Bố thấy nhục nhã phải kể chuyện này với con
(GDVN) - Nếu XH chấp nhận thả phong bì vào đũng quần bà đẻ, GV kiếm danh lợi trên sự thơ ngây của HS, sự cầu thị cá chuối đắm đuối vì con của phụ huynh... thì gay lắm.LTS: Khi clip "kẻ lười biếng" luận về giáo dục đang được quan tâm rộng rãi thì cũng là lúc câu chuyện bệnh thành tích, bệnh phong bì trở lại đầy nhức nhối trong lòng mỗi người. Nhiều bạn đọc tiếp tục tìm lại bài báo này, do nhà báo Đỗ Doãn Hoàng viết cách đây gần 2 năm. Đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin phép tác giả đăng tải bài viết vẫn nóng hổi tính thời sự này (đã được đăng trên Giaoduc.net.vn ngày 16/10/2011)...
Hôm 26/5/2010, lớp của con trai bố đã tổng kết cuối năm, con đạt học sinh giỏi và chuẩn bị nghỉ hè để bước vào lớp 4. Về, bố hứa “trọng thưởng” bằng những chuyến đi du lịch, những món quà lương thiện mà con hằng mơ ước. Ông nội lại tiếp tục nêu gương, ngày xưa bố của thằng Long học rất giỏi, dẫu bố không dám chắc là hồi đó bố có đạt học sinh tiên tiến hay không. Chuyện ấy, người đời vẫn “phịa” để noi gương, bởi làm gì có đứa trẻ nào ranh mãnh được như Đô-rê-mon, có cỗ máy thời gian quay lại xưa cũ để mà kiểm chứng, con nhỉ.
Nhưng trong buổi tổng kết năm học hôm 27/5 đó, bố xấu hổ lắm cơ. Cô giáo đứng lên, trâng tráo bảo, để làm đẹp lý lịch hồ sơ cho các cháu tiếp tục xin vào các trường “điểm”, cô cho toàn bộ ngót 50 học sinh của lớp đoạt học sinh giỏi cả.
Ối cha mẹ ơi, nếu nói sai thì quỷ Sa tăng cắt lưỡi tôi đi. Cô ngấm ngầm làm điều đó, thì cũng là nhục nhã lắm rồi, bởi đám trẻ phấn đấu đến mức sắp mắc chứng bệnh tâm thần vì học ngày, học đêm, học thêm lúc gà gáy suốt cả năm học, giờ “nước sông đổ lẫn nước đồng”, “nhà ngói cũng như nhà tranh” thế được sao? Bệnh thành tích đến thế là hết cỡ rồi.
Chưa hết, để tâng công với nhà trường, mấy mụ nạ dòng trong hội phụ huynh (vốn là vợ lớn, vợ bé của mấy ông sếp, nhà ở khu Linh Đàm, hằng ngày lái xe hơi đưa con đi học, vàng đeo lúc lỉu như buộc dây xích, hở cặp môi bóng nhẫy ra là nói chuyện buôn đất đai) đứng lên, họ bảo, họ sẽ đầu tư, đầu tư và đầu tư cái này, cái nọ cho nhà trường, sẽ cho các cháu điểm thêm điểm nếm thoải mái. Sẽ sẽ và sẽ sẽ. Chao ôi, trường học hay là chốn hàng tôm, hàng cá, hay là sới cờ bạc bịp?
Con ơi, con sẽ nghĩ gì khi bệnh thành tích đã biến phụ huynh, giáo viên và nhiều người liên quan làm những việc phi giáo dục như thế. Nếu thế gian có Quỷ sứ, tôi sẵn sàng bị đôi ông bà quỷ đè ngửa ra, khò khử cứa đứt cổ bằng một sợi dây đàn, nếu tôi nói sai: rằng trước buổi đi thi học sinh giỏi, con tôi và các bạn cùng lớp được cô giáo dặn dò, khi làm bài, nếu còn lăn tăn chưa biết làm cách nào, làm đúng hay sai, thì nháy hỏi bạn bên cạnh các con nhé. Bạn bên cạnh cũng đừng nói gì, vì giáo viên trường khác họ coi thi “chéo”, họ nghiêm lắm, con thấy bạn hỏi, cứ viết kết quả ra một tờ giấy rồi giơ lên cho bạn nhìn và... so sánh.
Huấn luyện viên có thể dạy cầu thủ cách ngáng chân đối phương để chiến thắng, tôi đồng ý. Nhưng con tôi học lớp 3, nó thơ ngây hơn cả tờ giấy trắng, trước con trẻ, ta phải thật thà như cỏ nai chứ. Sao lại tiêm nhiễm vào đầu các cháu cái trò ma tịt ấy, sao lại công khai với các cháu cả cái việc nâng cho cả lớp đạt học sinh giỏi để làm đẹp hồ sơ?
Con ơi, bố khẩn thiết thấy nhục nhã phải kể chuyện này với con.
Nhà bác Thảo, bạn bố, khi vợ bác ấy đẻ, bác ấy phải thả phong bì vào đũng quần vợ bác ấy trong cơn đau đẻ, để khi tụt quần phụ sản ra, “người ta” sẽ nhiệt tình cứu “đàn bà chửa là cửa mả”. Bố đã phải ghi âm, phải chất vấn nhiều người để viết bài báo về chuyện phổ biến ở quê hương Sơn Tây chúng ta ấy.
Bác Thảo là cán bộ lãnh đạo của trung tâm quản lý cả nghìn con nghiện, bác từng trải lắm, bác cười khẩy: “Nếu vạch quần người đau đẻ ra, mà chưa thấy phong bì, nó cứ còn cho nằm... dài mà chửi cái thằng đã làm cho “thị” chửa”.
Thằng nào, trong vụ vợ bác Thảo chửa đẻ, thì “thằng” bị chửi ấy là bác Thảo chứ ai vào đấy nữa! Còn với con trai 10 tuổi vừa học xong lớp 3 của bố. Khi mẹ đẻ con ở một Bệnh viện Phụ Sản giữa lòng Hà Nội, bố và bà phải chẳng đặng đừng thả vào nách nã sơ sinh của con mỗi lần 20 nghìn đồng (trị giá tiền tính vào năm 2001, khi con cất tiếng khóc chào đời).
Tất cả những người có mặt lúc đó, trước đó, và cả sau này, đều chiêm nghiệm rồi thống nhất: phải có tiền kẹp vào nách các “hòn máu” mới chào đời, thì thiên thần bé của chúng ta mới được y tá nó tắm cho một cách tử tế. Con của bố, chưa nhìn thấy mặt bố đã phải cắp tiền vào nách bay đi đút lót rồi. Chuyện này có lỗi của bố, kẻ không ngăn cản mẹ và bà con đi đưa... hối lộ; nhưng nhiều người trong xã hội làm thế, dường như không làm thế không được, con ạ. Nó là tiền bôi trơn thôi, nhưng nỗi nhục ấy nó cứ bôi lên mặt bố suốt từ ngày con chưa hề biết trên đời có bố của con đến giờ.
Bố lại tiết lộ thêm, hồi con vào lớp 1, em Nguyên ra đời, bố mẹ vui như lên cơn điên. Đêm nằm, thấy con và em Nguyên hai thằng hai bên, các con thiêm thiếp ngủ, quắp ôm bố như “chim liền cánh như cây liền cành”; bố bảo mẹ: đúng là có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Ba bố con mình, gắn với nhau, cộng lại là “ba đầu sáu tay”, đúng như người có phép thuật Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký.
Mẹ làm ở Truyền hình Việt Nam, nên quen với các thầy giáo ở trường Tiểu học L.... Cái trường mang tên Tây hay tìm cách lăng xê mình trên tiv, Tây đến mức bạn bè cứ tưởng bố “đốc giàu” cho con đi du học từ hồi còn mũi dãi thòng lòng. Bố liên lạc với nhà trường, nín thở cho con đi thi tuyển đầu vào, cảm giác con mình sắp thành Lô-... đến nơi, ai dè bố mẹ và hàng chục phụ huynh và giáo viên nhà trường cùng dính quả lừa. Mấy trăm ngày con đi học, thu tiền học phí cắt cổ rồi, cô thu ngân lại bảo chưa thu, cãi nhau..., đến độ nhà trường xin lỗi bố mẹ.
Ảnh minh hoạ: Theo Tuổi Trẻ
Không biết bao nhiêu lần xe đón con bị thủng lốp, giáo viên đưa đường và tài xế bất bình, bởi xe quá cũ, mang biển 33 của tỉnh Hà Tây (cũ). Hội phụ huynh đặt thơ vè là trường... thủng lốp, chú lái xe phải bỏ việc.
Bố đã phải củng cố hồ sơ báo chí (thu thập tư liệu, điều tra) để viết một bài về hiện tượng giáo viên dán băng dính vào mồm học sinh, ở ngay lớp con trai bố, giữa lòng Hà Nội, đến nỗi giáo viên phải xin lỗi các phụ huynh.
Giáo viên lần lượt bỏ đi, bởi trường dân lập, thu tiền tấn của học sinh, trả lương giáo viên quá bèo bọt. Đặc biệt, suốt mấy trăm ngày con theo học, chưa bao giờ con bố thôi phải học trường cấp bốn xập xệ, lợp ngói, thuê lại cơ sở vật chất của trường xã ở huyện Từ Liêm ngày xưa. Nhà vệ sinh thì tạm bợ, lợp phi-bro-xi-măng. Nền lớp học tróc từng mảng gạch vữa, xi măng, các con thi nhau vấp ngã khi lên bục giảng, máu đã chảy, mẹ bạn Minh Tuấn kiến nghị nhiều quá, thì thầy T, phụ trách trường cáu bẳn: cô có giỏi thì cô đến mà lát lại đi.
Bố mẹ là nhà báo, lãnh đạo nhà trường biết tên tuổi tí ti, bố bức xúc lên gặp thầy C (một nhà giáo ưu tú) thầy xin lỗi miệt mài rồi hứa. Bố chờ đợi, trường của con cứ xập xệ, giáo viên bỏ đi đến mức, một năm, học trò lớp một phải làm quen rồi lần lượt chia tay với... 3 cô giáo.
Có cô con chưa kịp nhớ tên, cô đã “bỏ của chạy lấy người”! Chuyện này trở nên phổ biến ở nhiều lớp trong trường, và đó có lẽ là điều phản nhân văn và phi giáo dục nhất.
Nhưng, con!, bố nhấn mạnh: ngôi trường dân lập mang tên nhà khoa học vĩ đại bên trời Tây ấy lại không tươm tất bằng một cái trường ở Xi Ma Kai, Mù Căng Chải diệu vợi mây núi mà bố từng mang tiền của cơ quan bố lên xây từ thiện cho các cháu miệt rừng; trong phong trào thương mến “miền núi tiến kịp miền xuôi” nay, trên ấy, toàn trường bê tông, cao tầng cả rồi mà - thế mới oái oăm.
Lớp của con, các bạn chuyển đi gần hết. Nhà trường không giữ chân nổi giáo viên, phải xin quàng một cô dạy cấp 3 về... phụ trách lớp 1, xin một cô dạy tiếng Anh nói như gió ở trung tâm ngoại ngữ buổi tối nháo nhào về dạy “hello”, “bye bye” cho trẻ vỡ lòng. Bố là người đứng trên bục giảng dăm bảy cái trường Đại học rồi, con à, bố thấy kinh hãi vì lối cẩu thả và sự vô lối trong giáo dục đến mức ấy. Dường như, họ đã làm tất cả những điều đó ở một nơi mà luật pháp và các quy định tử tế bị phớt lờ một cách thê thảm nhất.
Bố lại chuyển con đi trường khác, 3 năm của con là 3 trường học xa tít mù tắp khác nhau. Kèm theo đó là những câu chuyện buồn tê tái làm bố mất ngủ nhiều đêm. Có đêm, mẹ thảng thốt: mình cả đời tử tế, sao con mình ra đời gặp toàn bọn “củ chuối” thế nhỉ, mẹ bảo bố, nếu là nhà báo có lương tâm, thì nên viết cái gì đó để cảnh báo các nhà trường cẩu thả và lừa học sinh như trường L...
Để những thiên thần bé khác không mắc phải, vì học quảng cáo rất tinh vi, lời của họ luôn có cánh. Bố không muốn con hiểu bố là người chát chúa, lá mặt lá trái, vừa ngọt nhạt với thầy cô của con, giờ lại quay ra tố cáo. Thầy T hay nói dối, cô M mặt bự phấn chanh chua, họ làm người được gọi là Thầy như bố thấy tổn thương lắm.
Cái bố lo sợ, là nếu xã hội cứ chấp nhận thả phong bì vào đũng quần bà đi đẻ, thả tiền vào nách đứa trẻ mặt đầy mũi dãi sơ sinh, không ít giáo viên nhất tề kiếm danh lợi trên sự thơ ngây của học sinh và sự cầu thị cá chuối đắm đuối vì con của phụ huynh như thế này..., thì gay lắm. Thì chúng ta sẽ buộc lòng phải cho “ra lò” những quái thai của xã hội, như chúng ta đã từng gặp ở đâu đó.
Xin thưa, tôi thấy xấu hổ.
Hà Nội, ngày 26/5/2010
Đỗ Doãn Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét