Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

“Cậu… lào (nào) mà lịnh (nịnh) thế?’’

Chuyện về nhà văn Nguyễn Đình Thi: 
(Kỉ niệm 9 năm ngày mất của Nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi (18.4.2003 – 18.4.2012), 88 năm ngày sinh (20. 12. 1924 – 20.12.2012)

“Cậu… lào (nào) mà lịnh (nịnh) thế?’’

Nguyễn Đình Thi

Lịch sử Văn học – Nghệ thuật Việt Nam ở đầu nửa sau của Thế kỉ 20 (1945 trở đi) có bước đột phá, tạo ra dòng Văn học – Nghệ thuật kiểu mới phục vụ đắc lực cho các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và chống bọn Phản động quốc tế. Một trong số những người đi tiên phong, nổi trội của phong trào này là văn hoá Nguyễn Đình Thi.
Theo Wikipedia: Ông sinh ở Luông Pra Băng (Lào). Nhưng, nguyên quán lại ở làng Vũ Thạch, (hiện nay là phố Bà Triệu) Hà Nội. Nguyễn Đình Thi thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Trước 1945, ông viết sách khảo luận, triết học, viết nhạc, (ca khúc Diệt Phát Xít ra đời phục vụ kịp thời lúc cuộc cách mạng nổ ra). Khi đi kháng chiến NĐT viết văn, làm thơ, soạn nhạc (Người Hà Nội), soạn kịch (…), viết lý luận phê bình.Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi giữ nhiều chức vụ: Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc (1944 – 1958). Đại biểu Quối hội nhiều khóa…, 31 năm làm Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam (1958 – 1989). Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (1995).

Theo dư luận chung – NĐT là người đa tài, mà ở lĩnh vực nào, ông cũng đạt tới đỉnh cao… Nhà thơ Xuân Sách đã phác họa mấy nét chân dung thật sinh động rồi xếp NĐT ở vị trí đứng đầu trong 100 chân dung nhà văn VN ở thế kỉ 20:
Xung Kích tràn lên, nước Vỡ Bờ
Đã Vào Lửa đỏ hãy còn mơ
Bay chi Mặt trận Trên cao ấy
Quên Chú Nai Đen, vẫn đứng chờ!
Các cụm từ: Xung Kích, Vỡ Bờ, Mặt Trận Trên Cao. Vào Lửa. Con Nai Đen là tên tác phẩm tiểu thuyết, kịch nói nổi tiếng. Ông còn có những tác phẩm nổi tiếng khác: Nguyễn Trãi ở Đông quan (Kịch nói), Bài Ca Hắc Hải (trường ca), bài thơ Đất Nước, Người Hà Nội, Diệt Phát Xít (nhạc) – Ông chính là ’’Người hùng’’ của Nền Văn – Nghệ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đương đại!


Nguyễn Đình Thi có thực tài, tinh thông nhiều lĩnh vực trong Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Lẽ ra, ông xứng đáng được nhận trọng trách cao hơn nữa trong guồng máy lãnh đạo. Nhưng các nhà lãnh đạo ĐCS thời đó vẫn chưa tin giới trí thức VNS nên NĐT không được đặt đúng vị trí công tác. Có dư luận cho rằng: Lí do đặc biệt ảnh hưởng tới việc bổ nhiệm chức vụ và cản trở bước quan lộ của NĐT – là từ câu chuyện tình riêng tư của ông: Đầu những năm 50 của thế kỷ 20 - Nguyễn Đình Thi được cử dẫn đầu đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới ở Henxinhki (Phần Lan). Ở đây ông gặp nữ văn sĩ, nhà báo người Pháp – bà Ma dơ len Rip phô. Trai tài, gái sắc, hai người yêu nhau nhưng cuộc tình của họ không được ”tổ chức’’ cho phép…
Thời kỳ đó, và nhiều năm sau này, cán bộ – thậm chi dân thường – nếu được cử đi nước ngoài công cán, học tập, lao động, ’’lỡ’’ yêu thương người thuộc sắc tộc, quốc gia khác – đều bị coi là ’’tộí’’. Nếu ’’yêu nhau sâu nặng, lấy nhau, có con’’, bị ”tổ chức” trừng phạt: Đuổi về nước, ghi lý lịch. bị quy cho Tư tưởng tiểu tư sản – Tạch Tạch Sè (biến âm viết tắt TTS). Đến mức này, ’’nạn nhân’’ coi như ”xong”, suốt đời không ngóc đầu lên được.

Chuyện ngăn cấm ’’việc yêu’’ làm giới trẻ hậm hực, phản ứng. Song, tất cả đều im re, họăc chỉ dám thì thào trong bóng tối. Tuy vậy họ không cam chịu, phản ứng bằng bài thơ (khuyết danh):
Văn minh như thể nước Nga
Người ta chẳng cấm ‘’thò ra thụt vào’’.
Lạc hậu dù đến thể nào
Cũng chẳng cấm đoán thò vào thụt ra.
Anh hùng như thể nước ta
Cớ sao lại cấm thò ra thụt vào?
6 câu thơ có ba câu hỏi kèm dẫn chứng:
- Nước Văn minh – Chẳng hề Cấm! (Thò ra thụt vào)
- Nước lạc hậu – Cũng không Cấm! (thò vào thụt ra)
- Nước anh hung (Việt Nam ta) – Cớ sao Cấm? (Thò ra thụt vào). Đọc lên, ta thấy đău, thâm thúy đến cay độc, cười trong chua xót…
Hai từ thò ra thụt vào… thò vào thụt ra cứ lặp đi lặp lại, cò cưa, kí cưa… khiến người nghe mường tượng ra: Miệng một cái hang xuất hiện đầu con rắn, thấy bên ngoài im im… nó đưa đầu, lưỡi lo le từ trong hang thò ra quan sát để hành động…
Chợt bên ngoài có tiếng động… động mạnh… đầu rắn vội thụt vào nhanh để tránh cú đập… Chỉ được một lúc, động tác của cái đầu kia lặp lại… Cứ thế… cứ thế…Hừ… quái qủy thật : Thò ra thụt vào… thụt vào… thò ra – Hê … hê… hê – Người đọc – cả gìa lẫn trẻ, cả nam lẫn nữ – đều phá lên cười, vui.
Chuyện quan hệ nam nữ – hồi hơn nửa thế kỉ trước – bị cấm đoán đến cay nghiệt. Giơí trẻ chất vấn ”Trên” nhưng không có câu trả lời, việc ’’Cấm’’ cứ tiếp tục! Bị ’’thiệt hại’’ nhiều nhất là Văn Nghệ Sĩ…

Nguyễn Đình Thi là một trong những ’’công thần’’ của chế độ trên lĩnh vực Văn Nghệ, chắc không bị phê bình trực tiếp, nhưng ở bên trong, đằng sau, ông bị’’nện cú rất đau’’, mối tình ”Pháp – Việt đề huề” không thành, mặc dù người phụ nữ ông yêu cũng là một đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp!
Vào khoảng đầu nhửng năm sáu mươi (TK20), trong tuyển tập thơ Tình Yêu của nhà xuất bản Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi cho in một bài thơ có tựa đề – NHỚ.
Đầu bài thơ ông viết – ”Tặng M…”.
Tiếp sau đó là 3 khổ thơ chứa chan tình cảm, tình yêu thương nồng cháy:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây

Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh

Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây.
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần

Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời

Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực

Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người!
Việt Bắc 1951
N.Đ.T
Chữ M có nghĩa là Em – người Nguyễn Đình Thi yêu!
Cũng có nghiã là chữ đầu M – tên ”nàng” Madlen Rippho!

Trong tận đáy sâu tâm hồn, ông NĐT không vừa lòng với cách ‘‘Ngăn cấm‘‘ của ”lãnh đạo”. Nhưng đó là nguyên tắc tổ chức mà ông là thành viên trung kiên đành chấp nhận. Trong khoảng 25 năm từ 1960 – 1985, những tác phẩm nổi tiếng với nhiều thể loại của nhà văn lần lượt ra đời. Trong số đó, phải kể đến hai vở kịch: Con Nai Đen và Nguyễn Trãi ở Đông Quan có nội dung ’’gai góc’’, bị giới phê bình cho là ”có vấn đề’’ . Những ’’lính gác trung thành của lâu đài văn hóa Việt’’ – thẳng tay… ’’phang’’ – dù đó là tác phẩm của Tổng thư kí Hội nhà văn.

Đặc biệt vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan, do đạo diễn nổi tiếng – Nguyễn Đình Nghi, (con trai cụ Thế Lữ) – dàn dựng. Khi đoàn kịch nói trung ương đang tập dượt diễn thử, dư luận đã nổi lên như sóng cồn. Giới trí thức – văn nghệ sĩ thủ đô – lúc đó đặt câu hỏi :
‘Nguyễn Đình Thi với Đình Nghi
Mượn đời Nguyễn Trãi nói gì hôm nay?”
Không ai có thể phán quyết được vấn đề Nguyễn Đình Thi đặt ra. Vở kịch gián tiếp phê phán lớp người gìa tham quyền cố vị… nói lên nỗi lòng nhiều ”công thần của chế độ”, hiện đang thất sủng, bị chèn ép. NTƠĐQ động chạm khía cạnh giống như Nguyễn Trãi – sau khi giúp Lê Lợi dựng nghiệp lớn, về cuối đời bị vạ ”Lệ Chi Viên”…
Đích thân ông Trường Chinh – lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch ủy ban thường vụ Quốc hội – nhân vật được xếp hàng thứ hai, sau Tổng bí thư Lê Duẩn (dù chỉ là trên danh nghĩa, hình thức…), được TƯ coi là nhà lí luận Cộng sản hàng đầu – yêu cầu xem vở diễn. Đoàn kịch nói trung ương được lệnh tổ chức diễn ở nhà hát Lớn Hà Nội cho ông và Ban Văn hóa – Văn nghệ Trung ương duyệt.
Khi xem xong, có thể ’’ngầm’’ đồng ý với Nguyễn Đình Thi, nhưng, tình hình, thời thế đã khác xưa, Tố Hữu – cánh tay phải của TBT Lê Duẩn, đang giữ trọng trách Trưởng ban tuyên huấn TƯ – lại không thích cánh VNS giỏi hơn mình (…) nên ’’Người anh cả của nền Văn học – Nghệ thuật nước nhà’’ – (như lời của một nhà lí luận hàng đầu tôn vinh), ông Trường Chinh vẫn phải đành ngậm ngùi gạt bỏ vở kịch, ra lệnh cho Bộ Văn Hóa ’’không phổ biến’’. Nguyễn Trãi ở Động Quan bị ”xếp kho” nhiều năm.
Sau sự kiện này, Ông NĐT buồn, có ý định ”rửa tay gác… bút”…

Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (1983) nhóm họp, Nguyễn Đình Thi lại được ’’Trên’’ chỉ định ứng cử và lần này ông lại trúng Tổng thư ký. Trong hôm ra mắt ban chấp hành mới, bế mạc đại hội, trước màn ảnh nhỏ, khán giả cả nước được nghe Tổng thư kí Hội Nhà Văn Việt Nam’’xúc động’’ – tuyên bố:
‘… Chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng”
Câu nói của ông Thi được bà con ta ghi nhớ! Nhiều nhà văn không đồng tình bởi, Nhà văn là Kĩ sư tâm hồn, là người làm công việc cao quý: Phản ánh, ghi chép lịch sử của dân tộc, của đất nước dưới hình thức, qua thể loại có tính đặc thù: Văn học – Nghệ thuật. Nhà văn phải là người trực tiếp tham gia cải tạo xã hội, dự báo cho dân tộc – (ngay cả cho Đảng) – những khả năng mới sẽ xẩy ra để dân tộc và Đảng điều chỉnh, hành động, đưa đất nước tiến lên… Nếu chỉ dựa và lựa ánh sáng… của Đảng để’’gặt’’ sự’’ lấp lánh’’, nhà văn đó sẽ không được xã hội – nhân dân, cần. Họ phải bằng tài năng của mình thể hiện bản lĩnh thông qua các sáng tác văn học – nghệ thuật có gía trị nhân văn – nghệ thuật đích thực. Đó mới là chức năng của nhà văn chân chính. Chỉ chờ để ’’lấp lánh’’ trong từng thời điểm, thì… Dân tộc, Xã hội (và ngay cả Đảng) – cũng sẽ không cần loại nhà văn đó!
”Những kỹ sư tâm hồn Việt Nam” cảm thấy người đứng đầu tổ chức của mình đã công khai hạ thấp nhân phẩm của họ. Theo Bùi Minh Quốc trong bài ”Vài kỷ niệm làng văn bị trói”, kể lại câu chuyện điển hình về sự ”phản ứng” của giới cần lao và trí thức Văn Nghệ Sĩ trước câu tuyên bố’’xanh rờn’’ của Tổng thư kí – Nguyễn Đình Thi:
”… Hôm sau (hôm Nguyễn Đình Thi nói trên truyền hình) tình cờ tôi gặp nhà sử học Trần Quốc Vượng. Ông Vượng cứ nhìn tôi bằng cặp mắt như thể tôi là Nguyễn Đình Thi… rồi tặc lưỡi mà bảo: Nhà văn các ông… hừ…hừ.. việc gì phải thế?

Một anh bạn tôi –
(vẫn lời kể của BMQ) – bên ngành giáo dục, nhà gần chợ Bắc Qua, kể với tôi: Có một cô gái buôn gà từ Bắc Ninh mang gà bán ở chợ Bắc Qua , thường ghé sang nhà anh xem nhờ tivi. Hôm tường thuật lễ bế mạc đại hội nhà văn cô ta cũng xem. Khi xem , nhe xong đoạn ông Nguyễn Đình Thi hùng hồn tuyên bố câu ấy (…) cô gái đã hồn nhiên bật ra một lời bình phẩm (bặm trợn, dân dã, chợ búa): Gớm, ”cậu” đéo ’’lào’’ (nào) mà ’’lịnh’’ (nịnh) thế?”.

Nguyễn Đình Thi đã để lại cho nền Văn học – Nghệ thuật nước nhà gia tài sáng tác khá đồ sộ, góp phần làm phong phú nền văn học nghệ thuật VN ở nửa sau của thế kỉ 20. Trong nhiều thập niên, ông trở thành ngội sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam. Thế mà, trong một lúc bồng bột, xúc động qúa mức… đã nói một câu khiến uy tín bị giảm sút. Điều quan trọng nhất – Ông vừa trúng cử TTK, nhiều năm giữ cương vị cao nhất của Hội Nhà văn mà theo dư luận : Hội Nhà Văn là một hội nghề nghiệp quan trọng, có uy tìn trong long nhân dân và hệ thống Văn hóa tư tưởng của đất nước. Ông Thi lại ngang nhiên hạ thấp uy danh của anh em mình, đi ’’nịnh’’ Đảng cầm quyền một cách thô thiển, trắng trợn…
Thật tiếc cho Nguyễn Đình Thi!

Tuy nhiên – vì cũng là con người như mọi con người bình thường khác – Nhà Văn cũng không thể nào tránh được những phút qúa ’’xuất thần – bốc hỏa – lên đồng’’, khi tâm can có hơi men, tâm trí đang bức xúc…
Chúng ta hãy thông cảm cho một tài năng, xem như những tật nhỏ của những người nổi tiếng. Có thể coi lời phát biểu trích dẫn trên là ’’tai nạn nghề nghiệp’’ của Nguyễn Đình Thi!.
- Chắc lúc đó ông say…rượu… chăng?…
05. 08.2008 – 10.4.2012
L.X.Q
(Rút trong tập Chân Dung và Tiểu luận tựa đề: THẰNG THẤT PHU)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét