“Nỗi đau văn hoá”
Tương Lai - Liệu đây có là minh chứng của việc “mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng” mà đã có lần tôi thưa với ông Sáu nhân chuyện ông muốn tôi tóm tắt vụ án “Nhân văn - Giai phẩm” cho ông nghe? Hôm ấy tôi đã dẫn lời của M. Gorki: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần” *
Nhân kỷ niệm 20 năm “Thư gửi Bộ Chính trị” của Võ Văn Kiệt, bọn chúng tôi ngồi lại với nhau bên ấm trà để nói về tính cập nhật của những vấn đề ông Sáu Dân đưa ra từ dạo ấy và để tưởng nhớ ông. Trong dòng chảy của những kỷ niệm cũng như những lần gặp nhau trước đây không hẹn mà gặp, sôi nổi và xúc động nhất vẫn là chuyện ông Sáu với trí thức và văn nghệ sĩ. Và rồi cũng như mọi lần, tiết mục Nguyễn Duy đọc thơ vẫn được dành cho phần kết thúc. Cũng lại là mấy bài bạn tôi đã từng “liều mạng” đọc cho ông Sáu Dân nghe, trong đó hay được “tái bản” là bài thơ vừa ráo mực của Duy mà ông Sáu là người đầu tiên nghe chính tác giả đọc.
Chúng tôi cứ muốn nghe hắn đọc bài ấy vì có lần Duy thuật lại lời ông Sáu: “Vừa qua, tôi đã nghe và đã đọc bài thơ Bán Vàng của nhà thơ Nguyễn Duy. Theo tôi, đó là một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta. Đau, nhưng là sự thật. Chúng ta cần chân thành nhìn nhận sự thật, để cùng nhau vươn lên, vượt qua giai đọan khó khăn. Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin là tin ở con người…”.
Đó là khoảng giữa năm 1981. Rồi Duy kể tiếp: “Vì lẽ đó mà khoảng đầu thu năm 1982, ông Sáu Dân chuẩn bị thôi Bí thư Thành ủy để ra Hà Nội. Nguyễn Quang Sáng chợt nảy sáng kiến họp mặt vài anh em bạn ruột (ngay tại căn hộ lụp xụp của ông trong khu tập thể 194 B Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để mời ông Sáu đến… chơi! Ông Sáng nói: “Quý trọng ông Sáu thì tụi mình mới mời ổng uống ly rượu đế. Trước, để coi ổng có chịu chơi không. Sau, để nói thẳng nói thật với ổng chút ít tâm sự của tụi mình về tình hình thế sự”. Và rồi trong buổi đó Nguyễn Duy “xin đọc tặng anh Sáu một bài thơ vừa ráo mực, bài “Đánh thức tiềm lực”,
……
Cần lưu ý
lời nói thật thà có thể bị buộc tội
lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương
đạo đức giả có thể thành dịch tả
lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường
Cần lưu ý
có cái miệng làm chức năng cái bẫy
sau nụ cười là lởm chởm răng cưa
có cái môi mỏng hơn lá mía
hôn má bên này bật máu má bên kia
có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa
khái niệm bắn ra không biết lối thu về
Cần lưu ý
có lắm sự nhân danh lạ lắm
mượn áo thánh thần che lốt ma ranh
nhân danh thiện tâm làm điều ác đức
rao vị nhân sinh để bán món vị mình
Cần lưu ý
có lắm nghề lạ lắm
nghề mánh mung cứa cổ bóp hầu nhau
nghề chửi đổng, nghề ngồi lê, nghề vu cáo
nghề ăn cắp lòng tin và chẹt họng đồng bào
có cả nghề siêu nghề gọi là nghề không làm gì cả
thọc gậy bánh xe cũng một thứ nghề...
Bộ sưu tập những điều ngang trái ấy
phù chú ma tà ru tiềm lực ngủ mê ….
Nguyễn Duy đọc thơ, tháng 8.2015
Duy kể: “Không ngắc ngứ, không ngừng nghỉ, tôi kéo một lèo khoảng mười phút cho đến hết bài thơ. Thấy ai nấy ngồi lặng. Ông Sáu cũng im lặng chốc lát, mới chậm rãi: “Nặng lắm. Nhưng chịu được”. Hình như ông vừa trải qua một cuộc tra tấn. Rồi ông tiếp: “Nếu kể về cái tiêu cực thì tôi kể một tuần lễ không hết. Còn nếu kể về cái tích cực thì tôi kể một tháng cũng không hết. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chống tiêu cực hay biểu dương tích cực. Vấn đề ở đây là con người, là văn hóa. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được…”.
Bài thơ đọc cho “người dám “chịu nghe” những gì khác đi, thậm chí là ngược lại cái công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình… như ông Sáu Dân” kết thúc buổi “luận bàn thế sự” của chúng tôi bằng chính ý tưởng “vấn đề ở đây là con người, là văn hóa”. Trong mớ bòng bong của những sự kiện, những tình huống đan chen nhau của buổi ấy, nhìn ra được cái vấn đề của vấn đề như ông Sáu Dân không dễ chút nào. Mà đâu chỉ câu chuyện cách nay gần bốn thập kỷ. Trong âm vang của những ngày kỷ niệm lớn hôm nay, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập 2.9 khơi dậy trong đời sống đất nước những hoài niệm hào hùng vẫn không sao nguôi ngoai được nỗi đau văn hoá đang ray rứt tâm hồn Việt Nam.
Vâng, văn hoá. Mà nói đến văn hoá chính là nói đến con người. Chỉ nói một chuyện: báo chí liên tiếp đưa tin những vụ giết người man rợ gây sốc trong tâm trạng xã hội thời gian qua là gì nếu không là sự cảnh báo sự lâm nguy của văn hoá. Xin miễn phải đưa dẫn chứng bằng việc kể ra những vụ giết người liên tiếp xảy ra chỉ trong một tháng qua ở Hải Phòng, ở Bến Tre, rồi Nghệ An, Yên Bái, Gia Lai… mà báo chí nhà nước đã đưa tin. Nghe đâu đã có chỉ đạo để ngòi bút nhà báo không được tô đậm thêm màu đen của tội ác trong mắt người đọc, thế mà cứ lật trang báo ra là lại thảng thốt với những tin đâm chém, cắt cổ, giết người từ đường phố đến nhà trường, vào mái ấm gia đình. Mà nguyên nhân dẫn đến hành vi tột cùng của tội ác lại có khi rất vu vơ! Nói chữ nghĩa ra là rất phi logic trong động cơ thúc đẩy việc giết người. Giết hết sức hết sức dã man tàn bạo. Đáng sợ hơn nữa là giết cả trẻ mới hai tuổi chỉ để đề phòng “sau này khỏi bị trả thù” như thủ phạm ráo hoảnh trả lời. Khủng khiếp ở chính chỗ này đây.
Đành rằng trên thế giới chẳng thiếu chuyện giết người. Hiện tượng IS giết người thật đáng sợ, và đáng sợ không chỉ là chuyện giết chóc tàn phá mà bản chất, nguyên nhân cũng như hệ luỵ lâu dài của nó thì cho đến nay vẫn chưa ai phân tích cho cặn kẽ. Rồi chuyện xả súng bắn chết thường dân, kể cả trẻ em đang học trong nhà trường ở Mỹ, nơi Tổng thống Obama thừa nhận đã thất bại vì không đưa ra được đạo luật hạn chế và cấm người dân sở hữu và sử dụng vũ khí. Mà cũng chẳng riêng gì ở Mỹ. Thế nhưng, không nói những sát thủ bị bệnh tâm thần, chuyện giết người man rợ chỉ vì những lý do vu vơ theo kiểu cho là đã “nhìn đểu”, hoặc va quẹt xe máy, có khi chỉ là do ăn trộm mấy quả chanh trong vườn, thậm chí đâm chết sáu mạng người trong đó có cả người từng yêu chỉ vì gia đình người yêu phản đối, thì quả không nhiều như ở ta.
Lý do giết người càng vu vơ chẳng đâu vào đâu thì nỗi đau văn hoá càng dữ dội!
Liệu đây có là minh chứng của việc “mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng” mà đã có lần tôi thưa với ông Sáu nhân chuyện ông muốn tôi tóm tắt vụ án “Nhân văn - Giai phẩm” cho ông nghe? Hôm ấy tôi đã dẫn lời của M. Gorki: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần” *
Giờ đây tôi vẫn không quên được ánh mắt ưu tư của Võ Văn Kiệt khi nghe tôi dẫn ra lời cảnh báo ấy. Theo cảm nhận của tôi, có suy tư đó mới có được sự nhẫn nại dám nghe những “lời nói thật thà có thể bị buộc tội/ lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương” của một thực trạng nhầy nhụa “có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ sau nụ cười là lởm chởm răng cưa/ có cái môi mỏng hơn lá mía/ hôn má bên này bật máu má bên kia”. Nhẫn nại nghe để từ đó mà hiểu được trong những lời thơ gai góc bật ra từ trái tim yêu thương và phẫn nộ“một bản án nhân tình đối với chế độ của chúng ta”. Và phải chăng để từ đó mà cảm nhận được, thấu hiểu được “nỗi đau văn hoá”. Vì, nói như Nguyễn Duy “hình như ông vừa trải qua một cuộc tra tấn” để rồi thốt ra những lời gan ruột:“Nặng lắm. Nhưng chịu được”.
Quả vậy, nặng, rất nặng đó là sức nặng của một quyết tâm để cố đưa đến những quyết sách mà Võ Văn Kiệt đã cố gắng thúc đẩy cho đến phút cuối. Cũng vì vậy, cái điệp khúc “Giá như lúc này có ông Sáu Dân” lại được xúc động nhắc lại. Có người nói to lên. Cũng có người đắm mình trong những hoài niệm. Trong nỗi đau văn hoá đang gặm nhấm tâm hồn của những người ưu tư về vận nước càng da diết nghĩ đến lời nhắn gửi của Ông: “Muốn vượt lên thì phải có niềm tin. Mà cốt lõi của niềm tin là tin ở con người”.
Làm sao tin khi “chứng bệnh ngoài da đã vào bên trong nội tạng” thì xin khất đến “Mênh mông thế sự 10”.
29.8.2015
Tương Lai
Tác giả gửi BVN.
(Bauxitevn)
______________________________
*“Những ý tưởng không hợp thời” đăng trên nhật báo Novaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918. NXB Surkamp taschenbuch của Đức ấn hành năm 1974.
http://boxitvn.blogspot.com/2015/08/noi-au-van-hoa.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét