự thật về “tăng trưởng GDP” và “kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực”.
‘Ngân sách năm gay rồi’
Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 2/2016 đã diễn ra thật sự căng thẳng về vấn đề ngân sách. Con số xin ngân sách mà các địa phương trình lên trung ương vượt gấp 20 lần khả năng chi của ngân sách trung ương. Trong khi đó, rất nhiều dự án kinh tế và xã hội đang bị đình đốn vì không biết lấy đâu ra tiền. Nợ công tăng vọt với mức 20%/năm và trong thực tế đã bằng cả GDP nguyên năm. Hầu hết các thị trường, kể cả những thị trường có bề dày thành tích đầu cơ như vàng và chứng khoán, đều lây lất….
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, một trong số ít quan chức có thông tin và có hơi hướng phản biện, bật ra: “Ngân sách năm gay rồi, dự báo năm sau sẽ tiếp tục gay thì ảnh hưởng thị trường tài chính của Việt Nam”. Cảm xúc này được ông Thiên hé lộ tại Hội thảo Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/3/2016.
Còn ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cũng phải thừa nhận việc cân đối ngân sách năm nay ngày càng khó khăn hơn. Trần nợ cộng gần như chạm ngưỡng 65%, bội chi ngân sách là 5,7% đặt ra thách thức cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, dư địa chính sách hạn hẹp, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế…
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng bi đát của nền kinh tế và ngân sách lộ ra. Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân năm 2013 ở Nha Trang, ông Trần Đình Thiên cũng là quan chức nhà nước đầu tiên bi quan về tình trạng nợ xấu tràn ngập trong các doanh nghiệp bất động sản và đặc biệt là hệ thống ngân hàng. Một số chuyên gia phản biện đã tính toán tỷ lệ nợ xấu phải lên đến 10-15%. Nhưng vào thời điểm đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình chỉ thừa nhận tỷ lệ nợ xấu là 3%. Chỉ đến cuối năm 2014, ông Bình mới lần đầu tiên thú nhận trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về con số nợ xấu lên đến khoảng 500.000 tỷ đồng, tức tỷ lệ nợ xấu khoảng 15%.
Còn giờ đây, khi chính phủ bị coi là “điều hành quá yếu kém” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sắp trôi vào dĩ vãng, ngày càng nhiều quan chức và báo chí nhà nước mạnh miệng hơn. Nếu báo cáo trước đây của Thủ tướng Dũng chỉ thừa nhận nợ công vào khoảng 55% GDP, thì nay giới quan chức ngành kế hoạch và tài chính đang công nhận tỷ lệ này “chạm ngưỡng nguy hiểm”, cho dù trong thực tế tỷ lệ nợ công quốc gia đã vọt đến 98% GDP từ những năm 2011 - 2012 như chính một quan chức nhà nước thừa nhận.
Tuy không mô tả tình hình ngân sách 2016 bằng các số liệu chi tiết, nhưng ông Trần Đình Thiên lại như tiếp lửa cho lời tiết lộ “Ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng” của ông Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015. Vào thời điểm đó, ngay cả một số quan chức cấp cao cũng phải thừa nhận “tình hình ngân sách là cực kỳ căng thẳng”. Sau đó, người ta chứng kiến phía chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phải vay mượn khoảng 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng nhà nước “để cân đối khó khăn ngân sách”, còn Bộ Tài chính phải thoái vốn tại hàng loạt ngân hàng và cả những doanh nghiệp đầy màu mỡ như Vinamilk…
‘Việt Nam cần một cuộc cải cách thứ hai’
Bài toán ngân sách và tài chính của chính thể Việt Nam là quá phức tạp, nhưng lại rất dễ giải: hoặc là in tiền, in thật nhiều tiền để trám vào những vực thẳm đã bị nạn chi tiêu vô tội vạ, lãng phí và tham nhũng bào nát; hoặc vay mượn nước ngoài.
Nhưng in tiền tất sẽ dẫn đến lạm phát. Đã có những chuyên gia bắt đầu cảnh báo về tỷ lệ lạm phát năm 2016 có thể trở lại như năm 2011, tức vọt đến 20%. Quốc hội lại đang tỉnh giấc đòi chính phủ phải “trả lại” cho cơ quan này quyền xem xét và quyết định ngân sách. Do vậy khả năng in tiền vô tội vạ là khó xảy ra, ngay cả trong trường hợp tân ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn bình không bị điều động về Ban kinh tế trung ương mà vẫn “xin” được ở lại Ngân hàng nhà nước.
Chỉ còn cách vay mượn quốc tế.
Tuy vậy, thể chế chính trị Việt Nam hình như đã qua thời vàng son vay mượn chỉ nhận không cho. Những tín hiệu mới nhất vào đầu năm 2016 từ các chủ nợ lớn nhất đều thiếu hẳn tính lạc quan.
Vào giữa tháng 3/2016, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã đến làm việc tại Việt Nam. Cũng tương tự như kết quả chuyến làm việc tại Việt Nam của Chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim vào tháng 2/2016, IMF đã không hứa hẹn cung cấp bất cứ một khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Hà Nội, dù cả chủ tịch nhóm Ngân hàng thế giới và Tổng giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế đều được những nhân vật cao nhất Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đón tiếp mặn nồng.
Tháng 12/2015, đại diện của Ngân hàng thế giới (WB) bất ngờ tuyên bố: WB ngưng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam.
Còn bây giờ, không những không có khoản cho vay mới, IMF còn khuyến cáo: “Việt Nam cần một cuộc cải cách thứ hai”.
Dù IMF không nói rõ ra, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam tất ngầm hiểu nhiều khuyến nghị, được phát ra trong nhiều lần, của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế về những nội dung thiết yếu cần cải cách kinh tế và cải cách thể chế: bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, tăng độ minh bạch thị trường tài chính và minh bạch ngân sách, cải cách luật theo hướng dân chủ hơn, phải chống tham nhũng một cách có hiệu quả, chấp nhận Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự. Kể cả tự do lập hội và tự do báo chí…
Có thể hiểu: nếu không cải cách và không cải cách một cách thực chất, sẽ không có tiền.
Phạm Chí Dũng
VOA blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét