Chị Lan không vi phạm pháp luật nên không thể bị xử phạt
FB Bùi Quang Thắng - CÔNG DÂN CẦN BIẾT VÀ GHI NHỚ NGUYÊN TẮC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CHỈ ĐƯỢC LÀM NHỮNG GÌ PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH.Trong các văn bản pháp luật chúng ta thường gặp các cụm từ ‘cơ quan nhà nước có thẩm quyền’, ‘cơ quan có thẩm quyền’, ‘người có thẩm quyền’. Chúng được dùng để chỉ các chủ thể được pháp luật trao cho những quyền hạn nhất định và trong khi thực hiện nhiệm vụ họ chỉ được sử dụng các quyền trong giới hạn được quy định đó.
Trên thực tế có những cơ quan, cá nhân đã vô tình hoặc cố ý cắt bớt 3 từ ‘có thẩm quyền’ để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Điều đó dẫn đến tình trạng lạm quyền trong thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Trở lại vụ việc của chị Lan ở Bình Dương, theo tin từ báo Dân Trí, BCĐ chống dịch TP Thuận An cho rằng chị Lan có vi phạm hành chính khi không chấp hành yêu cầu xét nghiệm của xã và sẽ bị xử phạt.
Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, tại Khoản 1, Điều 21 quy định: Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.
Tại Khoản 2, Điều 23 quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát bệnh truyền nhiễm. Cơ quan nhà nước về y tế cấp nhỏ nhất hiện nay là Phòng Y tế cấp huyện.
Và tại Khoản 7, Điều 2 quy định: Người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm là người tiếp xúc hoặc người có biểu hiện triệu chứng bệnh truyền nhiễm nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Kết hợp 3 điều luật trên chúng ta dễ dàng thấy rằng việc BCĐ chống dịch xã Vĩnh Phú yêu cầu công dân lấy mẫu xét nghiệm là trái thẩm quyền và sai về đối tượng bởi cơ quan y tế có thẩm quyền trong trường hợp này phải là Phòng Y tế TP Thuận An và chị Lan không phải người bị nghi ngờ mắc bệnh (không tiếp xúc hoặc có biểu hiện triệu chứng bệnh) nên không phải lấy mẫu xét nghiệm.
Tóm lại, BCĐ xã Vĩnh Phú đã lạm quyền và chị Lan không vi phạm pháp luật nên không thể xử phạt chị Lan được.
Từ những phân tích trên cho thấy khi mỗi người dân nắm vững nguyên tắc ‘cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định’ thì họ có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời giúp cơ quan nhà nước thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật giao cho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét