Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

PHẢI THAY ĐỔI CÁCH THỨC CHỐNG DỊCH

Tôi rất đồng tình với nhận định của bác Sơn: Hãy buông bớt những đối tượng không thực sự cần đến y tế, tập trung nhân lực, vật lực cho nhóm bệnh nhân nặng, từ phát hiện triệu chứng trở nặng, đến cải thiện khả năng tiếp cận, vận chuyển, và cứu chữa. Sẽ có rất nhiều ca chết oan, nếu lãnh đạo TPHCM, và nhà nước Việt nam cứ tiếp tục cách chống dịch hao của, tốn nhân lực, kém hiệu quả, ôm đồm những thứ không cần thiết, gây quá tải vô lí như hiện nay.
PHẢI THAY ĐỔI CÁCH THỨC CHỐNG DỊCH
FB Bs Võ Xuân Sơn - Đọc báo, thấy ông Chủ tịch UBND TPHCM nhắc đến việc lãnh đạo quận 7 “nhờ giúp vì một ca F0 đang rất nguy cấp mà gọi không có bệnh viện nào tiếp nhận. Sau đó, tôi phải gọi cho anh Bỉnh là giải quyết xong”.
Hôm qua có đọc một bản tin, nói rằng TPHCM đã có hơn 100 trường hợp tử vong do dịch, nhưng do báo cáo sao đó mà Bộ Y tế mới đưa lên có hơn 40 ca. Cũng không biết trục trặc ở đâu. Nghe nói Bộ Y tế đổ lỗi cho TPHCM báo cáo không đầy đủ các mục nên họ không công bố được.

Thế rồi lại nghe người ta nói, rằng PTT Vũ Đức Đam yêu cầu chuyển mục tiêu chống dịch sang giảm số tử vong, thay vì giảm số nhiễm như hiện nay. Không biết thực hư ra sao, nhưng 2 ngày liên tiếp, Bộ Y tế đã bỏ bản tin trưa, dù vẫn chưa tập trung vào số tử vong. Nhưng thôi, việc công bố con số chỉ là việc phụ. Việc chính là thiết kế cách thức theo dõi, vận chuyển, điều trị… để làm giảm số ca tử vong.

TPHCM không còn con đường nào khác, phải thay đổi cách thức chống dịch, phải tập trung làm giảm số tử vong. Thử hỏi có bao nhiêu ca được lãnh đạo quận quan tâm, đến mức gọi cho Thị trưởng thành phố lớn nhất nước can thiệp? Và khi ông Giám Đốc Sở Y tế can thiệp theo lệnh của ông Thị trưởng, thì ca nào sẽ bị chậm chuyện cứu chữa lại, để nhường chỗ cho ca bệnh được lãnh đạo quan tâm, được Thị trưởng can thiệp?

Hãy buông bớt những đối tượng không thực sự cần đến y tế, tập trung nhân lực, vật lực cho nhóm bệnh nhân nặng, từ phát hiện triệu chứng trở nặng, đến cải thiện khả năng tiếp cận, vận chuyển, và cứu chữa.

Tôi nghe nói có trường hợp thiếu máy thở. Tôi khá ngạc nhiên về việc này. Hơn 1 năm qua, bao nhiêu công ty tuyên bố sản xuất hàng ngàn máy thở, nơi thì bán, nơi thì tặng, số lượng toàn là ngàn với ngàn không thôi. Vậy mà máy thở đi đâu, để bây giờ, số nhiễm chưa cao, số nặng cũng chưa cao, vậy mà lại thiếu máy thở?

Thậm chí, có nơi nhân viên y tế, ngoài kêu gọi hỗ trợ máy thở, còn kêu gọi hỗ trợ Oxymeter, một phương tiện rẻ tiền, đơn giản. Bao nhiêu tiền đã tung ra cho việc truy bắt cách li F1, F2, bao nhiêu tiền dùng để ngăn sống cấm chợ, để đến nỗi không có tiền mua những vật tư y tế đơn giản và rẻ tiền như vậy?

Thông tin thiếu máy thở làm tôi nhớ đến cái thời thiếu máy thở trước đây mà tôi phải trải qua. Bác sĩ đôi khi phải đóng vai trò của Chúa, cho ai sống (gắn máy thở), và bắt ai phải chết (không cho máy thở). Vì chỉ có số lượng máy thở đáp ứng ¼, 1/5 nhu cầu. Mà cuối cùng thì ai cũng chết, vì máy thở không được khử trùng khi từ người này chuyển qua người khác, gây bội nhiễm.

So với các thành phố của các nước phát triển Âu Mỹ, số lượng nhiễm, số lượng ca trở nặng ở TPHCM còn là rất nhỏ. Bây giờ, so với khi họ bị dịch nặng, chúng ta có nhiều lợi thế hơn. Chúng ta có vaccine, nghe nói sắp có thuốc chữa. Đặc biệt, chúng ta có hơn 1 năm để chuẩn bị. Vậy mà bây giờ lại để cho thiếu thốn đủ thứ.

Nếu chuyện này xảy ra ở Lai Châu, Sơn La, hay Bình Phước, Kontum… thì nghe còn có lí. Đằng này, hệ thống y tế của TPHCM đâu có mỏng và yếu đến mức mới có khoảng 20.000 ca nhiễm (trên tổng số 10 triệu dân), mà đã để cho có thể có người chết oan do không được cứu chữa kịp thời.

Tôi cho rằng, sẽ có rất nhiều ca chết oan, nếu lãnh đạo TPHCM, và nhà nước Việt nam cứ tiếp tục cách chống dịch hao của, tốn nhân lực, kém hiệu quả, ôm đồm những thứ không cần thiết, gây quá tải vô lí như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét