Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Câu hỏi mới về “hai Trung Quốc”

Câu hỏi mới về “hai Trung Quốc”
Đó là câu hỏi về một Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh, với một tương lai đầy hứa hẹn bất chấp có một số khó khăn ngắn hạn, hay là một đất nước đang gặp phải những vấn đề cơ cấu nghiêm trọng và triển vọng dài hạn không chắc chắn.
Một câu hỏi mới về “hai Trung Quốc” nhưng rất khác với thời kỳ 1949-70s đang nổi lên, tập trung vào việc Trung Quốc tốt nhất được hiểu như là một quốc gia hùng mạnh, với một tương lai đầy hứa hẹn bất chấp có một số khó khăn ngắn hạn, hay như là một đất nước đang gặp phải những vấn đề cơ cấu nghiêm trọng và triển vọng dài hạn không chắc chắn. Tóm lại, hai Trung Quốc rất khác nhau này bây giờ mới có thể thấy được một phần. Nhưng Trung Quốc nào sẽ thắng thế?

Cho đến gần đây, hầu như không có lý do để đặt một câu hỏi như vậy. Nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm đáng kinh ngạc 10% hoặc cao hơn trong hơn ba thập kỷ qua. Trung Quốc đã vượt qua Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã trở thành tầng lớp trung lưu. Mô hình hiệu quả của Trung Quốc tỏ ra hấp dẫn đối với nhiều nước đang phát triển khác, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu từ Mỹ và do đó dường như làm mất uy tín của chủ nghĩa tư bản tự do kiểu Mỹ.

Nhưng câu hỏi về tương lai của Trung Quốc là không thể tránh được. Theo thông báo chính thức, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại còn gần 7%; nhưng nhiều người tin rằng con số thực tế là dưới 5%. Sự suy giảm sẽ xảy ra không có gì phải ngạc nhiên; tất cả các nền kinh tế đang phát triển đều có trải nghiệm tương tự khi họ lớn lên và trưởng thành. Tuy nhiên, tốc độ và mức độ thay đổi này đã làm cho các nhà chức trách giật mình, và dấy lên nỗi sợ hãi chính thức rằng tăng trưởng sẽ không đạt được tỷ lệ cần thiết để đất nước có thể hiện đại hóa theo kế hoạch.

Sự hoảng hốt của chính phủ đối với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế sâu hơn so với dự kiến ​​đã được phản ánh trong sự can thiệp mạnh tay của chính phủ trong tháng 7 để đóng băng thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh về giá. Động thái này được nối tiếp trong tháng này với sự phá giá bất ngờ của đồng Nhân dân Tệ, cho thấy sự chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu không diễn ra như mong đợi.

Trong khi đó, chiến dịch chống tham nhũng của chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng giống như một chiến lược để củng cố quyền lực, chứ không phải là một nỗ lực để cải cách nhà nước Trung Quốc vì lợi ích của nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Tham nhũng là phổ biến, và chiến dịch của Tập Cận Bình vẫn còn phổ biến trên diện rộng. Nhưng hàng loạt các vụ truy tố mà Tập Cận Bình đã tiến hành đang không khuyến khích các quan chức Trung Quốc đưa ra các quyết định, do họ sợ rằng họ có thể phải đối mặt với tội hình sự trong tương lai.

Như một kết quả của những chuyện này, gần đây người ta nghe ít hơn về mô hình Trung Quốc và nhiều hơn về thực tại của Trung Quốc. Bên cạnh tăng trưởng chậm lại, thực tại đó còn bao gồm thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, một hậu quả của nhiều thập niên công nghiệp hóa nhanh chóng, dùng than làm nhiên liệu. Theo ước tính, ô nhiễm không khí đang giết chết 1,6 triệu người Trung Quốc mỗi năm. Dân số ngày một già đi của Trung Quốc, một hệ quả không mong muốn của chính sách một con hà khắc của nó, đặt ra một mối đe dọa nữa cho sự thịnh vượng lâu dài. Với tỷ lệ phụ thuộc, tỷ lệ trẻ em và người về hưu so với nam giới và phụ nữ trong độ tuổi lao động, sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn suy giảm, trong khi chi phí chăm sóc y tế và lương hưu sẽ ngày càng làm căng thẳng ngân sách của chính phủ.

Điều ngày càng trở nên rõ ràng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn có tăng trưởng kinh tế được tạo ra bởi chủ nghĩa tư bản, nhưng không muốn có sự suy thoái đi kèm với nó.

Một số nhà quan sát cho rằng sợ một Trung Quốc trỗi dậy, sẽ thở phào nhẹ nhõm với những khó khăn hiện tại của nó. Nhưng điều đó có thể được chứng minh là một phản ứng thiển cận. Một Trung Quốc tăng trưởng chậm sẽ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Nó sẽ là một đối tác ít sẵn sàng hơn trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Nguy hiểm hơn tất cả là, một Trung Quốc đang gặp khó khăn có thể bị cám dỗ để quay về với chủ nghĩa phiêu lưu ở bên ngoài để xoa dịu công chúng đang thất vọng về sự tăng trưởng kinh tế chậm hơn và thiếu tự do chính trị. Thật vậy, có một số dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc đang làm chính điều này ở Biển Đông. Chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành nguồn gốc hợp pháp hàng đầu cho một đảng cầm quyền không còn có thể đựa vào việc tăng nhanh mức sống.

Mỹ và những nước khác cần phải đẩy mạnh trở lại để đảm bảo rằng Trung Quốc không hành động theo một sự cám dỗ như vậy. Nhưng các quốc gia này cũng cần khôn ngoan để báo hiệu cho Trung Quốc rằng nó được chào đón với vị trí của nó trong số các nước hàng đầu thế giới nếu Trung Quốc hành động có trách nhiệm và theo các quy tắc áp dụng cho tất cả mọi nước.

Nhưng các lựa chọn chính sách lớn hơn sẽ do Trung Quốc quyết định. Chính phủ Trung Quốc cần phải tìm ra sự cân bằng đúng đắn giữa lợi ích của chính phủ và các quyền cá nhân, giữa tăng trưởng kinh tế và quản lý môi trường, và giữa vai trò của thị trường và của nhà nước.

Các lựa chọn này đối với Trung Quốc là khó khăn nhưng không thể tránh được. Tình trạng bất ổn xã hội lớn không thể bị loại trừ. Một điều chắc chắn là ba thập kỷ tiếp theo sẽ không phản chiếu ba thập kỷ vừa qua.

Theo Project Syndicate
Văn Cường (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
www.tintuchangngayonline.com/2015/08/cau-hoi-moi-ve-hai-trung-quoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét