Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Không còn những kỳ tích phát triển


Dani Rodrik
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
CAMBRIDGE – Một năm trước, các nhà phân tích kinh tế còn đang quay cuồng với những dự đoán lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển. Ngược lại với Hoa Kỳ và Châu Âu, nơi mà tăng trưởng – nếu có – chỉ là èo uột, các thị trường mới nổi dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển mạnh mẽ của một thập niên trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và do đó trở thành động cơ chính của nền kinh tế toàn cầu.
Ví dụ, các nhà kinh tế tại Citigroup mạnh dạn kết luận rằng chưa bao giờ có những điều kiện thuận lợi để đạt được tốc độ phát triển rộng rãi và bền vững trên toàn cầu như hiện nay, và dự kiến sản lượng toàn cầu sẽ tăng nhanh cho tới năm 2050, dẫn dắt bởi các quốc gia đang phát triển ở Châu Á và Châu Phi. Công ty kế toán và tư vấn PwC dự đoán rằng GDP theo đầu người ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nigeria sẽ tăng hơn 4,5% [mỗi năm] vào giữa thế kỷ này. Công ty tư vấn McKinsey & Company chúc phúc cho Châu Phi, một nơi từ lâu vẫn đồng nghĩa với sự thất bại kinh tế, gọi đây là mảnh đất của ”những con sư tử thức giấc”.

Tới hôm nay, những dự đoán như thế đã bị thay thế bởi lo ngại về cái mà tờ Economist gọi là ”đại suy thoái”. Những dữ liệu kinh tế gần đây ở Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng các quốc gia này đang trải nghiệm một tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Sự lạc quan đang nhường chỗ cho nghi ngờ.
Tất nhiên, cũng giống như không nên dùng tốc độ tăng trưởng mạnh của thập niên vừa rồi để dự đoán tương lai, chúng ta không nên quá tin vào những biến động ngắn hạn. Tuy nhiên, có nhiều lý do chính đáng để tin rằng tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ sẽ chỉ là trường hợp ngoại lệ, chứ không phải hiện tượng phổ biến, trong vài thập niên tới.
Để thấy lý do tại sao, chúng ta cần phải hiểu ”những nền kinh tế phát triển thần kỳ” này được tạo ra bằng cách nào. Ngoại trừ một số ít quốc gia nhỏ bé hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên, tất cả những nền kinh tế thành công trong 60 năm qua đều phát triển nhờ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Nếu có một thứ mà mọi người có thể nhất trí về ”công thức [phát triển] Đông Á”, thì đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và tất nhiên cả Trung Quốc đều rất giỏi trong việc dịch chuyển lực lượng lao động của mình từ nông thôn sang nền sản xuất có tổ chức. Những trường hợp của các nền kinh tế thành công trong việc bắt kịp với các quốc gia giàu có hơn trước đây, như Hoa Kỳ hay Đức, cũng không khác biệt.
Sản xuất cho phép đuổi kịp nhanh chóng bởi vì nó tương đối dễ sao chép và thực thi các công nghệ sản xuất của nước ngoài, ngay cả ở những quốc gia nghèo đang rất nhiều khó khăn. Điều đáng chú ý là, nghiên cứu của tôi cho thấy các nước công nghiệp sản xuất có xu hướng rút ngắn khoảng cách công nghệ với tỷ lệ trung bình 3% một năm, bất chấp sự khác biệt về khu vực địa lý, chính sách hay thể chế. Kết quả là các quốc gia có khả năng biến nông dân thành công nhân nhà máy sẽ gặt hái một tốc độ tăng trưởng thần tốc.
Chắc chắn là một số hoạt động dịch vụ hiện đại cũng có khả năng giúp các quốc gia chậm phát triển đuổi kịp các quốc gia phát triển về năng lực sản xuất. Nhưng phần lớn các dịch vụ có năng suất cao lại cần nhiều kỹ năng và thể chế mà các quốc gia phát triển chỉ có thể tích lũy từ từ. Một quốc gia nghèo có thể nhanh chóng cạnh tranh với Thụy Điển ở nhiều ngành sản xuất; nhưng nó phải mất nhiều thập niên, nếu không nói thế kỷ, để bắt kịp với Thụy Điển về mặt thể chế.
Hãy xem ví dụ Ấn Độ, để thấy hạn chế trong việc dựa vào dịch vụ thay vì công nghiệp trong giai đoạn đầu quá trình phát triển. Ấn Độ đã phát triển rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ tin học, như phần mềm và các trung tâm chăm sóc khách hàng (call center). Nhưng một số lượng lớn lực lượng lao động Ấn Độ thiếu kỹ năng và giáo dục để có thể được hấp thu vào khu vực dịch vụ này. Ở Đông Á, lao động không có trình độ được đưa vào làm việc ở các nhà máy, kiếm được vài lần so với số tiền họ kiếm được ở nông thôn. Ở Ấn Độ, những người này tiếp tục ở lại nông thôn hoặc dịch chuyển vào những khu vực dịch vụ nhỏ bé, nơi năng suất của họ không cao hơn là bao.
Do đó, phát triển dài hạn thành công cần được thúc đẩy từ hai hướng: Nó cần có động lực từ công nghiệp hóa, đi kèm với sự tích lũy ổn định về vốn xã hội và khả năng thể chế để duy trì một nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng dịch vụ, một khi công nghiệp hóa đã đạt tới giới hạn. Không có sự thúc đẩy của công nghiệp hóa, sự cất cánh của nền kinh tế trở nên khó khăn. Nhưng không có đầu tư bền vững vào vốn con người và việc xây dựng thể chế, thì sự tăng trưởng sẽ có ngày cạn kiệt.
Nhưng ngày nay công thức đã được thời gian thử nghiệm này trở nên kém hiệu quả hơn nhiều, bởi những thay đổi trong công nghệ sản xuất và bối cảnh toàn cầu. Thứ nhất, các tiến bộ công nghệ đã khiến sản suất thâm dụng vốn và cần trình độ cao hơn trước, ngay cả ở phân đoạn chất lượng thấp. Kết quả là, khả năng hấp thụ lực lượng lao động của khu vực sản xuất ngày càng giảm. Và nó sẽ rất khó để các nước công nghiệp hóa thế hệ kế tiếp chuyển 25% hoặc hơn lực lượng lao động của mình vào khu vực sản xuất, như cách mà các nền kinh tế Đông Á đã thành công.
Thứ hai, toàn cầu hóa nói chung, và sự trỗi dậy của Trung Quốc nói riêng, đã làm tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường thế giới lên rất nhiều, gây trở ngại cho các quốc gia mới nổi tiến vào không gian này. Mặc dù lao động ở Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, Trung Quốc vẫn là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm cho bất kỳ quốc gia nào dự tính tiến vào lĩnh vực sản xuất.
Hơn nữa, các quốc gia giàu có không còn bi quan về các chính sách công nghiệp hóa như họ đã từng trong quá khứ. Các nhà hoạch định chinh sách trong các quốc gia công nghiệp phát triển đã nhìn ra chỗ khác khi các quốc gia phát triển nhanh chóng ở Đông Á thu thập công nghệ và trình độ kỹ thuật phương Tây thông qua các chính sách không chính thống như trợ cấp, đòi hỏi nội địa hóa, nghiên cứu đảo ngược (reverse engineering), và định giá nội tệ thấp. Các quốc gia này cũng đã để ngỏ thị trường của mình cho các quốc gia Đông Á xuất khẩu thoải mái các mặt hàng đầu ra của nền sản xuất.
Giờ đây, các quốc gia giàu đang phải vận lộn với nợ, phát triển èo uột, thất nghiệp và bất bình đẳng; họ sẽ tạo áp lực lớn hơn để các quốc gia phát triển phải tuân thủ các luật lệ của WTO, giảm bớt liều lượng trợ cấp cho nền công nghiệp. Đánh giá thấp tiền tệ như kiểu Trung Quốc sẽ khó tránh khỏi sự chú ý. Chủ nghĩa bảo hộ, dù không phải dưới hình thức công khai, cũng sẽ khó phản đối về mặt chính trị.
Các ngành công nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục là ”cái thang cuốn” cho các nước nghèo, nhưng thang cuốn này có thể không di chuyển nhanh, hay cao như trước. Phát triển sẽ phải dựa nhiều hơn vào sự tích lũy bền vững của vốn xã hội, thể chế và khả năng quản lý của nhà nước. Và điều này có nghĩa là phát triển có lẽ sẽ chậm và khó khăn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét