Việt Nam vô địch về đàm phán hội nhập
Các chuyên gia đều nêu lên thực tế này tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu sáng nay, nhưng không phải để khen ngợi, hoan hỉ. Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2015 khai mạc sáng nay tại Thanh Hoá, thoạt tưởng sẽ nhạt nhoà vì chủ đề quá vĩ mô, chung chung – “Kinh tế Việt Nam – Hội nhập và Phát triển”, thay vì bàn về những vấn đề cụ thể của thời sự kinh tế như thường lệ. Kịch bản ban đầu cũng được dự báo kém hấp dẫn, khi chủ toạ chương trình – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu – định bố trí để lãnh đạo các bộ ngành và doanh nghiệp đối thoại.
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu ghi nhận nhiều ý kiến
thẳng thắn của các chuyên gia. Ảnh:Chí Hiếu
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, từng tham gia nhiều kỳ diễn đàn kinh tế, phải đứng lên chê bài phát biểu đề dẫn của đại diện Bộ Công Thương về hội nhập kinh tế quốc tế không có gì mới mẻ, cụ thể trong khi nhiều vấn đề thời sự kinh tế quốc tế không được đề cập. Ông đề nghị chủ toạ phải cân đối, dành thêm thời gian cho các chuyên gia tham kiến.Không khí diễn đàn thực sự nóng lên, nhưng không chỉ vì lời phát biểu thẳng thắn của vị chuyên gia lão niên. 9 đại biểu tham gia ý kiến sau đó đã cùng nhau phân tích về thực tế đầy mâu thuẫn là trong khi Việt Nam đang tăng tốc đàm phán, ký kết các hiệp định hợp tác quốc tế thì trong nước lại thiếu quan tâm, thiếu chuẩn bị để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức mà hội nhập mang lại.
Sau hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến nay Việt Nam đã ký tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) – một kỳ tích đứng đầu ASEAN và cũng thuộc loại dẫn đầu thế giới theo giáo sư Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới.
“Một cường quốc như Trung Quốc mới ký 15 FTA. Nhỏ như chúng ta cũng đạt chừng ấy. Điều đó cho thấy vấn đề, trong khi chúng ta hội nhập quốc tế rộng như vậy, sâu như vậy thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không theo kịp”, giáo sư Lược quan ngại.
Theo ông, hội nhập cần đi liền với đổi mới, nhưng Việt Nam quá chú trọng tới ký kết hiệp định mà chậm trễ đổi mới từ bên trong. Hội nhập khiến hàng rào thuế quan xuống gần như bằng 0, ông cho rằng cả đất nước chứ không riêng doanh nghiệp phải đối diện với áp lực cạnh tranh toàn cầu.
"Để cạnh tranh không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của doanh nghiệp, mà phải xác định cạnh tranh về thể chế, về điều hành ở cấp quốc gia. Chúng ta đang lo giảm thời gian làm thủ tục hải quan, nhưng đó là chuyện nhỏ. Cái đột phá lớn hơn là cải cách về thể chế thì giờ này chưa làm được bao nhiêu”, ông nói.
Giáo sư Võ Đại Lược: Việt Nam có nhiều FTA bậc nhất thế giới
Vị chuyên gia cũng chỉ ra hàng loạt bất cập trong chính sách tiền tệ, quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để cho thấy nội tại nền kinh tế Việt Nam chưa đồng điệu với tốc độ hội nhập quốc tế. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh khi vẫn phải vay vốn với lãi suất lên tới 10% một năm trong khi thế giới chỉ cho vay 3%. Trong khi các nước đang đẩy mạnh phá giá nội tệ để hỗ trợ nền kinh tế thì Việt Nam lại dè dặt.
“Các nước đua nhau phá giá thì đồng tiền của chúng ta về cơ bản lại ổn định. Chúng ta ổn định trong khi các nước không ổn định thì có thể gây tổn thương cho sản xuất, cho cả nền kinh tế chứ không chỉ xuất khẩu. Khi hàng rào thuế quan vì hội nhập phải giảm xuống thì hàng rào tỷ giá cần phát huy vai trò bảo vệ nền kinh tế trong nước”, ông phân tích.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng nguyên nhân chậm đổi mới, chậm cải cách không nằm ở doanh nghiệp mà xuất phát từ nền tảng nhà nước.
“Doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập giống như đi trên cầu khỉ chênh vênh mà trên lưng bị đè nặng bởi một khối đá - chính là gánh nặng chi phí. Họ cứ cố gắng cúi đầu dò dẫm từng bước để khỏi trượt chân rơi xuống sông, chứ không thể nhìn xa để vươn tới thị trường trường nước ngoài”, ông ví von để phản bác lại những chỉ trích lâu nay rằng doanh nghiệp Việt Nam kém cạnh tranh, không chủ động, không tích cực chuẩn bị cho hội nhập.
Ông cũng chua xót chỉ ra thực tế hội nhập đang được xem là chuyện của các nhà đàm phán chứ chưa phải mối quan tâm hàng đầu và bức thiết của cả hệ thống. Chính vì thế mà thể chế nhà nước 30 năm qua kể từ ngày bắt đầu công cuộc đổi mới vẫn chưa thay đổi nhiều. “Chúng ta vẫn giữ tư duy quản lý nhà nước theo kiểu bề trên, đứng trên doanh nghiệp để quản lý, để kiểm soát chứ không đồng hành với doanh nghiệp, là đối tác hỗ trợ doanh nghiệp đi kinh doanh. Tôi có cảm giác là bộ máy của chúng ta nghiện quản lý, nghiện ra lệnh”, ông bức xúc.
Theo ông, trọng tâm của cải cách lần hai phải là nhằm vào phía nhà nước, với mục tiêu nhà nước phải hỗ trợ thị trường, không làm cho thị trường méo mó.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp hội nhập như đi cầu khỉ
4 chữ thường xuyên được nhắc tới trong yêu cầu hội nhập của Việt Nam đó là chủ động và tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia Lê Đăng Doanh chỉ ra rằng dường như đang có sự hiểu chưa đúng về khái niệm chủ động hội nhập. Theo ông, kinh tế học phân biệt hai loại hình hội nhập là chủ động và thụ động. Những nền kinh tế có lợi thế cạnh tranh về khoa học công nghệ và sức mạnh doanh nghiệp thường chủ động hội nhập để tranh thủ cơ hội từ bên ngoài giúp trong nước phát triển hơn. Còn nền kinh tế hội nhập thụ động lại chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên và các ưu đãi hơn mức bình thường để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Chúng ta rất chủ động, rất tích cực đàm phán. Nhưng khi đàm phán chúng ta vẫn nhận mình là chậm phát triển đấy thôi. Chúng ta chủ động, tích cực hội nhập với xuất phát điểm yếu chứ không mạnh về cạnh tranh. Chúng ta cứ chăm chăm đàm phán để bảo vệ ở biên giới, còn các công cụ, các rào cản kỹ thuật để bảo vệ bên trong thì chúng ta không làm”, ông cảnh báo.
Diễn đàn sáng nay thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kỳ cựu về hội nhập, trong đó có nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển – người từng dẫn dắt đàm phán thành công BTA, WTO. Nhắc lại 3 yêu cầu quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam là cải cách thể chế, dân chủ hoá đời sống xã hội gắn liền với nhà nước pháp quyền và hợp tác quốc tế, ông cũng cho rằng trong khi hội nhập rất nhanh thì 2 nhiệm vụ còn lại triển khai rất chậm vì vậy đã không tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức mà hội nhập mang tới.
“Chúng ta đứng đầu ASEAN và không thua bất cứ nước nào trên thế giới về tốc độ đàm phán, ký kết các hiệp định. Hầu hết các hiệp định này đều đòi hỏi mức độ hội nhập rất cao nhưng trong nước chúng ta chưa chuẩn bị đồng bộ”, ông nhấn mạnh.
Ông dẫn lại các số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không biết, không quan tâm và không nghĩ tới những ảnh hưởng khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đi vào hoạt động từ đầu năm tới, cho phép xoá bỏ các hàng rào thuế quan để hàng hoá, dịch vụ và vốn đầu tư được dịch chuyển tự do trong khu vực. Nhưng điều ông lo hơn cả, đó là bản thân các quan chức nhà nước, bộ ngành cũng rất “lơ mơ” về sự kiện này, vì thế cũng không giúp được doanh nghiệp.
“Các quốc gia chỉ giàu lên khi có một thể chế tốt. Philippines những năm 1970 là nước phát triển nhất ở khu vực. Nhưng do thể chế kinh tế yếu kém, họ đã tụt hậu dần và giờ chỉ đứng trên Việt Nam một chút”, ông nói.
Liên quan tới yêu cầu cải cách thể chế, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành đặc biệt quan tâm tới vấn đề con người, mà cụ thể ở đây là công chức, những người hằng ngày đang thực thi công việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
“Điều tôi đặc biệt lo ngại khi hội nhập không phải là doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp nếu không cạnh tranh được thì chết. Nhưng 100.000 doanh nghiệp hôm nay chết, ngày mai sẽ có 200.000 doanh nghiệp khác mọc lên. Mà tôi lo ở con người”, ông nói.
Theo ông, muốn chủ động hội nhập thì không chỉ đi theo các luật chơi và đàm phán dựa trên luật chơi các nước đã đặt ra, mà đã đến lúc Việt Nam phải bắt tay vào việc xây dựng luật chơi, phải đưa được người Việt tham gia vào các tổ chức quốc tế để cùng thiết lập ra sân chơi mới.
“Mấy ngày nay người ta chỉ hỏi tôi 2 vấn đề, tỷ giá và lãnh đạo đất nước sắp tới là ai. Chẳng ai hỏi tôi về hội nhập cả. Thực sự tôi lấy làm cảm kích vì Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu đã chọn hội nhập, để mọi người cùng bàn thảo về một vấn đề vô cùng bức thiết nhưng không phải ai cũng biết và quan tâm”, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nói.
Diễn đàn kinh tế được Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với các cơ quan tổ chức mỗi năm hai lần, vào mùa xuân và thu. Khác với thông lệ, Diễn đàn Mùa thu 2015 chỉ diễn ra một ngày và phần lớn thời gian dành cho các ý kiến trao đổi trực tiếp, thay vì nhiều tham luận và kéo dài tới 2 ngày.
Kỳ Duyên
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/viet-nam-vo-dich-ve-dam-phan-hoi-nhap-3270521.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét