Mới đọc tin này mình sốc quá. Thủ tướng Dũng nổi tiếng với cụm từ "quyết liệt", đi đâu, làm gì cũng luôn nói đến "quyết liệt"; thậm chí có người đã viết thành bài tổng kết cực hay: Thủ tướng Dũng và nền kinh tế thị trường “định hướng quyết liệt". Thế mà nay đột nhiên không dùng từ này nữa mà thay bằng "Dồn lực", một sáng tạo cực kỳ xuất sắc cho năm mới 2014. Chúc mừng Thủ tướng đổi mới... Tiếc rằng đọc toàn bài không thấy trích câu Thủ tướng nói có cụm từ "Dồn lực". Phải chăng là từ sáng tạo của phóng viên ?
Dồn lực cho năm 2014
Ổn định đồng tiền, tỉ giá; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tăng cường sản xuất; siết đầu tư công; mạnh tay với lãng phí... là những nhiệm vụ chính của năm 2014. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 24-12 tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014, tạo đà để có tăng trưởng hơn 6% vào năm 2015.Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định kết quả tăng trưởng kinh tế 5,41%, lạm phát 6,04% trong năm 2013 là cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn năm trước như kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô đã tương đối ổn định nhưng có mặt chưa vững chắc, thể hiện ở sản xuất kinh doanh còn khó khăn; nợ xấu kiểm soát được nhưng còn cao; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng còn chậm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Về mặt xã hội đã có chuyển biến tích cực nhưng tiến độ cải cách hành chính, trấn áp tội phạm xã hội, tai nạn giao thông chuyển biến chưa mạnh mẽ. Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận vẫn còn hạn chế trong điều hành, trước hết là hoàn thiện thể chế nên cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Khẳng định nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2014 hết sức nặng nề, Thủ tướng nhấn mạnh đây là năm tăng bội chi, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, tổng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán đều tăng cao hơn nên chính sách tiền tệ phải phối hợp tốt với chính sách tài khóa. Đặc biệt, phải tiếp tục rà soát tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có chính sách ổn định đồng tiền, tỉ giá; quản lý tốt thị trường vàng để khuyến khích người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế này.
Thủ tướng cũng chỉ đạo trong năm 2014 thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên không khai thác kinh tế. Hai vấn đề nảy sinh là giảm thu 220 tỉ đồng của địa phương và 65 công ty cùng 3.000 lao động đều có cách giải quyết thông qua sắp xếp doanh nghiệp và lao động. Các dự án khai thác, xuất khẩu khoáng sản thô cũng phải hạn chế.
Tỉ giá điều chỉnh không quá 2%
Tại hội nghị, nhiều địa phương cùng đề xuất thống đốc NHNN có giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp dễ dàng hơn khi tiếp cận vốn vay phục vụ phát triển sản xuất. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết các giải pháp tháo gỡ vẫn đang tiếp tục được thực hiện thông qua việc giảm mặt bằng lãi suất, ngân hàng thương mại trực tiếp làm việc với doanh nghiệp ở địa phương để tìm cách giải ngân vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã cơ cấu những khoản nợ cho doanh nghiệp với giá trị 330.000 tỉ đồng, chiếm trên 10% tổng dư nợ. Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng đã xử lý được 32.000 tỉ đồng nợ xấu và trong những ngày cuối năm, chắc chắn sẽ mua được 35.000 tỉ đồng theo mục tiêu đề ra.
Thống đốc NHNN đánh giá tăng trưởng tín dụng chưa cao nhưng hiệu quả hơn, trực tiếp rót vào sản xuất vì GDP cả năm tăng trưởng 5,4%, trong khi dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 10%. “Tỉ lệ giữa GDP và tín dụng ở mức 1-2 là hợp lý. Trước đây, 1 tăng trưởng kinh tế thì phải tăng 4-6 lần tín dụng, hệ quả là lạm phát” - ông Nguyễn Văn Bình phân tích.
Về điều hành tỉ giá, thống đốc cho biết năm 2014 sẽ điều chỉnh tỉ giá linh hoạt hơn nhưng mức điều chỉnh không quá 2%. Các doanh nghiệp xuất khẩu luôn mong muốn tăng tỉ giá nhưng ngược lại, doanh nghiệp phải chi nhiều ngoại tệ sẽ khiến họ hạch toán lỗ. “Điều hành tỉ giá một mặt hỗ trợ xuất khẩu nhưng vẫn bảo đảm cân đối vĩ mô nói chung, nếu không sẽ đội lạm phát lên nữa” - ông Bình nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng tăng trưởng tín dụng dồn ép vào tháng cuối cùng của năm như hiện nay không đem lại hiệu quả cao. Thay vào đó phải giải ngân dàn đều cả năm. Khi chính sách tài chính khó khăn, ngân hàng phải cung tiền ra; khi tài chính tốt, ngân hàng phải siết lại để bảo đảm phân bổ đều nguồn lực.
Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản (BĐS) đang ấm dần lên, riêng tháng 11 có 4.062 giao dịch qua sàn BĐS, tăng gấp 2 lần so với 2 quý đầu năm. Khác với nhận định của chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết giá BĐS ở Hà Nội đã giảm từ 15%-27%, riêng dự án đất nền có nơi đã giảm 50%. Tồn kho BĐS ở Hà Nội đã giảm 20%, ở TP HCM giảm 30%.
Siết cán bộ đi nước ngoài
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành cho biết vẫn còn tình trạng lãng phí và đề nghị phải có biện pháp siết chặt.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong khi nhiều địa phương thiếu vốn đầu tư thì có tỉnh phía Nam vẫn đề xuất làm đường rộng để kết hợp… phơi lúa, khi buộc phải điều chỉnh lại thiết kế thì tiết kiệm được 35.000 tỉ đồng. Trước việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo dừng ngay hình thức địa phương duyệt dự án, trung ương trả tiền. Đặc biệt, khi nguồn lực còn hạn chế, phải căng kéo nhiều mục tiêu thì không xây dựng đường 6 làn xe ở các địa phương chưa có nhu cầu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đề nghị phải hạn chế dùng hình thức đầu tư BT trả bằng tiền. Trong thực tế, có doanh nghiệp vay vốn lãi suất 17% để làm đường, tính lãi thì số tiền đầu tư đó lẽ ra làm được 2 con đường.
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho biết tình trạng lãng phí đang diễn ra qua hình thức đi học tập kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài. Năm 2012 có 5.800 đoàn, năm 2013 giảm còn 85%. Tính trung bình một ngày có đến 8 đoàn ra nước ngoài nhưng theo phản ánh của các cơ quan ngoại giao nước bạn, nhiều đoàn cán bộ Việt Nam sang hỏi các nội dung trùng lắp khiến họ vừa trả lời đoàn trước, đoàn đến sau lại hỏi nội dung tương tự. “Đi nước ngoài tham quan học hỏi, tiếp khách chi phí quá lớn. Tôi nghe nói có nước bạn thấy đoàn Việt Nam đến là sợ” - Thủ tướng phê bình và yêu cầu các bộ ngành phải cân nhắc trước khi cử đoàn ra nước ngoài và có cách kiểm soát tốt.
Đề nghị dừng cảng Kê Gà
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đề nghị Chính phủ có phương án giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến dự án cảng Kê Gà.
Ông Lê Tiến Phương cho rằng dự án này Chính phủ chủ trương cho dừng hơn một năm nay. Tỉnh đã báo cáo với Chính phủ phương án nên dừng luôn dự án chứ không phải tạm dừng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm từ cấp trung ương.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra lại để báo cáo về vấn đề này. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết lý do cảng Kê Gà đến nay chưa giải quyết dứt điểm vì đang phải tính toán thêm việc quy hoạch alumin.
B.Long
Tô Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét