Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Giải mã “Hòn đá lạ” ở Đền Hùng

Giải mã “Hòn đá lạ” ở Đền Hùng
TPO - Theo lý giải, viên đá có thể hóa giải bùa yểm xấu, trấn trạch bình an, tạo năng lượng vũ trụ cho Đền Thượng khiến quốc gia được hưng thịnh, tốt đẹp.
Sau khi lãnh đạo tỉnh Phú Thọ yêu cầu ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hiện là Chủ tịch Hội sử học tỉnh Phú Thọ giải trình về sự hiện diện và các vấn đề xung quanh 'hòn đá lạ' ở Đền Hùng mà dư luận những ngày qua rất quan tâm, ông Khôi và ông Nguyễn Minh Thông, một đại tá quân đội, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Phương Đông (ở Hà Nội), người được xem là tác giả nắm rõ nhất nguồn gốc, ý nghĩa của hòn đá đặt tại đây, đã có văn bản trả lời về vấn đề này.
a
Ông Nguyễn Tiến Khôi khẳng định viên đá ngọc ở Đền Thượng là rất tốt.
Trao đổi với Tiền Phong sáng 14/4/2013, ông Khôi nói thời kỳ năm 2008-2009 khi chuẩn bị hoàn thành tu bổ khu di tích Đền Hùng, một số lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo ông tìm một người giỏi để “làm công tác tâm linh” cho Đền Hùng.

Ông Khôi đã đến Bộ VHTTDL nhờ tìm thầy, và đã được một số cán bộ thuộc Bộ này giới thiệu đến gặp ông Thông, người rất được tin cậy, kính trọng trong lĩnh vực tâm linh. Khi đó phía Phú Thọ cũng đã đồng ý, vì ông Thông cũng chính là người có hiểu biết uyên thâm từng cùng ông Nguyễn Hữu Điền (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) tìm ra huyệt đạo xây dựng Đền thờ Mẫu Âu Cơ (cạnh Đền Hùng).
Với Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, ông Thông cũng là người được Phú Thọ mời đến với trọng trách xử lý những vấn đề tâm linh liên quan. Và lần này, bước vào tu sửa Đền Thượng, ông Thông cũng được ông Nguyễn Hữu Điền mời về.
Khi sửa nền Đền Thượng, cán bộ và công nhân phát hiện có một viên gạch lạ, có in chữ Hán, ông Thông nói với ông Khôi và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, có ý kiến là viên gạch này tựa như bùa yểm xấu (còn gọi yểm đảo, không rõ ai đặt dưới nền cát, có từ bao giờ...) nên sau khi hoàn thành tu sửa Đền Thượng thì rất nên có đá đặt ở Đền để trấn yểm “phản” lại viên gạch yểm xấu kia.
Văn bản trả lời của ông Nguyễn Minh Thông (đề ngày 20/3/2013) mới đây lên tỉnh Phú Thọ, cho biết viên gạch nọ được Phú Thọ nhờ Trung tâm của ông Thông nghiên cứu, xem xét.
Một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm đã vào cuộc hội thảo nhiều lần, khẳng định viên gạch này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt. Thời đó phía Nguyên Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại Đền Thượng, trên viên gạch được ghi “Đánh đổ đức sáng Vua Hùng (hiện còn lưu giữ tại bảo tàng Đền Hùng).
Nên Trung tâm của ông Thông đã lên kế hoạch tìm một viên đá ngọc xanh có nhiều năng lượng tốt lành, có khả năng hóa giải các hung khí và tiếp nhận năng lượng tốt của tinh tú trời đất cho Đền Hùng. Điều này đã được ông Khôi và một số lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đồng ý.
Theo ông Khôi, từ năm 2009 đến nay, hòn đá (như Tiền Phong đã mô tả trong bài viết trước) chắc chắn đã làm tốt nhiệm vụ của nó, với ý hóa giải bùa yểm phương Bắc, trấn trạch bình an, tạo năng lượng vũ trụ cho Đền Thượng khiến quốc gia được hưng thịnh, tốt đẹp.
Theo ông Thông, đã may mắn có ông Nguyễn Đình Khảm, Giám đốc một Cty đá quý trong Hội liên hiệp đá quý Việt Nam (ở Hà Nội) công đức viên đá ngọc xanh này.
Đá cũng đã được các chuyên gia thẩm định chất lượng, đo năng lượng, rồi được chạm thêm ngọc rubi và nhiều loại ngọc quý khác.
Mặt trước đá chạm: “Trận đồ bát quái thiên tinh Phật Tổ Như Lai” dựa trên trận đồ bát quái trong Binh thư yếu lược của nhà Trần và theo mô phỏng của Từ điển thuật ngữ quân sự, gọi là Thiên tinh vì ghép tượng hình chòm sao Bắc Đẩu và trận đồ của Đức Thánh Trần ứng dụng khi đánh quân Nguyên Mông.
Trên mặt của Trận đồ còn có câu mật chú thiền phái Mật Tông làm tăng hòa quang của Phật và độ linh, độ uy của Phật để giải hóa bách nạn, bách khổ, bách bệnh cho nhân dân.
Ông Thông khẳng định phải có linh khí của Phật thì mới cùng với linh khí của Đức Thánh Trần kết hợp thì mới hóa giải được bùa phép nguy hiểm đã bị yểm đảo của giặc phương Bắc.
Văn bản trả lời của ông Thông cho biết tiếp, mặt sau của viên đá ngọc, phía trên là Ấn của Vua Hùng (mà hiện Khu di tích đang dùng), dưới có chạm lá bùa giải bách họa cho nhân dân mà các nhà sư đi tu ai cũng biết.
Từ ngày được hóa giải đến nay, ông Thông cho rằng tỉnh Phú Thọ và Khu di tích Đền Hùng được đánh giá là phát triển rất tốt đẹp. Theo năm tháng, viên đá ngọc sẽ ngày càng tích năng lượng thu phát, các địa phương khác cùng với Phú Thọ cùng được hưởng phúc. Ông cũng cam đoan viên đá đang rất linh ứng và hiệu nghiệm.
Được biết, nghi lễ nhập trạch Đền Thượng cùng với lễ dâng ngọc hóa giải bùa yểm đã được tổ chức hết sức long trọng và trang nghiêm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Khôi và ông Trần Xuân Các (hiện là Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng), sau dịp Quốc Giỗ này, Phú Thọ sẽ tổ chức hội thảo khoa học, tập hợp những ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, để có trả lời rõ ràng về “Hòn đá lạ” mà cộng đồng cư dân mạng đang xôn xao.
Tùng Duy-N.C.Khanh
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/622799/Giai-ma-su-thuc-%E2%80%9CHo%CC%80n-da%CC%81-la%CC%A3%E2%80%9D-o%CC%89-De%CC%80n-Hu%CC%80ng-tpov.html

Người cho đặt đá lạ ở đền Hùng lên tiếng

(ĐVO) - ‘Việc đưa đá lên đền Thượng tại Đền Hùng là có cơ sở khoa học và không ai dám làm bậy bạ ở nơi thờ tự linh thiêng như thế. Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân khi làm việc này. Khi hoàn thành công việc; các lãnh đạo Trung ương, tỉnh đều đã chứng kiến và biết’.
Ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Chủ tịch Hội sử học tỉnh Phú Thọ đã chia sẻ với báo Đất Việt xung quanh thông tin hòn đá lạ ở đền Thượng có thể là bùa yểm không tốt.

PV: - Thông tin về hòn đá lạ được đặt trên đền Thượng tại Đền Hùng đang khiến dư luận rất lo lắng, bùa yểm nhưng không rõ là gì?
Ông Nguyễn Tiến Khôi: - Khi tu sửa đền Hùng năm 2009, lúc tháo dỡ toàn bộ bệ thờ trên đền Thượng, cán bộ và công nhân đã phát hiện một viên gạch lạ có in chữ Hán.
Nhiều nhà văn hóa cho rằng có thể là bùa yểm trong đó. Để phá thế yểm, Ban quản lý đã phải mời các pháp sư. Cụ thể người trực tiếp tham gia làm việc này là ông Nguyễn Minh Thông.
Một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm đã vào cuộc hội thảo nhiều lần, khẳng định viên gạch này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt.
Thời đó, phía Nguyên Mông bị thua trận vì bị nhà Trần ta đánh tan ba lần, đã cử đạo sỹ được cải trang sang nước Nam ta, dùng thủ đoạn yểm bùa gạch này tại đền Thượng. Trên viên gạch được ghi “Đánh đổ đức sáng Vua Hùng (hiện còn lưu giữ tại bảo tàng Đền Hùng).
Theo ông Khôi, việc đặt đá được pháp sư thực hiện và có sự giới thiệu của Bộ Văn hóa
Theo ông Khôi, việc đặt đá được pháp sư thực hiện và có sự giới thiệu của Bộ Văn hóa. (Ảnh TPO)
PV: - Vậy ông có thể giới thiệu lại quy trình mà Ban quản lý đã thực hiện việc làm bùa yểm này như thế nào để cộng đồng được hiểu?
Ông Nguyễn Tiến Khôi: - Ông Nguyễn Minh Thông là do Bộ Văn hóa giới thiệu, hiện nay đang là  giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa phương Đông.
Chính vị này từ năm 2000 cũng là người đã chọn huyệt đạo xây dựng Đền thờ Mẫu Âu Cơ và sau đó là tìm huyệt đạo của đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Tôi xin khẳng định rằng tất cả các đền thờ ở trên núi Hùng của Phú Thọ theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa đều phải nhờ vị này từ khâu hạ trại đến khi hoàn thành.
Suốt thời gian qua, đất nước ta yên bình. Và chính vị này đã có báo cáo lên Bộ Văn hóa và UBND tỉnh phải làm đá để yểm ngược lại và cũng được đồng ý.
Hòn đá này đã được đặt trên đó mấy năm nay rồi.
PV: Thế nhưng có ý kiến cho rằng hòn đá này là do ông Nguyễn Đình Khảm, Giám đốc một Cty đá quý trong Hội liên hiệp đá quý Việt Nam (ở Hà Nội) công đức. Do vậy cũng chưa rõ liệu nó có mang lại sự may mắn đúng như mong muốn?
Ông Nguyễn Tiến Khôi: - Khi biết có việc này ông Nguyễn Đình Khảm, Giám đốc một Cty đá quý trong Hội liên hiệp đá quý Việt Nam đã có nhã ý công đức một hòn đá và cũng được những người có chuyên môn, trách nhiệm lựa chọn cho phù hợp với kiểu dáng cũng như chất lượng.
Do vậy không có chuyện không kiểm nghiệm ở đây.
PV: - Nhưng có ý kiến cho rằng khi cho đặt hòn đá này lên, ông đã bị kỷ luật và phải giải trình?
Ông Nguyễn Tiến Khôi: - Đó là thông tin không chính xác. Bản thân tôi còn được thưởng Huân chương lao động vì đã có công tu sửa tại Đền Hùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)
http://baodatviet.vn/van-hoa/cong-dong-viet/201304/Nguoi-cho-dat-da-la-o-den-Hung-len-tieng-2345347/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét