Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

(2) Kinh nghiệm câu cá của người Tây Nam Bộ xưa

Kinh nghiệm câu cá của người miền Tây Nam Bộ xưa
Nói đến cá vùng nước ngọt là nói đến cả loại cá sông (sống ở khu vực sông, rạch) và cá đồng (sống trên các lung vũng, đìa bàu). Người dân miền tây nam bộ xưa còn cho rằng cá sông nghĩa là cá trắng còn cá đồng là cá đen. Cách hiểu này chỉ mang tính tương đối vì vùng sông nước đồng ruộng miền tây nam bộ có cả mùa nước lên và mùa nước giựt. Khi nước lên thì cá đen hay cá trắng đều tràn lên đồng ruộng. Mùa nước giựt thì cá trắng về sông nhưng cá đen cũng theo nước xuống các con kênh, rạch như cá trắng, chỉ còn một số ít kẹt lại ở lung, vũng, đìa, bàu, mương, rạch…
Cá trắng
Cá sông thường có thân thể nhỏ, tròn, mồm nhọn, thoạt nhìn ngỡ là không vảy nhưng kỳ thực là vảy rất nhỏ ví như loài cá lìm kìm con lớn nhất có đường kính chỉ bằng đầu đũa ăn, con nhỏ thì bằng cây tăm, cây nhang.

Cùng loài với cá lìm kìm, nhưng lớn hơn là cá nhái. Cá nhái có con dài đến 2 “tấc”, thân tròn, vảy rất nhỏ. Con lớn thì bằng ngón chân cái. Đến mùa nước cỏ tháng 11 âm lịch, cá nhái nổi thành bầy trên mặt nước. Dân ruộng ở miền tây xưa làm chỉa xà di bằng kèo dù hoặc bằng căm xe đạp, 3-5 mũi tra vào 1 cái cán dài, rồi đi dọc theo bờ kênh, rạch nào có cá nổi, rình đâm cá nhái.

Ngoài cách đâm cá nhái bằng xà di, người ta còn dùng đăng kéo heo cá nhái. Bắt cá bằng cách kéo heo này khá cực, các dụng cụ cần có là một chiếc xuồng, một tay đăng trải dài một bên be xuồng. Hai người lội xuống nước nắm hai đầu đăng cho chiếc xuồng nằm theo chiều ngang và kéo một khoảng dài chừng 10-12 “thước” thì cất đăng lên một lần. Bao nhiêu cá vướng đăng đều bị hai người kéo cá đưa miệng đăng lên và trút hết vào xuồng, hết mẻ này đến mẻ khác. Cách đây gần 70-80 năm, cách bắt cá nhái bằng đăng như thế này (còn gọi là kéo heo) của người nam bộ xưa được rất nhiều cá. Đi một “chặp” có khi được cả giạ cá nhái.

Cá Nhái

Có cách bắt cá nhái khác nữa là xúc bằng vợt: ban đêm người ta ngồi ở mũi xuồng cùng với cái vợt bằng gai hoặc bằng nilon có tra cán ngắn vừa tầm với mũi xuồng. Một người có thể vừa bơi xuồng vừa xúc cá vào vợt hoặc một người bơi, một người ngồi ở mũi xuồng, theo dõi nơi nào có cá nổi thì hạ vợt xuống xúc cá.

Cách xúc cá bằng vợt còn được dùng cả với cá lòng tong, cá chốt. Ngoài ra, các cách bắt cá bằng vó gạt, vó cất hoặc đóng đáy, tuy phần chính là nhằm vào cá linh, nhưng các loài cá khác trong đó có cá nhái bị dính đáy rất nhiều. Thời điểm cá ra sông, trên sông người ta đặt rất nhiều đáy, vó…

Cách chế biến món cá nhái ngon nhất có lẽ là kho tiêu với tóp mỡ. Nhiều người còn rất chuộng cá nhái phơi khô vì khô cá nhái nướng với lửa than thơm ngào ngạt một vùng, đem ăn với cơm gạo mới thì cho dù đi giáp vòng trái đất, mất mấy mươi năm, đều thấy nhớ thấy thèm.

Ngoài cá nhái ra, cá lòng tong và cá chốt là hai loại cá khác mà vùng sông nước nào ở miền tây nam bộ đều có cả, chính vì thế dân gian mới có câu: “nước chảy tới đâu cá lòng tong lội tới đó”. Cá lòng tong có mấy loại chính: – Cá lòng tong bay: rất nhỏ, mình hơi dẹp, vảy nhỏ, hai vi trước dài, thường di chuyển theo từng bầy, ăn mồi trên mặt nước. Hễ nghe tiếng động của xuồng, ghe bơi gần hay ếch, nhái, rắn, chuột chạy ngang là chúng vụt nhảy lên khỏi mặt nước hoặc phóng tới phía trước.Thời xưa cá, tôm còn nhiều nên ít ai bắt cá lòng tong bay để ăn vì chúng quá nhỏ và nhiều xương.

– Cá lòng tong đá thì mình tròn, vảy trắng, con lớn bằng ngón tay cái, có sọc đen ánh bạc chạy dài hai bên hông. Người ta bắt cá lòng tong đá bằng nhiều cách như câu bằng mồi gạch cua, bằng trứng kiến vàng hay chận hầm, làm mùng (màn), đặt dớn dọc theo kênh, rạch hoặc sông cái lớn, nơi nước chảy chậm.

Thời trước, mỗi lần đi thăm dớn vùng từ rạch Trà Ôn chạy dài xuống Long Xuyên với khoảng vài ba chục nền dớn, cá có khi đầy các khoang xuồng.

– Cá lòng tong mương: con lớn bằng ngón chân cái, dài hơn một “tấc tây”, mình tròn, có hàng vảy hai bên hông màu khá sậm, miệng rộng, thường sống ở vùng kênh có nước chảy mạnh. Có lẽ vì chúng thích sống khu mương, kênh có nước chảy mạnh nên thức ăn của loại cá lòng tong mương này là cá lòng tong bay hoặc các loài cá nhỏ khác. Dân quê hay câu cá này bằng mồi cá lòng tong bay hoặc dùng miếng thiếc mỏng gắn vào lưỡi câu rồi kéo rê ngược nước nơi các vàm mương. Cá lòng tong mương thấy miếng thiếc lấp lánh tưởng cá lòng tong bay nên chúng nhào theo táp miếng mồi giả này và dính câu. Vào mùa nước lên, nhất là vào tháng tám, tháng chín âm lịch, cá lòng tong mương rất béo. Cá câu được đem kho khô cho thêm tiêu, chút mỡ heo, nồi cá kho này ăn với cơm gạo “sóc so” mới xay về là ngon không gì bằng.

Có một loại cá nước ngọt khác, cũng có thân mình nhỏ, dẹp, vảy nhỏ và cũng béo như cá lòng tong đó là cá thiểu. Khác với cá thiểu là loài cá lành canh, có thân mình giẹp, vảy trắng như cá thiểu nhưng vảy nhỏ hơn, lại có mùi tanh hơn nên ít người thích. Cả hai loài cá này thường được câu bằng lưỡi câu uốn bằng kim may quần áo, gắn hột cườm màu đỏ vào lưỡi câu. Mồi nhử là món cám rang thơm. Dân quê chỉ cần chọn chỗ nào vừa êm, vừa mát và nhất là không có nhánh cây làm vướng nhợ câu là có thể ngồi câu. Cá nghe mùi thơm của cám rang ùn ùn bơi đến từng bầy, thấy hột cườm đỏ tưởng mồi ngon cứ thế lao vào nuốt mồi.

Nói về cá chốt, có thể phân ra làm ba loại: cá chốt trâu (hay còn gọi cá chốt sọc), cá chốt giấy và cá chốt chuột.

Cá Chốt Giấy

Cá chốt trâu chiếm đa số. Loại cá này mình không vảy, đầu hơi giẹp, dưới hai mép có bốn sợi râu, hai bên mang có hai ngạnh và dọc theo hai bên hông có sọc màu sậm chạy dài từ mang tới đuôi cá. Cá chốt giấy thân hơi giẹp, da láng màu trắng bạc, dài hơn cá chốt sọc. Vào tháng ba, tháng tư âm lịch sắp đến mùa mưa, loại cá này ở các sông con nào cũng mang một bụng trứng vàng lớn. Cá chốt chuột thân hình ống tròn, ngắn hơn cá chốt sọc và cá chốt giấy; trên mình có các chấm đen và vàng, loài cá này thích ở các sông sâu hơn là lên trên đồng.

Vào tháng ba, tháng tư, dân ở ruộng thường câu cá chốt bằng kiểu câu quăng với mồi trùn. Ngoài ra, họ còn xả mồi, chận đăng ở các miệng hầm, vàm mương, hoặc chận đăng dọc theo các mép cỏ (còn gọi là đăng mé) vào tháng cá sắp lên đồng. Trong các cách này thì cách đăng mương là được cá chốt nhiều nhất. Có hai cách đăng mương là đăng cố định và đăng lưu động. Trong cách đăng cố định, người ta chọn vàm mương nào có nhiều nhất là cá chốt để trải đăng tại đó, khi trải, họ không trải ở cửa mương để xuồng ghe ra vào. Buổi chiều nước lớn, đến nửa đêm thì nước bắt đầu ròng, người ta xả mồi cá vào lúc chạng vạng tối cho cá ngửi mùi vào mương kiếm mồi. Chờ cá vào cho đến khi nước gần đứng ròng mới lội xuống trải đăng ra, đăng kín cửa vàm mương lại cũng như kiểm tra các chân đăng sao cho chắc chắn là không bị trống để cá không thoát ra được. Xong, họ đi ngủ, chờ đến sáng nước ròng là bắt cá. Họ bắt cá đăng mương bằng tay hoặc bằng nơm, bắt cá lớn như cá trê, cá kết, cá lóc. Sau đó lấy rơm đánh thành con cúi, giống như bó đuốc, dài vừa bằng bề ngang lòng mương, để hai, ba người căng ngang, đẩy sát mặt bùn cho cá dồn về phía vàm mương. Theo sau là những người có nhiệm vụ bắt lại những con cá lớn đang còn sót lại trong bùn.

Còn cách đăng mương lưu động là không trải đăng cố định ở một vàm mương nào, mà chọn vàm mương nào có nhiều cá là người ta chở đăng cùng dụng cụ tới đó để trải. Họ cũng chờ nước lớn, xả mồi, chận đăng và bắt cá như cách đăng mương cố định nhưng khác là sau khi bắt cá xong, họ nhổ đăng đưa về nhà, tối mai lại tìm vàm mương khác đăng tiếp.

Cất vó cũng là cách bắt cá chốt rất hữu hiệu vào những ngày mưa. Thuở trước, các vùng thuộc Long Xuyên, Châu Đốc có rất nhiều cá chốt. Ở làng Mặc Cần Dưng (Bình Hòa) và các vùng lân cận, những năm còn làm lúa mùa, đến mùa mưa tháng tư, tháng năm, người ta thui vài con chuột cho cháy khét rồi đem xuống bến sông. Một tay họ cầm cái rổ, tay kia cầm con chuột đưa qua đưa lại dưới nước, cá chốt bâu lại cả bầy và cứ thế lấy rổ xúc cá. Chúng rất dạn mồi, dù bị xúc như vậy nhưng vẫn lao đến miếng mồi. Người ta tiếp tục xúc cho đến khi nào cá hết bâu vào con chuột nữa mới thôi và dời đi bến khác.Trong ba loại cá chốt vừa nêu thì cá chốt giấy là loại cá ngon hơn cả.

Nhảy hùm, quậy đìa cũng là những cách bắt cá chốt rất hiệu nghiệm. Nhảy hùm là cách làm cho cá chốt nghe tiếng động (do có người quấy nước) mà bâu lại. Người ta cứ cầm rổ. Quậy cho nước động năm, mười lần rồi mới bắt đầu úp rổ xúc. Còn quậy đìa là để cho nước đục, các loài cá, tép bị nước bùn làm cay mắt sẽ nổi lờ đờ trên mặt nước. Cá chốt nổi quơ râu qua lại rất chậm nên người ta cứ việc lấy rổ xúc là xong. Mỗi miệng đìa vào mùa sắp mưa, cá vào đìa rất nhiều nên theo cách quậy đìa như vậy có khi thu được cả thùng thiếc cá.

Cá trê cũng được chia ra làm hai loại: cá trê trắng và cá trê vàng. Gọi là cá trê trắng vì chúng có bụng hơi trắng, cũng như cách gọi theo màu ngã vàng trên thân và bụng cá trê vàng. Cả hai loại cá trê này vừa sống ở đồng vừa ở sông. Trên đồng, chúng thường cư trú ở các khu nước cạn bao gồm đìa, bàu, lung, vũng. Mùa nước lên thì chúng lội khắp các cánh đồng nhưng ưa nhất là chỗ có bờ kênh hoặc đất gò vì chúng thích ăn trùn ở những nơi này. Cả cá trê trắng và cá trê vàng thích sinh đẻ trong hang ở hồ, ao, hoặc các miệng đìa, trái ngược với loài cá lóc hay làm tổ nơi có các bụi cỏ cặp theo bờ, những nơi giáp ranh giữa hai mảnh ruộng.

Cá Trê Vàng

Cá trê cũng như cá lóc, lúc chúng mới đẻ, cá con quây quần thành một mảng đen hình tròn như cái nón. Nếu là ổ cá lớn thì cá con rất đông, có khi bằng miệng thúng. Dân quê gọi hai giống cá mới đẻ này là “cá đóng khói đèn”. Đến khi lớn, cá lóc con bơi đi kiếm ăn, những con cá ròng ròng, theo cách gọi con cá lóc con to bằng đầu đũa, lội kiếm ăn chung thành từng bầy.

Cá trê con cũng lội từng bầy nhưng ăn ngầm dưới mặt nước. Cá trê trắng lúc nhỏ bằng ngón tay, người ta còn gọi là cá trê đỉa (có lẽ vì chúng còn nhỏ nên dáng bơi lội lăng quăng như con đỉa). Ít ai bắt cá trê trắng nhỏ để ăn, khi câu được cá trê nhỏ người ta thả trở lại xuống nước cho nó lớn rồi mới bắt. Thời xưa, cá trê trắng sống lâu năm có con lớn cỡ hơn một hoặc hai ki-lo, dân ruộng gọi những con cá lớn này là cá trê dừa.

Cá lóc vùng Châu Đốc

Quay lại con cá lóc, khi con cá ròng ròng lớn lên bằng ngón chân cái thì được gọi là cá lóc con hoặc cá cò cững. Lớn cỡ cẳng tay, cán mác thì dân quê gọi cá theo tên mà người ta mường tượng với các vật vừa kể, ví như cá lóc cán mác, cá lóc đầu gối… Có những con cá lóc sống lâu năm nơi các lung, vũng, nơi nước không bao giờ khô cạn, có thân thể rất lớn, vảy đen ngòm, có thêm cặp râu ở ngay miệng, được gọi là cá lóc cối, hoặc cá lóc biết nói.

Ở các vùng nước ngọt còn có hai giống cá rất gần với cá lóc, đó là cá dầy và cá bông. Cá dầy có đầu giẹp, mỏ dài, vảy nhuyễn, mình màu nâu, thân nhỏ, con lớn nhất chỉ khoảng 500 gram. Vùng Long Xuyên, Châu Đốc ngày xưa cũng có cá dầy, chúng thường sống nơi đìa, bàu nhưng không nhiều bằng các vùng nước trầm thủy khu rừng tràm địa phận Cà Mau, Rạch Giá…

Cá bông có hình dạng giống cá lóc, mình rất lớn có vằn đen, vảy lớn, đầu hơi nhọn, miệng rộng, ăn tạp và bơi rất mạnh, con lớn nhất có khi bằng cái gối ôm. Những năm nước lụt lớn, vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) vào tháng nước cỏ trong vắt, dọc theo hai bờ rạch Mặc Cần Dưng- Xà Tón người ta thường lựa những gốc cây gáo lớn rồi lấy lá chuối che một cái chòi làm tum ngồi chờ cá bông bơi vào tum nghỉ mát. Họ cầm cái chỉa xà búp ba mũi để đâm cá bông. Mỗi ngày ngồi tum gặp lúc cá vô tum nhiều, có người đâm cả chục ký là thường. Vào mùa vó gạt lúc cá ra, không có cách nào bắt cá bông nhiều bằng cách này vì vó gạt căng ngang mặt sông nên cá ít khi lọt vó.

Trong ba giống cá lóc, cá dầy, cá bông thì cá lóc là ngon nhất, kể cả các loài khô của ba giống cá này thì khô cá lóc vẫn là số I so với hai loại khô cá dầy và cá bông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét