VƯỢT LÊN NHÂN CÁCH “HOMO-ROBOTUS’’[1] ĐỂ TIẾN VÀO ĐẠI HỘI XII
Nguyễn Khắc Mai
Từ rất lâu trong lịch sử, người ta đã nhận thấy xuất hiện trong xã hội, đặc biệt là trong tầng lớp kẻ sĩ, những mẫu hình người của “cộng thể”. Họ ăn nói cùng một kiểu, hở một chút là “Tử viết Thi vân” (Cụ Khổng dạy rằng, Kinh thi nói…) Từ vua cho chí quan đều nghĩ, nói theo một kiểu, họ bị lịch sử kết án là hủ nho (nhà nho lạc hậu, thối nát - hủ là nát). Họ là sản phẩm của một nền quân chủ Tống nho, là sản phẩm của một nền giáo dục “chi hồ dã giả”, giáo điều tệ hại, mọi quy chiếu đều lấy Trung Hoa làm chuẩn đích, mọi quan hệ đều lấy “thánh chỉ” là giường mối…Không ngờ, ngày nay tuy không thể còn hủ nho, nhưng lại nảy nòi một hạng ngừời được gọi bằng một tên mới là “hủ Mác”. Hủ Mác là những kẻ mồm tụng Mác mà không biết Mác là ai là gì, cứ tụng như vẹt, lừa mình dối người trâng tráo. Quan sát mấy Đại hội chuẩn bị cho Đại Hội XII của một số tổ chức đảng cấp huyện trở lên, đáng chú ý trong đó nhũng Đại Hội của một số Bộ Ngành, không thể không liên tưởng tới cái hiện tượng xưa kia là hủ nho, và nay là hủ Mác. Nhiều người trong số đại biểu là trí thức có bằng cấp, học hàm học vị hoành tráng. Nhưng không hề thấy đưa tin đã có những ý kiến sắc sảo, cấp tiến, dám sống khác thời phong kiến, dám vượt lên dẫu là : “thánh chỉ”, để mổ xẻ tận nơi những căn bệnh trầm kha của đất nước của xã hội do chính họ, chính cái thể chế do họ điều hành gây nên. Có thể vẫn còn một đa số hủ Mác, nhưng sao không có một Gallilee dám nói dù sao trái đất vẫn quay quanh mặt trời, sao không có một “minh triết” rất hồn nhiên nói toẹt “vua đang cởi truồng”. Mặc dầu chỉ thị của BCHTW vẫn kêu gọi mở rộng dân chủ, góp ý thẳng thắn, nhìn rõ sự thật. Các ý kiến trong mấy đại hội đã biết vẫn chỉ là giả sự thật. Thậm chí có đại hội rất khôn đã hoàn toàn không có ý kiến gì, khiến truyền hình thấy chướng đã phải làm một phóng sự rồi mời ông tổng biên tập tạp chí Cộng sản đến phỏng vấn.
Người ta đang cố ý nhầm lẫn đại hội đảng, tức là một sinh hoạt chính trị của một chinh đảng, với hội nghị công nhân viên chức. Thì đấy, mấy đại hội ngành chủ yếu cũng chỉ là bàn những vấn đề kỹ thuật, nhiệm vụ của ngành, phương thức hoạt động của ngành. Tôi không cho rằng những việc ấy là vô bổ. Vấn đê là nếu chỉ như thế, thì cần gì tiến hành Đại Hội, cứ mở hội nghị thật dân chủ của công nhân viên chức là xong. Một Đại Hội chính trị của một đảng chính trị cầm quyền phải khác. Đặc biệt là với Đại Hội nhiệm kỳ toàn quốc, hơn nữa, đây là một Đại Hội của một chu kỳ, mà Dân Nước đang đứng trước một khúc quanh mới của lịch sử. Không được lảng tránh những câu hỏi lớn đang được xã hội nêu ra.
Đành rằng, không thể chối bỏ những thay đổi đáng kể trên quê hương mấy chục năm qua, nhưng những thành tựu ấy có xứng với cái giá của dân tộc phải trả không. Cớ gì cũng ngần ấy thời gian, ngần ấy công sức đầu tư mà thiên hạ quanh ta đã làm được còn chúng ta thì mọi chuyện đều nham nhở, chưa đên đầu đến đũa gì. Điều chắc chắn là những kết quả ấy không xuất phát từ chủ nghĩa Mác-Lê, kể cả tư tưởng Hồ chí Minh. Nếu có mối quan hệ nào thì chính những nhân tố ấy cùng với phương thức lãnh đạo của đảng, đã khiến luật lệ không đồng bộ, hệ thống cầm quyền chồng chéo lẫn nhau, nạn tham nhũng không chỉ là khuyết tật của hệ thống mà chính là thuộc bản chất của hệ thống, một khi đã độc quyền thì không tham nhũng mới là dị thường. Thật ra mối quan hệ của chủ nghĩa Mác Lê, đường lối của đảng với tình trạng có đôi chút phát triển hôm nay, chỉ là quan hệ trùng hợp hình thức, giống như chuyện ngụ ngôn La Fontaine: một con nhặng bay vo ve bên cổ xe ngựa đang lên dốc. Khi lên đến đỉnh, con ngựa đứng nghỉ, mồ hôi nhễ nhại, còn con nhặng thì cho rằng nếu không có mình vo ve thì cỗ xe không lên được đến dốc!
Đảng cộng sản Việt Nam, tuy luôn xưng mình có tư duy biện chứng, thực chất chỉ là tư duy hình thức, bởi phép biện chứng bao giờ cũng nhìn nhận mỗi thực trạng xã hội, con người từ nguyên nhân đến kết quả từ chiều sâu, cốt lõi của vấn đề. Vì thế mới có câu ca dao nhận xét và phê phán rất tinh tế: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa nhờ có thiên tài đảng ta!” Hầu hết nhũng văn kiện cũng như phát ngôn của nhũng người lãnh đạo luôn luôn chỉ là cái công thức tức là cái vỏ mà không bao giờ có ruột, những khẩu hiệu vô hồn vô cảm vô bổ! TS Nguyễn Vi KHải đã thử làm một tổng hợp 3,4 Đaị hội của đầu thế kỷ 21 đã khẳng định chỉ có tráo đổi chữ nghĩa, như đặt dân chủ ở sau rồi đưa lên trước, những đánh giá chỉ thay đổi vài định ngữ, nhiệm vụ thì cũng sao chép na ná như nhau. Những vấn đề to đùng của Dân, Nước, như sự lệ thuộc nguy hiểm với Trung Hoa, nguyên nhân lỗi hệ thống nào khiến VN lạc hậu xa so những nước lân bang… không thấy đề cập đúng tầm, có trách nhiệm. Gần đây có thể là nhằm định hướng cho các đại hội, đã có mấy bài báo tràng giang đại hải của một số VIP, thấy đề cập nào đổi mới nền quản trị quốc gia, nào kiểm soát quyền lực, nào nâng cao trí tuệ, thúc đẩy khí phách, nào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xhcn có sự quản lý của nhà nước, v…v, không thống kê xiết. Tuy nhiên vẫn chỉ là công thức, chưa thấy rõ nội dung của những vấn đề to lơn ấy.
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị được đưa xuống Đại Hội XII các cấp, ban lãnh đạo không dám nhìn vào sự thật, mà cũng không thấy đưa tin các đại biểu, trong đó nhiều trí thức và cán bộ cấp TƯ của đảng đưa vấn đề ra thảo luận. Như đã nhận xét, họ chủ yếu bàn những vấn đề của ngành, của địa phương. chẳng khác gì một cuộc họp Hội đồng nhân dân hay hội nghị công nhân viên chức.
Có năm văn đề cốt tử của sự còn, mất, phục hưng, phát triển hay tiếp tục thân phận lệ thuộc, gia công hay nói một cách “cười ra nước mắt” như chị Phạm Chi Lan: Việt Nam là nước không muốn phát triển!
Thứ nhất: Tại sao khi dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, thì chủ quyền bị xâm hại, nhiều vùng biên giới và hai đảo bị Trung Hoa xâm lược, cưỡng chiếm. Sự lệ thuộc vào Trung Hoa về chính trị, kinh tế văn hóa, an ninh quốc phòng, thậm chí cả đối ngoại ngày càng nghiêm trọng!?Đường lối đối ngoại lệ thuộc Trung Hoa đã gây nên những tiêu cực, tích cực gì cho thế phát triển VN?.
Trong tình hình thế giới hiện nay có nhất thiết theo cái triết lý “độc lập dân tộc gắn với CNXH không? Đa số các dân tộc hiện nay trên thế giới đâu cần cái triết lý ấy. Cái nhân tố CNXH có thật là lẽ đúng và tốt không? Cớ sao TBT Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên bố “trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở nước ta”, lại vẫn ép đa số đảng viên trong QH thông qua HP tiến lên chủ nghĩa xã hội. Điều ấy có phải là chính trị ma giáo hay không. Điều thật kỳ lạ là một Dân tộc vốn xưng văn hiến đã lâu, một chính đảng cầm quyền luôn xưng mình là “đạo đức”, là “văn minh” (chữ của HCM) mà không dám để cho nhân dân được quyền tự do học thuật, tranh luận, nghiên cứu cho ra ngô ra khoai cái chủ nghĩa “mác-lê”, nếu quả thật có chút gì là trí tuệ thì giữ lấy, nếu chỉ là “hư hỏng, cũ kỹ” (cũng là chữ của HCM) thì cương quyết loại bỏ. Cả một Ban Tuyên Giáo, một Hội đồng lý luận TƯ không dám đối thoại với người dân trong xã hội. Văn hóa đối thoại của họ hủ lậu, cũ rích cả hai ngàn năm.[2] Có phải mô hình của chế độ ban đầu là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng, tiến vững chắc lên cnxh”, nay là chế độ “Cộng Hòa XHCN” với cái triết lý được điều chỉnh cho đỡ “quê” là “định hướng xhcn”, mà nhiều ủy viên TƯ đã ngậm ngùi “không biết có hay không mà tìm kiếm!” là tác nhân chính của mọi trì trệ, hư hỏng, cũ kỹ của VN, một trì trệ, hư hỏng cũ kỹ kéo dài cả ngót thế kỷ. Hơn nữa, ta cứ đeo đuổi một chế độ mà một đa số nhân loại tiến bộ đã lập tòa án kết tội nó là vô đạo, là tội ác phản nhân loại.Ta đeo đuổi một thứ thể chế mà nhân loại đã lên án thì hay ho nỗi gì vinh hạnh nỗi gì? Nay, các đảng viên đại biểu dự Đại Hội phải bàn cho đên nơi dến chốn. Người dân VN không đần độn, lao động VN học nghề nhanh có tay nghề tốt, tố chất con người Việt có nhiều mặt ưu tú, truyền thống văn hóa nếu gạt qua những yếu tố tiêu cực của xã hội tiểu nông, thì những giá trị nhân văn và đạo đức của người Việt đủ để làm nền móng cho những thăng hoa phát triển mới hiện đại, không thua kém gì những dân tộc quanh ta, tài nguyên không giàu có như thiên hạ, nhưng cũng rất dồi dào,đặc biệt là vị trí địa-kinh tế lại khá thuận lợi cho thị trường toàn cầu hóa.Thế thì cái gì khiến VN nên nỗi bi thảm như ngày nay, nếu không nói đó là do thể chế chính trị và đội ngũ quan chức cộng sản đã trở nên ngày càng hư hỏng cũ kỹ, như chính Hô chí Minh từng dự báo. Đại Hội XII hãy tiến hành một cuộc chiến xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ như Hô chí Minh từng di chúc. Đây chính là thời cơ thích hợp nhất. Bỏ qua cơ hội này Đảng Cộng sản VN sẽ trở thành tội đồ của Dân tộc trước lịch sử.!
Thứ hai: Đại hội hãy tranh luận và thảo luận một cách có văn hóa và đi đến những kết luận sau:
-Thay đổi thể chế chính trị. Một thể chế chính trị tốt và đúng, phù hợp với tiến tình lịch sử hiện đại là thể chế cộng hòa đại nghị với mô hình Nhà nước Tam quyền phân lập thật sự (chứ không thể như quan niệm lừa mị, đánh tráo khái niệm chỉ là sự phân công của ba cơ quan quyền lực). Nhà nước pháp quyền ấy chỉ là một thành tố quan trọng trong nền quản trị quốc gia tân tiến hiện đâị. Bên cạnh Nó là nhân quyền và dân quyền được hình thành có chất lượng, là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không cần thêm một cái đuôi nào để dễ bị xuyên tạc và lợi dụng, một nền kinh tế mà quyền sở hữu từ đất đai, nhà xưởng, ngân hàng, tín dụng do tư nhân tức là những công dân của Nhà nước làm chủ[3]. Cái gọi là chủ đạo nền kinh tế thì không phải là bất kỳ một hình thức sở hữu nào mà phải là nhũng đơn vị, những ngành mũi nhọn đủ năng lực dẫn dắt nền kinh tế dân tộc phát triển. Đề cao dân trí với nền báo chí, xuất bản tự do, tôn trọng tự do ngôn luận, tư tưởng, thực hiện cuộc cải cách giáo dục theo triết lý dân tộc, khai phóng, khoa học và dân chủ. Đề cao ba lớp người mới là chủ thể của xã hội, chúng tôi gọi là”Tam Bảo Mới” của Dân tộc. Đó là lớp Trí thức hiền tài (của tất cả các lĩnh vực) là “Doanh nhân cấp tiến”,và Chính khách nhân văn. Họ mới chính là nhóm người chống đỡ cho tòa nhà Việt Nam hiện đại và hậu hiện đại. Cái gọi là nhà nước công nông đầu tiên ở Châu Á thực chất là sự tuyên truyền lừa mị không có chút giá trị nào.
Thứ ba: Nền độc lập thống nhất mới của dân tộc phải thực sự xây dựng trên đạo lý hòa giải và kết tụ dân tộc. Hãy tuyên bố tính hợp pháp của Chính Phủ Việt Nam Cộng hòa, xây dựng một nhà nước mới,tuyên bố sự kế thừa những Chính phủ từng thực thi quyền lực và có công với dân với nước từ 1945 đến nay. Có thế Dân tộc Việt Nam mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để tranh đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo. Phải thành tâm thừa nhận những sai lầm của cải cách ruộng đất, cải tạo công thương ở cả hai miền, đặc biệt là sự đối xử không theo đạo lý của dân tộc đối với người dân và cán binh của chính phủ VNCH. (Sau đó sẽ tiến hành thương thảo nhân văn thân ái để đền bù danh dự cho những thương tổn). Làm được điều này Việt Nam sẽ nhân lên gấp bội nội lực của mình cả tinh thần và vật chất. Đây chính là Sự nghiệp xây dựng một đường băng hiện đại cho sự cất cánh của Việt Nam. Hòa giải, hóa giải, hòa hợp dân tộc phải trở thành đạo nghĩa, đạo lý chính trị mới của dân tộc.
Thứ tư: Các đại biểu của Đại hội cương quyết vứt bỏ cái nhân cách Homo- Robotus, thật sự làm một người công dân Việt Nam có nhân cách tự do. Được như thế thì Trí tuệ chân thiện mỹ sẽ xuất hiện trở lại, vượt qua được cái mà nhà Phật gọi là “vô minh” (tức là ngu muội, u mê ám chướng ), cái bản ngã minh triết được hồi sinh, cái khí phách mới của dân tộc sẽ phục hồi tráng kiện làm nên một sức mạnh tinh thần và đạo đức, làm nên “nhóm định hướng xã hội” mới, tiến bộ, nhân văn, tâm hồn trong sáng, nhân cách cao đẹp có đức, có tài có trí để kiến tạo một nền Dân chủ, một nền văn hóa -chính trị mới, thực hiện sứ mệnh canh tân, thay đổi Đất Nước, xã hội, đoàn tụ dân tộc, làm cho Việt nghĩa là siêu việt lên, phục hưng và phát triển, hạnh phúc và tự do.
Thứ năm: Là một Đại Hội kết thúc một chu kỳ sản nhiều công nhưng vô tích. 85 năm nhiều hành động, nhiều hy sinh nhưng cũng nhiều tội lỗi.Thực tế ngày càng chứng minh lời nói thiện của một chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục là Cụ Nguyễn Hữu Cầu vào 1946, trước khi mất : “Ngày nay chúng ta đã quá tây, quá tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, là những kẻ xã hội chủ nghĩa độc tài”[4]. Hồ chí Minh trước lúc mất cũng để lại di chúc phải mở cuộc chiến đấu chống lại những hư hỏng cũ kỹ.Học giả, nhà yêu nước Trần Trọng Kim trong thư gởi Hoàng Xuân Hãn năm 1947 cũng khẳng định "Việt Minh công chi thủ, tội chi khôi” nghĩa là Việt minh công to mà tội cũng hàng đầu!
Đại hội này phải là Đại Hội cải tổ Đảng. Về lý thuyết, chủ nghĩa Mác Lê là sai lầm, nó không nhất quán, giữa Mác và Lê Nin không có gì giống nhau cả. Lê nin chỉ nhai lại cái bã mà Mác đã nhả bỏ từ lâu. Những tư duy hợp lý của Mác thì không hề có trong cái gọi là chủ nghĩa mác lê. Về lý tưởng thì Mác đã từ bỏ nó, coi nó là sai lầm. Mác đề cao báo chí tự do, lên án chế độ kiểm duyệt, thậm chí coi nó là quái thai, là thây ma được tẩm nước hoa! Mác chủ trương đa nguyên, đa đảng thì cộng sản VN ăn phải bả Lê-nin chống lại, thậm chí có hai đảng “đồng cốt” do Hồ lập ra thì cũng bị xóa sổ. Ngay cái tên đảng cộng sản cũng là dịch sai. Bởi cái tên mà Mác và Ăng Ghen đặt là Komunism chỉ có nghĩa là chủ nghĩa cộng đồng, không có từ tố nào là sản cả!
Phải đặt lại tên đảng cho chính danh, phải từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê cho phải đạo. Phải trở về đường lối vì Dân, vì Nước cho chính nghĩa. Lấy dân tộc, nhân dân làm chủ thể của đất nước và xã hội, coi công nông là đối tượng để phục vụ. Từ bỏ cái lý thuyết giai cấp vô sản là giai cấp lãnh đạo. Bởi thân phận của cái gọi là giai cấp vô sản thì Mác đã quan niệm lúc đầu vào (1884) trong Tuyên ngôn là kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Nhưng vào cuối đời Mác đã dự báo chính xác thành hiện thực cay đắng ở Nga, Tàu, Việt Nam, Triều Tiên, Cu ba và ở tất cả những nước theo cộng sản, rằng “một khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy thành lập một chính quyền ủy trị, để một nhóm người tự ứng cử và bầu cử nhằm cai trị họ (GCVS). Ngay lập tức họ sẽ rơi tõm vào sự dối trá và lệ thuộc. Sau một hồi say sưa hưng phấn cách mạng, trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối và con mồi cho những tham vọng mới.[5]
Đai Hội XII phải là đại hôi xét lại. Phải xét lại toàn bộ từ học thuyết, đường lối, chủ trương và lỗi lầm, hệ thống tổ chức, sinh hoạt dân chủ trong đảng, phương thức hoạt động… từ trước cho đên nay. Nói như Mác là phải sám hối vì sám hối thật tâm thì mới có cơ cứu rỗi.
Phải từ bỏ nguyên tắc sai lầm tiếm quyền là “tập trung dân chủ”. Hãy lắng nghe lời cảnh báo của Ăng Ghen : “Phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị. cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi các quan chức của đảng là đầy tớ để bảo ban, phê bình, thì lại coi họ như một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”. Dự báo hoàn toàn chính xác và hiện thực đối với tất tật các ban lãnh đạo cộng sản của tất cả các nước!
Vì thế phải thay đổi công thức chọn cán bộ lãnh đạo của Đại hội, theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Xin chớ theo lối xôi thịt của làng xã lạc hậu ngày xưa.Tất cả các ủy viên TƯ nhất là các vị định ứng cử vào Bộ chính trị, ban Bí thư nhất thiết phải trình cương lĩnh và chương trình hành động của mỗi người trong nhiệm kỳ mới hãy học tập việc tranh cử của các nền chính trị hiện đại. Các ủy viên TƯ, ủy viên Bộ chính trị nhất thiết phải được nhân dân nhận xét và phê duyệt, vị họ sẽ đóng vai người lãnh đạo đất nước. Mỗi người phải chọn một ngành để ứng cử làm lãnh đạo ngành ấy. Chúng ta phải thay đổi để có thể chọn được người Thao Lược chứ không phải kẻ “đồng hội, đồng lõa theo nhóm lợi ích cánh hẩu, con ông cháu cha”. Nhóm tinh hoa này nhất định phải chọn ra, càng tinh càng tốt, để họ sẽ cùng trí thức nhân sĩ xã hội sau Đại Hội có thể hợp tác tiến hành xây dựng cương lĩnh phát triển đất nước trong tình hình mới, sửa đổi luật, sửa đổi Hiến pháp để có một Quốc hội tinh hoa, chuyên nghiệp.
(......................................bỏ một đoạn nói về ĐCSVN)
Cần một đạo luật về tổ chức và hoạt động đảng phái chính trị của Việt Nam. Có thế, những chức năng nhà nước của đảng mới chính thống.Chúng ta không thể tham gia quản trị quốc gia theo lối đã hư hỏng cũ kỹ và vô thiên vô pháp được nữa.
Nếu làm được như vậy, các vị sẽ có công lớn, thúc đẩy cho lịch sử Việt Nam sang trang mới. Bỏ lỡ thời cơ này, các vị sẽ đời đời mang tiếng là loại nhân cách homo-Robotus , là kẻ thiểu trí, thiểu khí phách, tội đồ của lich sử, ô danh, nhục nhã vô cùng./.
[1] Homo-Robotus thuật ngữ bịa của tác giả, theo gợi ý của homo-erectus (người đứng thẳng) homo-sapien(người thông thạo) homo-economicus (người kinh tế)homo-ludex(người rong chơi)...
[2] Xem chuyện ngụ ngôn Phật giáo : Tranh luận kiểu vương giả hay Hiền giả. Kinh Mi Tiên hơn 2000 năm.Kiểu vương giả là kiểu cậy quyền áp đặt,kiểu hiền giả là tự do,lấy trí tuệ, chan lý làm thước đo.
[3] Các Mác: Những nhà kinh doanh sản xuất chỉ có tự do khi họ có quyền sở hữu phương tiện sản xuất: đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tin dụng… (Dẫn theo J Eleinstein :Marx sa vie et son oeuvre.xb Fayard)
[4] Nhận xét của Mác về tình cảnh GC Vô sản sau khi cướp được chính quyền được trích dẫn theo Marx sa vie et son oeuvre.
[5] Bài Une Grande Figure De Lettre’e TC Le Peuple ĐCSĐD thg 9-1946.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-8-15
http://www.viet-studies.info/kinhte/NKhacMai_VuotLenHomoRobotus.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét