Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Châu Âu ngày càng cần Trung Quốc

Châu Âu ngày càng cần Trung Quốc

"Người Trung Quốc cũng là người như những người khác"
Từng có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc nhưng khi đã đứng đầu nước Pháp, Francois Hollande cũng không thể cưỡng lại được đòi hỏi phải tạo dựng được một quan hệ tốt đẹp với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Những người biết ông Hollande nhiều năm đều nói rằng ông không thiện cảm với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp cách đây 1 năm, ông thậm chí không che giấu điều đó.
Nhà báo danh tiếng Eric Dupin đã ghi lại nhận định về Trung Quốc của ông Hollande trong cuốn sách La Victoire empoissonnée - Chiến thắng bị đầu độc trong đó vị Tổng thống của nước Pháp coi quốc gia khổng lồ ở châu Á là"đối thủ" và "người Trung Quốc gian dối mọi nơi".
Cách nhìn của ông Hollande với Trung Quốc và người Trung Quốc thực ra không lạ, vì nó phản ánh một thực tế phổ biến tại nước Pháp: nhiều người Pháp coi Trung Quốc là "không đáng tin cậy", thậm chí là phải đề phòng.
Lẫn lộn
Khoảng 66% người Pháp xem người Trung Quốc là mối đe dọa với công ăn việc làm của họ, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận cách đây không lâu.
Nhưng, con số đó cũng phản chiếu một thứ cảm xúc lẫn lộn, đôi khi mâu thuẫn.

Vì các khách du lịch Trung Quốc vài năm qua là con gà đẻ trứng vàng với nước Pháp. Hàng triệu khách du lịch Trung Quốc đổ bộ đến Pháp mỗi năm, và cứ năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2012, mức tăng này là 23,9% và con số là 1,1 triệu người.
Điều quan trọng, là mỗi khách Trung Quốc tiêu trung bình 1.470 euro và 60% số đó dành cho mua sắm. Tiếng Trung áp đảo trong các gian hàng duty free, tại trung tâm Lafayette sang trọng ở đại lộ Haussman hay ở cửa hàng hoa lệ của Louis Vuitton trên đại lộ Champs Elysees.
Người Pháp thoải mái với túi tiền của du khách Trung Quốc, dù có thể không thoải mái với chính những người đó.
Vì thế, có lẽ điều quan trọng là phải tìm ra được một cách chung sống hòa bình.
Zheng Ruolin là một nhà văn, nhà báo Trung Quốc sống tại Pháp nhiều năm. Hồi tháng 1 vừa qua, ông đã mời rất đông phóng viên báo chí tại Paris đến dự cuộc ra mắt cuốn sách mới viết của mình có cái tựa đầy sự kêu gọi cảm thông "Người Trung Quốc cũng là người như những người khác".
Zheng nói ông muốn người Pháp biết nhiều hơn về Trung Quốc để có thể cảm thông, thay vì ngay lập tức ném cái nhìn nghi kỵ mỗi khi đọc được những thông tin trên báo, kiểu như người Trung Quốc mua trang trại rượu vang ở vùng Bourgogne hay mở nhà máy sản xuất sữa ở vùng Bretagne.
Nhưng đó là một nỗ lực lâu dài và đòi hỏi không ít sự kiên nhẫn từ những người Pháp.
Châu Âu, Trung Quốc, Francois Hollande, Pháp, Angela Merkel, Đức
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: Agence France Presse
Thay đổi
Tổng thống Francois Hollande chính là đang thực hiện những nỗ lực đó.
Quan điểm của Hollande về Trung Quốc thay đổi dần từ khi ông lên nhậm chức Tổng thống Pháp thay ông Nicolas Sarkozy hồi tháng 6 năm ngoái.
Dấu hiệu đầu tiên, đó là ông chọn Paul Jean- Ortiz, một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, làm cố vấn ngoại giao.
Việc tiếp theo là ông nhanh chóng đón tiếp Kong Quan, vị Đại sứ Trung Quốc đầy ảnh hưởng tại Paris, trong điện Elysees.
Các học giả Pháp hầu hết nhận định rằng, dù muốn hay không, nước Pháp dưới thời ông Hollande cũng phải bình thường hóa được mối quan hệ song phương vốn phức tạp với Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới và có ảnh hưởng ngày càng quan trọng tới châu Âu.
Và dù muốn xây dựng một hình ảnh "Tổng thống bình thường" trái ngược với người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, thì cũng không có nghĩa là ông Hollande nhất định phải làm mọi thứ ngược với ông Sarkozy.
Trong 5 năm nhiệm kỳ của mình, ông Sarkozy bị coi là chỉ biết đến Trung Quốc ở châu Á. Ông đã nhiều lần đi thăm Bắc Kinh và tạo dựng được mối quan hệ khá hữu hảo không chỉ với giới cầm quyền ở Bắc Kinh mà còn cả với cộng đồng Hoa kiều đông đảo tại Pháp.
Ông Hollande cần phải làm được điều gì đó tương tự nếu không muốn chậm chân và bỏ lỡ những cơ hội kinh tế đang rất cần cho nước Pháp.
Quan trọng hơn, là người Pháp đang ngày càng sốt ruột khi nhìn sang phía bên kia sông Rhin và thấy người Đức kình địch đang đi trước mình khá xa trong việc kết nối các mối làm ăn với Trung Quốc.
Trong 6 năm qua, bà Angela Merkel đã có đến 6 lần thăm Trung Quốc, riêng năm 2012 là 2 lần. Đầu tư của Trung Quốc vào Đức cũng cao hơn nhiều so với Pháp. Đáng kể là về mặt tâm lý, 20% doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào Đức so với chỉ 2% hào hứng vào chuyện bước chân vào Pháp.
Châu Âu khủng hoảng, Trung Quốc hiện diện như một cái phao cứu sinh mà ai cũng muốn bám. Nước Pháp, trong cơn bế tắc và hoài nghi, càng cảm thấy không thoải mái hơn khi nước Đức ổn định, tăng trưởng và có vẻ như đang thay mặt cả châu Âu để bàn chuyện lớn với người Trung Quốc.
Chỉ 1 tuần sau khi nhậm chức ở điện Elysees, ông Hollande đã tuyên bố "cần phải xem lại mối quan hệ EU-Trung Quốc" với hàm ý rõ ràng rằng EU ở đây không phải là riêng nước Đức của bà Angela Merkel.
Muốn làm thế thì phải hành động.
3 mục tiêu
Chỉ có điều, là từ sự chuyển biến tư duy đến hành động là cả một khoảng cách.
Chính quyền của ông Hollande đã bổ nhiệm bà Martine Aubry, người cùng đảng PS trước đây nhưng được xem là đối thủ chính trị đáng gờm nhất của mình, làm đại diện đặc biệt của Pháp trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Đó là một động thái được phía Trung Quốc đánh giá cao.
Nhưng chính bà Aubry mới đây lại lên tiếng trách móc rằng nước Pháp đang thiếu các cuộc lobby chính trị tại Bắc Kinh. Nói cách khác là chưa đủ nhiệt tình.
Trớ trêu là chính chuyến thăm đầu tiên của ông Hollande đến Trung Quốc lần này chứng minh cho điều đó.
Ông chỉ ở lại đất nước rộng lớn này trong 37h đồng hồ. Năm ngoái, dù 2 lần đến Trung Quốc, bà Angela Merkel vẫn dành hẳn 5 ngày tại đây để gặp gỡ giới chức và các doanh nghiệp hùng mạnh của nước này.
Vì thế, cũng không có nhiều người chờ đợi những bước đột phá trong cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo vừa lên nắm quyền tại 2 quốc gia - Francois Hollande và Tập Cận Bình.
Ưu tiên đầu tiên của ông Hollande tại Bắc Kinh có lẽ là về mặt chính trị, bởi truyền thông Pháp khẳng định mục đích chuyến đi này gói gọn trong 3 từ: bình thường hóa, đảm bảo và tái thúc đẩy.
"Bình thường hóa" là gạt sang một bên những trở ngại trong quan hệ lịch sử vốn phức tạp giữa 2 quốc gia.
Nước Pháp của tướng De Gaule là cường quốc phương Tây đầu tiên công nhận nhà nước CHND Trung Hoa năm 1964.
Nhưng nước Pháp cũng là nước thường xuyên lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc vì tình hình tại Tây Tạng và các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Đổi lại, Trung Quốc cũng không hài lòng vì cách Pháp can thiệp quân sự vào Lybia.
Nhiệm vụ của ông Hollande sẽ là đạt được thỏa thuận dài lâu giữa hai bên để gạt những bất đồng này sang một bên nhường chỗ cho hợp tác kinh tế.
Có lẽ đó là lí do ông Hollande được hộ tống bởi một phái đoàn hùng hậu nhất kể từ khi công du, gồm 8 Bộ trưởng, 60 chủ doanh nghiệp lớn và kể cả một cựu Thủ tướng cánh hữu, ông Jean-Pierre Raffarin.
Nhưng việc trước mắt là phải "đảm bảo", rằng các khách du lịch Trung Quốc đến Pháp sẽ được bảo vệ tốt hơn trước các vụ cướp bóc, tấn công đang ngày một nhiều.
Tiếp đến là thay đổi các thủ tục cấp visa để du khách và doanh nghiệp Trung Quốc được thuận tiện hơn khi du lịch và đầu tư vào Pháp.
Cuối cùng, với Pháp, điều cốt tử là làm cách nào để các doanh nghiệp Pháp lấy lại được thị phần đã mất tại Trung Quốc vào tay người Đức.
Trong 30 năm, từ 1983 đến 2013, chỗ đứng của các doanh nghiệp Pháp tại Trung Quốc giảm từ 1,4% xuống 1,27% trong khi các doanh nghiệp Đức tăng từ 5% lên 5,33%. Điều đáng nói là về lượng: thâm hụt cán cân thương mại của Pháp với Trung Quốc hiện cao mức kỷ lục là 26 tỷ euro, gấp đôi so với Trung-Đức.
Nước Pháp đã bỏ lỡ giai đoạn đầu tăng trưởng của Trung Quốc, giờ là lúc không được đánh mất giai đoạn hai, và có thể là cuối cùng.
Vì thực tế ngày nay là nước Pháp và châu Âu đang ngày càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc và châu Á.
Thế nên, kể cả không ưa, cũng không có cách gì khác là phải bắt tay hợp tác.
Bùi Nguyễn(từ Paris)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét