Năng suất lao động, Việt Nam chỉ lùi, không tiến
Cho đến nay, thay vì hoạch định chính sách để tăng năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất lao động thì chế độ Hà Nội vẫn chủ trương cạnh tranh bằng yếu tố lương nhân công thấp.
Công nhân Việt Nam vắt kiệt sức nhưng chính sách khiến
năng suất lao động Việt Nam thua xa các quốc gia khác. (Hình: TBKTSG)
HÀ NỘI (NV) - Nếu Việt Nam và một số quốc gia ASEAN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động như giai đoạn 2007-2012 thì năm 2038 Việt Nam mới bằng Philipines và năm 2069 mới bằng Thái Lan. Ðó là tính toán của Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư Việt Nam trong cáo về “Năng suất lao động của Việt Nam: Thực trạng báovà giải pháp.”Ðáng chú ý là nếu so với Trung Quốc thì năng suất lao động của Việt Nam còn thua sút nhiều hơn cả về khoảng cách tương đối và tuyệt đối. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động giữa Trung Quốc và Việt Nam tăng từ 1.3 lần hồi 1994 lên 2.8 lần vào năm 2013. Khoảng cách tuyệt đối tăng từ 771 Mỹ kim lên 9,545 Mỹ kim.
Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư Hà Nội giải thích, lý do chính dẫn tới sự thua sút trầm trọng về năng suất lao động giữa Việt Nam và các quốc gia trong vùng là quy mô kinh tế Việt Nam quá nhỏ. Năm ngoái, GDP của Indonesia gấp 4.8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1.8 lần, Singapore gấp 1.7 lần và Philippines gấp 1.5 lần.
Năng suất lao động của Việt Nam thấp không phải là vấn đề mới.
Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Quân, bộ trưởng Khoa Học-Công Nghệ Việt Nam từng cảnh báo, Việt Nam không thể phát triển khi năng suất lao động quá thấp. Theo ông Quân năng suất lao động của Việt Nam thấp là vì chính sách chứ không phải do người Việt quá tệ.
Tổ chức Năng Suất Châu Á từng công bố một thống kê, theo đó, năng suất lao động của người Việt thấp hơn hai lần so với năng suất lao động trung bình của khu vực ASEAN. Nếu so sánh với từng quốc gia trong khối ASEAN thì sự thua kém còn xa hơn. Chẳng hạn so với Singapore, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn tới 14 lần.
Ông Quân từng phân tích, hiện có khoảng 40 triệu người Việt làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm làm ra khoảng 43 triệu tấn gạo, xuất cảng khoảng 7 triệu đến 8 triệu tấn. Trung bình, một lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ có thể làm ra khoảng một tấn gạo/năm, giá xuất cảng khoảng 400 Mỹ kim, chỉ bằng 1/1000 so với một người làm việc tại Khu công nghệ cao Tân Trúc của Ðài Loan.
Năm 2003, khu công nghệ cao Tân Trúc của Ðài Loan sử dụng 100,000 lao động nhưng khi xuất cảng, sản phẩm do họ làm ra giúp Ðài Loan thu về 43 tỉ Mỹ kim. Tính ra mỗi lao động ở Khu công nghệ cao Tân Trúc làm ra được số sản phẩm trị giá hơn 400,000 Mỹ kim.
Sau khi nêu một số ví dụ tương tự, ông Quân nhấn mạnh, nếu không thay đổi cơ cấu kinh tế, không nâng cao tỷ trọng của giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP thì Việt Nam không thể tăng được năng suất lao động và không khá nổi.
Ông Quân cảnh báo, trong ba năm từ 2011 đến 2013, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ khoảng 3%/ năm, trong khi GDP vẫn ở mức khoảng 5%. Nghĩa là năng suất lao động tăng chậm hơn cả tốc độ tăng GDP.
Nếu không có chính sách thích hợp, năng suất lao động sẽ kéo tăng trưởng GDP xuống.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu càng ngày càng khốc liệt, năng suất lao động là vấn đề sống còn của một nền kinh tế. Trong khi nhiều quốc gia đã điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế và chọn việc tăng năng suất lao động là ưu tiên hàng đầu, từ đó hoạch định - thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn kiên trì với “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” dồn toàn bộ nguồn lực cho các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Cho đến nay, thay vì hoạch định chính sách để tăng năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất lao động thì chế độ Hà Nội vẫn chủ trương cạnh tranh bằng yếu tố lương nhân công thấp. (G.Ð)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=213455&zoneid=2#.VeEYOyWqqko
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét