Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

GS Châu và con thủ tướng đấu giá sách

Tổng cộng hơn 15 triệu, trong khi riêng GS Châu và bà Phượng mua 13,5 triệu ? Thực tế phải viết như báo Tuổi Trẻ mới rõ: Sau khi trừ giá khởi điểm cho chủ sách, tổng cộng phiên đấu giá đã thu được 15.130.000 đồng. Ban tổ chức đã chuyển số tiền này cho chị Hướng Dương - giám đốc Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị.
GS Châu và con thủ tướng đấu giá sách
Tổng cộng phiên đấu giá được nói đã thu được hơn 15 triệu đồng để chuyển cho quỹ sách nói phục vụ người mù TP Hồ Chí Minh. Giáo sư Châu giành được quyền sở hữu cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" của học giả Đào Duy Anh với mức 2,5 triệu đồng. Bà Phượng giành quyền mua quyển sách “Bác sĩ Aibôlít” của nhà văn Liên Xô Korney Chukovsky (NXB Cầu Vồng in năm 1984) với giá một triệu đồng và cuốn “Cochinchine" (Nam Kỳ, Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, do NXB Gastaldy in tại Sài Gòn năm 1931) với giá 10 triệu đồng.

Giáo sư Ngô Bảo Châu và bà Nguyễn Thanh Phượng khiến phiên 
đấu giá sách 'thêm kịch tính và hào hứng' (ảnh của báo Tuổi Trẻ)
Giáo sư Ngô Bảo Châu và bà Nguyễn Thanh Phượng vừa cùng tham gia đấu giá sách nhằm gây quỹ sách nói cho người mù. Cuộc 'đấu giá sách quý' do công ty Nhã Nam tổ chức hôm Chủ nhật 20/9 tại Nhã Nam thư quán, TP Hồ Chí Minh.

Tổng cộng phiên đấu giá được nói đã thu được hơn 15 triệu đồng để chuyển cho quỹ sách nói phục vụ người mù TP Hồ Chí Minh.

Doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng là ái nữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

VnExpress hôm 21/9 mô tả “tuy đến trễ nhưng giáo sư Châu và bà Phượng khiến không khí của chương trình sôi nổi, kịch tính hơn hẳn”.

Báo này cho biết giáo sư Châu giành được quyền sở hữu cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" của học giả Đào Duy Anh với mức 2,5 triệu đồng.

Cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" (NXB Bốn Phương của thi sĩ Đông Hồ phát hành năm 1951) có mức khởi điểm 150.000 đồng.

Bà Phượng giành quyền mua quyển sách “Bác sĩ Aibôlít” của nhà văn Liên Xô Korney Chukovsky (NXB Cầu Vồng in năm 1984) với giá một triệu đồng và cuốn “Cochinchine" (Nam Kỳ, Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, do NXB Gastaldy in tại Sài Gòn năm 1931) với giá 10 triệu đồng.

Báo Tuổi Trẻ hôm 20/9 tường thuật “Có lẽ quyển sách 'Bác sĩ Aibôlít' gợi lên những ký ức tuổi thơ của mình nên bà Phượng đã tham gia bỏ giá đấu quyết liệt và đấu thắng”.


http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/09/150921_ngobaochau_nguyenthanhphuong_books

Phiên đấu giá sách quý hiếm hấp dẫn

20/09/2015 13:24 GMT+7
TTO - Sự xuất hiện của GS Ngô Bảo Châu và doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng đã làm cho phiên đấu giá sách quý hiếm do Nhã Nam tổ chức sáng 20-9 tại TP.HCM thêm kịch tính và hào hứng.
GS Ngô Bảo Châu đưa tay bỏ giá đấu quyển Việt Nam văn hóa sử cương - Ảnh: L.Điền
GS Ngô Bảo Châu đưa tay bỏ giá đấu quyển Việt Nam văn hóa sử cương - Ảnh: L.Điền
15 đầu ấn phẩm đưa ra đấu giá lần này là một phần của chương trình Chợ phiên sách cũ kéo dài trong ba ngày từ 18 đến 20-9.
Các ấn phẩm có mức giá khởi điểm dao động từ 20.000 đồng đến 5 triệu đồng, hứa hẹn mức độ tham gia của các tay chơi sách và giới quan tâm, hâm mộ sẽ rất đa dạng, sinh động.
Với bước giá cho mỗi lượt đấu là 10.000 đồng, MC phiên đấu giá Tuyết Anh đã nỗ lực giới thiệu các ấn phẩm, kêu gọi khuyến khích và cả… khích động mọi người có mặt tại Nhã Nam thư quán cùng tham gia bỏ giá đấu.
Cuộc đấu diễn ra được nửa đường thì bất ngờ giáo sư Ngô Bảo Châu và doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng cùng đến tham gia đấu giá.
Lúc này sàn đấu đang vào lượt bỏ giá cho quyển Bác sĩ Ai-Bô-Lít - quyển truyện nổi tiếng của Coóc nây Tru-cốp-xki, NXB Cầu Vồng 1984, từng quen thuộc với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Quyển này giá khởi điểm 50.000 đồng, người tham gia đấu đầu tiên là Dạ Thương - chủ tiệm sách Book Nest - nâng giá lên 100.000 đồng.
Có lẽ quyển sách thiếu nhi này gợi lên những ký ức tuổi thơ của mình nên bà Thanh Phượng đã tham gia bỏ giá đấu quyết liệt và đấu thắng ở mức giá 1 triệu đồng.
Sau đó đến lượt đấu giá quyển Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh do NXB Bốn Phương (của thi sĩ Đông Hồ thành lập) ấn hành năm 1951, sách được bảo quản cực tốt, còn bìa và jacket.
Quyển sách này vốn quan trọng và được các thế hệ trí thức nước nhà đánh giá rất cao, cộng với chất lượng một bản sách có tuổi đời hơn nửa thế kỷ nhưng còn gần như mới nguyên đã quyến rũ GS Ngô Bảo Châu nâng giá từ mức khởi điểm 150.000 đồng lên 1 triệu đồng, rồi 1,5 triệu đồng.
Lúc này chỉ còn chủ tiệm sách Dạ Thương đeo bám đấu nhích từng bước: 1.610.000 đồng, 1.620.000 đồng… Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu kiên quyết theo đuổi, nâng giá lên 2 triệu đồng. 
Cử tọa cuộc đấu vỗ tay vang lên khi GS Ngô Bảo Châu nâng mức giá lên 2,5 triệu đồng và đấu thắng.
Có lẽ mọi người cũng cảm nhận được dư vị hấp dẫn của lượt đấu này khi quyển sách sử - văn hóa Việt Nam văn hóa sử cương bản in 1951 thuộc về GS toán học đang rất nổi tiếng ở Việt Nam.
Tiếp theo là một ấn phẩm “nặng ký” và là điểm nhấn của cuộc đấu giá: quyển Cochinchine (Nam Kỳ) do Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, NXB Gastaldy in tại Sài Gòn năm 1931.
Đây là quyển sách thuộc bộ sưu tập của nhà báo Hà Văn Bảy, xuất bản nhân cuộc triển lãm thuộc địa tại Paris năm 1931.
Điều đáng quý là quyển này được bảo quản tốt, còn đầy đủ các bản đồ in kèm, và nhiều hình ảnh về cảnh sinh hoạt, kiến trúc xây dựng của Đông Dương xưa…
Sách được khởi đấu ở mức giá 5 triệu đồng. Doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng trao đổi cùng GS Ngô Bảo Châu và nhóm bạn đã quyết định tham gia đấu giá.
Lượt đấu kịch tính vì kéo dài qua các bước: 5.060.000 đồng -  5.500.000 đồng, 5.600.000 đồng với hai "đối thủ" tham gia là ông Dương Thanh Hoài - phó giám đốc Nhã Nam - và bà Thanh Phượng.
Ông Hoài cho biết hiện Nhã Nam chưa có quyển này và muốn đấu thắng để lưu 1 bản Cochinchine, nhất là quyển này chất lượng rất tốt.
Nhưng khi bà Phượng nâng giá lên mức 10 triệu đồng thì ông Hoài đứng lên tuyên bố nhường.
Mọi người cùng vỗ tay chúc mừng quyển sách của người Pháp in từ năm 1931 tại Sài Gòn thuộc về một doanh nhân Việt Nam sau 84 năm thông qua phiên đấu giá cũng tổ chức tại Sài Gòn.
Trước đó, một quyển sách khác cũng trong bộ sưu tập của Hà Văn Bảy là quyển tiếng Pháp La musique et le monde - tác giả GS Trần Văn Khê, có thủ bút của ông ghi trên sách khởi điểm 1 triệu đồng, đã được một nhà sưu tập tại TP.HCM đấu thắng ở mức 2,1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, phiên đấu giá lần này còn có 1 quyển thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá là ấn phẩm hiếm gặp: Đầu xuân ra sông giặt áo, NXB Văn Nghệ ấn hành năm 1986, giá khởi điểm 50.000 đồng và đã đấu thắng ở mức 300.000 đồng.
Có mặt tại buổi đấu giá, nhà báo Lê Văn Nghĩa biểu lộ sự đồng tình với mục đích sử dụng số tiền đấu được cho quỹ sách nói phục vụ người mù TP.HCM.
Ông Nghĩa cho biết hiện trong bộ sưu tập của ông có một số bản quý hiếm, có thể lần tới ông cũng sẽ tham gia đưa sách ra đấu để gây quỹ từ thiện.
Giới sưu tập Sài Gòn cũng đánh giá cao những phiên đấu giá như thế này, “cho thấy những ấn phẩm có giá trị vượt thời gian và mức độ quan tâm của người đương thời với những quyển sách trong quá khứ” - một nhà sưu tập nhận xét.
Sau khi trừ giá khởi điểm cho chủ sách, tổng cộng phiên đấu giá sáng 20-9 tại Nhã Nam thư quán đã thu được 15.130.000 đồng. Ban tổ chức đã chuyển số tiền này cho chị Hướng Dương - giám đốc Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị.
15 ấn phẩm và giá đấu thắng:
Tờ nhạc Mùa thu cho em, tác giả Ngô Thụy Miên: 100.000 đồng
Sách Việt Nam phong tục, tác giả Phan Kế Bính, 1975: 270.000 đồng
Sách Nói với tuổi hai mươi, tác giả Thích Nhất Hạnh, 1973: 260.000 đồng
Tri Tân tạp chí số 98, năm 1943: 300.000 đồng
Tờ nhạc Thà làm giọt mưa, tác giả Phạm Duy: 150.000 đồng
Tờ nhạc Chuyện hẹn hò, tác giả: Trần Thiện Thanh: 100.000 đồng
Sách La musique et le monde, tác giả Trần Văn Khê, 1995: 2.100.000 đồng
Món ngon Hà Nội, tác giả Vũ Bằng, 2014: 300.000 đồng
Bác sĩ Ai-Bô-Lít, 1984: 1.000.000 đồng
Tờ nhạc Diễm xưa, tác giả Trịnh Công Sơn: 150.000 đồng
Đầu xuân ra sông giặt áo, tác giả Nguyễn Nhật Ánh, 1986: 300.000 đồng
Việt Nam văn hóa sử cương, tác giả Đào Duy Anh, 1951: 2.500.000 đồng
Cochinchine, Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, 1931: 10.000.000 đồng
Vang bóng một thời, tác giả Nguyễn Tuân, 1963: 800.000 đồng
Kiều, Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp, in song ngữ 1951: 2.800.000 đồng.
MC Tuyết Anh đang giới thiệu quyển Nói với tuổi hai mươi - Ảnh: L.Điền
MC Tuyết Anh đang giới thiệu quyển Nói với tuổi hai mươi - Ảnh: L.Điền
Bà Nguyễn Thanh Phượng đưa tay bỏ giá cho quyển Cochinchine - Ảnh: L.Điền
Bà Nguyễn Thanh Phượng đưa tay bỏ giá cho quyển Cochinchine - Ảnh: L.Điền
MC Tuyết Anh đang giới thiệu quyển La musique et le monde - Ảnh: L.Điền
MC Tuyết Anh đang giới thiệu quyển La musique et le monde - Ảnh: L.Điền
LAM ĐIỀNhttp://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/van-hoc-sach/20150920/phien-dau-gia-sach-quy-hiem-hap-dan/972279.html

1 nhận xét: