Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Vai trò của đảo Bạch Long Vĩ đối với đảm bảo quốc phòng – an ninh

Trang Điện tử của Huyện đảo Bạch Long Vĩ


Thứ Tư, ngày 14-4-2010 *
.

1. Vai trò các đảo đối với quốc phòng an ninh
Bạch Long Vỹ là một trong số các đảo đã trở thành các điểm cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải theo Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982, các điểm cơ sở dùng để tính toán giải quyết phân định biển giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng, để từ đó xác định các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. 


Với vị trí tiền tiêu đặc biệt quan trọng đã được chứng minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,  đảo đã trở thành căn cứ tiền đồn vững chắc để tham gia vào mạng lư­ới bảo vệ, kiểm soát vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, kiểm tra các hoạt động tàu thuyền ra vào, đi lại trên vùng biển của ta.  Đảo  là địa bàn thuận lợi để bố phòng và triển khai lực lượng quân sự khi cần thiết. Bạch Long Vỹ liên kết giữa các đảo, cụm và tuyến đảo với nhau sẽ tạo thành một trận tuyến phòng thủ vững chắc trên mặt biển để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của nước ngoài.  Ngoài ra,  đảo còn là các cơ sở hậu cần trên biển cả về nhân lực và vật lực, làm cầu nối giữa đất liền với biển khơi, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho các hoạt động quân sự trên biển của ta.Được coi như một chiến hạm không thể chìm, đảo nằm án ngữ trên hai tuyến đường biển từ cửa vịnh ở phía nam và từ eo biển Quỳnh Châu đi vào miền Bắc nước ta, án ngữ đường vào cảng Hải Phòng và kiểm soát tất cả các con đường hàng hải đi trong Vịnh.
Với độ cao tự nhiên, đây là một điểm cao canh giữ vùng biển trong vịnh. Từ đây có thể phát hiện nhanh chóng các loại tầu thuyền ra vào vịnh,  hoạt động của các căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam, phục vụ kịp thời cho công tác tham mưu, tác chiến. Về phương diện quốc phòng, giữ được đảo sẽ khống chế được toàn bộ Vịnh Bắc Bộ. Trong chiến tranh, đảo còn là căn cứ quân sự phối hợp, trong hoà bình đảo là căn cứ và cơ sở cho các lực lượng tuần tiễu, kiểm soát trên biển. Với việc hai Hiệp định phân định và hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ có hiệu lực, số lượng tàu cá hoạt động trong vùng biển xung quanh đảo sẽ tăng lên, công tác kiểm tra kiểm soát sẽ phức tạp thêm và cần có căn cứ của lực lượng kiểm tra kiểm soát ngay trên đảo.Hiện nay Trung Quốc chú trọng phát triển đảo Hải Nam về kinh tế và quân sự, làm bàn đạp mở rộng kinh tế xuống phía nam, ý nghĩa quốc phòng của đảo Bạch Long Vỹ càng tăng. Nếu chỉ thuần tuý là một đảo quân sự thì rõ ràng không có lợi cho nước ta về mặt kinh tế và đối ngoại. Quan điểm quân sự ngày nay không chỉ đơn thuần dựa trên sức mạnh của tiềm lực vũ trang mà phải phối hợp với sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Việc xây dựng và phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện vật chất, cơ sở pháp lý cao cho việc bảo vệ đảo và vùng biển quanh đảo. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã phần nào đáp ứng được mục tiêu đó, đã tạo ra một vành đai an toàn, ổn định tình hình, tạo môi trường cho phát triển kinh tế-xã hội và góp phần củng cố thế trận quốc phòng-an ninh trên biển. Trước kia, Bạch Long Vỹ luôn bị tàu nước ngoài vào đánh bắt cá phi pháp, nhiều lần xâm nhập sâu, bao vây đảo. Với Hiệp định, ta đã đẩy vành đai phòng thủ ra cách đảo 15 hải lý, giảm bớt sự căng thẳng về bảo vệ chủ quyền vùng đảo.
2. Thực tiễn đảm bảo quốc phòng – an ninh
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, các cuộc công kích, pháo kích của đối phương vào Hải Phòng và các tỉnh ven Vịnh Bắc Bộ đều đi qua Bạch Long Vỹ và được phát hiện kịp thời. Bạch Long Vỹ đã  bắn rơi 24 máy bay góp phần cùng quân và dân Hải Phòng bắn rơi hơn 100 máy bay, bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ và đã vinh dự được công nhận là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.
Trong giai đoạn hòa bình, Bạch Long Vỹ vẫn là một tiền đồn quan trọng đứng gác trong Vịnh Bắc Bộ, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, canh phòng và bảo vệ đảo cùng vùng biển xung quanh trên đảo đã thành lập đại đội tự vệ, thường xuyên kết hợp với các lực lượng công an, đồn biên phòng, Trung đoàn 952 làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên đảo, đồng thời làm tốt công tác quốc phòng toàn dân.
3. Quan hệ kinh tế và quốc phòng – an ninh
Trong bối cảnh quốc tế và tiềm lực quân sự hiện nay, nếu chỉ dựa vào yếu tố quân sự thì không đủ để giữ đảo. Phát triển kinh tế – xã hội vững mạnh sẽ tạo điều kiện bảo vệ đảo tốt hơn. Nhưng nếu chỉ lo phát triển kinh tế – xã hội, lơi là cảnh giác thì sẽ dễ gây mất an ninh, chủ quyền trên đảo. Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh không chỉ là nhiệm vụ của huyện đảo, của thành phố Hải Phòng, mà đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương. 

* Ghi chú: Ngày 19/10/2011, khi đăng lại bài này (do mấy tháng trước bị tin tặc phá, xóa mất) thì Ba Sàm phát hiện trên trang Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng, bài gốc đã không còn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét