Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘đấu trí’ FED...

Đấu trí gì đâu !!! Ngân hàng Nhà nước bị động đối phó với FED cũng như đã bị động đối phó với các cuộc phá giá đồng nhân dân tệ trước đây của Ngân hàng TW Trung Quốc. Rất mừng là trong năm 2015 Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng khá nhanh và chính xác trước biến động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Và cũng may là các biến động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế không lớn và nền kinh tế Việt Nam từ 2 năm nay đã đi vào thế ổn định (trì trệ) nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đủ năng lực can thiệp để tránh cho nền kinh tế Việt Nam rơi và cuộc khủng hoảng mới. Mỹ nâng lãi suất không nguy hiểm bằng Trung Quốc phá giá. Vì Trung Quốc vừa phá giá đối phó với Mỹ tăng lãi suất nên khả năng Ngân hàng Nhà nước phải phá giá theo là rất lớn. Tuy nhiên, lo ngại tình hình xã hội sẽ bất an trước ngày khai mạc đại hội Đảng nên NHNN sẽ nín nhịn phá giá ngay mà chờ sau đại hội Đảng và tết âm lịch mới dám phá giá.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘đấu trí’ FED: Tỷ giá có hạ ‘sốt’?
(VTC News) – Đưa ra quyết định rất nhanh chóng sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD, liệu Ngân hàng Nhà nước có giúp tỷ giá hạ “sốt”. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD là chủ đề “nóng” được cả thế giới theo dõi trong hai một tháng trở lại đây. Trước “giờ G”, tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh trong cả hệ thống ngân hàng và trên thị trường tự do.
Tới 17/12, khi FED chính thức tăng lãi suất USD, tỷ giá có nhiều diễn biến bất thường, lúc tăng mạnh, khi đứng im. Vì vậy, khả năng tỷ giá USD/VN có thể “sốt” trở lại không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng có tác động tới đồng bạc xanh.

Cuối ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc quy định mức lãi suất đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, tiền gửi tiết kiệm USD là 0%.

Liệu động thái này của Ngân hàng Nhà nước có giúp USD “hạ nhiệt”? Đại diện Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia kinh tế đã có những dự báo về USD trong thời gian sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Diễn biến tỷ giá tăng trong mấy ngày vừa qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước sự kiện Fed họp để quyết định việc tăng lãi suất đồng USD lên 0,25% và diễn biến giảm giá của đồng Nhân dân tệ trong những ngày vừa qua.

Đối với cung cầu ngoại tệ, hiện đang có những diễn biến tích cực. Chúng ta có xuất siêu khoảng 500 triệu USD trong tháng 10 và tiếp tục xuất siêu khoảng 260 triệu USD trong tháng 11. Số liệu về giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng trên 17% so với cùng kỳ. Dòng kiều hối tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Việc Fed tăng lãi suất theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như của Ngân hàng Nhà nước thì có tác động không đáng kể đối với thị trường trong nước. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nhất quán với những giải pháp điều hành, kể cả các giải pháp về lãi suất, về tiền gửi và các giải pháp liên quan đến cơ chế điều hành.

TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế

Tôi cho rằng việc FED nâng lãi suất USD sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Việc tác động này có độ trễ, thông thường vài tháng. Chỉ có thị trường chứng khoán mới phản ứng ngay với thông tin.

Tuy nhiên, áp lực này sẽ không quá mạnh vì Ngân hàng Nhà nước đã có phản ứng kịp thời. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất USD xuống còn 0% áp dụng cho tổ chức, cá nhân gửi USD tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Từ bây giờ tới cuối năm, tôi dự đoán tỷ giá có thể không điều chỉnh thêm vì nguồn USD khá dồi dào. Cuối năm, kiều hối về nhiều, nhiều doanh nghiệp cũng có thêm USD nhờ xuất khẩu và nhiều dự án được triển khai.

Trong thời gian tới, giá USD có thể sẽ tăng, đôi khi tăng là do tâm lý. Điều đó được thể hiện trên giá USD chợ đen.

TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng

Việc FED tăng lãi suất USD đang ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tỷ giá. Động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước có mục đích là đưa ra tín hiệu khẳng định Ngân hàng Nhà nước quyết tâm duy trì tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước đang dùng biện pháp từ trước đến nay chưa dùng bao giờ. Đó là đẩy lãi suất USD xuống bằng 0. Điều đó có nghĩa gửi tiết kiệm bằng USD thì không nhận được đồng lãi nào cả. Ngân hàng khuyến khích người dân đổi USD ra tiền đồng.

Nếu người dân làm điều đó thì tạo cung USD lớn để cân đối cung cầu trên thị trường. Ý muốn của Ngân hàng Nhà nước là vậy nhưng vẫn chưa rõ nó có đủ mạnh để ổn định tỷ giá hay không.

Tôi cho rằng ngoài biện pháp kể trên, có lẽ Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt điều chỉnh tỷ giá. Nếu giá USD trên thị trường tự do tăng cao, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng ngay tỷ giá mà không cần chờ đến năm 2016


http://vtc.vn/ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-dau-tri-fed-ty-gia-co-ha-sot.1.586428.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét