Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Nao nao nhớ mùa bắt ếch tháng 3

Đọc bài này thấy nao nao nhớ hồi nào còn đi đập ếch ở nơi sơ tán (Thái Nguyên - Yên Bái). Hồi đó (1972) sao mà nhiều ếch thế. Buổi tối nằm nhà nghe ếch kêu như mời gọi, giục giã. Thế là khoảng 9h, học bài xong, mình ới thằng con bác chủ nhà gia đình mình ở nhờ; hai đứa 12 tuổi lưng đeo giỏ, tay gậy tre, tay đèn pin mò ra các cánh đồng lúa thơm ngát. 
Tháng 3, xuân về nên cũng như người, ếch rất ham yêu nhau, nhất là yêu nhau trên các thảm cỏ ở lối đi giữa các ruộng lúa. Chúng còn cực thích yêu nhau cạnh các ruộng lúa nếp ra đòng béo ngậy. Giống ếch hồi đó quá ngờ nghệch, thích hát to để gọi nhau và gọi đám trẻ chúng tôi tới xem chúng yêu nhau. Chúng tôi đi trên bờ ven các ruộng lúa, tay soi đèn pin, tay lăm lăm cây gậy; đèn pin soi vào đám ếch đang yêu nhau. Chúng bị chói mắt và cũng tròn mắt lạ lẫm vì không hiểu tại sao lại có thứ ánh sáng phát ra giữa ban đêm như vậy (trước khi dân sơ tán đến thì ở đây có ai dùng đèn pin đâu); thì cũng là lúc số phận đen đủi rơi xuống đầu chúng. Chúng tôi thẳng tay nện gậy vào cặp ếch, cả đôi bất tỉnh nhân sự, lăn ra và bị nhặt bỏ vào giỏ. Chỉ trong vòng 1 giờ đi 1 vòng từ đầu đến cuối ruộng là đã có thể thu hoạch được 1 giỏ ếch đầy. Dọc đường về, bọn tôi thấy chúng tỉnh lại rồi nghe chúng đổi lỗi cho nhau ỏm tỏi trong giỏ, nhưng sự đã rồi. Ếch được mệnh danh là gà đồng các bạn ạ.
Giờ già rồi, nghĩ lại chuyện cũ thấy tội nghiệp lũ ếch đấy quá. Nhưng lịch sử là lịch sử, hồi đấy đã biết gì về luật nhân quả đâu.
Mùa bắt ếch tháng 3
Sau buổi gặt, đòn gánh lúa trên vai toòng teng vài ba chú ếch đùn là có bữa cơm trưa với món canh ếch nấu măng, nấu đu đủ xanh… tuyệt vời.
Thôn nữ khoe con “ếch đùn” vừa bắt được lúc gặt lúa.
Ở quê tôi, thời trước, người nông dân dùng giống địa phương dài ngày như Ba Trăng, Tàu Núp, Nhe… nên mỗi năm chỉ làm 2 vụ lúa, thu hoạch vào tháng 3 và tháng 8 (âm lịch). Chúng tôi rất khoái bắt ếch tháng 3 và bắt cá vào tháng 8.

Vào tháng 3, đồng lúa đã bắt đầu chín vàng, nhà nhà, người chuẩn chẻ lạt, kêu công… đi gặt lúa. Thường trước khi bông lúa chắc hạt, người ta tháo nước ra khỏi ruộng để ruộng khô thu hoạch lúa cho dễ dàng.
Nước cạn dần, các loài côn trùng như châu chấu, cào cào… các loại ốc, cá nhỏ như cá cấn, cá mại… phơi mình trong những ô nước nhỏ còn sót lại dưới các gốc lúa. Các chú ếch từ các bờ mương, bờ hồ… “hành quân” về ruộng tha hồ ăn đầy bụng, toàn những món ngon và bổ dưỡng.
Được thưởng thức dễ dàng những món ăn “trời cho” này, lũ ếch quên cả “đường đi lối về”, ở lại trong những cái hang dã chiến làm tạm trên mé bờ, mặt ruộng. Vì vậy, khi bà con gặt lúa thường bắt được những chú “ếch đùn” béo tròn quay.
Người bắt chỉ quơ ngọn một gốc lúa buộc vào eo ếch và bẻ cây bụi cặm gần chỗ buộc ếch để làm dấu sau dễ tìm. Sau buổi gặt, đòn gánh lúa trên vai toòng teng vài ba chú ếch đùn là có bữa cơm trưa với món canh ếch nấu măng, nấu đu đủ xanh… tuyệt vời.


Với lũ học sinh vừa học vừa chăn trâu, bò… như chúng tôi, tháng 3 vào mùa gặt là cả một niềm vui vì đồng ruộng đã gặt xong trống trơn, trâu bò tha hồ gặm cỏ, không còn phải chăn dắt ở những nơi chật hẹp.

Chúng tôi mỗi đứa mang theo một giỏ tre và tỏa ra tìm tòi trên những đám ruộng vừa gặt xong để bắt ếch đùn. Bắt ếch đùn rất dễ vì thấy được cái hang đùn đất tạm bợ của nó, chỉ cần dùng tay moi đất lên là bắt được.

Sau mỗi buổi chăn bò, mỗi đứa có thêm vài chục con ếch đem về nhà nhốt trong lu, ang ăn dần hoặc mẹ tôi mang ra chợ bán. Nhiều hôm cao hứng, bắt được ếch nhiều, chúng tôi lựa những con lớn góp lại, bọc đất sét chung quanh ếch và gom rạ lại nướng cùng với khoai.

Khi chín, đập đất ra, mùi ếch nướng hòa quyện với mùi khoai lang nướng phả ra thơm nức mũi. Chúng tôi chia nhau chấm với muối tiêu, ăn rất ngon và “nghe” thi vị lạ thường.

Rồi, mùa bắt ếch đùn qua mau, khi nông dân cày ải ruộng để phơi đất cho vụ mùa sau. Trên luống cày, nắng nóng chói chang, thức ăn hết dần, lũ ếch kéo nhau trở lại “quê xưa”. Việc bắt ếch dành cho những tay bắt ếch “đẳng cấp”. Lúc này, ếch đã tìm được nơi trú ngụ trong các lùm cỏ cây rậm rạp, hoặc chui vô hang sâu.
Dân bắt ếch chuyên nghiệp dò theo dấu vết tìm đào những hang ếch có lượng ếch ở nhiều, có khi bắt được vài chục con trong một hang. Cha tôi kể rằng, có những hang ếch hàng trăm con, đó là những hang ếch do rắn mai gầm nuôi để ăn nhớt của ếch. Bắt những hang ếch như thế này rất khó, người bắt có thể bị rắn độc cắn chết như chơi.
Cánh đồng đã cày ải đang khô khốc mà gặp trận giông to và mưa rào đổ về, cánh đồng đọng nước, ban đêm người ta nghe tiếng ếch nhái kêu râm ran và tha hồ đi bắt ếch.

Ếch bị cảnh khô hạn lâu mà gặp mưa rào thì kéo ra nhiều vô kể, chúng thường kết đôi với nhau nên người ta dễ dàng chụp được ếch “rạp”, chụp một thành hai cho mau đầy giỏ. Tuy nhiên, bắt được nhiều nhất là vào những đêm mưa đầu tiên. Dân quê, cho rằng thịt ếch là một trong số các loại thịt ngon nhất nên gọi ếch là “gà đồng”.

Thịt ếch nấu canh thơm, đu đủ, măng… ngon đáo để. Các món ngon từ ếch như: xào lăn với sả, băm nhỏ xào với lá gừng xúc bánh tráng nướng, nấu cháo, làm mì quảng... đều là những món ăn dân dã khoái khẩu. Đặc biệt, ở vùng cao, đồng bào dân tộc Cơ Tu chế biến món ăn rất đặc biệt từ ếch là: ếch núi nướng trong ống lồ ô.

Cách làm như sau: ếch núi bắt về, không lột da, mổ bỏ ruột và rửa sạch để ráo, ướp gia vị như muối, tiêu, sả, đọt thiên niên kiện… bỏ vào ống lồ ô, dùng lá thiên niên kiện đậy kín miệng ống, sau đó nướng ống cháy sém trên than hồng.
Khi ăn, chỉ việc tách ống lồ ô ra, một mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, món này ăn nóng với bánh tráng nướng thì khỏi phải chê. Gần đây, người Kinh cũng “biến tấu” món ếch nướng từ ống lồ ô này bằng món ếch um với đọt, cọng, lá non thiên niên kiện. 

Món này vừa lạ vừa thơm, vừa trị được nhiều bệnh, ăn vào là thấy khỏe ra vì “thiên niên kiện” còn có nghĩa là: “ngàn năm tráng kiện”; còn thịt ếch thì bổ dưỡng, thanh nhiệt, giải độc.

Ngày nay dù ăn bao nhiêu sơn hào hải vị, nhưng tôi vẫn nhớ lại món ếch nướng, khoai lang nướng trên cánh đồng làng quê thời thơ ấu và mỗi đêm tháng 4 nghe tiếng mưa giông ào ào qua khu phố trọ, lòng tôi lại bồi hồi, rạo rực… Những kỷ niệm êm đềm, thi vị cùng đám trẻ quê rủ nhau bắt ếch đồng xa. Những hình ảnh ấy hòa quyện với tiếng ếch râm ran đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét