Gà Mỹ cười chính phủ Việt Nam
SÀI GÒN (NV) - Sau nhiều lần hân hoan khoe bản lĩnh và năng lực, bởi thương thuyết thành công nhiều Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA), nay, chưa thấy chính phủ Việt Nam nói gì về trách nhiệm từ các FTA. Thay vì là cơ hội, dường như các FTA là một thứ đại họa tiềm ẩn. Nếu doanh giới Việt Nam tan nát, thất nghiệp tràn lan thì chính phủ Việt Nam có nhận lỗi chăng? Chắc là rất khó. Không phải tự nhiên mà trong nhiều thập niên, dân chúng Việt Nam vẫn ngậm ngùi kháo với nhau rằng: Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là bởi thiên tài đảng ta!
Gà Mỹ trên thị trường Việt. (Hình: VnExpress)
Cuối tuần trước, tại buổi làm việc với Cục Quản Lý cạnh tranh của Bộ Công Thương Việt Nam, Hiệp Hội Chăn Nuôi Đông Nam Bộ loan báo, mỗi doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội này đang lỗ trung bình 10,000 đồng/con gà. Trong 11 tháng vừa qua, tổng thiệt hại của họ vào khoảng 1376 tỷ đồng.Không riêng doanh nghiệp chuyên nuôi gà mà nông dân nuôi gà tại nhà để kiếm thêm chút tiền cũng lỗ “sặc máu.” Lý do cả doanh giới chuyên nuôi gà và nông dân cùng thua lỗ là vì gà nhập cảng quá nhiều và quá rẻ.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam thì trong cả năm 2014, Việt Nam nhập cảng 80.000 tấn thịt gà. Con số này trong sáu tháng đầu năm nay là 66.000 tấn, trong đó khoảng 70% là từ Hoa Kỳ. Tính toán của Hiệp Hội Chăn Nuôi Đông Nam Bộ cho thấy, giá gà Mỹ rẻ hơn giá gà Việt Nam khoảng 15.000 đồng/ký nên thịt gà Việt Nam ế.
Ngoài viễn cảnh các doanh nghiệp chăn nuôi gà tại Việt Nam phá sản hàng loạt, Hiệp Hội Chăn Nuôi Việt Nam còn cảnh báo rằng, các thành viên của hiệp hội này đang làm chủ 5,000 trang trại nuôi gà. Những trang trại này vay ngân hàng đến 15,000 tỷ đồng, nếu những trang trại này phá sản thì hệ thống ngân hàng cũng sẽ khốn khổ.
Trước viễn cảnh vừa kể, hồi đầu tháng này, thủ tướng Việt Nam yêu cầu điều tra xem thịt gà đưa từ Hoa Kỳ vào Việt Nam có bán phá giá hay không (?). Đến thượng tuần tháng 8, Cục Chăn Nuôi của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam báo cáo, chưa thấy dấu hiệu thịt gà Mỹ bán phá giá. Cùng thời điểm này, ông Jim Sumner, chủ tịch Hiệp Hội Xuất Cảng Trứng và Gia Cầm Hoa Kỳ (USAPEEC), khẳng định thịt gà Mỹ bán tại Việt Nam đúng với quy định của WTO.
Gà Mỹ tràn vào Việt Nam nhờ những thỏa thuận về thương mại tự do. Mục tiêu của các FTA là mở cửa các thị trường cho hàng hóa lưu thông dễ dàng. Các FTA mà Việt Nam đã ký với nhiều quốc gia hay các khối quốc gia đã mở toang cửa thị trường cho các loại hang hóa chảy vào Việt Nam nhưng ngoài chuyện khoe thành tích ký FTA, chính phủ Việt Nam không làm gì để hang hóa Việt Nam có thể dễ dàng xâm nhập các thị trường ngoại quốc.
Trò chuyện với Bloomberg, ông Vũ Tú Thành, người đứng đầu bọ phận đại diện Việt Nam tại Hội Đồng Doanh Nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN, thú thật, nhiều người vẫn chưa ý thức được các FTA có ý nghĩa thế nào với cả đất nước và nền kinh tế!
Hồi thượng tuần tháng này, trong một cuộc trò chuyện với doanh giới tại “Hội nghị kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa,” diễn ra ở Đà Nẵng, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế tâm tình rằng, Việt Nam đã nhượng bộ rất nhiều để có thể ký kết FTA, nhằm mở đường cho hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập thị rường của nhiều quốc gia nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới khai thác được FTA đã ký với Nam Hàn - khoảng 73% chứng nhận xuất cảng sang Nam Hàn được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên phân tích 73% này thì phần lớn doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đó là doanh nghiệp Nam Hàn đầu tư vào Việt Nam, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam!
Thực tế đó đã khiến các chuyên gia kinh tế Việt Nam phải nêu thắc mắc với Bộ Công Thương Việt Nam rằng, tại sao doanh nghiệp Việt Nam không biết để xin hưởng ưu đãi (?). Họ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương phải xem lại cả chuyện phổ biến thông tin cho doanh nghiệp lẫn việc cung cung cấp các chứng nhận ưu đãi. Doanh nghiệp Việt Nam không hưởng được chút lợi lộc nào thì đàm phán - nhượng bộ - ký kết các FTA làm gì?
Bà Lan nhấn mạnh, tham gia các FTA không chỉ là cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp mà đó còn là cuộc cạnh tranh giữa các nhà nước về thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực điều hành nền kinh tế vĩ mô...
Tại buổi nói chuyện vừa kể, bà Lan than rằng, khó khăn của doanh giới Việt Nam là chuyện muôn thuở. Năm, bảy năm qua, lần nào các cuộc khảo sát do Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới thực hiện cũng vạch ra chừng đó khó khăn nhưng chúng còn hoài. Bà Lan bảo rằng bà cảm thấy rất đau khi các chuyên gia của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, thắc mắc, tại sao Việt Nam kỳ lạ thế, bởi những góp ý được nêu ra hoài mà không sửa được, không thay đổi được (?).
Bà Lan lưu ý, đã từng có những cuộc khảo sát xác định, ở Việt Nam, để có một đồng lợi nhuận thì trung bình, doanh nghiệp phải mất 1,02 đồng để “bôi trơn.” Bà dẫn nhận xét của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, theo đó, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam đang theo xu hướng... li ti hóa, tức là càng ngày càng nhỏ.
Kết quả một cuộc khảo sát của Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam xác nhận, so với cách nay mười năm, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn bằng một nửa. Rồi nhận định, nguyên nhân chính của thực trạng đó là phần tham nhũng đã lấy mất lớn hơn so với lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được. Cứ như vậy thì doanh nghiệp còn gì để tái đầu tư, để mở rộng hoạt động? Doanh giới đương nhiên sẽ thu hẹp hoạt động vì làm được một thì có những “ông” không làm gì cả tước đoạt của họ hơn một. Tội gì họ phải làm nữa.
Thay vì là cơ hội, dường như các FTA là một thứ đại họa tiềm ẩn.
Nếu doanh giới Việt Nam tan nát, thất nghiệp tràn lan thì chính phủ Việt Nam có nhận lỗi chăng? Chắc là rất khó. Không phải tự nhiên mà trong nhiều thập niên, dân chúng Việt Nam vẫn ngậm ngùi kháo với nhau rằng: Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là bởi thiên tài đảng ta!
(Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=211932&zoneid=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét