Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Việt Nam sau 70 năm: Người khổng lồ bị bệnh đao

Đây là bài trên báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của ĐCSVN; không có một văn bản nào quy định đây là tiếng nói của nhà nước và nhân dân Việt Nam. Tác giả bài này không biết cố tình hay ngu dốt mà không phân biệt được các khái niệm phát triển và tăng trưởng. Ở đây tác giả chỉ nói về tăng trưởng, tức là sự to lên, lớn lên của nền kinh tế, chứ không nói về cái chất, tức là phát triển. Đáng sợ là sự to lớn này chỉ là kích cỡ, còn bản chất thì thối nát. Cứ nhìn nhà cửa, đường xá, văn hóa, y tế, giáo dục, hệ thống nhà nước mà xem; hầu như tất cả đều thối nát, vài chục năm tới đây gần như sẽ phải phá đi làm lại từ đầu, tức là lại bắt đầu từ số 0. Ai cũng biết làm tốt ngay từ đầu thì đỡ tốn kém chứ làm gian dối rồi phá đi làm lại sẽ tốn kém vô cùng. Đặc biệt, nền giáo dục đang đào tạo ra một thế hệ thầy cô như thế nào; nền hành chính đang đào tạo ra một đội ngũ quan chức như thế nào... ai cũng thấy và hậu quả sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ. Đáng sợ nữa là để có sự to lớn này, người Việt đã và đang ăn gần hết tài nguyên của tổ tiên để lại, đã vay một đống nợ nước ngoài, đã sống nhờ hàng trăm tỷ đô la kiều hối, đã bóc lột lẫn nhau, thường xuyên giết nhau, đã thần phục và sợ nước ngoài... Đất Việt giờ giống như người khổng lồ bị bệnh đao, không biết đi đâu, không biết làm gì, toàn dựa dẫm vào nguồn sữa từ bên ngoài và tài nguyên để cái xác không hồn của nó tiếp tục lớn.
Những đánh giá phiến diện, cực đoan về sự phát triển đất nước
Ý nghĩa tích cực của việc đánh giá, phản biện… các sự kiện, hiện tượng trong xã hội trước hết phụ thuộc vào sự tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, khách quan. Xa rời nguyên tắc xem xét này, sẽ dễ rơi vào xu hướng phiến diện, cực đoan,… làm sai lệch bản chất và tác động tiêu cực tới nhận thức của xã hội và công chúng.
Gần đây tại một hội nghị, một chuyên gia kinh tế có dẫn lại câu nói đùa của người ở Ngân hàng thế giới (WB) rằng: “Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới… Đó là nước không chịu phát triển!”. Lập tức trên báo chí đã xuất hiện các bài viết như: Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!, Thêm những sự thật đắng lòng về kinh tế Việt Nam, Nghĩ về câu nói “một quốc gia không chịu phát triển”,…! Loại bài này lập tức được chia sẻ trên in-tơ-nét, kèm theo bình luận của một số “nhân sĩ, trí thức” vốn lâu nay vẫn lấy facebook làm môi trường sinh tồn.



Việc khai thác thái quá một câu nói đùa đã không chỉ cho thấy lối đưa tin, bình luận phiến diện về một hội nghị, mà dường như còn cho thấy trong đó có sự thiếu khách quan của người viết? Bởi, dù sự phát triển đất nước còn chưa đáp ứng được những gì chúng ta mong mỏi, kỳ vọng thì cũng không nên sổ toẹt những thành quả mà chính người viết các bài báo ấy đã và đang được thụ hưởng. Bởi, dù ý kiến của người ở WB là điều để chúng ta cần tham vấn, thì cũng không nên nhân cơ hội này để soi mói, bới móc, rỉa rói,… Vì đó là một trong các phương diện thể hiện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Lâu nay trên in-tơ-nét và một số tờ báo (nhất là báo điện tử), cái nhìn phiến diện như đang tồn tại ở không ít người, trong đó có một số nhà báo, mà nổi lên là hiện tượng cắt xén ý kiến người khác, lấy câu nói chưa được cân nhắc cẩn trọng làm luận cứ chỉ trích. Từ lối tiếp cận như thế, họ la lối “văn hóa xuống cấp đến mức chạm đáy”, hoặc nhân danh quốc thể, họ rùm beng về “nỗi nhục quốc thể” khi ai đó tới Nhật Bản, I-ta-li-a, Thái-lan, Xin-ga-po,… chứng kiến dăm ba hành vi xấu của một số người Việt! Đó là lối đưa tin và bình luận bất chấp sự thật, khiến không thể không nghi ngờ động cơ của người viết? 

Ví như khi dẫn lại, bình luận câu nói đùa kể trên để đưa ra vài dự báo, kịch bản u ám, chẳng lẽ người viết không quan tâm khảo sát trên bình diện rộng để bài báo đạt tới chuẩn mực của sự khách quan? Bởi, ngược lại với lời than vãn của một số facebooker, blogger rằng “Việt Nam là nước không chịu phát triển” thì năm 2014 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam đạt 186,20 tỷ USD (gấp 3,2 lần so với GDP năm 2006); từ năm 1985 đến năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 6.3%; trong bảng xếp hạng Sức mua tương đương (PPP) Việt Nam xếp sau Ấn Độ. Như ý kiến của nhà báo E.Phin-le-tơn (E.Fingleton) thì đó là sự phát triển ngoài kỳ vọng.

 Trong bài báo Cán cân tương lai của Việt Nam: tương đồng với Trung Quốc hay Ấn Độ? (Weighing Vietnam’s future: China-style over-achiever or India-style over promiser?) trên forbes.com ngày 30-5-2015, ông viết: “Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy nước này đã gia tăng giá trị xuất khẩu của họ gấp 150 lần so với cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Rõ ràng nó vượt trội hơn Ấn Độ (tăng 30 lần) hay Trung Quốc (39 lần). Dĩ nhiên, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với hai quốc gia trên. Dẫu vậy, con số này cũng vô cùng ấn tượng. Các số liệu về sức mua tương đương trên đầu người (PPP) của Việt Nam cũng đáng chú ý. Số liệu mới nhất cho thấy PPP của Việt Nam là 5.600 USD, nghĩa là bám đuổi gần kịp Ấn Độ với 5.800 USD… 

Khi so sánh PPP của Việt Nam trong những năm 80 chỉ đạt dưới 200 USD, Ấn Độ là 290 USD và Trung Quốc là 320 USD, sẽ thấy sự khác biệt lớn. Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách với Ấn Độ khi PPP nước này tăng hơn 28 lần (Ấn Độ là 26). Dù chưa thể đứng ngang với Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng Việt Nam đang cho thấy họ có triển vọng để thoát khỏi diện những quốc gia thuộc thế giới thứ ba”. 

Còn trong bài Làm thế nào để không mắc sai lầm trong việc xây dựng thương hiệu tại Việt Nam (How not to get blindsided building a brand in new Vietnam) cũng trên forbes.com ngày 23-6-2015, ông S.Mi-sơ-ra (S.Mishra) - Giám đốc điều hành một công ty quảng cáo tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam là chìa khóa quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều tập đoàn lớn (…) Hiện nay thị trường tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam đang bão hòa, nhưng lại có rất nhiều hứa hẹn tại những vùng nông thôn. Khác với In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc hay Ấn Độ, trình độ hiểu biết của người Việt Nam ở các vùng nông thôn tương đối cao, sức mua sắm của họ khá lớn nhờ các cải cách về đất đai và nguồn lợi thu được từ xuất khẩu nông sản”… Đó là hai trong số rất nhiều nhận xét tích cực về sự phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Tất nhiên, không vì thế chúng ta thỏa mãn với những lời khen, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, đang phải đối đầu với sự cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng đó là các nhận xét khách quan, rất đáng tham khảo.

Trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng vậy. Đây là lĩnh vực Việt Nam còn tụt hậu so với thế giới, nhưng thật khó chấp nhận các ý kiến tiêu cực, phản ánh không đúng sự thật như: “nghịch lý kỹ sư đông, Việt Nam không làm nổi ốc vít”. Viết như thế, chẳng lẽ người ta không cần biết Việt Nam sản xuất thành công chip 24 bit đầu tiên (trước đó là chip SG8V1 được ứng dụng nhiều trong chế tạo máy điều hòa, máy đo huyết áp, điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình)? Chẳng lẽ người ta không băn khoăn với câu hỏi nếu sản xuất - kinh doanh yếu kém liệu trong 7 tháng đầu năm 2015, doanh thu hợp nhất của FPT có đạt 22.535 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ (đáng chú ý trong đó khối Công nghệ doanh thu 4.138 tỷ đồng tăng 32%, lợi nhuận trước thuế 443 tỷ đồng, tăng 19%; Toàn cầu hóa đạt doanh thu 2.517 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ…)? Rồi nhiều người lớn tiếng mạt sát, dè bỉu người đứng đầu Công ty an ninh mạng BKAV, nhưng cố tình quên không cần biết thành tích thầm lặng của BKAV khi tham gia phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam? Và thử hỏi họ nghĩ gì khi mới đây, lần thứ hai liên tiếp đại diện của Việt Nam giành chiến thắng tại cuộc thi ABU Robocon?

Tương tự với những hiện tượng nêu trên là sự nhìn nhận, đánh giá của một số cá nhân về văn hóa - xã hội. Những cụm từ như “nhục quốc thể”, “khát lòng nhân hậu”,… đang được một số người thích thú sử dụng trong khi chính họ có khi chưa từng đặt chân tới vùng sâu, vùng xa giúp đỡ người nghèo, chưa từng có mặt ở Ngày hội hiến máu nhân đạo... 

Gần đây, khai thác thông tin từ trang facebook một du khách Việt đến Expo Milano 2015 mà không rà soát, kiểm chứng, một tờ báo coi đó là “nhục quốc thể” và hàng nghìn “tín đồ mạng xã hội” lập tức xông vào bình phẩm, chê bai như chính họ có mặt ở Expo Milano 2015. Đến khi mọi thứ sáng tỏ, gian nhà trưng bày của Việt Nam tại Expo Milano 2015 được đánh giá là một trong 12 kiến trúc đẹp nhất tại đây, và có lượng du khách đông, ổn định… thì người ta lại quay ra vặn vẹo về “đạo ý tưởng”! 

Lẽ nào không bới móc, soi mói người khác thì những người như thế không thể sống nổi, như nhận xét của Ths Tâm lý Nguyễn Hà Thành trong bài Nhục quốc thể hay người Việt đang lên đồng tập thể đăng trên infonet.vn ngày 15-8-2015: “Nhục quốc thể là thứ chung chung, nhưng nếu ai ai cũng gào lên nhục quốc thể thì chẳng khác gì một cuộc lên đồng tập thể”. Với giáo dục cũng vậy, đó là vấn đề hệ trọng của mọi quốc gia, các vấn nạn mà giáo dục ở Việt Nam đang gặp phải như cải cách chương trình phổ thông, đào tạo theo chương trình chất lượng cao hay phổ cập giáo dục, bạo lực học đường, cải thiện môi trường giáo dục, phong cách dạy học… cũng là những thách thức buộc chúng ta phải giải quyết triệt để, có hiệu quả. 

Thế nhưng, lẽ ra cần suy nghĩ và đóng góp ý kiến một cách thiện chí với ngành giáo dục thì lại có người chỉ dựa trên ý kiến của một học sinh nhỏ tuổi để chỉ trích nặng nề, rồi lấy quan niệm giáo dục của một nhóm người ra làm “mẫu mực”? Đó là chưa kể góc nhìn và sự đánh giá bất công đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác trong xã hội. Mà hầu hết các quy kết kiểu này thường ra đời từ cảm nhận bâng quơ như “tôi thấy, tôi được nghe, có người nói với tôi, ai đó từng nhận xét…”. Cá biệt, có người còn mượn lời mấy “vị khách, chuyên gia giấu tên” là người nước ngoài như một giám đốc người Nhật Bản, một du khách đến từ I-ta-li-a, một nhà khoa học đến từ tổ chức A, B, C… Tất cả đều là ý kiến “khẩu thiệt vô bằng” của mấy cá nhân không xác định danh tính, nhưng vẫn được người ta coi là bằng chứng, luận điểm để đem tới hội nghị, hội thảo, diễn đàn hoặc đưa lên mạng xã hội. Và thật kỳ lạ khi một số nhà báo thay vì tìm kiếm các ý kiến khách quan, có cứ liệu chi tiết, cụ thể, phân tích xác thực,… lại chỉ chăm chăm soi mói, tìm kiếm quan điểm phiến diện, trái ngược để đưa vào bài viết!

Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, không thể phủ nhận. Nhưng khi phát triển chưa tương ứng với điều chúng ta mong mỏi thì mọi công dân cần nỗ lực, toàn tâm, toàn ý đóng góp đẩy nhanh sự phát triển. Và khi đánh giá, phản biện cần tỉnh táo, phân tích khách quan, toàn diện để đưa ra ý kiến đúng đắn, có tính xây dựng. Còn đánh giá, phản biện theo lối cảm tính, chủ quan, thậm chí từ tâm thế hằn học, thì chỉ cản trở sự phát triển, xúc phạm những tập thể, cá nhân vẫn đang ngày ngày đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ANH QUÂN
http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/27317202-nhung-danh-gia-phien-dien-cuc-doan-ve-su-phat-trien-dat-nuoc.html

1 nhận xét:

  1. Số liệu mới nhất cho thấy lương tối thiểu năm 2015 là 2,15 triệu/tháng, khoảng 1,000 US/năm.

    Trả lờiXóa