'Lập phố đèn đỏ' là sản phẩm của 'giật tít câu view'?
(PetroTimes) - Ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM - "cha đẻ" của đề xuất "khu dịch vụ nhạy cảm": Tôi chưa từng đề xuất thành lập "phố đèn đỏ". Dư luận thông tin như vậy là giật gân, phản cảm. Thông tin gần đây về đề xuất thành lập “phố đèn đỏ”, “khu dịch vụ nhạy cảm” tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Thực hư của vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Văn Quý.
Ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM đã có buổi trả lời phỏng vấn Báo Năng lượng Mới - PetroTimes xung quanh thông tin liên quan đến việc quản lý các ngành nghề nhạy cảm.
Vừa qua, một số cơ quan báo chí đã thông tin Việt Nam sẽ có những “phố đèn đỏ”, “khu dịch vụ nhạy cảm”… Ông có phải là "cha đẻ" của đề xuất này?
Tôi đề xuất là nên gom lại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" đã và đang hoạt động, kể cả những cơ sở mới để tập trung vào một khu vực nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước. Các nhân viên làm việc tại đây sẽ được đảm bảo tất cả chế độ chính sách, bảo hiểm, sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động và kể cả quyền lợi của người lao động. Người sử dụng lao động phải thực hiện đúng yêu cầu của Luật lao động.
Việc đề xuất đưa các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào quản lý nhằm đảm bảo vấn đề an ninh trật tự. Bảo vệ ở đây chính là tăng cường công tác quản lý, đúng quy định của pháp luật. Còn ngược lại, các cơ sở trên nếu để xảy ra tệ nạn mại dâm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đề án này, những cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay như: Massage, xông hơi, bar, vũ trường, nhà hàng tiếp viên nữ, karaoke, cắt uốn tóc, gội đầu… đã và đang hoạt động trên các địa bàn quận huyện thì họ vẫn hoạt động bình thường. Nếu các cơ sở cố tình vi phạm sẽ có cơ chế xử lý để các cơ sở này trở lại hoạt động đúng theo quy định pháp luật.
Điều này có đồng nghĩa với việc lập “phố đèn đỏ” như dư luận đang bàn tán?
Tôi không nói gom những cơ sở trên thành một khu rồi dùng từ “phố đèn đỏ”. Ngay trong khi phát biểu tại hội nghị, 32 tỉnh thành đã xác định rõ không coi “mại dâm” là một nghề. Hoạt động “mại dâm” là vi phạm pháp luật.
"Phố đèn đỏ” Patpong ở Thái Lan (ảnh: Internet). |
Để thực hiện tốt công tác phòng chống mại dâm trên địa bàn TP HCM nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung, ông có ý kiến như thế nào?
Hiện nay, Việt Nam chỉ có Pháp lệnh về chống mại dâm và có 1 số điều khoản không phù hợp nên chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ phải chỉnh sửa, điều chỉnh hoặc bổ sung cho phù hợp kể cả trong Nghị định 178 hướng dẫn chi tiết về Pháp lệnh phòng chống mại dâm.
Trong hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện pháp lệnh Phòng chống mại dâm vào ngày 19/12/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận giao cho Bộ Lao động Thương binh và xã hội phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để sớm trình Chính phủ, Quốc hội về Luật Phòng chống mại dâm.
Ông có suy nghĩ như thế nào khi ẩn dụ việc quản lý các ngành nghề nhạy cảm bằng những cụm từ “khu đèn đỏ”, “phố đèn đỏ”?
Đến bây giờ, các Bộ ngành đang vẫn xúc tiến đề án quản lý các ngành nghề “nhạy cảm” trong khi chờ ban hành Luật Phòng chống mại dâm điểu chỉnh, bổ sung, sửa đổi từ Pháp Lệnh phòng chống mại dâm. Nhóm thảo luận gồm 32 tỉnh thành đã có những đề xuất cụ thể. Trong hội nghị sơ kết giao ban của Bộ Lao động thương binh và xã hội tổ chức có đề nghị chính phủ giao cho 1 số tỉnh ngành làm thí điểm nội dung này.
Không ai nói là sẽ lập “khu đèn đỏ”, “phố đèn đỏ” giống như Malaysia, Singapore hay Thái Lan. Cụm từ “khu đèn đỏ”, "phố đèn đỏ” như dư luận đang thông tin là mang tính giật gân và phản cảm.
Việt Nam không chấp nhận mại dâm là một nghề và hoạt động mại dâm là vi phạm pháp luật.
Một số thông tin cho rằng, đề nghị thành lập “phố đèn đỏ” là quy hoạch và công nhận cho nghề mại dâm hoạt động hợp pháp là không phải, hoàn toàn không đúng. Tôi xin khẳng định một lần nữa, trong hội nghị vừa qua không đề cập đến việc thành lập “phố đèn đỏ” hay hợp pháp hóa mại dâm.
Vũ trường ở “thành phố tình dục" tại Thái Lan. |
Nếu đề án quản lý ngành nghề “nhạy cảm” được thông qua, cơ quan nhà nước sẽ triển khai như thế nào?
Nếu đề án quản lý các loại dịch vụ nhạy cảm được duyệt thì Thành ủy, Công an, Sở Lao động thương binh và xã hội, cùng các sở ngành khác cùng ngồi với nhau để bàn bạc, thống nhất những điều khoản và đưa ra những giải pháp. Cơ quan chức năng sẽ đưa ra những cơ chế để quản lý cho tốt.
Cách đây vài năm, cụm từ “khu đèn đỏ”, “phố đèn đỏ” từng được nêu ra tại một số hội nghị nhưng không ai ủng hộ Việt Nam đi học tập Malaysia, Thái Lan… để hoạt động kinh doanh tình dục.
Nếu, Chính phủ, Quốc hội thống nhất đề án tăng cường công tác quản lý các ngành nghề nhạy cảm để phòng chống mại dâm, xét thấy cần thiết phải làm thí điểm một số tỉnh thành phố lớn (TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ…) thì phải ra Nghị quyết và các tỉnh thành này phải xây dựng đề án, chương trình cụ thể.
Lộ trình sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ví dụ như vừa rồi, TP HCM đã xây dựng đề án đưa người lang thang sử dụng ma túy không nơi cư trú đi cai nghiện cũng phải lập đề án để Thành ủy và các Sở ngành thông qua. Không phải nói xong rồi ùn ùn đua nhau làm. Việc thực hiện, triển khai phải có từng bước, có thời gian và tiến độ thực hiện.
Chúng tôi phải thống kê ban đầu về số lượng người lang thang, sử dụng là bao nhiêu, thống kê được số lượng cơ sở để có thể đưa số bệnh nhân trên là bao nhiêu. Các sơ sở trên thuộc loại hình nào, điều trị ra sao…
Việc quản lý các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm cũng sẽ được thực hiện tương tự và nhiều vấn đề phát sinh cần phải được dự đoán trước.
Xin cám ơn ông!
http://petrotimes.vn/lap-pho-den-do-la-san-pham-cua-giat-tit-cau-view-318241.html
Tranh luận về 'phố đèn đỏ': Đoạn hội thoại đáng suy ngẫm giữa cảnh sát và gái bán dâm
“Liệu rằng trước giờ chúng ta cứ hô hào phòng chống mại dâm và các tệ nạn xã hội khác ...
|
Nguồn: Năng lượng Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét