Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

(4) Đường cong Phillips - Phillips curve IV


(Tiếp theo)
Quay lại câu hỏi đầu tiên liệu inflation expectation của VN đã giảm xuống hay chưa? Tất nhiên với chỉ một đồ thị rất định tính và 2 đường Phillips curves AB/CD vẽ theo ước lượng bằng mắt, câu trả lời không thể chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên tôi tin rằng nếu sử dụng một phương pháp ước lượng econometric hiện đại kết quả cũng sẽ không khác quá xa. Do vậy vào thời điểm Q1 2012 inflation expectation vẫn còn cao và nới lỏng tiền tệ lúc này quá sớm. Nhìn vào đồ thị bên dưới (khu vực đường AB), với mức tăng trưởng khoảng 6% lạm phát (yoy) phải giảm xuống xấp xỉ 5% thì mới có cơ sở tin rằng inflation expectation đã hạ nhiệt. Nói lỡ miệng nếu 1-2 quí tới nền kinh tế trượt về điểm cực trái của CD (tăng trưởng 2%, lạm phát 10%), các bạn hãy nhớ đến đồ thị này để đừng quá hốt hoảng với những lời cảnh báo stagflation sẽ tràn lan trên mặt báo.


Trong 2 năm qua những supply-siders như Bùi Kiến Thành, Trần Hoàng Ngân đã không dưới một lần "dọa" rằng lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào và làm tăng giá thành sản phẩm, do vậy lạm phát sẽ tăng chứ không giảm. Đến giờ này các chuyên gia đó không còn nhắc đến vấn đề "chi phí đẩy" nữa mà cho rằng phải giảm lãi suất không thì các doanh nghiệp sẽ thua lỗ và phá sản hàng loạt. Cũng trong 2 năm qua tôi luôn cho rằng lạm phát của VN là do AD quá cao, bởi vậy thắt chặt tiền tệ là chính sách đúng để kéo AD xuống. Trong mấy tuần gần đây báo chí cho biết vấn đề đau đầu nhất hiện nay của nhiều doanh nghiệp là không bán được sản phẩm và tồn kho tăng cao. Đó là biểu hiện rõ ràng AD đã giảm xuống với một độ trễ khoảng 4-6 quí, hoàn toàn phù hợp với lý thuyết. Cái mà tôi chờ đợi là inflation expectation giảm để nền kinh tế quay về đường AB.


Đến đây một câu hỏi có lẽ nhiều bạn sẽ đặt ra là tại sao sau khi Paul Volcker chấp nhận 2 lần suy thoái để kéo inflation expectation xuống thì kinh tế Mỹ không bao giờ quay lại khu vực CD nữa trong khi inflation expectation ở VN dường như không thể anchor được. Gốc rễ của vấn đề là credibility của ngân hàng trung ương. Không kể tính độc lập của Fed đã được luật định và được chính phủ và QH Mỹ tôn trọng trên thực tế, việc Paul Volcker kiên quyết không đếm xỉa gì đến tăng trưởng và thất nghiệp khi lạm phát cao là điều đã giúp Fed bảo vệ được credibility của mình, cái mà NHNN VN không/chưa thể có được. Cho đến nay Fed vẫn luôn đặt credibility lên đầu khi tính toán chính sách của mình, lập luận chính của Bernanke khi không chịu đưa ra QE3 là ông không muốn credibility của Fed suy giảm. Chừng nào NHNN còn chưa có credibility thì inflation expectation của VN sẽ còn "dancing" qua lại cho dù đó là ông Thúy, ông Giàu hay ông Bình làm thống đốc. Credibility của NHNN cũng là điều kiện tiên quyết để người dân tin tưởng vào VND chứ không phải các biện pháp hành chính cấm vàng miếng hay cấm niêm yết giá bằng ngoại tệ.

Về vấn đề giới doanh nghiệp đang gặp khó khăn và nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động tôi cũng có quan điểm khác với ông Bùi Kiến Thành, Trần Hoàng Ngân. Như tôi đã viết trước đây, đó là cái giá phải trả cho những sai lầm trong quá khứ dù không ai muốn như vậy. Một điểm cần lưu ý là trong khi các doanh nghiệp VN kêu ca lãi suất họ vay xấp xỉ 20% quá cao không thể chịu đựng được, trong giai đoạn 1980-1981 khi Paul Volcker tăng lãi suất chính sách (FFR) lên trên 17% mặt bằng lãi suất cho vay của Mỹ đã vượt 20% (prime lending rate - lãi suất cho các đối tượng vay có credit rating tốt nhất). Với chi phí nhân công rẻ và nền kinh tế chủ yếu vẫn là labor intensive đáng lẽ các doanh nghiệp VN phải chịu được lãi suất cao hơn thế. Nhưng như có lần tôi đã nghi ngờ nhiều doanh nghiệp VN có leverage quá cao nên mới không chịu nổi chi phí lãi suất. Trong số những doanh nghiệp VN ngừng hoạt động trong thời gian qua, có bao nhiêu doanh nghiệp thuộc loại này (có leverage quá cao)? Một cuộc thanh lọc những doanh nghiệp có business model liều lĩnh như vậy có thể là một creative destruction cần thiết cho nền kinh tế. [Ngoài lề: Tuy nhiên vấn đề các doanh nghiệp quốc doanh được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn, nghĩa là một hình thức crowding out vốn của các doanh nghiệp tư nhân, góp phần không nhỏ vào tình trạng khó khăn của khối doanh nghiệp tư nhân khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt thông qua trần tín dụng. Đây là một chủ đề khác tôi sẽ viết riêng khi nào có điều kiện.]

Ông Trần Đình Thiên cho rằng cái giá mà VN đang phải trả (để chống lạm phát) quá đắt. Nếu so với cuộc suy thoái kép mà Mỹ phải trả giá khi Paul Volcker thắt chặt tiền tệ trong những năm 1980 thì tình hình kinh tế suy giảm của VN chưa là gì. Một điểm khá thú vị là nếu nhìn GDP từ phía income, bằng tổng thu nhập của toàn bộ người dân và doanh nghiệp, thì nếu GDP không giảm trong khi khối doanh nghiệp thua lỗ sẽ đồng nghĩa với thu nhập của người dân tăng lên. Theo ông Thành và ông Ngân, giới doanh nghiệp đang rất khó khăn và làm ăn thua lỗ (50 nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong năm 2011, 12 nghìn đóng cửa trong Q1 2012). Như vậy khi GDP thực tăng 6% trong năm 2011 và 4% tại thời điểm Q1 2012 (GDP danh nghĩa còn tăng cao hơn thế nhiều), income trong thời gian qua chảy vào túi ai nếu giới doanh nghiệp làm ăn thua lỗ?

Nhiều người chỉ vào giới ngân hàng với bằng chứng họ đã có lợi nhuận khủng trong năm 2011. Tôi chia sẻ quan điểm này và từ trước đến giờ vẫn cho rằng giới ngân hàng VN có market power quá lớn. Tuy nhiên khi những doanh nghiệp có leverage cao lần lượt phá sản, lợi nhuận ngân hàng sẽ teo dần và họ buộc phải cạnh tranh mạnh hơn để giành những khác hàng tốt còn lại. Như vậy cuộc thanh lọc các doanh nghiệp liều lĩnh (high leverage) còn có thêm một tác dụng phụ nữa là giúp quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thuận lợi hơn. Nhưng ngay cả khi giới ngân hàng vẫn cắt xén được một phần lợi nhuận đáng kể từ doanh nghiệp, tôi cho rằng xét tổng thể trong năm 2011 hay 3 tháng đầu năm 2012 giới doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi dù gặp nhiều khó khăn vì AD giảm vì không có bằng chứng nào cho thấy income của người dân tăng lên trong thời gian qua. Một đồng nghiệp cũ của tôi, anh Nguyễn Xuân Thành, đã chỉ ra một điểm rất quan trọng là muốn nhìn tình hình lợi nhuận của giới doanh nghiệp thì phải xem số thuế họ đóng. Cả anh Thành và tôi đều không có số liệu thuế nên chưa thể có kết luận gì ở thời điểm này. Ông Ngân đang cổ súy cho một gói kích cầu tài khóa mới, hay ông có số liệu cho thấy doanh thu thuế của chính phủ vẫn tốt?

Điểm cuối cùng tôi muốn nêu ra là trong những bài toán chính sách các chuyên gia và quan chức bàn thảo trong mấy tuần qua, người ta nhắc nhiều đến giới doanh nghiệp nhưng hiếm thấy ai nói đến người dân. Nhiều lời kêu gọi phải khẩn cấp "cứu" giới doanh nghiệp nhưng không ai bàn về tác động đối với đa số dân chúng ra sao, có lẽ trừ một bài của tác giả Cảnh Thái cảnh báo một làn sóng thất nghiệp sẽ tràn đến. Cứ cho rằng viễn cảnh kinh tế vài quí tới sẽ rất xấu, một lượng lớn doanh nghiệp sẽ phá sản, tăng trưởng sẽ tụt xuống dưới 2% (giảm 4 điểm phần trăm so với năm 2011, đồng nghĩa với thất nghiệp tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm), các biện pháp hỗ trợ dân nghèo phải được đặt tương đồng với các biện pháp "cứu" doanh nghiệp. Giảm viện phí, học phí, và các loại phí người dân đang/sẽ phải đóng, một chương trình trợ giúp xăng dầu, lương thực (như chương trình food stamp của Mỹ), trợ cấp trực tiếp (direct transfer), micro credit cho dân nghèo... là một số trong rất nhiều biện pháp "vì dân" mà nhà nước có thể thực hiện trong thời buổi khó khăn. Cứu doanh nghiệp trong khi người dân vẫn phải oàn lưng chịu lạm phát cao thì lợi ích ai được hưởng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét