Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

KHI DỐI LỪA LÀ ....SỰ THẬT

Tôi vẫn nói với mọi người không hiểu sao ở Việt Nam người ta thích nói dối. Có vô số chuyện vô thưởng vô phạt trong cuộc sống hàng ngày, nói thật có ảnh hưởng gì tới ai đâu, thế mà cũng vẫn nói dối. Kỳ lạ, cái nước mình nó thế.
KHI DỐI LỪA LÀ... SỰ THẬT
Dân Luận Hà Văn Thịnh: Đọc những bản tin về Lễ diễu binh nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh (tôi không xem TV), không thể tin ở mắt mình: Một sĩ quan Quân y, đeo quân hàm trung tá (trên ve áo), sinh năm 1993(!), ngực gắn đầy huân, huy chương các loại? Cái tức chỉ mới ở cấp độ… vừa vừa. Thế nhưng, đọc tiếp, thấy ông Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, trả lời báo chí rằng, tuy là thiếu úy, nhưng theo quy điịnh, phải đeo hàm trung tá cho… thống nhất (Motthegioi.vn; 09:55, 3.9.2015) thì sự uất nghẹn lên đến tận cùng! Thì ra, để đảm bảo tính THỐNG NHẤT, DUY NHẤT, người ta có thể đạp đổ mọi giá trị?

Chưa bàn đến chuyện cộng đồng mạng đang xôn xao: Thiếu úy Quân y Phạm Trúc Sơn Quỳnh là… sinh viên trường Đại học Thương mại (vì chưa kiểm chứng được); chỉ xin luận về cái việc giả dối luôn được coi là sự thật, nó nguy hại và mang tính “truyền thống” khủng khiếp đến mức nào.

Thứ nhất, xin hỏi ông trung tướng rằng, từ cổ chí kim, ở bất kỳ quốc gia nào (không kể mấy nước XHCN), có chuyện quân hàm, huy chương, được đeo một cách tùy tiện để diễu qua diễu lại trước mắt hàng triệu con người như thế hay không? Ở đây, công khai trước mắt toàn dân tộc mà lại ủ mầm dối trá thì người dân biết tin vào ai? Không lẽ, dối trá, tùy tiện lại trở thành quy định của ta? Làm sao để có quân lệnh như sơn, làm sao việc tôi hay ai đó đeo quân hàm thì bị bắt ngay lập tức mà trong diễu binh lại coi là bình thường?

Những tấm huy chương đó do một cô gái trẻ đeo, chẳng lẽ cũng lại là quy định? Nếu đúng thế thì đó là sự sỉ nhục đối với những người vào sinh ra tử để có được chúng? Xét về tuổi, sinh năm 1993, đeo được quân hàm thì chỉ có thể tốt nghiệp trung cấp y-dược; tức là… y tá hay hộ lý, dược tá vì, chưa thể tốt nghiệp đại học y – dược 6-7 năm. Sự kệch cỡm và trơ tráo là không thể chối cãi. Có lẽ, đây là cách tốt nhất để vả vào mặt hàng loạt sĩ quan cấp tá khác, có phải vậy không?

Thứ hai, báo chí cho biết có 70% trong đội ngũ nữ “quân y” đã có gia đình; vậy, căn cứ vào đâu để đề nghị cấp bằng khen cho một cô gái còn son trẻ? “Động tác” chuẩn, đẹp, tập luyện cả đêm ngày…; chỉ là sự tư biện trắng trợn.

Bốn tháng trời tập có mỗi đi đều, vung tay cho đúng thỉ chỉ có ai đó thiểu năng mới không làm được. Còn tập đêm, tập ngày chỉ là do kém mà thôi. Tại sao không đặt ngược câu hỏi rằng 70% của 200 người , tức là trên dưới cả trăm phụ nữ có con mọn không cần tập như thế vẫn đi đúng, đẹp chẳng kém gì? Nói rằng cô thiếu úy – trung tá đẹp hơn về vòng 1 hay gương mặt thì còn khả dĩ, chứ cho rằng đẹp hơn trong một khối 200 người thì quả là sự phỉ báng tư duy: Đẹp hơn có nghĩa là khối đó có hàng trăm người không đẹp bằng – tức là đi đều sai, chào không đúng, cũng đồng nghĩa là khối nữ quân y diễu binh thất bại. Nếu quả là vậy thì “khối trưởng” có gì đáng tặng bằng khen? Một đất nước mà cái gì cũng GIẢ, từ cấp bậc đến huân chương, danh hiệu anh hùng, đẹp, chuẩn…, là phải hiểu sao đây?

Thứ ba, riêng chuyện bố của cô thiếu úy – bà trung tá, là sĩ quan (cao cấp – vì ít khả năng có chuyện con dám đeo quân hàm cao hơn bố, trong khi quy định, thượng tá là cán bộ cao cấp) ở Tổng cục Hậu cần, đủ để biết cái “thị trường” sao – vạch là hình như có vẻ đúng? 

Biết bao nhiêu phụ nữ (trong số 140 người) trong khối quân y vừa là con dân đen, vừa nuôi con nhỏ xứng đáng hơn mà không được khen? Thì ra, khen hay chê không phải do tài năng, phẩm hạnh mà có phải là CCCC hay không mà thôi. Phải chăng chính ông trung tướng đang ngầm khẳng định cho cái ‘chân lý’ không có ai chịu nổi là vì mục tiêu thống nhất, duy nhất, các vị muốn làm gì thì làm, diễn ra sao thì diễn?

Thứ tư: tôi được biết các tàu bệnh viện, xe cứu thương trên thế giới đều in dấu chữ thập đỏ trên nóc, 4 phía để đối phương không bắn nhầm (quy định quốc tế, xem ảnh chụp tàu bệnh viện Mỹ vừa đến Đà Nẵng). Thế, tại sao bác sĩ, y tá quân đội ta, cô nào cũng cầm AK (trừ chỉ huy là súng ngắn), mặt đằng đằng sát khí? Họ ra trận để cứu người hay bắn người? Nếu họ bắn rồi bị bắn chết thì lấy ai cứu thương binh; hoặc giả, để thương binh… chết luôn?

Trên đây là 3 câu hỏi xin ông trung tướng trả lời. Nếu tôi sai (cầu mong là thế – vì, tôi sai thì đất nước được nhờ), là do kiến thức hạn hẹp, không hiểu hết cái ý thâm, nghĩ ngắn rõ ràng như của các ông. Tuy nhiên, bài này rất tình cờ được viết trong ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giã cõi đời (suốt mấy chục năm trời, thế hệ chúng tôi thắp hương vào ngày… 3.9!), nên có liên tưởng về “truyền thống” dối trá đắng cay. Xin kể ông nghe.

Thuở đó, tôi cũng như nhiều học sinh lớp 7, lớp 8 khác, đã khóc Bác rất chân thành – khóc dàn dụa đến hết nước mắt theo đúng nghĩa đen của từ này. Sau đó, chúng tôi lùng, tìm để học thuộc nhiều bài thơ viết về nỗi đau “tả” cái đau đớn thật sự của hàng triệu con người. 

Tất nhiên, cũng có bài thơ không hay (thậm chí là phản động) như bài Bác ơi của Tố Hữu. Tố Hữu kể rằng ngày Bác mất, ổng đang bỏ đi chơi đâu đó: Chiều nay con chạy về thăm Bác. Rồi, ổng miêu tả ổng đang lần mò, rình rập nhà bác; không thèm thắp cho người chết một đốm nến tàn: Con lại lần theo lối sỏi quen… Phòng lạnh, rèm buông, tắt ánh đèn…

Tạm không bàn đến những câu thơ dở mà hãy nói đến những câu thơ hay, trong đó có những câu này (tôi quên tên tác giả, nhờ bạn đọc tìm dùm):

Hôm nay, tháng Chín, ngày ba
Bác mất
Từ đó
Những bình minh khổ đau
Những hoàng hôn nước mắt
Lên đường cùng chúng ta…


Lại xin không bàn về cái tài tiên tri của nhà thơ; quả là từ khi đó đến giờ, có không ít khổ đau và nước mắt đã “lên đường”; mà chỉ xin nhấn mạnh rằng, mấy chục năm sau, tôi nghe đính chính rằng thực ra Bác mất ngày 2.9 chứ không phải ngày 3. Thật là đau đớn cho ông nhà thơ nọ vì nếu là ngày 2 thì không thể vần với chữ ta ở câu sau. Thành thử đành phải vất vào sọt rác cái chữ “hay”.

Rồi, tôi còn được biết rằng, Bác viết trong Di chúc là cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa; nhưng Đảng ta đã quyết định xóa bỏ “20 năm”(!)

Tất cả đều nhằm mục đích… thống nhất?


Đến đây thì hẳn là ông trung tướng đã buộc phải đồng ý với tôi rằng, khi người ta có thể sửa cả di chúc, tức là, hoàn toàn có thể dối lừa mọi chuyện?

Bước khởi đầu của dối trá (tạm tính là khởi đầu) tai họa đó, cứ nghĩ là do… chiến tranh, không làm rối loạn lòng dân, nên nghe đôi khi, cũng xuôi xuôi. Bây giờ, tra trốc, mốc trọ rồi tôi lại còn nghe thêm lý ‘trấu’ là do thống nhất, từ ông, thì quả là hết thuốc chữa.

Các ông cứ nghĩ dối trá ‘cho vui’, dân ngu khu đen chẳng biết, chẳng dám nói gì thì quả đúng là khủng khiếp…

Viết bài này, mong các ông đọc và bớt dối trá đi cho người dân đỡ khổ, đỡ đau. Đừng đưa “quy định” ra để lấp liếm: Tôi từng biết có người cấp bậc đại úy làm trưởng phòng CSGT trong khi cấp trung tá là phó phòng (nghe đâu bây giờ sắp thay đổi).

Xin lưu ý các ông là lần diễu binh sau (kỷ niệm 80 năm, nếu có) đừng cho bất kỳ cô bé mặt búng ra sữa nào đeo lon trung tá, bởi như thế là làm tái phát vết thương chiến tranh của hàng triệu cựu chiến binh đang buộc phải lặng im dù bị sỉ vả đắng cay!…

Huế, 3.9.2015

Thật thà là cha mách qué

Nguyễn Thông
3-9-2015

Chả có gì bằng thật thà. Diễu binh cũng đã xong. Thời tiết tốt, đội hình đẹp, cán bộ phấn khởi. Chỉ có chút lăn tăn của dư luận về hình thức: sao lắm huân huy chương thế, chú lính trẻ măng cũng ngực đầy huân chương; sao lắm sĩ quan thế, cô bộ đội non choẹt cũng hàm trung tá? Một vị tướng, ông Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng đứng ra giải thích rằng quy định diễu binh nó vậy.

Đành rằng “binh bất yếm trá” (việc binh không ngại sự giả dối) nhưng giả dối trong việc “binh” này thì quả là không nên. Nó chỉ tạo sự màu mè không thật. Nó tôn vinh sự dối trá một cách công khai. Nó hạ thấp giá trị của các huân huy chương và hàm sĩ quan, những thứ mà người ta cần phải đổ mồ hôi, máu, thời gian cuộc đời, thậm chí cả sinh mạng của mình mới có được, thì nay bị xem như thứ đồ hàng mã.

Thử hỏi, nếu cứ để những người lính mặc quân phục chỉnh tề, đeo đúng hàm lính hoặc sĩ quan của mình, đúng huân huy chương mà mình có khi tham gia diễu binh, thì mất gì nào. Chả mất gì cả, chỉ tôn vinh vẻ đẹp người lính.

Quy định là do con người đặt ra. Ai đặt ra thứ quy định này, đúng là ngu xuẩn.

Chả có gì bằng sự thật thà. Các cụ xưa đã dạy con cháu vậy.

Sáng 3.9, một ngày sau buổi diễu

1 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa