Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

Sao lại là tin đồn?

Đài truyền hình quốc gia VTV vừa có thông báo trên ti vi cho rằng việc người dân bàn tán chuyện đổi tiền chỉ là tin đồn. Suy cho cùng, "tin đồn" ấy cũng có nguyên nhân trực tiếp từ VTV, từ báo chí quốc doanh xuất phát từ việc góp ý, lấy ý kiến "đổi tên nước", người dân suy nghĩ đơn giản và thực tế, hai mặt của "tờ bạc" đều có in tên nước, nếu tên nước đổi thì tất yếu phải dẫn đến tiền phải đổi, vậy thôi.
Chẳng có gì là quá đáng và khó hiểu, người dân bao đời chịu thương chịu khó, làm lụng vất vả, tích góp của cải, đất đai, vật chất, tiền bạc... để mà mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc, để mà trường tồn giống nòi, để mà thịnh vượng phát đạt... nên những tin tức liên quan đến vấn đề "tồn vong ấy" họ quá nhạy cảm là chuyện thường tình. 
Kháo nhau, thì thầm to nhỏ vào tai nhau là thói quen không thể thiếu của dân đen, thế mà từ đời này qua đời khác vẫn luôn gặp quả đắng, vẫn bị lừa thiên thu .., vậy cái hành trang "đa nghi cao độ" kia xem chừng cũng hợp lý, cũng đâu có thừa.

Trăng sao thì ở trên trời. Người dân ở dưới đất thấy quả trứng nghĩ ngay đến con gà, con vịt; thấy con nghé, con bê nghĩ ngay đến con trâu, con bò; thấy đất hoang nghĩ ngay đến ruộng vườn, nhà cửa; thấy trai gái nghĩ ngay đến tổ ấm và những đứa con ... Chân chất, bình dị là vậy, nhưng có được điều ấy cũng phải "lên bờ xuống ruộng", đánh đổi bao xương máu, rút ra được từ bao kinh nghiệm thực tiễn và quan trọng nhất là không thiếu tính chặt chẽ khoa học hàn lâm nhân văn triết lý ... Thông qua báo đài họ "nghe ngóng" thông tin và có quyền đánh giá thông tin theo cách riêng của mình.


Xưa kia, cựu Tổng bí thư Mạnh phát động học tập và làm theo đạo đức ông Cụ, thế nhưng báo đài ngày ấy vẫn phản ánh quan bé, quan lớn bê tha, suy thoái đạo đức... mà "đẹp mặt nhất" là chủ tịch Tô. Như vậy, không thể trách người dân đánh giá cuộc phát động đó không hiểu quả, tốn kém, hình thức. Bây chừ ông Mạnh đã nghĩ hưu, vui vầy sum họp bên vợ bên con, không biết ông còn nhớ đến những mong muốn ngày xưa không nhĩ?
Xưa kia, cựu Phó thủ tướng Hùng khuyến khích người dân mua cổ phiểu và rồi hiện nay cổ phiểu ôm đáy khiêu vũ thảm hại. Như vậy, không thể trách người dân đánh giá ông Hùng phát biểu tùy hứng, thiếu thực tiễn. Cũng may, ông đã rời bỏ việc tham gia điều hành chính phủ để đảm đương vị trí thủ lĩnh đại biểu nhân dân, đại diện cho nhân dân, mong ông trong cương vị mới sẽ hiểu được dân hơn và biết được dân muốn gì.
Xưa kia, ông Dũng mới nhận chức cũng phát biểu hùng hồn ổn định vĩ mô, đưa nền kinh tế đất nước phát triển, nếu để xảy ra tham nhũng sẽ từ chức, nhưng đến giờ này, tham nhũng vẫn còn đầy, nền kinh tế đất nước thì lâm vào tình trạnh khủng hoảng nghiêm trọng. Như vậy, không thể trách người dân đánh giá ông Dũng không giữ đúng lời hứa, điều hành chính phủ kém cỏi. Hiện nay, ông Dũng vẫn đang làm Thủ tướng, chỉ mong ông làm đúng theo những gì đã xin lỗi và hứa trước Quốc hội, con số thất nghiệp trong nước vẫn đang tăng nhanh và sẽ tiếp tục tăng... như giá xăng.


Đầu năm ông Thanh nhận chức Trưởng ban nội chính trung ương và ra thông điệp với báo giới sẽ "hốt liền" những anh "trời ơi" tín dụng, ngân hàng, rốt ráo ngóng cổ chờ hoài mà chưa thấy ông "hốt" được ai. Như vậy, không thể trách người dân đánh giá ông Thanh nói liều, nói cho sướng miệng. Cũng hiểu rằng chức ông chưa hẳn là cực đại, quyền bính khó có thể phát huy nhưng cũng chỉ mong ông từ đây muốn phát biểu cái gì cũng phải cẩn thận, ở đời, thường thì càng cao hứng hy vọng bao nhiêu lại càng thất vọng bấy nhiêu.

Ông Sang chủ tịch nước vừa mới đi thăm bà con miền Trung và ông đề nghị bờ biển ngư trường của nước ta thì ngư dân ta cứ ra khơi đánh cá. Không biết ông nói có đúng không, chứ nếu sau này ngư dân đang làm ăn trên bờ biển tổ quốc mà tàu "lạ", tàu "nước ngoài", tàu Trung Quốc nó quấy rối là đương kim Chủ tịch nước mất uy đấy nhé.

Tổng bí thư Trọng đang "nhóm lò", chống "suy thoái", nghị quyết trung ương 4 đã đến tận tay cán bộ, đảng viên cơ sở .., và vẫn đang hy vọng. Đồng thời với nổi buồn kinh tế, người dân được kêu gọi góp ý sửa đổi hiến pháp, không có vùng cấm như phát biểu của một vị quan chức, nhưng báo, đài hình như vẫn thế này thế nọ... khiến người dân không tự cấm mình là không được. Mà trách báo đài một thì trách lãnh đạo mười, muốn báo chí không "tầm thường hóa" những phát ngôn của lãnh đạo thì trước hết, các lãnh đạo cũng không nên "tầm thường hóa" cái đầu của chính mình khi phát ngôn.

Tin đồn chẳng là gì hết trong một chính phủ mạnh và nền thông tin đa chiều, trung thực, minh bạch.
MP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét