Trong thời buổi đại dịch khó khăn này, tôi lại nhớ tới câu nói thời bao cấp cả nước đói ăn của bố tôi: "Không có gì quí bằng ấm no !", hiểu nôm na là không có gì quí bằng có quần áo để mặc cho ấm, có gạo để ăn cho no. Độc lập tự do mà không có ấm no thì cũng vứt. Chính phủ không thể nhốt dân nghèo trong điều kiện thiếu lương thực thực phẩm cùng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ kéo dài nhiều tháng được. Nếu Chính phủ cứ tiếp tục không có chủ trương lo cho dân nghèo, nhất là lương thực thực phẩm, thì "cùng tất biến, biến tất thông"; sự tháo chạy của dân nghèo khỏi các đô thị để trở về quê hương là không thể ngăn cản. Trong số những người dân nghèo này, chắc chắn đã có nhiều người bị nhiễm Covid. Điều gì sẽ xảy ra khi họ về tới quê nhà và sống chung với người dân ở đó, hoặc điều gì sẽ xảy ra với những địa phương trên khắp các nẻo đường họ đi ngang khi trở về quê ? Tại sao Chính phủ không phát gạo cho dân ? Rõ ràng có gạo là không bị đói như bố tôi đã nói. Với 5 triệu người nghèo có nhu cầu hỗ trợ cứu đói trên cả nước, thì chỉ cần Chính phủ phát chẩn 50.000 tấn gạo mỗi tháng là đảm bảo mỗi người già trẻ lớn bé trung bình sẽ được 10kg gạo/tháng rồi. Việt Nam đang xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, lại vừa tặng Cuba 12 nghìn tấn, thì 50.000 tấn /tháng hay 150-200.000 tấn cho 3-4 tháng hoàn toàn không phải là vấn đề. Chỉ có vấn đề là Chính phủ có biết và có dám mở kho gạo dự trữ quốc gia phát chẩn cho dân không ? Lúa ở miền Tây đang chín đầy đồng, trái cây hái chất đống cao như núi rồi bị thối phải bỏ đi vì nông dân không được chở đi bán và không biết bán cho ai do nhà nước "ngăn sông cấm chợ" trong khi người dân thành thị đang đói thối mồm. Người dân thành thị lẫn nông thôn đều khổ mà kêu chẳng thấu tới Chính phủ, nhưng chắc chắn sẽ thấu tới trời và rồi sẽ đến ngày trời ban lệnh quả báo với những kẻ quanh năm thu tiền thuế của dân mà lại bỏ mặc dân chết đói!
Đề nghị chính phủ cứu trợ vô điều kiện người dân đang ‘tháo chạy’ vì quẫn bách
16/08/2021 Khánh An-VOA - Một số trí thức Việt Nam đang kêu gọi chính phủ phải đưa ra các giải pháp thực tế bên cạnh việc áp dụng “thiết quân luật” trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó bao gồm cứu trợ khẩn cấp vô điều kiện cho nhiều người dân đang “chết đói trước khi chết vì dịch”. “Đề nghị chính phủ có biện pháp cứu trợ khẩn cấp vô điều kiện cho đồng bào. Các nước, khi giãn cách, người dân được trợ cấp vô điều kiện từ 60%-80% lương, hoặc hơn nữa. Định hướng XHCN là đây. Không phải tìm ở đâu xa”, Tiến sĩ toán học nổi tiếng Nguyễn Ngọc Chu đưa kiến nghị trên trang Facebook, sau khi nêu ra tình trạng hàng ngàn người dân hôm 15/8 đã phải “tháo chạy” khỏi TPHCM vì không có miếng ăn sau khi có lệnh giãn cách thêm một tháng nữa.Dòng người kéo nhau về quê vào ngày 15/8/2021 sau khi TPHCM quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một tháng.
Đề nghị của ông được hàng ngàn người ủng hộ và góp thêm ý kiến, trong đó nhiều ý kiến cho rằng chính quyền phải “quyết nhanh” việc này và số tiền cứu trợ khẩn cấp phải tới tay người dân càng sớm càng tốt khi nhiều người đã “quẫn bách lắm rồi”.
“Ăn mì (gói) gần một tháng rồi”, chị Danh, một công nhân trong nhóm hàng ngàn công nhân bị buộc phải quay trở lại TPHCM sau chuyến “tháo chạy” bất thành vào ngày 15/8, nói với VOA.
Nhóm công nhân mà chị Danh đi cùng có hơn một chục người. Họ bị chặn lại khi đang đi xe máy ra khỏi thành phố theo hướng Củ Chi, Bình Dương. Lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát nói với họ rằng Huế đã không còn nhận người trở về quê nữa và TPHCM đang thực hiện Chỉ thị 16 nên họ không được ra ngoài. Hai vợ chồng chị Danh đã để lại đứa con nhỏ 1,5 tuổi ở Huế để vào TPHCM làm công nhân cho xưởng làm cây thông. Cả hai đều thất nghiệp suốt mấy tháng nay. Thu nhập không có, trợ cấp cũng không tới tay.
“Bây giờ em cũng hết tiền trong người rồi. Em cũng không biết khi nào hết dịch nữa. Mấy anh ở trọ gần có người cho 2, 3 gói mì. Hai vợ chồng đã ăn mì gần một tháng rồi. Bây giờ em cũng không biết làm sao!”, chị Danh cho biết thêm.
Tiến sĩ Mạc Văn Trang, một nhà tâm lý học hiện đang sống tại TPHCM, nói với VOA rằng người nghèo ở thành phố đang “bị kẹt giữa đôi đường” là Chỉ thị 16 và chết đói.
“Ở trên thì nói rất hay, là ‘Không để người dân nào bị đói ăn thiếu mặc’, ‘Không để người dân nào bị tụt lại phía sau’, nhưng thực tế về đến địa phương thì hỏi ra rất nhiều người không hề được trợ cấp”, TS. Mạc Văn Trang nói.
Hầu hết các công nhân mà VOA hỏi chuyện đều xác nhận thực tế này.
“Chỗ em không thấy gì hết trơn. Có ông tổ trưởng hổm ông đến mình ghi họ tên, rồi thất nghiệp ra sao đưa cho ổng, mà từ hôm giờ mà có thấy khoản tiền hỗ trợ gì đâu”, anh Cường, một công nhân làm từ nghề sắt thép cho đến phụ hồ ở Bình Chánh đã thất nghiệp nhiều tháng cho biết.
Chị Danh cũng cho hay chị đã làm đơn đăng ký xin trợ cấp ngay từ khi mới có thông báo lúc đầu nhưng từ đó đến nay không nhận được gì, hai vợ chồng nản và túng quẫn nên quyết định về quê.
Sau khi làn sóng công nhân nhập cư bị ngăn chặn và buộc phải quay trở lại TPHCM, nhiều trí thức Việt Nam tỏ ra lo ngại về những hệ luỵ xã hội khó lường khi hàng trăm ngàn người đang rơi vào tình cảnh chết đói dần.
Bên cạnh kêu gọi cứu trợ khẩn cấp, nhiều người cho rằng chính phủ phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp bên cạnh các chỉ thị, quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt, mà theo TS. Mạc Văn Trang là “không khác gì thiết quân luật”.
Ông đề nghị, trước mắt, chính phủ Việt Nam nên thực hiện ngay một trong hai giải pháp. Thứ nhất, “Tổ chức đưa người ta về địa phương, bởi vì về địa phương thì người ta ở nhà, có bà con lối xóm, về tinh thần nó thoải mái. Thứ hai là người ta có thể kiếm ăn được, sống được. Bây giờ bắt người ta quay lại đây, sống trong nhà trọ như thế, tiền thì không có làm sao người ta sống được?!".
Thứ hai, "Nếu bắt người ta ở lại đây thì chính phủ phải trợ cấp thế nào để đến từng người dân, và trợ cấp đó phải thường xuyên để thay cho thu nhập bình thường để người ta có thể sống được”.
Một ngày sau khi xảy ra làn sóng công nhân tháo chạy khỏi TPHCM, hôm 16/8, chính phủ Việt Nam tiếp tục phát đi công điện của Thủ tướng yêu cầu các địa phương “không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê” và “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế”.
TPHCM hiện là “tâm dịch” lớn nhất Việt Nam, với hơn 152.000 ca nhiễm COVID-19 trong số gần 280.000 ca trên cả nước tính đến ngày 16/8.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-c%E1%BB%A9u-tr%E1%BB%A3-v%C3%B4-%C4%91i%E1%BB%81u-ki%E1%BB%87n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%C3%A2n-%C4%91ang-th%C3%A1o-ch%E1%BA%A1y-v%C3%AC-qu%E1%BA%ABn-b%C3%A1ch/6004421.html?utm_medium=social-media&utm_campaign=post-links&utm_source=facebook&utm_content=site-links&fbclid=IwAR1IWxotZC_UvDSpJS8PBy0-g-AvOj3usAZg3fdaqpo6TV9BxdJDyoI26Lk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét