Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Hát quốc ca sẽ bị thu phí tác quyền?

Hát quốc ca sẽ bị thu phí tác quyền?
Hôm 20/8, báo Thanh Niên đưa tin: “Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam yêu cầu thu phí tiền tác quyền bài hát này tại các chương trình nghệ thuật (ngay cả các chương trình nghệ thuật mang tính chính trị, không bán vé), chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, các chương trình hội nghị, kỷ niệm (có thể xem xét tùy theo tính chất của chương trình), xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu)...

'Hát quốc ca tại trường học thì không bị thu phí tác quyền'
Việc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam yêu cầu thu phí tiền tác quyền ca khúc ‘Tiến quân ca' gây những tranh cãi. Bài hát này đã trở thành quốc ca của Việt Nam từ năm 1946 cho đến nay nhưng chưa ai nghĩ rằng mình sẽ phải trả tiền khi hát nó.

Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc chỉ ‘không thu phí tác quyền trong một số trường hợp, chẳng hạn như học sinh hát quốc ca khi chào cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần’, báo Thanh Niên viết.

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao cho biết, “bà Nghiêm Thúy Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao, đã từng có thư gửi Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, ngỏ lời được hiến tặng ca khúc “Tiến quân ca”.

“Nhưng ông Văn Thao khẳng định, đó chỉ là ý kiến cá nhân của mẹ ông. Còn việc có hiến tặng ‘Tiến quân ca’ hay không, cần phải có sự thống nhất của các thành viên trong gia đình”, Tuổi Trẻ viết.

‘Công ty đòi nợ thuê’


Hôm 21/8, trả lời phỏng vấn của BBC qua điện thoại từ TP Hồ Chí Minh, ca sĩ Ánh Tuyết, người gắn liền tên tuổi với nhạc Văn Cao, cho biết:

“Tôi cảm thấy buồn khi người ta đem chuyện tác quyền bài quốc ca ra mổ xẻ chuyện tiền nong. Trong lúc sinh thời, ông Văn Cao là người sống không mưu cầu và rất thanh liêm”.

Theo bà Ánh Tuyết, các con ông Văn Cao ‘đang sống trong cảnh nghèo khó, nên họ có quyền chính đáng để được thừa hưởng tiền tác quyền tác phẩm từ người cha của mình để lại’.

Bà ước tính số tiền tác quyền từ bài quốc ca ‘rất nhiều’, vì ca khúc này quá phổ biến tại Việt Nam.

Nhân chuyện tác quyền, từ góc độ chủ phòng trà ATB, bà Ánh Tuyết bày tỏ bức xúc:

“Nói thẳng ra là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc giống như một công ty đòi nợ thuê thôi. Họ dựa vào Hội Âm nhạc Việt Nam để hù dọa các quán cà phê, phòng trà, nhà hàng và thu tiền hàng năm.

Họ thu tác quyền không chỉ việc trình diễn mà kể cả việc hàng quán bật đĩa nhạc”.

Bà Ánh Tuyết nhấn mạnh, vấn đề khiến người ta bức xúc là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc ‘mập mờ, không minh bạch’ về các khoản thu-chi.

Theo bà, tiền tác quyền do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc thu hàng năm rất nhiều, nhưng ‘không chắc là có đến được các tác giả hay không’.

“Tôi biết có những nhạc sĩ không nhờ thu tác quyền nhưng trung tâm vẫn cứ thu. Chẳng ai biết tiền thu được đi đâu về đâu, nhưng người ta nghẹn họng vì bị hù dọa, sợ bị Trung tâm gây khó dễ”, bà Ánh Tuyết nói.

(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét