Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Bỏ trần lãi suất huy động là tất yếu!


(Tamnhin.net) - Đó là quan điểm của TS Nguyễn Trọng Tài, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) về việc bỏ trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).                              
            
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Tài cho rằng: “Tôi không bất ngờ. Việc hạ thấp lãi suất để đánh tín hiệu cho nền kinh tế đã nằm trong lộ trình của NHNN. Dứt khoát lãi suất trung bình sẽ giảm xuống để đáp ứng yêu cầu của việc cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.”

Theo TS Nguyễn Trọng Tài thì việc điều hành hệ thống ngân hàng-tài chính trong thời gian tới không thể chỉ dùng biện pháp hành chính. Đến thời điểm thích hợp, phải để thị trường tự điều tiết hoạt động của hệ thống này.

Ông cũng cho rằng bỏ trần lãi suất huy động là tất yếu. Bởi vì trần lãi suất chỉ có tác dụng khi các ngân hàng thương mại cạnh tranh với nhau, đẩy lãi suất huy động lên. Khi tình hình này đã được kiểm soát, những cú sốc trên thị trường được dẹp yên thì buộc phải bỏ trần lãi suất, không có cách nào khác. Việc này nên thực hiện khi lãi suất huy động giảm xuống 9-10%. Nếu tiếp tục duy trì có thể sẽ gây ra tình trạng điều hành máy móc, bắt mọi chủ thể đi theo quỹ đạo của cơ quan quản lí. Nhà nước chỉ dùng công cụ áp đặt khi chủ thể vận động theo hướng không mong muốn.


Theo TS Nguyễn Trọng Tài, lúc này cũng không thể áp dụng trần cho vay được vì một số lí do: Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam huy động một lượng vốn vào quá lớn với lãi suất quá cao. Có ngân hàng huy động vốn với lãi suất lên đến trên 20%. Nếu áp dụng trần lãi suất cho vay thì ngân hàng lỗ nặng. Điều đó khiến người ta không thể áp dụng trần lãi suất cho vay được.

Để điều hành nền kinh tế nói chung cũng như hệ thống ngân hàng nói riêng, ông cũng đưa ra một dẫn chứng từ câu nói của Nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới Paul Samuelson đã đưa ra học thuyết “không ai vỗ tay bằng một tay”. Điều hành một nền kinh tế không có Chính phủ hoặc thị trường thì cũng như định vỗ tay bằng một bàn tay, nhưng nếu không cẩn trọng, một cánh tay quá mạnh có thể làm “gẫy” cánh tay còn lại.

Hai bàn tay này vỗ đồng điệu thì nền kinh tế sẽ phát triển. Nếu một bàn tay vỗ mạnh, một bàn tay yếu thì nó sẽ tạo ra những tác dụng không mong muốn. Làm sao phối kết hợp giữa thị trường và Chính phủ là cần thiết. Nhưng làm thế nào để phối kết hợp lại? Về nguyên tắc phải tỏ rõ quan điểm, xử lí mạnh tay khi thị trường có những cú sốc, khi chủ thể không đi theo đúng hướng Nhà nước mong muốn.

Ông cho rằng trong thời gian qua, bàn tay của Chính phủ trong việc quản lí hệ thống ngân hàng tỏ ra rất quan trọng. Thành công của Việt Nam là biết hãm “con ngựa bất kham” về tỉ giá, lãi suất đi đúng hướng.

Khi hệ thống ngân hàng thiết lập trạng thái ổn định, hãy để thị trường tự giải quyết với nhau. Nhà nước chỉ đứng bên trên và quan sát điều chỉnh chính sách kịp thời. Nhưng nếu không có giới hạn, bàn tay của Nhà nước can thiệp quá sâu vào nền kinh tế sẽ tạo ra những trục trặc của thị trường, làm cho thị trường vận động méo mó.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần sớm bỏ trần lãi suất ở thời điểm này thì mới có thể cứu được các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện nay.

Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét