Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Thách thức của tự do hóa thương mại

Thách thức của tự do hóa thương mại
Xuất phát từ những cân nhắc chiến lược đúng đắn, Việt Nam đã sớm quyết định hội nhập khu vực và quốc tế, tạo ra thế và lực mới cho đất nước và nền kinh tế.
Quá trình hội nhập của Việt Nam được thể hiện qua hình dưới.

Nếu so sánh với Cuba và Bắc Triều Tiên thì Việt Nam đã tiến một bước quá xa, ngay cả so với ngôi sao mới nổi lên trong khu vực là Myanmar, chúng ta cũng đã có bước khởi đầu sớm hơn và có những bước tiến dài hơn trên con đường hội nhập.

Hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán để gia nhập TPP (Trans Pacific Partnership-Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định Thương mại Tự Do Việt Nam-Liên Minh châu Âu (Vietnam-EU FTA) và Hiệp Định Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP Regional Comprehensive Economic Partnership), bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Các hiệp định đó đều mở ra cơ hội mới kèm theo những thách thức cao hơn so với các cam kết hội nhập trước đây.

Luật chơi của hội nhập quốc tế là đối xử bình đẳng về mặt pháp lý giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, nguyên tắc tối huệ quốc tức loại bỏ các rào cản bảo hộ mậu dịch bằng công cụ hành chính (phí thuế quan) trong thương mại (như cấm nhập khẩu hay xuất khẩu), không còn tình trạng đánh thuế nhập khẩu cao để bảo hộ hàng trong nước hay quy định tỷ lệ xuất khẩu đối với đầu tư nước ngoài v.v. Để tự bảo vệ, các nước có thể sử dụng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Trade Bariers, TTB), nhưng điều này đòi hỏi một bộ máy hành chính chuyên nghiệp và có hiệu lực cao.


Thách thức cho các ngành công nghiệp

Với việc tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA: ASEAN Free Trade Area), Việt Nam đã buộc phải cùng ký kết các Hiệp Định Thương Mại Tự Do ASEAN với nhiều nước khác, và phải nhanh chóng hạ thấp thuế nhập khẩu đối với các nền kinh tế đã cam kết, trong đó có Trung Quốc là nước có nền kinh tế chủ yếu cạnh tranh với nước ta chứ ít bổ sung cho ta.
Kết quả là toàn bộ nền kinh tế đã được chuẩn bị không đầy đủ trước những đối thủ cạnh tranh trong điều kiện các hàng rào bảo hộ đã sớm bị tháo bỏ.

Đặc biệt nguy hiểm là tiến trình cắt giảm thuế với Trung Quốc, phần lớn hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam sẽ chỉ còn thuế từ 0-5% vào năm 2015, tạo điều kiện cho các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, dẫn đến thâm hụt thương mại và gây sức ép quá lớn đối với nền công nghiệp non trẻ của Việt Nam.

GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) đã đưa ra khái niệm “bẫy tự do hóa mậu dịch” để chỉ ra nguy cơ sau khi mở cửa thị trường, tự do hóa mậu dịch, những nước đi sau sẽ không còn có cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.1
Thực vậy, từ sau khi gia nhập WTO, cơ cấu công nghiệp của Việt Nam chậm thay đổi, thâm hụt mậu dịch tăng vọt, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam bị bóp chết.

Điển hình là công nghiệp điện tử: sản phẩm điện tử nguyên chiếc có thuế nhập khẩu từ 0-5% trong khi linh kiện điện tử nhập khẩu để lắp ráp có thuế suất 18-30%. Không chỉ doanh nghiệp trong nước bị chết mà doanh nghiệp lắp ráp máy thu hình cũng chuyển sang thành công ty nhập khẩu bán máy nhập khẩu từ Trung Quốc.

Công nghiệp ô tô của Việt Nam cũng chung số phận. Năm 2012 cả nước có 400 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, có công suất thiết kế đạt 458.000 chiếc/ năm, trong đó 47% công suất thuộc về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Năm 2010, các doanh nghiệp đã lắp ráp được 112.000 xe các loại, đến năm 2012 chỉ còn 72.749 chiếc. Đến năm 2015, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ giảm xuống còn 0-5% và đến năm 2018, các bảo lưu của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ chấm dứt, Việt Nam sẽ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường và phải được các đối tác công nhận. Lúc đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có tính toán của họ và khả năng họ rút khỏi Việt Nam là không thể loại trừ.

Nhiều mục tiêu của Kế hoạch 2011-2015 sẽ không đạt
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 3.04.2013 về “Kinh tế Việt Nam 5 năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới” cho thấy một bức tranh không mấy lạc quan.2 Cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao và diễn biến phức tạp, nhập siêu tăng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giảm từ bậc 59 (2010) xuống còn 75 (2012), nạn thất nghiệp tăng, và nợ công liên tục tăng nhanh. Xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tận dụng lao động giá rẻ lắp ráp là chính (điển hình là Samsung Vina xuất khẩu điện thoại thông minh Galaxy, nhập khẩu 100% linh kiện từ Samsung ở Trung Quốc) trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng được các cơ hội mở rộng xuất khẩu. 
Trong các ngành kinh tế, ngành nông nghiệp là trụ cột duy trì sự ổn định của nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng cũng giảm sút, ngành mía đường và chăn nuôi gặp khó khăn lớn trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ hơn nhiều.

Công nghiệp và xây dựng tăng trưởng chậm hơn trước khi gia nhập WTO, từ 10,2% trong 5 năm trước xuống 7%, các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép gặp khó khăn lớn trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu, chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Các mục tiêu chuyển dịch cơ cấu đều không đạt mục tiêu như giảm tỷ trọng của nông-lâm-ngư nghiệp trong GDP xuống còn 15-16%, công nghiệp-xây dựng lên 43-44%, thương mại –dịch vụ lên 40-41% vào năm 2010 đều không đạt được. Nhiều thương hiệu trong nước bị mua lại như Tribeco, Phở 24 v.v. Thương nhân Trung Quốc vào nước ta mua hàng hóa, thuê đất trồng khoai lang, nuôi cá ở Vịnh Cam Ranh, lừa nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong mua gom hàng hóa v.v... mà nước ta chưa có biện pháp tự bảo vệ cần thiết.

Cho đến nay, giữa năm 2013, tức đi được nửa chặng đường của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, có thể nói chắc chắn rằng nhiều mục tiêu của Kế hoạch sẽ không đạt (như tốc độ tăng trưởng bình quân 7,0-7,5%, đổi mới mô hình tăng trưởng v.v.) và mục tiêu của Chiến lược kinh tế-xã hội 2011-2020 “nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” cũng rất xa vời.

Quan trọng nhất là cải cách thể chế

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có gây ra những tác động tiêu cực mang tính khách quan tới bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam, nhưng đó không phải là nguyên nhân chủ yếu, mà những tác nhân mang tính chủ quan trong nội tại mới là nguyên nhân chính của thực trạng ảm đạm nói trên. Cụ thể là sự chậm trễ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mặc dù nước ta đã đề ra yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ Đại Hội XI nhưng việc quá trình triển khai thực hiện quá trì trệ. Vì vậy, tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa quá nhiều vào vốn, Chính phủ đầu tư kém hiệu quả vào doanh nghiệp nhà nước (như Vinashin, Vinalines), đầu tư công lãng phí và thất thoát lớn, vốn đầu tư bị hút vào bất động sản, không ít doanh nghiệp đầu tư vào các mối quan hệ để kiếm lợi nhuận (đất, khai mỏ v.v.) mà chậm nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, Nhà nước chậm cải cách thể chế, năng lực của bộ máy nhà nước chậm được nâng cao, các rào cản kỹ thuật trong thương mại chậm được áp dụng để tự bảo vệ.

Với lộ trình tự do hóa thương mại còn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần nghiêm chỉnh rút ra bài học kinh nghiệm, tái cấu trúc nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách, trong đó quan trọng nhất là cải cách thể chế để đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.  


Ngày 24/7/2013, tại Washington D.C, bên lề chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với Đại sứ Michael Froman, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ - USTR, trong đó khẳng định quyết tâm của cả hai nước cùng các đối tác khác của TPP sẽ kết thúc đàm phán TPP trong năm 2013. Hai bên nhất trí cho rằng việc đàm phán thành công TPP sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, củng cố và tạo thêm nhiều công ăn việc làm ở hai nước.
Theo Tia Sáng 
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&News=6607&CategoryID=7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét