Nhân dân tệ vẫn chưa thể là đồng tiền tự do chuyển đổi
Vũ Quang Việt (TBKTSG) - Hiện nay các nước đã giữ lượng nhân dân tệ (NDT) làm đồng dự trữ tương đương với 108 tỉ đô la Mỹ, bằng khoảng 1% tổng dự trữ trên thế giới. Con số này là rất nhỏ so với các đồng tiền khác đang được dùng làm dự trữ: 65% tiền dự trữ là đô la Mỹ, 20% là đồng euro, 4,7% là đồng bảng Anh, và 3,8% là đồng yen Nhật.
Việc giữ NDT nhiều hơn trong tương lai còn tùy thuộc
vào sự tin cậy về giá trị của nó. Ảnh: Internet
Việc giữ NDT nhiều hơn trong tương lai còn tùy thuộc vào sự tin cậy về giá trị của nó. Vì tình trạng thương mại hai chiều với Trung Quốc là lớn, nên việc dùng đồng NDT sẽ làm giảm chi phí thanh toán do không phải chuyển đổi qua đồng thứ ba. Tuy nhiên nếu đồng NDT thay đổi giá trị khó lường thì sẽ ít ai giữ nó làm đồng dự trữ, họ sẽ chuyển sang đồng thứ ba để bảo vệ giá trị. Khi trở thành đồng dự trữ thì Trung Quốc sẽ không dễ dùng biện pháp hành chính để giảm giá nhằm tăng xuất khẩu nữa.Lý do IMF bầu chọn Trung Quốc
Cuối tháng 11-2015, đồng NDT được IMF cho vào rổ đồng tiền dự trữ kể từ tháng 10-2016. Về hình thức, IMF công nhận NDT là đồng dự trữ vì nó đạt được hai điều kiện: chiếm tỷ lệ lớn trong xuất khẩu của thế giới (chiếm 11% trong năm năm qua) và có thể tự do sử dụng được (freely usable), điều mà IMF cho đến tháng 8-2015 vẫn không công nhận sau khi xem xét. Điều kiện thứ hai thì quả thực là điều mơ hồ, vô nghĩa. Chính IMF đã viết rằng: “Ý niệm tự do sử dụng liên quan đến tình trạng đồng tiền được sử dụng trong thực tế trên thế giới và qua mua bán đồng tiền, nó không phải là đồng tiền được thả nổi hay tự do chuyển đổi. Nói cách khác, đồng tiền có thể sử dụng và trao đổi rộng rãi dù nó bị hạn chế trong dòng chảy tư bản”.
Nói tóm lại, điều kiện thứ hai không khác gì điều kiện đầu và như thế NDT vẫn không phải là đồng tự do chuyển đổi. IMF xem xét điều kiện để chấp nhận NDT khác hẳn cách họ đã từng sử dụng đánh giá đồng yen Nhật. Tờ báo Economist ở Anh đã nhận ra điều chiếu cố này.
Thả lỏng định nghĩa như thế một phần là phản ánh việc IMF đã chấp nhận sai lầm trong việc áp đặt các nước thực hành tự do trong luồng chảy tư bản. Như vậy, NDT sẽ chiếm 10,92% trong rổ dự trữ của IMF so với đồng đô la Mỹ là 41,73%, đồng euro là 30,93%, đồng yen Nhật là 8,33% và đồng bảng Anh là 8,09%. Ngoài ra, nó có nghĩa là khi các nước có NDT thì có thể tính vào số dự trữ khi báo cáo cho IMF và Ngân hàng Thế giới.
Vậy đâu là ý nghĩa của việc NDT được chấp nhận là đồng chuyển đổi?
Chính sách khôn ngoan của Trung Quốc
Trung Quốc muốn NDT được chấp nhận là đồng chuyển đổi, chủ yếu là vì muốn gây thanh thế về kinh tế và chính trị, nhưng phần khác là có thể giúp tăng cường đầu tư trực tiếp ra nhiều nước trên thế giới nhằm khai thác nguyên liệu phục vụ thị trường Trung Quốc, đồng thời xuất khẩu hàng hóa mà chỉ cần dùng NDT. Điều này sẽ làm giảm chi phí chuyển đổi thông qua một đồng tiền khác và dần có thể hành động kiểu Mỹ là in tiền phân phát khắp nơi (mà không cần bảo chứng).
Về dài lâu, khi NDT thật sự trở thành đồng dự trữ được sử dụng rộng rãi, được tín nhiệm thì rõ ràng nó có thể thay đổi vai trò bá chủ của đồng đô la Mỹ hiện nay. Thị trường có thể bỏ đồng đô la Mỹ, với một tỷ lệ đáng kể, chạy vào đồng NDT, cắt giảm khả năng Mỹ có thể bơm tiền thoải mái vào thị trường thế giới để tài trợ chi tiêu của mình như hiện nay (với nhập khẩu vượt xa xuất khẩu) mà không gây nên lạm phát trong nước. Nhưng chuyện này có lẽ còn xa vời.
Nhưng cả IMF đều biết là Trung Quốc không thật sự muốn NDT là đồng hoàn toàn được tự do chuyển đổi. Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục kiểm soát được lượng đô la Mỹ hay đồng tiền chuyển đổi khác chảy ra nước ngoài. Lý do rất đơn giản là khi đồng tiền được tự do chuyển đổi thì Trung Quốc phải đối phó với khả năng đồng bạc của mình bị tấn công: tư bản nước ngoài bỏ chạy và đồng tiền mất giá. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính và nền kinh tế. Và điều này Trung Quốc không hoàn toàn muốn.
Và các cuộc tấn công tiền tệ chỉ giảm thiểu được khi đồng tiền được bảo chứng bằng niềm tin, với sự hỗ trợ bằng một nền kinh tế phát triển bền vững và không được phép sử dụng mánh khóe và thủ thuật lũng đoạn thị trường nhằm mang lợi cho mình và hại cho người khác.
Với nền kinh tế mở, tất nhiên, Trung Quốc sẽ phải đối phó với các thủ thuật đầu cơ trong chu chuyển luồng tư bản từ nước này sang nước khác, không chỉ có ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, mà có thể đẩy tới sự bỏ chạy của đồng tiền, đưa đến việc vỡ nợ quốc gia. Vì thế Trung Quốc sẽ tìm cách để NDT thực sự không phải là đồng tự do chuyển đổi trong một thời gian dài nhằm hạn chế được các cuộc tháo chạy của tư bản nước ngoài (hay của ngoại tệ) như đã xảy ra ở nhiều nơi trong đó có Hàn Quốc và nhiều nước châu Á vào năm 1997.
Nhưng Trung Quốc làm thế nào để hạn chế sự lưu thông tư bản, hay ngoại tệ?
Kinh nghiệm của các nước nhỏ (ở đây khi mà lượng dự trữ NDT ở các nước còn nhỏ dù lượng dự trữ đô la Mỹ ở Trung Quốc rất lớn - khoảng 3.000 tỉ vào cuối năm ngoái, thì vẫn có thể coi Trung Quốc là nước nhỏ) cho thấy tự do dòng chảy tư bản, có thể cho phép giới đầu cơ tiền tệ đánh sập giá một đồng bạc bằng cách bán ra khi ở giá cao và mua lại khi đã xuống giá. Việc này dễ xảy ra khi sự tin tưởng vào giá trị đồng NDT còn là câu hỏi. Thực tế cho thấy người giàu ở Trung Quốc sẵn sàng chuyển đồng NDT sang đồng đô la Mỹ để chuyển tài sản ra nước ngoài. Theo báo Financial Times, tám tháng đầu năm 2015 đã có 500 tỉ đô la Mỹ bỏ chạy ra ngoài. Đồng NDT mới đây xuống giá cũng là vì thế.
Để nâng khả năng kiểm soát mức tự do trong chuyển đổi tự do, tiếp tục hạn chế ở mức nhất định và xác định quyền hạn chế dòng chảy tư bản khi cần, Trung Quốc đang và sẽ thực thi một số biện pháp phù hợp trong từng hoàn cảnh.
(1) Tiếp tục yêu cầu xin giấy phép để chuyển ngân ra nước ngoài.
(2) Tiếp tục hạn chế hoặc xác định quyền hạn chế người nước ngoài mua hoặc bán lượng cổ phiếu (hoặc tỷ lệ cổ phiếu của doanh nghiệp), hoặc hạn định thời gian tối thiểu phải giữ cổ phiếu trước khi được phép bán, hoặc hạn chế lượng tiền ngoại tệ chuyển ra nước ngoài.
(3) Tiếp tục hạn chế số nơi có thể buôn bán đồng NDT (hiện nay, chỉ có vài nơi buôn bán số lượng lớn là Hồng Kông, Singapore và London). Đây là những ngân hàng có liên hệ với Trung Quốc để có hợp đồng trao đổi (swaps) thay vì chuyển đổi tự do, với giới hạn nhất định. Trung Quốc sẽ giữ tiền NDT và chỉ cung cấp khi cần. Cách làm này khiến chi phí chuyển đổi đắt và việc chuyển đổi coi như bị ngừng khi đạt tới lượng theo hợp đồng.
(4) Trung Quốc tiếp tục hướng thực hiện hợp đồng trao đổi với các ngân hàng trung ương các nước để có thể hạn chế được các yêu cầu mua số lượng lớn (có thể mang tính thời cơ) để làm giá NDT tăng, làm giảm nhập khẩu hàng Trung Quốc và làm tăng xuất hàng nội địa của các nước.
Với chính sách như trên, Trung Quốc được lợi cả hai đàng. Phải nói rằng đây là chính sách khôn ngoan của họ. Trung Quốc tham gia vào WTO ở thời điểm họ có thể vừa được thâm nhập vào thị trường nước khác, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục cản trở sự thâm nhập của đầu tư nước ngoài vào ngành nghề mà họ muốn bảo vệ. Họ đi trước và được hưởng món lợi này.
Hành xử ra sao với Trung Quốc?
Nếu một nước ít buôn bán với Trung Quốc thì chẳng cần giữ NDT làm gì. Nếu có buôn bán thì việc có dự trữ trong rổ để tạo sự dễ dàng cho buôn bán mà không cần mất phí chuyển đổi qua đồng thứ ba là điều dễ hiểu. Nhưng đó là nguyên tắc “sạch”, tức là đồng tiền trong rổ phải là đồng tiền có thể tự do chuyển đổi và đáng tin cậy, không mất giá do nền kinh tế của đối tác bất ổn.
Dù kinh tế Trung Quốc có ổn định nhưng đồng NDT bị Trung Quốc kiểm soát và sẵn sàng sử dụng nhằm sở hữu, kiểm soát hay ít nhất là áp lực với thị trường nội địa nước khác bằng việc tung NDT mua đất đai, tài sản, đặc biệt là tài sản tài chính (gián tiếp) để rồi có thể bán tống dễ dàng như trái phiếu, cổ phiếu thì không thể coi nó ngang hàng với đồng đô la Mỹ, đồng euro hay yen Nhật, mà cần có chính sách kiểm soát phản ứng khi cần thiết, tốt nhất là có biện pháp hạn chế ngay từ đầu. Tất nhiên, đối phó với các đồng tiền khác cũng thế, chứ không chỉ NDT.
Hiện nay Việt Nam quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc với tỷ lệ nhập khẩu tăng từ 16% năm 2005 lên trên 30% vài năm gần đây (xem biểu đồ).
Nếu áp dụng nguyên tắc mà IMF sử dụng thì NDT trong rổ hàng Việt Nam sẽ chiếm tới hơn 30%, và sẽ có người, nhất là phía Trung Quốc, lập luận rằng Việt Nam tất nhiên sẽ giảm được chi phí thanh toán nếu có khoảng 30% trong dự trữ ngoại tệ là NDT. Lý luận này không đứng vững vì nguồn tài chính nhập siêu từ Trung Quốc là từ nguồn xuất siêu sang Mỹ, Nhật và châu Âu, nên việc phải giữ trong tay một lượng lớn đồng NDT cũng không cần thiết, chưa kể Việt Nam cần phải giảm tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ lập luận về dự trữ NDT mà còn muốn Việt Nam mở cửa cho việc sử dụng NDT như đồng tiền thanh toán nội địa, đặc biệt là ở vùng biên giới, mà họ áp lực Việt Nam tổ chức xây dựng thành một hành lang tự do thương mại. Đây là điều cần được lưu tâm.
Không một nước nào muốn có một nền kinh tế độc lập, lại muốn xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa, dù nó là đồng NDT hay đô la Mỹ. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng người dân không còn tin nội tệ và không muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá.
Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể dựa vào hợp đồng dùng đồng thứ ba, đồng Việt Nam hay NDT. Dù dùng đồng nào để thanh toán phải theo nguyên tắc là việc chuyển đổi qua ngân hàng và tổ chức chuyển đổi chính thức được phép và chỉ có thể dùng đồng Việt Nam để chi tiêu chứ không thể một đồng khác. Có thể tóm tắt như sau: mọi chi trả ở Việt Nam phải bằng đồng Việt Nam.
Đọc thêm:
- Nhân dân tệ Trung Quốc thành đồng tiền dự trữ quốc tế
- IMF: VN nên linh hoạt tỷ giá, củng cố tài khóa
http://www.thesaigontimes.vn/139923/Nhan-dan-te-van-chua-the-la-dong-tien-tu-do-chuyen-doi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét